Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Vũ Nho trả lời phỏng vấn trên báo Điện tử TỔ QUỐC

Sai lầm nghiêm trọng khi coi văn mẫu là “mẫu mực”
 
(Toquoc)- Văn mẫu, áp lực điểm số… là những vấn đề được quan tâm và nhắc đến nhiều trong những năm gần đây. Phải chăng những bất cập trong việc dạy và học văn hiện nay không đáng lo ngại như chúng ta vẫn tưởng? Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, nhà văn, PGS.TS Vũ Nho đã dành cho Báo điện tử Tổ Quốc cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Nhà văn, PGS.TS Vũ Nho
PV: Thưa ông, là một người làm văn chương lại có thời gian gắn bó với công việc chỉ đạo chuyên môn của Bộ Giáo dục, xin hỏi ông quan niệm và nhìn nhận như thế nào về văn mẫu?
PGS.TS Vũ Nho: Trong giáo dục việc hình thành các kĩ năng cho người học thường có việc trực quan, làm theo mẫu rồi sau đó sáng tạo. Các ví dụ làm mẫu không phải chỉ có ở môn Ngữ văn. Bài văn mẫu là một trong các “ví dụ” để học sinh quan sát, phân tích, bắt chước. Song không thể có bài văn mẫu mực. Càng không thể coi một bài văn là chuẩn, để rồi khi học sinh viết không giống thì đánh giá là kém hoặc coi là sai. Tôi thấy có một số sách đề là Văn mẫu. Sách do các thầy cô giáo viết để học sinh tham khảo. Đứng về góc độ sư phạm, nếu thầy giỏi, bài viết hay học sinh đọc cũng sẽ có ích. Cũng có các bài viết hay của các em học sinh khá, giỏi được chọn vào sách. Vì là cùng trình độ, cùng lứa tuổi, nên học sinh dễ dàng học tập. Mẫu là cần cho dạy học. Song không nên dùng bài viết dù hay đến mấy để làm mẫu, để yêu cầu học sinh viết theo. Như thế là phản khoa học, không có tính giáo dục. Bởi vì tập làm văn là sự tập sáng tạo của học sinh. Nếu các em “rập khuôn” theo văn mẫu thì chỉ có những sản phẩm giả, giống nhau y chang.
PV: Vậy tại sao cách đây mấy chục năm tình trạng “văn mẫu” không trở thành “công thức văn học” như hiện nay ạ?
PGS.TS Vũ Nho: Trước đây, vẫn có các bài thi học sinh giỏi văn quốc gia Trung học phổ thông và Trung học cơ sở được in thành sách cho các thầy cô giáo và các em học sinh tham khảo. Nhưng mọi người không quan niệm đó là văn mẫu. Tôi biết trong vòng hơn chục năm lại đây, các sách văn mẫu xuất hiện nhiều. Học sinh cần sách để tham khảo. Vì thế có cầu thì sẽ có cung. Vấn đề là người thầy sử dụng và hướng dẫn học sinh sử dụng sách như thế nào cho hiệu quả. Nếu coi “văn mẫu” là mẫu mực, là thước đo việc tập làm văn của học sinh thì thật là một sai lầm nghiêm trọng. Tôi tin tưởng rằng đa số các thầy cô giáo không làm như vậy. Lấy “văn mẫu” là “công thức văn học” chỉ xảy ra với những giáo viên yếu kém và không đủ bản lĩnh sư phạm mà thôi.
PV: Hiện nay ở các cấp học khá coi trọng kết quả của từng năm học với mục đích là để học sinh học đều. Nhưng như vậy thì lại gây ra áp lực điểm số, nhất là với môn văn. Vì rằng có một thực tế là làm theo mẫu mới được điểm cao, còn tự sáng tạo thì điểm khó cao. Vậy thì theo ông làm thế nào để điểm số không còn là mối bận tâm với học sinh học văn?

PGS.TS Vũ Nho: Vấn đề áp lực điểm số thì lúc nào, thời nào cũng có đối với người học. Người ta đã nghĩ đến việc với một số môn, chỉ cần đánh giá đạt và chưa đạt. Và cũng đang có xu hướng tích hợp một số môn lại để học sinh không phải học nhiều môn. Việc học đều các môn ở phổ thông là một yêu cầu bình thường, nhưng học sinh vẫn có thể đầu tư vào các môn học theo hướng thi đại học. Tôi không cho rằng có thực tế làm theo mẫu được điểm cao, còn sáng tạo thì bị điểm thấp hoặc không cao. Bạn muốn có một kết luận như thế, phải khảo sát và điều tra cẩn thận. Nếu học sinh không được đánh giá bằng điểm số hoặc không cần quan tâm đến điểm số thì thật khó cho người dạy vô cùng. Tôi không thể đưa ra một giải pháp nào cho học sinh không quan tâm đến điểm số. Điểm số chính xác, kèm với những lời nhận xét chu đáo, thuyết phục sẽ giúp cho học sinh tiến bộ nhiều trong học tập.  
PV: Liệu có thể có một sự dung hòa lý tưởng giữa “văn mẫu + sự sáng tạo + điểm số cao” không thưa PGS.TS, nhà văn Vũ Nho? Hay là chúng ta phải bắt buộc “lựa chọn” hoặc được cái này mất cái kia?
PGS.TS Vũ Nho: Tôi đã trả lời về quan niệm “văn mẫu” ở trên. Các bài văn dù thầy cô rất giỏi viết ra, dù các em học sinh giỏi viết ra, chỉ để cho các em khác tham khảo, học tập cách lập luận, cách trình bày. Không thể lấy đó làm khuôn. Các bài văn là của mỗi học sinh viết ra. Ví dụ tả người mẹ. Mẹ em A khuôn mặt trái xoan, tóc dài; mẹ em B khuôn mặt tròn, tóc ngắn; mẹ em C khuôn mặt búp sen, tóc uốn xoăn… Làm sao ba em lại có thể tả mẹ mình như một người mẹ được tả trong văn mẫu? Tôi không thấy người thầy cô đứng đắn nào lại xem thường sự sáng tạo của học sinh cả. Nếu có thì chỉ là số ít giáo viên yếu kém. Bởi thế tôi không cho rằng có sự bắt buộc lựa chọn nào ở đây cả. Sự dung hòa mà ai đó tạo ra giữa ba yếu tố trên là một sự dung hòa giả tạo.
PV: Có ý kiến cho rằng, hiện nay môn văn trong nhà trường không còn tạo ra hứng thú cho học sinh có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân không phải do văn mẫu mà một phần là do áp lực “điểm số”, cha mẹ muốn con điểm cao để thấy không thua bạn kém bè; giáo viên, nhà trường muốn học sinh điểm cao để có thành tích, đạt mục tiêu đề ra, học sinh muốn điểm cao để sổ học bạ “đẹp”, được cộng điểm khi chuyển cấp… Ý kiến của ông như thế nào?
PGS.TS Vũ Nho: Tôi không bao giờ cho rằng áp lực điểm số lại làm cho học sinh không hứng thú. Những giáo viên lành nghề bao giờ cũng biết tạo cho học sinh niềm say mê, hứng thú với môn học. Tôi đã đi hầu hết các tỉnh thành và dự rất nhiều giờ văn của đồng nghiệp. Những giờ của giáo viên giỏi thì khỏi phải nói. Chính tôi cũng hứng thú không kém các em học sinh. Ngay những giáo viên trung bình hay trung bình khá thôi, giờ dạy của họ vẫn đem cho học sinh sự hứng thú với kiến thức mới, hứng thú với nghệ thuật sư phạm của thầy cô. Việc cho điểm cao để học sinh có học bạ đẹp là việc của các thầy cô giáo. Nhưng nếu học sinh không sáng tạo, học sinh không hứng thú mà vẫn có điểm cao thì giáo viên sẽ tự gây khó cho mình. Ý kiến của ai đó cho rằng áp lực điểm số làm cho học sinh không hứng thú môn Văn là một ý kiến chủ quan và phiến diện.

