Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Đọc tập thơ“Ru hoa sen”, nhớ về Trần Hòa Bình.



                                                                            Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn

Đọc tập thơ“Ru hoa sen”, nhớ về Trần Hòa Bình

                                                          Nguyễn Hoàng Sơn

Trần Hòa Bình sống bằng nhuận bút từ rất sớm, chủ yếu là từ làm báo, đủ các thứ báo, trong đó lâu nhất (và có lẽ cũng nổi tiếng nhất?) là bút danh Tầm Thư kí dưới chuyên mục “Một trăm câu hỏi thường ngày” của báo Tiền phong Chủ nhật. Hồi ấy tôi đương làm biên tập báo này, một hôm bỗng được tiếp Trần Hòa Bình- vị cộng tác viên thân thiết ( có hưởng thù lao hằng tháng hẳn hoi, ngoài nhuận bút) với đủ kính trắng,tóc dài “nghệ sĩ “và vẻ mặt quan trọng: “ Trong trường em đương xét phân phối nhà, bác giúp cho mấy chữ để tác động đến…các vị có trách nhiệm!” Tôi tức cười: một bài báo “trời ơi” thì liên quan gì đến cái việc rất cụ thể và …to tiền là …phân nhà? Nhưng Trần Hòa Bình tỏ ra nghiêm chỉnh , rất…tổ chức và hơi có phần …năn nỉ? Thì viết! Tôi mở đầu cái bài báo phục vụ cho …nhu cầu nhà cửa bằng cách phác họa chân dung ông cộng tác viên số 1 của Tiền phong bấy giờ “Xét về ngoại hình, Trần Hòa Bình giống một nhà báo hơn là nhà giáo (ít ra cũng là trong quan niệm của một số người). Tóc dài, kính cận ( thường khi lại vỡ mắt), y trang xộc xệch, ngôn ngữ xô bồ…Nhất là cái điệu bộ khi đến các Tòa soạn gửi bài, hỏi bài và …lấy nhuận bút! Trần Hòa Bình kể: “Tôi ở tít tận Cầu Giấy nên thỉnh thoảng cho con gái Hà Trang vào…Hà Nội chơi. Trước khi “bát phố”cần phải ghé qua tòa soạn này tòa soạn nọ để lấy nhuận bút giải quyết “kinh phí” cho cuộc rong chơi. Hà Trang đang tuổi mẫu giáo nhưng đã rất tinh ý. Nếu thấy bố quay ra với vẻ mặt rạng rỡ là cháu biết tha hồ vòi vĩnh nọ kia. Còn nếu ngược lại, Hà Trang cũng có bộ mặt để…chia buồn với bố!” Anh cười buồn, giải thích thêm :”Tôi viết báo để kiếm sống!” (Bài viết ngày 9/11/1991, đăng báo TPCN ít ngày sau đó). Nghe nói cũng trong năm ấy Trần Hòa Bình được “phân” nhà, không hiểu bài báo trên TP có “giúp rập” được chút nào không? Có điều hơi lạ là ông cộng tác viên của rất nhiều báo với hàng ngàn bài viết đủ thể loại, họa sĩ vẽ tranh châm biếm và hài hước khá quen thuộc với bút danh Binh Phủ Quảng…lại có thái độ…kính cẩn có vẻ hơi…quá đáng với thơ ca? Sinh thời anh chưa in riêng tập thơ nào, và  “ Ru hoa sen” –xuất bản sau cái chết khá bất ngờ của anh, lại do những người sau lo liệu với những dòng chữ ( như đề từ) khá bùi ngùi ở trang 4 Trần Hòa Bình đã từng nói: Khi in tập thơ, tôi chỉ chọn in 99 bài và 99 cuốn…Không đủ. Mọi người bảo không đủ tặng đâu. Hôm nay, gia đình bạn bè, học trò in đủ 999 cuốn…Nhiều như nỗi nhớ Bình ơi!”
                                                                  Nhà thơ Trần Hòa Bình

Tôi đã đọc kĩ tập “ Ru hoa sen” của Trần Hòa Bình do PGS Văn Giá gửi. Đọc tới 4-5 lượt, vì không muốn những tình cảm riêng giữa mình và người viết đã quá cố sẽ làm sai lệch những cảm nhận. Trần Hòa Bình, lúc sinh thời, được mọi người  biết đến đầu tiên và khá nổi tiếng với những bài thơ về mùa thu. Mùa thu xứ Bắc, với nắng vàng tươi, trong trẻo, mát mẻ và …ngắn ngủi, như một sự tình cờ may mắn? Bài “ Thêm một”  có mặt trong nhiều tuyển tập, mở đầu bằng cảnh thu:
Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa thu
Thêm một tiếng chim gù
Thành ban mai tinh khiết…

Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một- lắm điều hay
Nhưng mà tôi cũng biết
Thêm một-phiền toái thay

Bài thơ này ( viết năm 1985) không buồn, chỉ có vẻ hơi “kiêu kiêu” của con người tài hoa và …đào hoa Trần Hòa Bình? Trước đó, bài thơ “Mùa thu ở ngoại thành” (1980) cũng vậy. Cảnh thu thật trong sáng, như tâm hồn nhà thơ tuổi 25 :
Bất chợt mùa thu bên mạn bắc
Đò Chèm đổ khách giữa xanh trong
Thu quá dịu dàng hai dải đất
Để mình vô cớ nỗi trông mong
…Trời xanh trên tóc như cầm được
Thu mãi hồn nhiên với tuổi mình
 Mùa xây dựng đến, mùa thu đến
Trong vắt bài thơ ở ngoại thành.
Hình như trong những thời khắc khỏe mạnh nhất, tỉnh táo nhất, Trần Hòa Bình cố gắng hướng về những mảng chính, mảng lớn của cuộc đời sôi động? Như bài “Bút kí Hải Phòng” (1977) chẳng hạn. Với cái thành phố đầy “chất thợ” và chất thơ, Trần Hòa Bình tự nhận một cách trơn tru, hồn nhiên:
Tôi không là du khách. Với nơi đây
Tâm hồn tôi đã ngập tràn gió thổi
Giọng nói tôi có phần khô vì bụi
Lưng áo đẫm mồ hôi cái nắng dốc cầu Quay
Có thể cười nói được ngay
Trước những người bạn lạ.
Trong “Trò chuyện với trái bàng mùa hạ (?) anh tự đặt mình vào vai người thợ trẻ chưa đủ thời gian để quên đi những kỉ niệm tuổi thơ:
Chiều nay, sao mắt ai nhìn tôi cũng ánh lên thân thiết
Có phải mọi người đều biết
Trong túi áo bết dầu của tôi, người thợ trẻ
Có những trái bàng
Thở mãi không thôi…
Rồi những công nhân cầu đường ở một phố nhỏ nào đó của Hà Bắc (cũ) hẳn rất cảm động và ấm lòng khi nhớ tới một người làm thơ tình cờ đã thức trong đêm của họ và kịp ghi lại:
Bữa cơm chiều thêm món cá kho cay
Bạn bắt được khi mở vòm cống nổi
Cơm bốc khói áo quần bốc khói
Đã dễ gì gặp một bữa ngon hơn! (bài Đêm ngủ ở phố Nếnh, 2/6/1978)
Trần Hòa Bình có một vẻ ngoài dễ đánh lừa những ai mới gặp, như anh đã tự phác họa rất chuẩn:
Con đã khác xưa rồi, thưa mẹ
Tóc lút vai, dáng ngổ ngáo, bất cần
Con đi giữa bạn bè, mơ toàn nghiệp lớn
Chẳng thấy ai nhắc quê xứ nhọc nhằn…( Cảm ơn cây duối hoa vàng- 1989, tác giả bài viết, NHS ,nhấn mạnh câu thơ thứ hai). Thật ra, Trần Hòa Bình là một tâm hồn yếu đuối, dễ bị tổn thương. Hơn một lần (có lẽ là nhiều lần?), con người ấy đã “khóc” trong thơ:
Con chưa đủ lớn để nhấp một li rượu đắng
Cho vui buồn đêm nay
Con vô tư trong giấc ngủ say
Và bố thì bật khóc…(12h kém 5 đêm 17-3-1992-bài Tự thuật- Cho con gái Hà Trang). Không chỉ khóc trong nhà mình, lúc đêm hôm khuya khoắt, ngay cả trên đường đi công tác, người cha cô đơn cũng bật khóc:
Cha đi qua đồi cọ
Gặp những em bé  Tày
Tan lớp vể không ai đưa dẫn
Cha khóc trong phút giây hiu quạnh
Thương giọng con vẫn hát vang nhà
“Cọ xòe ô che nắng…” ( bài Viết thêm về cọ cũng Cho con gái Hà Trang, Yên Bái- Hà Nội, 6-7-1991). Có lần, nhà thơ đã khóc ngay từ khi đặt tít, hình như không che dấu nổi sự đau khổ :
Cho ta khóc một lần bên dòng Lô, xin lỗi
Khóc thầm thôi, sông đừng kể chuyện này
Sớm mai ta lại về chốn cũ
Gửi lại ngôi sao xanh mối tình lặng lưu đày ( bài Khóc bên bờ sông Lô)
Cũng có khi, không có từ khóc nào, nhưng tôi tin là đã có nước mắt trong những câu thơ này:
Quỳ bên đóa hoa phiêu lãng
 Xa rồi
Những điều lẽ ra ta hiểu
Cúi mặt trên hai bàn tay
Mất rồi
Những điều lẽ ra ta có…(bài Thơ chiều, 9/1992)
Có lẽ, Trần Hòa Bình là “ngôi sao cô đơn” nhưng thất bại trong tình yêu? Yêu nhiều, được yêu cũng nhiều, nhưng cuối cùng vẫn cô đơn, cô đơn cả khi nhắm mắt? Hay bản chất của tình yêu, của con người là vậy? Điều đáng nói là, mặc dù thất bại, Trần Hòa Bình là người luôn luôn trân trọng người mình từng yêu, đã yêu. Mối tình nào trong thơ anh,( nhất là những bài cuối đời?), đều buồn, có bài rất buồn:
Những buổi chiều mây xám
Không ai cần ai như những ngày xưa
Thành phố nói cười ngơ ngẩn
Lòng ta trấn thủ lưu đồn

Muốn gọi mưa gọi nắng trở về
Muốn gọi tên một người thiếu nữ
Nhưng chỉ thấy mây chiều ngái ngủ
Trong tiếng thở dài thăm thẳm rừng xa…(bài Những chiều)
Nhưng tất cả đều là nỗi buồn trong sạch, như thương cảm cho cả kiếp người, không oán hận, không độc ác:
…Cớ sao mắt em buồn như đêm mưa xứ đồi
Chỉ mình anh nhận thấy?
Sớm mai ra là góc biển chân trời
Chúng mình xa nhau mãi mãi
Đưa tiễn một thời con gái
Mưa bây giờ lùa ướt tóc anh…(bài Mai em về nhà chồng , 3giờ sáng 19-6-1990)

…Tôi đã đọc đi đọc lại tập thơ của Trần Hòa Bình, vừa đọc vừa nhớ về anh với những kí ức  khá là rời rạc, Dù công việc gắn bó với nhau nhiều năm, nhưng có lẽ do lứa tuổi, do tính cách…chúng tôi khó có thể là những người bạn thân tuy vẫn  trân trọng lẫn nhau? Nhưng tôi tin vào kí ức và cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- một nhà thơ đồng lứa với anh, “đồng quận” với tôi- trong một lần Trần Hòa Bình đến thăm : “Ngày ấy, thị xã Hà Đông còn quá nhỏ bé và yên tĩnh. Con đường chạy vào nhà tôi vắng lặng và rợp bóng những cây nhãn cổ thụ thẫm tối khi sang thu. Từ ô cửa sổ căn phòng ngôi  nhà  nhỏ bé của mình, tôi nhìn thấy ông từ xa. Một thoáng cô đơn lướt dọc con đường ấy, một thoáng mênh mang xa lắc, một sự câm lặng của cái đầu cúi xuống, một khoảnh khắc buồn bã trong bước đi. Chỉ một thoáng rồi tan biến…”. Cái tít của  bài giới thiệu đọc rất rõ  cái “chất” của hồn thơ Trần Hòa Bình “ Như những ngọn gió sang thu”!. Phải, mùa thu xứ Bắc thường rất ngắn, nhưng thật đẹp, như một thoáng tình cờ mà không dễ quên…
25/6/2015
N.H.S









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét