TUYỂN TẬP VĂN
XUÔI, THƠ HẢI DƯƠNG 1945-2005
VÀ NHỮNG CÂY
BÚT NỮ CỦA VĂN HỌC
HẢI DƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI
Nguyễn Thị Lan
Lần đầu
tiên, những người yêu văn chương của Hải Dương và cả nước được tiếp xúc với văn
thơ xứ Đông qua hai tuyển tập lớn: “Tuyển tập văn xuôi Hải Dương 1945-2005” và
“Tuyển tập thơ Hải Dương 1945-2005”.
Sang trọng
và trĩu nặng trên tay, đó là cảm giác đầu tiên của những ai khi cầm cuốn sách.
Hai tuyển tập gồm ngót một nghìn trang khổ lớn (16x24cm), giấy đẹp, in ấn trang
nhã, trình bày thoáng đẹp tương xứng với nội dung được tuyển chọn công phu.
Nếu so sánh với tuyển tập của các tỉnh đã xuất bản trên cả nước thì tuyển tập
văn xuôi và thơ Hải Dương không kém bề thế và có một nét riêng không pha lẫn
với những vùng miền khác.
Với một
lượng tác phẩm khá lớn bao gồm 313 bài thơ, 54 truyện ký, lý luận phê bình của
gần một trăm tác giả, tuyển tập đã kết tinh những thành tựu tiêu biểu của một
giai đoạn lịch sử và của từng tác giả, những người đã gắn bó với quê hương Hải
Dương - một vùng đất văn hiến, hội tụ nền văn minh lúa nước của vùng châu thổ
sông Hồng.
Người đọc
có thế thấy ở tuyển tập những tên tuổi quen thuộc với độc giả cả nước hơn nửa
thế kỷ qua. Hầu hết trong số họ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Anh Thơ, Thâm
Tâm, Hoàng Lộc, Phù Thăng, Hoàng Quốc Hải, Mai Vui, Tô Đức Chiêu, Trần Nhuận
Minh, Trần Hoài Dương, Phạm Đức, Triệu Nguyễn, Đặng Văn Sinh, Đỗ Thị Hiền Hòa,
Hà Cừ, Trần Đăng Khoa, Thùy Dương…
Trên cái
“nền” vững chắc đó, đội ngũ những nhà văn nữ Hải Dương đã gây được ấn tượng khá
tốt đẹp trong lòng độc giả.
Không còn
nghi ngờ gì nữa, các cây bút nữ đã và đang có vị trí quan trọng trong đội ngũ
những người viết văn, làm thơ của văn học Hải Dương thời kỳ đương đại.
Ngay từ
những năm 70, 80 của thế kỷ trước, Hải Dương đã có những nhà văn nhà thơ được
độc giả yêu mến đó là: Đỗ Thị Hiền Hòa, Nguyễn Thị Bích và Thùy Dương.
Đỗ Thị Hiền
Hòa thuộc lớp nhà văn trưởng thành sau những năm chống Mỹ cứu nước. Chị được
học tại trường viết văn Nguyễn Du khóa đầu tiên (1979-1982). Sau này những học
viên của khoá đó nhiều người đã “thành danh” được độc giả cả nước mến mộ: Hữu
Thỉnh, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Khắc Trường, Dương
Thu Hương, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Ngô Kim Cúc… Đỗ Thị Hiền Hòa cũng là nhà
văn đầu tiên của Hội Văn Nghệ Hải Dương được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam
(1999).
Được độc
giả biết đến từ truyện ngắn đầu tay (“Phương” 1976) đến nay chị đã cho xuất bản
bốn tập truyện ngắn, hai tập tiểu thuyết và một truyện vừa.
Với cương
vị phó chủ tịch Hội kiêm phó Tổng biên tập rồi Tổng biên tập “Tạp chí Côn Sơn”,
Đỗ Thị Hiền Hòa như một người “chị cả” đã có công bồi dưỡng, dìu dắt nhiều cây
bút trẻ của văn học Hải Dương đương đại.
Nguyễn Thị
Bích bằng tuổi Đỗ Thị Hiền Hòa (cùng sinh năm 1950). Từ tập thơ đầu tiên in năm
1990 đến nay chị đã cho xuất bản chín tập thơ và trường ca. Nữ thi sĩ “ba nhất”
này (nhiều tuổi nhất, in thơ nhiều nhất, được độc giả Hải Dương biết nhiều
nhất) đến nay đã bước sang tuổi lục tuần nhưng thơ chị vẫn “trẻ” và nguồn thơ
của chị chưa hề vơi cạn.
Trong số
những nhà văn lớp trước, Thùy Dương trẻ hơn cả. Khởi đầu văn nghiệp bằng những
truyện viết cho thiếu nhi khá hay, từ những năm 80 Thùy Dương chuyển sang viết
cho người lớn. Đến nay Thùy Dương đã cho in năm tập truyện ngắn, hai tập truyện
viết cho thiếu nhi và hai tập tiểu thuyết. Là học viên khóa IV trường viết văn
Nguyễn Du, năm 2001 Thùy Dương được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Nữ tác
giả này để lại ấn tượng trong lòng người đọc về một phụ nữ sắc sảo, tài hoa.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Trần Đăng Khoa đã dí dỏm nhận xét về cây bút
này: “Sống hiền nhưng viết rất “quái”. (Chữ “quái” nên hiểu là một lời tán
thưởng của thần đồng thi ca này).
Có sớm quá
không khi nói rằng thời kỳ hưng thịnh của người đẹp viết văn Hải Dương đã đến?
Trong
khoảng mười năm trở lại đây bạn đọc thấy cả một dàn “đồng ca” những cái tên:
Thùy Linh, Huệ Văn, Lam Điền, Nguyễn Thị Việt Nga, Nguyễn Hải Vân, Thương
Huyền, Thi Nguyên, Vũ Tuyết Mây và Nguyễn Thị Lan…
Hầu hết họ
đều là những cô giáo hoặc đã từng là cô giáo. Giảng đường Sư phạm là nơi bắt
nguồn dòng chảy văn chương của họ.
Trừ cây bút
phê bình Nguyễn Thị Lan sắp qua tuổi ngũ tuần, tất cả đều trẻ, tuổi đời trên
dưới bốn mươi. Có cảm giác ở Hải Dương tuổi bốn mươi là tuổi thanh xuân của các
nhà văn nữ. Đến tuổi bốn mươi với họ “lập văn” là đúng độ. Đến tuổi ấy họ nói
được mình, nói được cho người và người đọc có thể tin cậy ở họ. Những nhà văn
nữ này thực sự là một trong những cây bút chủ lực của Tạp chí Văn nghệ Hải
Dương. Điểm mạnh của những cây bút này là trình độ học vấn, năng lực thẩm mỹ,
bút lực dồi dào. Văn chương của họ cuốn hút ở những chuyện đời chân thực nóng
bỏng, ở sự hồn nhiên trẻ trung sôi động. Văn phong của họ mềm mại, ngọt ngào nữ
tính.
Trong sự nỗ
lực chia sẻ với thế giới, mỗi ngưòi trong số họ đã ít nhiều để lại ấn tượng
trong lòng người đọc: một Thùy Linh với những dòng thơ đằm thắm, mượt mà, một
Huệ Văn với những trang văn xuôi gọn, đẹp và sâu; một thi sĩ Lam Điền góc cạnh,
sắc sảo, quyết liệt; một Hải Vân với những truyện viết cho thiếu nhi trong
trẻo, hồn hậu, giàu chất nhân văn; một Thương Huyền giản dị, hoạt và sinh động
trong những trang viết về nông thôn; một thi sĩ Thi Nguyên mới mẻ trong cách
cảm và sắp xếp ngôn từ; một Tuyết Mây hồn hậu, giàu yêu thương, sẻ chia trong
truyện và ký và một Nguyễn Thị Lan với những bài bình luận văn chương mềm mại,
sâu lắng, giàu trắc ẩn.
Giữa dàn
“đồng ca” đa thanh ấy Nguyễn Thị Việt Nga nổi lên như một cây bút
tiêu biểu. Được phát hiện qua các cuộc vận động sáng tác, các cuộc thi văn học,
đến nay Việt Nga đã được độc giả trong và ngoài tỉnh biết đến. Cây bút trẻ này
đã thử sức ở các thể loại thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết và ở thể loại nào Việt
Nga cũng gặt hái được những thành công bước đầu. Những giải thưởng lớn nhỏ mà
Việt Nga đã nhận được chứng tỏ cô là một cây bút trẻ sớm được khẳng định. Viết
khá đều và khỏe đến nay cô đã có hàng chục đầu sách. Văn viết hồn nhiên, trẻ
trung, sinh động đó là mặt mạnh của cây bút này. Là nhà văn của tuổi teen tuổi
học đường, đến nay Việt Nga đang làm “mới” mình ở đề tài, bút pháp, giọng điệu
và cả trong cách nhìn trầm và sâu hơn với cuộc đời. Trên cương vị quản lý Việt
Nga là một trong những phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật trẻ nhất trên cả
nước.
Có thể thấy
sáng tác của những cây bút nữ trẻ Hải Dương đã góp phần mở rộng đường biên văn
học, đa dạng hóa đề tài và bút pháp. Tuy nhiên họ còn ít tác phẩm có đủ sức gây
thành các hiện tượng văn học, độ kết tinh chậm, tầm bao quát những vấn đề xã
hội chưa cao. Tuổi trẻ gắn liền với cái mới, nhưng cái mới trong giọng điệu
cũng chỉ nhất thời, cái mới trong tìm kiếm hình thức tân kỳ cũng rất dễ là sự
lừa mị. Cho đến nay, cái mới chính là cuộc sống của nhân dân, của đất nước trong
bước chuyển mình. Hiện thực đó mãi mãi mời gọi các nhà văn và các nhà văn nữ
Hải Dương đang cố gắng đưa vào trong sách của mình cái “mới” đó.
Người ta
thường nói: thế kỷ XXI phụ nữ sẽ “lên ngôi” trong nhiều lĩnh vực.
Ở Trung
Quốc, thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của văn học nữ (những nhà văn thành danh ở
tuổi 30 đa số là phụ nữ). Những năm đầu thế kỷ XXI, các cây bút nữ thực sự
chiếm ưu thế trên văn đàn với những tên tuổi được ưa chuộng: Thiết Ngưng, Cửu
Đan, Y Lệ Xuân, Chu Thiết Nhự, Lưu Yến Yến, Miên Miên, Xuân Thụ… Tác phẩm của
họ đã gây nên những “cơn sốt” trên mạng, tạo xôn xao trong công chúng.
Ở Việt Nam,
người ta cũng hay nhắc đến các cây bút nữ miền Trung tài hoa: Lâm Thị Mỹ Dạ,
Trần Thùy Mai, Trần Thu Hà, Trần Thị Huyền Trang, Nguyễn Mỹ Nữ, Thu Loan, Vân
Hạ, Ái Duy, Lê Khánh Mai….Có hai nhà văn nữ xuất sắc đại diện cho hai
miền Bắc Nam đó là Đỗ Bích Thuý, nhà văn của vùng đất biên ải xinh
đẹp Hà Giang và cây bút trẻ của vùng đất Cà Mau mênh mang sông nước, Nguyễn
Thị Ngọc Tư. Sự xuất hiện của họ trong những năm qua là một “hiện tượng”.
Trên đất
Hải Dương, các cây bút nữ cũng nằm trong xu thế đó của thời đại. Chính họ, với
những tác phẩm của mình đã làm cho văn đàn Hải Dương thêm khởi sắc. Chính họ
góp phần không nhỏ tô điểm cho bức tranh văn học Hải Dương thời kỳ đương đại.
Phải chăng
thế kỷ XXI này con người sống trên trái đất sẽ hòa bình nhân ái hơn vì vậy cần
có một nền văn học thiên về âm tính?
Phải chăng
chân trời mới dành cho nữ nhà văn đã mở?
Hải Dương, tháng 10 năm 2009
Chú thích (bổ sung năm
2015):
- Nguyễn Thị Việt Nga đã được kết nạp vào Hội Nhà văn
Việt Nam năm 2014. Hiện nay là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương.
- Vũ Thị Tuyết Mây đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt
Nam năm 2013. Hiện nay là Uỷ viên Ban chấp hành, Trưởng Ban Văn xuôi.
- Đỗ Thị Hiền Hoà hiện nay là Phó Trưởng Ban Văn xuôi.
- Trương Thị Thương Huyền hiện nay là Uỷ viên Ban chấp
hành, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí "Văn nghệ Hải Dương"
- Thuỳ Linh hiện nay là Uỷ viên Ban thơ.
- Nguyễn Thị Lan hiện nay là Uỷ viên Ban chấp hành, Trưởng
Ban Lý luận và Phê bình.
Cảm ơn Bác đã cho hiểu thêm về con người của miền đất văn vật Hải Dương
Trả lờiXóa