Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Nhân kỉ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du - danh nhân văn hoá thế giới (1765 – 2015)





Nhân kỉ niệm 250 năm ngày sinh
Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du
- danh nhân văn hoá thế giới (1765 – 2015)

THÚC SINH TỪ BIỆT THUÝ KIỀU
                                BẢO KIM HOÀNG

“Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều” (*) là một trong những trích đoạn tả cảnh đẹp nhất không chỉ riêng trong Truyện Kiều của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, mà còn của cả văn chương cổ điển Việt Nam nhiều thế kỷ.
Mối tình của Thúc Sinh và Thuý Kiều ban đầu vốn là mối tình của một nhà buôn đã có vợ với một kỹ nữ xinh đẹp chốn thanh lâu, bề ngoài không có gì khác với những mối tình gió trăng thời ấy.
Nhưng rồi số phận, nỗi đa đoan, sự đa cảm và chiều sâu trong tâm hồn Kiều cùng sự mê đắm của Thúc Sinh đã khiến mối tình đó, trong cái hiện thực khắc nghiệt và khao khát ở thời đại Nguyễn Du Truyện Kiều, có một giá trị khác biệt.

Nếu  cảm nhận sâu hơn về thân thế Nguyễn Du - con của vợ thứ ba quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm, và người mẹ sinh ra nhà thơ vốn là một phụ nữ xuất thân từ xứ Kinh Bắc, tài hoa, nết na xinh đẹp nổi tiếng hát hay, nhưng ba mươi chín tuổi đã sớm lỉa trần, bỏ lại con trai là Nguyễn Du khi ấy mới mười một tuổi; ta sẽ hiểu vì sao Nguyễn Du lại dành cho Kiều và mối tình éo le của nàng một sự ưu ái và thương cảm sâu xa đến như vậy. Và tình yêu, mối liên tài, sự quý trọng vô bờ đối với người phụ nữ đã tạo nên vẻ đẹp kiều diễm và chất thơ đầy lãng mạn trong các Thiên diễm tình của nhân vật Kiều, mà mối tình với Thúc sinh là một.
                                                *
Trích đoạn sau miêu tả cảnh Thúc sinh từ biệt Thuý Kiều, khi Thúc sinh theo lời   Kiều, buộc phải lên đường từ Lâm Tri trở về Vô Tích để trần tình cùng vợ cả, một tiểu thư con quan lớn nhà họ Hoạn.
Bản chất đắm say trong mối tình của họ đã khiến phong cảnh và tâm hồn nhân vật thấm đẫm một nỗi buồn ly biệt:
                             “Người lên ngựa, kẻ chia bào
                   Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
                             Dặm hồng bụi cuốn chinh an
                   Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
                             Người về chiếc bóng năm canh
                   Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
                             Vầng trăng ai xẻ làm đôi
                   Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”
Không một chút tì vết của những đau thương khổ nhục khi Kiều vừa thoát khỏi lầu xanh của mụ Tú Bà; trích đoạn biểu hiện Kiều đã sống hết mình cho Thúc sinh, cho mối tình mây nước của nàng, cho ân nhân, người đã chuộc nàng ra khỏi chốn thanh lâu, đã say mê nàng và lấy nàng làm vợ. Trong mối tình đó, người đọc chỉ đọc được niềm rung động và vẻ đẹp của một trang tài tử đa tình với một giai nhân tuyệt sắc.
                             “Người lên ngựa, kẻ chia bào
                   Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”
Ta như hình dung thấy Thúc sinh vừa lên ngựa, lưu luyến không nỡ dứt, còn nàng Kiều vừa buộc phải buông áo của chàng. Cuộc chia tay diễn ra giữa một khung cảnh rừng phong thu đã trở nên đỏ rực.
Bạn đọc hẳn có thể liên tưởng tới bóng non vàng lộng lẫy trong hoàng hôn mùa thu của  một áng thơ Kiều:
                             “Long lanh đáy nước in trời
                   Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”
 Nhưng dưới con mắt của đôi trai gái chia ly thì rừng phong thu ấy đã tắt đi cái ánh vàng rực rỡ, bởi không thể không nhuốm một màu quan san tê tái, màu  của  biệt  ly, xa cách. Nơi từ biệt bên rừng phong thu cũng là nơi con đường sẽ dẫn chàng Thúc, người yêu của nàng Kiều tới Vô Tích; và Vô Tích chính là nơi về sau cả Kiều và Thúc sinh sẽ gặp nhau trong khổ đau và nước mắt. Coi như một niềm tiên cảm vậy.
                                      “Dặm hồng bụi cuốn chinh an
                             Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
Thúc sinh đi rồi, Kiều nhìn theo mãi con đường đất đỏ mà bụi hồng cuốn theo chân ngựa, và còn nhìn theo mãi, ngay cả khi hình bóng Thúc sinh đã khuất qua bao dặm đường trường.                          
Có thể khi đọc hai câu thơ trên, một bạn trẻ thời hiện đại sẽ ngạc nhiên: Có phải hai bên đường xưa người ta trồng dâu? và người ta trồng dâu xanh liền mạch với rừng phong chăng?
Có lẽ rằng không phải. Ta chỉ hiểu được phong cảnh thiên nhiên trong thiên tiểu thuyết này như là tưởng tượng; và có lẽ chính Nguyễn Du đã tưởng tượng, đã hoà màu vào bức tranh cổ điển, để dặm hồng biến thành dặm xanh, nơi con đường đã xa ngút mắt. Và như vậy là để màu xanh ngắt trở thành cõi vô cùng của biệt ly và xa cách, như hình tượng thơ được điệp lên bởi sự đánh thức trong tâm khảm cái màu xanh trùng trùng qua khúc ngâm não nề của người chinh phụ:
                             “Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
                             Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
                             Ngàn dâu xanh ngắt một màu
                             Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”
Nguyễn Du đã láy lại hình ảnh ngàn dâu trong Chinh phụ ngâm khúc nổi tiếng đương thời, để khắc đậm hơn vẻ sầu muộn, vốn là cái mỹ học sâu sắc căn bản của thơ cổ điển phương Đông, khiến không gian và tâm trạng nhân vật được nhuốm một sắc diện u buồn.
Trên cái nền tự sự của cảnh chia ly ấy, hai câu tiếp mô tả hình ảnh hai người  trong nỗi chia phôi:
                             “Người về chiếc bóng năm canh
                             Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Người về/ Kẻ đi - chừng đó diễn tả hai phương của sự xa cách, và hình ảnh chiếc bóng năm canh gợi ra một dung nhan vò võ âm thầm. Hình bóng cô đơn lặng lẽ của nàng Kiều hiện lên trong một không gian thao thức, còn ở phía bên kia, trong cùng một thời gian, hiện lên hình ảnh lẻ loi của Thúc sinh trên con đường xa muôn dặm. Bằng vào cách đó, Nguyễn Du đã diễn tả một cách thầm kín tấm thương - vốn là một bản chất rất sâu xa trong tâm hồn người đàn bà.
Nếu dừng lại ở hai câu trên, coi làm đoạn kết, thì đoạn thơ mới chỉ có ý nghĩa của chia ly và xa cách, chưa có cái sắc thái đặc biệt của tình yêu.
Nhưng cũng như những nhà thơ lớn của nhân loại - những thi sĩ đã viết nên thiên tình ca tuyệt đẹp “Tơritxtan và Izơ”,…; và cũng như Sêcxpia và Tônxtôi, Nguyễn Du đã cho trăng về làm ngời sáng cả vòm trời của đôi trai gái yêu đương, đã khiến nỗi nhớ nhung trở nên tha thiết và bất tử; đồng thời mang đến cho người đọc một hình tượng – thơ, hay vào bậc nhất, kiều diễm vào bậc nhất trong những hình tượng thơ tiếng Việt:
                             “Vầng trăng ai xẻ làm đôi
                   Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”.
Vầng trăng xẻ nửa là vầng trăng tượng lên nỗi phân ly, bị cắt chia đau đớn, không  trọn vẹn, không hạnh phúc. Nhưng vầng trăng ấy lại sáng soi vằng vặc và đầy thương cảm, nửa cho chiếc gối cô đơn thao thức của nàng Kiều, nửa cho dặm đường xa xôi vời vợi của Thúc sinh.
Riêng ngôn ngữ câu 8 có nhịp điệu 4/4 (một sự đổi nhịp kỳ diệu của câu bát trong lục bát), cộng thêm cấu trúc đối ứng (nửa… / nửa…) mieu tả khoảng cách, có giá  trị gợi nên một tương tư! Về mặt mỹ cảm, cấu trúc đó đã góp  phần  đưa ngôn ngữ thơ đạt tới một vẻ đẹp sang trọng, vượt ra ngoài lối nói nôm truyền thống.                                                                                           *
Cả đoạn thơ Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều chỉ vẻn vẹn có 8 câu lục bát, thông qua miêu tả, không trực tiếp biểu hiện nỗi lòng nhân vật. Vậy mà đã làm hiện lên cả khung cảnh, con người, cảnh  vật, tâm trạng, cùng với những diễn biến của cuộc chia ly, từ lúc bắt đầu, trông theo, trở về, … thao thức!
Nhân vật trung tâm, nhân vật - cảm xúc là Kiều.
Và  cứ hai câu lại hiện lên một bức tranh.
Bằng thiên tài của mình, Nguyễn Du đã vượt qua những thử thách, những nguyên tắc, những quy ước “thi trung hữu hoạ” khắt khe của văn chương bác học đương thời, mà  vẫn  tuân thủ nguyên lý sáng tác lấy cảnh ngụ tình, để màu sắc, ánh sáng, đường nét và vẻ đẹp ước  lệ trong những bức tranh ấy vẫn làm xao xuyến, vẫn làm thổn thức tim ta:
Bức thứ nhất Nguyễn Du lấy màu vàng nguyên pha đỏ rực – tức lấy  màu vàng đỏ u trầm lộng lẫy của rừng phong thu làm chủ đạo, để diễn tả cái khung cảnh huy hoàng tê tái của cuộc chia ly.
Bức thứ hai Nguyễn Du lấy màu xanh ngắt của ngàn dâu làm chủ đạo, diễn tả con đường xa muôn dặm (tức dặm xanh) trong cái nhìn dõi theo đầy thương xót của Kiều.
Bức thứ ba lấy không gian giãn cách, không gian khuya vắng làm chủ đạo, diễn tả nỗi âu sầu xa cách.
Bức thứ tư lấy ánh trăng - vầng trăng làm chủ đạo, diễn tả nỗi thao thức nhớ nhung.
Thời gian trong 4 bức tranh nhất quán, được xếp theo tuyến tính, phù hợp với các  lớp  lang “truyện kể” nôm và diễn biến của tâm trạng nhân vật.
Đường nét, bút pháp chấm phá cổ điển, vừa lãng mạn, vừa nên thơ.
Bộ tứ bức tranh tiễn biệt - bốn bức liên tiếp (cũng như bốn lần Kiều đánh đàn, bốn lần Kiều nhớ nhà), phản ánh cái cấu trúc mỹ học cân bằng, cái trật tự hài hoà của thẩm mỹ học cổ điển đương thời về Cái Bốn, và như ta thường thấy trong bộ bốn bức tranh Tố nữ tuyệt đẹp qua nét vẽ truyền  thống của các hoạ sĩ dân gian.
                                                *
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mô tả ba mối tình của Kiều: Kiều với Kim Trọng, Kiều với Thúc sinh, Kiều với Từ Hải. Mối tình nào cũng sét đánh, cũng si mê ngay từ lúc ban đầu, khi dưới một trời xuân lồng lộng: “Cỏ non xanh dợn chân trời”, khi thì trước nhan sắc và tiếng cầm ca, khi giữa bao  nhiêu lời truyền tụng về cặp mắt xanh cao ngạo của Kiều. Ở nơi đâu trong tuổi thanh xuân trong sáng và trong chuỗi trầm luân của cuộc đời Kiều, tình yêu cũng cứu chuộc nàng!

