50 NĂM ẤY!… BÚT MỰC MỘT THỜI…!
(Lời nói đầu sách Kỷ yếu của cựu học sinh và giáo viên
lớp 8A – 9A – 10A & các bạn cùng khóa 1963 – 1966, trường cấp III (THPT)
Xuân Đỉnh, quận Bắc từ Liêm, Hà Nội)
Chủ biên – Trưởng tràng PHẠM CÔNG HOA
Ý tưởng về một tập Kỷ yếu lớp 8A – 9A – 10A, khóa 1963 – 1966,
trường cấp III (THPT) Xuân Đỉnh, lần
đầu tiên được nêu trong cuộc hội ngộ thường niên của lớp lần thứ 8, ngày 24/11/1996,
tại nhà riêng anh Nguyễn Văn Đường (ở xã (phường) Thụy Phương, huyện
(quận) Bắc Từ Liêm, Hà Nội. (xem bút tích
biên bản họp do Trưởng tràng Phạm
Công Hoa ghi, chụp lại trong tập sách này, tr….). Nhưng rồi… vì những lý do khách quan, chủ quan khác nhau nên
ý tưởng thú vị, tốt đẹp ấy chưa thể thành hiện thực!… Mãi 18 năm sau, đến lần hội lớp thứ 24, ngày 16/11/2014, tại nhà anh Phạm Thành (73, đường Tây Sơn, quận Đống
Đa, Ngã Tư Sở, Hà Nội), khi 100% cựu học sinh của lớp đều đã hưu trí từ lâu,
thì vấn đề làm sách Kỷ yếu mới lại
đặt ra lần thứ hai, bởi ý kiến của
lớp trưởng họ Phạm, được nêu lên một cách nghiêm cẩn và da diết. Ý kiến quan
trọng và cần thiết ấy đã được hầu hết các thầy cô, các bạn có mặt trong buổi
hội ngộ hôm đó nhiệt liệt tán thành. Một ban
Biên soạn - Biên tập được nhanh chóng cử, chọn; gồm: Phạm Công Hoa: Trưởng ban – Chủ
biên, cùng các ủy viên: Đường Văn,
Nguyễn Hiếu, Cao Chí Định, Hạ Chí Nhân,
Nguyễn Văn Dục, Nguyễn Kim Lương… Một lộ
trình thực thi khái quát trong 2 năm đã được hoạch định:
- Lộ trình năm thứ 1: Từ 11/2014
->11/2015:
Soạn
và thông qua đề cương; Chuẩn bị tư liệu: chụp ảnh chân dung từng thành viên; gặp gỡ, sưu tầm, thu gom
ảnh chân dung, thông tin cá nhân, ảnh hoạt động tập thể, phát động viết bài hồi ký, hoài niệm, dự trù kinh phí; biên soạn
bản thảo và thông qua bản thảo lần 1…
Ra Thông báo số 1.
–
Lộ trình năm thứ 2: Từ 11/2015 –>
11/2016:
Ra
Thông báo số 2, các thành viên góp ý bản thảo 1. BBS – BT tiếp tục
chỉnh sửa, bổ sung và bước đầu hoàn thiện cuốn sách về nội dung và hình thức. Thông qua bản thảo 2, (tương đối hoàn chỉnh) trong BBS - BT: tháng 9/2016. Góp ý, hoàn thiện lần
cuối, in bản sách mẫu. In đại trà (80 cuốn).
- Lễ ra mắt sách Kỷ yếu sẽ
được tổ chức trong buổi hội lớp lần thứ
27, chủ nhật 16 /11/2016, nhân dịp kỷ
niệm 50 năm (1966 – 2016) ra trường
của khóa chúng ta, tại nhà anh Nguyễn Kim
Lương, phường Xuân Đỉnh.
Với
nhiệt tình, quyết tâm tham gia, đóng góp tự
nguyện, tài trợ của các thầy, các bạn, nỗ lực của BBS – BT, chúng ta đã
hoàn thành tâm nguyện nửa thế kỷ của mình một cách tốt đẹp.
Với tư cách chủ biên, thay mặt BBT-BS,
tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các thầy, các bạn đã chung lòng, chung tay,
chung sức, để cùng làm nên thành quả này. Kỷ
yếu nhan đề: 50 năm ấy!… Bút mực một thời!..., dày 220 trang in, giấy tốt, khổ A4, nhiều ảnh
phụ bản đẹp. Đó là một ấn phẩm văn
hóa tinh thần giản dị mà trang nhã, phong phú mà trung thực, thể hiện tương
đối chi tiết, tỉ mỉ và chính xác, hệ thống về Thầy - Trò chúng ta, từ trích
ngang tiểu sử, hoạt động tập thể từ 1989 đến 2016, cùng một số thơ, văn hồi ức,
kỷ niệm, hoài niệm… Sách như một cuốn nhật
ký biên niên, bước đầu tổng kết mấy
chục cuộc đời đã và đang vào tuổi thất
thập, bát thập, cửu thập, bách thập… hưu nhàn; tái hiện cả hình ảnh của các
thầy, các bạn đã sang thế giới bên kia… Kỷ
yếu thắt chặt, gắn bó hơn nữa tình
nghĩa Thầy Trò sâu nặng, tình bạn đồng
môn, đồng học đượm đà, lòng tin yêu, biết ơn với ngôi trường Xuân Đỉnh mãi
mãi thân thương… Kỷ yếu sẽ là một tài liệu hữu ích cho các thế hệ Thầy – Trò tương lai trường Xuân Đỉnh; một món
quà quê ấm áp tình thương yêu của các ông bà, cha mẹ trong mỗi gia đình dành cho con cháu, chắt…
Đó là mục đích, ý nghĩa thiết thực
trước mắt và lâu dài của cuốn Kỷ yếu
này.
-
Về nguyên tắc, phương châm biên soạn -
biên tập, chúng tôi tự đặt ra, là: Nghiêm
túc, trung thực, chính xác, cụ thể, hệ thống, khoa học (trong xử lý thông
tin, chọn ảnh, bài viết, sắp xếp bố cục, tập trung chủ đề…). Tôn trọng và trân
trọng những ghi chép hết sức chi tiết, tỉ mỉ trong cuốn vở cũ của cựu Lớp trưởng Hoa đã và đang lưu giữ, sử dụng suốt 27
năm qua. Đó chính là cơ sở dữ liệu chủ
yếu để làm nên nội dung phần Hoạt động tập thể của lớp ta nói riêng,
nội dung cơ bản và tạo nên màu sắc đặc
biệt hấp dẫn riêng của cuốn sách, nói chung. Vì thế, chúng tôi chủ trương
in lại nguyên văn tất cả những chi
tiết có vẻ hết sức nhỏ, dường như vụn
vặt, tầm thường (?!), trong cái nhìn từ thời điểm hiện tại; nhưng laị mang ý nghĩa lịch sử - cụ thể, khách quan, trung
thực, ôn cố tri tân, giúp người
đọc hôm nay và mai sau có thể hình dung
một cách rõ ràng hơn, sinh động hơn, một thời khó khăn, gian khổ… mà chúng
ta đã từng trải qua. (Chẳng hạn, số lượng
kinh phí đóng góp của mỗi thành
viên trong những lần họp lớp). Nếu bỏ qua những con số “vụn vặt, tầm thường” ấy,
chỉ ghi một con số tổng quát, tròn trĩnh, chung chung, hoặc những con số, chi
tiết “đẹp”…, e nội dung Kỷ yếu sẽ
nhạt nhẽo, thiếu tin cậy không ít!
- Chúng tôi quan niệm đây là cuốn Kỷ yếu của cựu học trò và các Thầy Cô, giới hạn
trong 3 năm dạy, học ở trường cấp 3 Xuân Đỉnh. Bởi vậy, trong phần trích ngang tiểu sử của từng cá nhân,
chúng tôi chỉ ghi một số thông tin vắn tắt, tối thiểu; không ghi tỉ mỉ,
đầy đủ như một lý lịch cán bộ hay lý lịch đảng viên; không ghi thành tích khen thưởng, danh hiệu thi đua đã đạt, trừ
những danh hiệu đặc biệt xuất sắc; cũng không
kê phần gia đình riêng (vợ, chồng, con, cháu, chắt…). Thông tin chưa rõ,
đặt sau dấu (?).
-
Nội dung chủ yếu Kỷ yếu: ghi lại hoạt động của tập
thể Thầy – Trò lớp 8A - 9A – 10A,
khoá 1963 – 1966, trường Xuân Đỉnh.
Khoảng từ giữa thập kỷ 90 thế kỷ trước cho tới nay, một số bạn lớp 10B, 10C
cùng khóa nhận thấy hoạt động tập thể này của lớp 10A vui vẻ và ý nghĩa nên đã
hào hứng đề nghị cùng tham gia. Chúng tôi rất hoan nghênh nhiệt tình và nhã ý
của các bạn! Bởi vậy, về đối tượng của Kỷ
yếu, chúng tôi ghi: Kỷ yếu của cựu
học sinh và giáo viên lớp 8A – 9A – 10A
và các bạn cùng khóa 1963 – 1966, trường cấp 3 (THPT) Xuân Đỉnh. Không thể ghi chung là: Học sinh khóa 1963 – 1966 được! Vì nếu ghi như thế sẽ chưa chính
xác, không đầy đủ: thiếu rất nhiều
bạn lớp 10B, 10C và các thầy cô giáo từng dạy 2 lớp ấy.
- Về ảnh chân dung: Để bày tỏ tình cảm trân trọng, tưởng nhớ tới các
Thầy, các Bạn đã từ trần, các Bạn Liệt sỹ, chúng tôi đặt ảnh chân
dung các vị và các bạn trong khung viền
màu đen, xếp lên những vị trí đầu.
- Về ảnh chân dung một số bạn còn
lưu được từ thời thanh niên, chúng tôi in cả 2 ảnh: 1 xưa bên 1 nay để tiện đối
chiếu, so sánh sức mạnh của thời gian nửa thế kỷ với sức sống của mỗi con
người.
-
Chọn lọc, sắp xếp ảnh hoạt động tập thể:
chúng tôi cố gắng theo trình tự thời gian, địa điểm. Nhưng kết quả hiện
cũng chưa được hoàn toàn chính xác. Vì một số ảnh không ghi thời điểm và không
ai trong lớp nhớ rõ là chụp năm tháng nào? trong dịp nào?! Đành tạm thế
vậy!
- Các danh sách học sinh lớp từng năm học, chia theo khu vực, tham gia
hội lớp từng lần… đều thống nhất theo thứ tự ABC.
- Chúng tôi cho in lại 2 bản sơ đồ khuôn viên trường Xuân Đỉnh
những năm 1963 – 1966 và sơ đồ chỗ ngồi lớp 10A (1965 – 1966), do 2 bạn Cao Chí Định và Đường Văn vẽ lại
theo trí nhớ U70, để giúp các thầy, cô, các bạn hình dung lại phần nào địa điểm
nguyên sơ của một thời bút mực, tay bút –
tay súng, Thầy Trò đều là chiến sỹ…
Rất mong tiếp tục nhận được sự góp ý, điều chỉnh.
- Phần Phụ lục: Hoài niệm: Rất tiếc sự tham gia của các thầy, các bạn còn
hạn chế! Ngoài ca khúc Xuân Đỉnh trên
đường hành quân, sáng tác từ năm 1965 của thầy Lê Tất Tôn, bài viết ngắn của thầy Nguyễn Trọng Chinh, chùm
bài của các bạn Công Hoa, Nguyễn Hiếu,
Phạm Trường, Đường Văn… BBS-BT chọn in bài hồi ký của anh Đặng Chưởng (nguyên giáo viên trường
THCS Phú Thượng, quận Tây Hồ), cựu học
trò của anh Phạm Công Hoa – Trưởng
tràng lớp ta, nhớ về thầy giáo cũ của mình cùng tấm ảnh thầy trò (lớp 5B,
năm học 1967 – 1968) trường cấp 2
(THCS Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà
Nội) hội ngộ (2007), biểu hiện kết
quả đẹp, bền nơi sự nghiệp trồng người
của một thành viên lớp chúng ta.
Chúng tôi rất tiếc, vì nhiều nguyên
nhân khác nhau…, trong cuốn Kỷ yếu
này còn thiếu vắng hình ảnh cùng thông tin một số thầy, cô và các bạn. Chúng
tôi tha thiết hi vọng rằng, nếu có điều kiện tái bản, hạn chế ấy sẽ được khắc phục.
Dù đã cố gắng biên tập kỹ, nhưng do
năng lực có hạn, về câu chữ, hình thức, trình bày, hẳn còn khiếm khuyết. Xin
được cảm thông và lắng nghe những góp ý, phê bình của các Thầy Cô và bạn đọc
gần xa để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện. Xin cảm ơn các Thầy Cô và các bạn!
“50 năm ấy”… là đây!
“Một thời bút mực”, hôm nay… mới là!...
Trèm - Xuân
Đỉnh, khởi phím ngày đầu năm 1/1/2016. PCH
“50 năm ấy”… là đây!
Trả lờiXóa“Một thời bút mực”, hôm nay… mới là!... NXL tôi xin được chia vui cùng các bác.
Rát hoan nghênh tinh thần của các bác Cấp 3 Xuân Đỉnh niên khóa 1963-1966! Cám ơn bạn Xuân Lai đã chia vui!
Xóa