Bài kiểm tra gây tranh cãi được chia sẻ trên mạng (ảnh: Internet)
PV: Thưa ông, báo chí từng xôn xao hiện tượng bài văn duy nhất đạt điểm 10 trong kỳ thi đại học giống văn mẫu, hay phần kết bài của học sinh thường hay có cụm từ “em rất yêu…”, “em sẽ học tập”, hoặc những chuyện dở khóc dở cười của học sinh xung quanh môn văn và mới đây nhất báo chí cũng nhắc đến một bài văn bị điểm 0 ở phần mở bài vì mở bài “theo cách riêng”. Vậy phải chăng những gì “xôn xao” kia chỉ là “hiện tượng” nhỏ lẻ?
PGS.TS Vũ Nho: Tôi có đọc bài văn đó. Báo chí xôn xao thì cứ xôn xao thôi. Cũng có nhiều người bình luận là giống văn mẫu. Nhưng cá nhân tôi thấy rằng sự khe khắt của các ý kiến là không công bằng. Nên nhớ là bài văn đó được học sinh viết trong phòng thi, với thời gian hạn định. Em nhớ được nội dung bài viết mẫu, thậm chí thuộc lòng đi nữa, mà viết được như thế là quá giỏi. Mà học sinh thì phải thi nhiều môn chứ đâu có riêng một môn Văn. Chúng ta đòi sáng tạo, khi sáng tạo ra bài viết của riêng mình, em học sinh đã vận dụng những hiểu biết của “văn mẫu” viết được bài văn như thế là sáng tạo rồi. Tôi thực sự khâm phục em học sinh đó.
Học sinh viết kết bài công thức như thế theo tôi có phần lỗi của người thầy khi dạy học.
Bài văn được điểm không thì tôi thấy không rõ ràng. Điểm không rõ. Mà ở dưới đó lại có điểm 2.
Tôi không bình luận về chuyện vị phụ huynh đưa bài như vậy. Phải chăng vì bức xúc hay muốn “câu viu” (view).
PV: Nhà văn nói mình từng đi hầu hết các tỉnh thành và dự rất nhiều giờ văn của đồng nghiệp và theo ông ngay cả giáo viên trung bình thì giờ dạy của họ vẫn đem cho học sinh sự hứng thú với kiến thức mới và hứng thú với nghệ thuật sư phạm. Nhưng nhà văn có nghĩ rằng bởi vì các tiết học được báo trước “dự giờ” thì học sinh và giáo viên đã có sự chuẩn bị rất chu đáo và rất khác với tiết học thông thường chỉ có cô và trò không ạ?
PGS.TS Vũ Nho: Có tiết dạy được chuẩn bị trước, nhưng cũng có tiết dạy được kiểm tra đột xuất. Khi đoàn công tác xuống trường, chúng tôi xem thời khóa biểu, xem tên bài dạy và đề nghị dự giờ. Những người giáo viên yêu nghề, tự trọng thì giờ dạy bao giờ cũng chuẩn bị chu đáo. Có hay không kiểm tra cũng vậy thôi. Bạn nên biết rằng, ngay cả người lãnh đạo nhà trường cũng không thể dự được phần lớn giờ dạy của giáo viên. Nếu có người luôn luôn làm việc với tinh thần đối phó thì kết quả sẽ rất tồi. Tôi luôn tin tưởng vào đa số giáo viên yêu nghề, tận tụy với công việc và với học sinh. Chính những người đó đã âm thầm làm việc và cống hiến. Học sinh không thích học môn Văn là không thích học giờ của giáo viên yếu kém. Tôi chưa thấy các em không thích học giờ của các thầy cô giỏi hay chỉ được đánh giá là khá chuyên môn.
- Xin cảm ơn ông!
Hà Anh (thực hiện)
                          

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác VN đã chia sẻ. Em xin góp bàn một chút nhé. Thứ nhất: Việc hiện nay xuất hiện nhiều sách "Văn mẫu", theo em có lẽ do một ai đó lợi dụng con đường phát hành sách trong ngành GD để kiếm lời (Được nhiều đấy ạ), hoặc rao bán trong các đại lý, làm cho hs mua nhầm. Giáo viên nói chung, nhất là GV văn, chẳng bao giờ cần điều đó. Nếu cần tham khảo thì 01 quyển là quá đủ, làm gì có thời gian đọc nhiều. Phụ huynh và các cháu hs cũng không thích loạn sách " văn mẫu " như thế. Nhà nước thì tất nhiên không thích rồi...Nhưng tất cả cứ đứng nhìn và không làm gì hết. Thứ 2: Em thấy các ý phân tích trả lời ở trên rất đúng. Ý kiến trả lời cuối cùng thì rõ quá. Những tiết bị dự đột xuất mà GV không lúng túng, hs bình tĩnh học bài, tiết ấy có thể xếp loại TB thì đã rất yên tâm, loại khá thì đáng mừng. Có nhiều kiểu dự đột xuất: Ban GH dự đột xuất, chuyên viên Phòng, Sở dự đột xuất, đoàn thanh tra dự đột xuất, và còn nữa...Một trong những biên pháp quản lý chuyên môn của các trường, của cả ngành GD đó là Đột xuất, hoặc Ngẫu nhiên. Cách quản lý này kết hợp với kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch, tạo thành bài bản quản lý rất chặt chẽ, có hiệu quả của ngành GD. Điều này những người "ngoại đạo" khó mà hình dung nổi. Bên cạnh yếu tố tâm huyết, hết lòng vì hs, và sự tự giác của GV, thì vẫn phải thủ sẵn " ngọn roi " kiểm tra đột xuất. 30 năm em đã liên tục làm quản lý chuyên môn, và...hì hì, bác VN ạ, bây giờ mới em mới tâm sự với bác đây: Mặc dù rất tin, rất yêu quý GV của mình nhưng em không bao giờ buông lỏng cái "roi " ấy. Em rất băn khoăn thấy nhiều người không hiểu kỹ về ngành GD, họ qui nhiều lỗi không đáng cho GD và cho GV. Tất nhiên ngành và các thầy cô cũng còn có lỗi ở mặt này, mặt khác. Nhưng thử hỏi vận hành một cỗ máy khổng lồ như ngành GD với hàng vạn GV, hàng chục triệu hs...lại trong hoàn cảnh xã hội chưa khá giả, đất nước đang trên con đường đổi mới, hội nhập...thì làm sao cầu toàn cho được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh Lai đã bình luận thẳng thắn. Tôi đồng ý với anh về biện pháp quản lí. Nhưng chúng ta phải công nhận rằng những giáo viên có năng lực và tự trọng, họ không bao giờ dạy học kiểu đối phó. Kiểm tra hay không với họ không quan trọng bằng học sinh có thích học hay không, tiết học có thành công hay không. Dĩ nhiên, cũng phải thấy rằng con người ai cũng thích chơi, thích nghỉ. Bên cạnh yếu tố tự giác, cần có yếu tố bắt buộc. Yếu tố bắt buộc giúp cho yếu tố tự giác cao hơn. Cái roi kiểm tra đột xuất hay thường kì của nhà quản lí là cần thiết. Nhưng cũng chỉ là phần ngọn. Khi người thầy không tự giác, lười biếng thì chả có roi nào giúp được họ. Nhiều người cứ trách giáo viên thế này, thế khác. Họ không biết rằng với đồng lương như vậy và đãi ngộ như vậy, các thầy cô thật đáng khâm phục!

      Xóa