Trước Nguyễn Du, văn học Việt đã có những truyện Nôm khuyết danh xuất hiện từ cuối thế kỷ thứ XVII đến giữa thế kỷ thứ XVIII, ca ngợi những mối tình vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến, như “Phan Trần”, “Lâm tuyền kỳ ngộ”, “Bạch Viên, Tôn Các”,”Bích Câu kỳ ngộ”…
Là một nhà thơ lớn, Nguyễn Du đã viết về tình yêu nam nữ trong khuynh hướng nhân đạo và tự do của thời đại, như một đòi hỏi tự thân và như một nỗi khát khao chính đáng của những đôi trai gái yêu đương. Thiên tài của ông đã để lại trong Truyện Kiều những vần thơ hay nhất về những say đắm và những nỗi nhớ nhung sầu muộn của một tình yêu không trọn vẹn, lãng mạn và đầy bi kịch.
                                                *
Đoạn trích “Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều” càng trở nên vô giá, vì nó đã ghi lại được một trong những khoảnh khắc tốt đẹp nhất, quý giá nhất của cuộc đời Kiều: - khoảnh khắc được sống trong tình yêu và trong những giới hạn mong manh của tự do./.
 
          …………………………………………………………………………

(*) Tên đoạn trích được lấy theo tên các nhà nghiên cứu Truyện Kiều tự đặt trong SGK phổ thông, để tiện phân biệt với các trích đoạn khác như “Tài sắc chị em Thuý Kiều”, “Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến”, v…v.
                                                         
HÀ NỘI - ẤT MÙI 2015
                                                                                                        BKH
                                                                                (bản sửa lần cuối – tháng 9/2015)


(Đã đăng trên báo NGƯỜI HÀ NỘI SỐ 43- RA NGÀY THỨ SÁU 6/11/2015. Tr13)
                                                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét