Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

NHỚ của Đường Văn với lời bình Hoàng Dân



                                                                     Nhà giáo nhà văn Hoàng Dân

THƠ TRONG TUYỂN TẬP THƠ

Tập bản thảo tuyển tập thơ của Đường Văn có cái tên LÁ NHẶT CUỐI CHIỀU quả là “khủng” về dung lượng (281 trang A4) và “miên man” bởi các tiểu mục: Tập tọng ghép vần (bài 1 đến bài 33), Thơ xuân tản mạn (bài 34 đến bài 50), Chùm thơ viết ở Nga (bài 51 đến bài 77), Chùm thơ nhớ Trịnh (bài 78 đến bài 80), Chùm cảm tác (bài 83 đến bài 90), Khai bút Giáp Thân (bài 91 đến bài 97), Chùm thơ về nguồn (bài 98 đến bài 103), Chùm quà ông tặng cháu (bài 112 đến bài 131), Cuối chiều nhặt lá (bài 153 đến bài 155), Chùm ba vô đề (bài 156 đến bài 204), Chùm thơ xuân Giáp Ngọ (bài 288 đến bài 295) và vô số các bài thơ xen kẽ giữa các tiểu mục… 
Đường Văn bảo đây là bộ tuyển của một đời thơ, trong quá trình tự tuyển đã “hi sinh” tới 50%; nghĩa là những gì còn lại được coi là những tâm sự, thế sự, cảm xúc… của tác giả muốn được chia sẻ cùng bạn bè.
Trước Tết Nhâm Thìn (2012), Đường Văn cũng đã đưa cho tôi một tập bản thảo thơ khá dày, tôi đọc và có nhận xét thế này: “Tôi thấy chủ yếu là thơ của một cụ hưu. Theo tôi, thơ là lấy tâm trạng của mình kích hoạt tâm trạng của người khác, do đó tâm trạng trong thơ nên cố gắng mang tính điển hình, ai đọc cũng thấy có mình ở trong đó. Không nên viết trắng ra rằng đây là thơ hưu, hãy để cho bạn đọc, nếu chỉ đọc thơ mà chưa gặp tác giả thì không thể đoán được tác giả bao nhiêu tuổi!...”. Đường Văn bảo, đại ý, tôi lại muốn sự minh bạch.
Tập tuyển LÁ NHẶT CUỐI CHIỀU của Đường Văn dường như vẫn kiên định với quan niệm trên, do đó nội dung của các tiểu chủ đề khá tường minh.
Theo tôi, thơ tường minh (đơn nghĩa) thì có thể dùng để đọc chơi trong những cuộc thù tạc, còn thơ hàm ẩn (đa nghĩa) mới có thể khơi gợi trong người đọc những liên tưởng nhất định. Vì vậy, tôi chỉ xin góp vui bằng hai lời bình ngắn với hai bài thơ: NHỚ và NHỚ, QUÊN.
                                                                      Nhà giáo nhà văn Đường Văn
                                                                       
NHỚ

Đêm nay, ngồi học, bên bàn viết

Gió bấc rì rào, mưa phùn rơi
Buồn buồn, chầm chậm mùa đông tới
Những đám mây đen phủ kín trời

Bâng khuâng, tôi nhớ người con gái
Yêu vụng, thương thầm dăm tháng nay
Đã bẵng ba tuần chưa được gặp
Gặp ai, bày tỏ mối tình ngây! 
                                      10.1962

Lời bình của Hoàng Dân
Bài thơ viết năm 1962, tức là thuở còn là học trò cấp 2, mà học trò ở nông thôn những năm 60 của thế kỉ trước thì vô cùng… ngây ngô, vụng dại! Nếu không “biên tập” lại khi đã ở tuổi… hưu thì có thể nói, bài thơ này là của hiếm trong lứa tuổi con trai đang học cấp 2 thời ấy. Cứ suy từ bản thân mình ra thì bấy giờ tôi chưa thể nghĩ và viết được những câu:
Đêm nay, ngồi học, bên bàn viết
Gió bấc rì rào, mưa phùn rơi
Buồn buồn, chầm chậm mùa đông tới
Những đám mây đen phủ kín trời
Trong bốn câu này thì hai câu đầu chỉ kể, tả, không có gì đáng bàn. Câu cuối “Những đám mây đen phủ kín trời” hơi sáo, thậm chí hơi đao to búa lớn. Được nhất là câu ba “Buồn buồn, chầm chậm mùa đông tới”. Đây là câu gọi đúng tâm trạng cậu học trò đang xao xuyến với một thứ tình cảm khác giới đầu đời nhẹ nhàng, man mác. Cái vắng lạnh của mùa đông đến “chầm chậm” khiến cho cậu bé dường như cảm nhận được sự cô đơn khi phải đối diện với cái thói đa tình ở tuổi vị thành niên của mình. Xin nhắc lại, nếu đây là “câu thơ nguyên thuỷ” có từ năm 1962 thì quả là đáng ngạc nhiên lắm lắm!
Ở khổ thơ thứ hai, cậu học trò đã “tường minh hoá” tâm trạng của mình:
Bâng khuâng, tôi nhớ người con gái
Yêu vụng, thương thầm dăm tháng nay
Đã bẵng ba tuần chưa được gặp
Gặp ai, bày tỏ mối tình ngây! 
Câu đầu “thật thà” như đếm, nhưng có lẽ chính sự thật thà này dễ khiến “đối tác” động lòng thì phải? Hai câu tiếp theo đặc tả nỗi “thèm” được gặp mặt người bạn gái mà cậu học trò “yêu vụng, thương thầm”, đến nỗi mới chỉ “ba tuần” mà đã “bẵng” như cả một chuỗi thời gian dằng dặc. Yêu vụng như thế cũng kể là si mê và “đáng sợ” rồi! Câu cuối hình như chuyển sang tâm trạng tự vấn: Gặp ai, bày tỏ mối tình ngây! Có thể hiểu “ai” ở đây là “đối tác” hoặc một người bạn bất kì. Gặp ai cũng được, cốt là có người để giãi bày “mối tình ngây!”. Ngây thơ và ngây ngô, đó chính là thuộc tính của tình yêu học trò vào những năm 60 của thế kỉ trước!
NHỚ năm 1962 là nỗi nhớ có đối tượng cụ thể, còn NHỚ của năm 2014 là hoài niệm. Bài thơ là một hoài niệm đẹp.
                                                                             Tối 17.4.2014

                                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét