TÌM LẠI TUỔI THƠ
Triều Vân
Con về đây với làng ta
Cây gạo đầu làng cháy trong nỗi nhớ
Hoa thắp lửa mùa hè gõ cửa
Gốc sần sùi đánh dấu tháng ngày qua.
Ơi dòng sông Hoa Lái hiền hòa
Nhường đất chen chân sông hẹp hơn ngày trước ?
Vẫn Bến Đá đò xuôi thuyền ngược
Bồng bềnh trôi với bâng khuâng.
Ngồi bậc đá khỏa chân xuống dòng sông
Bao nhọc nhằn tan đi tất cả
Quên những ngày xa quê vất vả
Tuổi thơ ăm ắp những niềm vui.
Hoa Lái dòng sông quê
Nhớ ngày theo ra sông gánh nước
Mỗi bậc đá mẹ nhọc nhằn từng bước
Quẩy nước đầy sóng sánh quãng đời con.
Bếp bây giờ hiếm hoi khói lam
Còn vạt nắng nghiêng đổ bóng hàng cau chiều xuống
Thèm tiếng tu hú nhắc mùa vải chín
Cái vó bè lừa cá cửa sông.
Tuổi thơ gieo cánh đồng
Kỷ niệm chín vàng sau bao mùa gặt
Miệng ốc bươu, càng cua, đuôi săn sắt
Cứ chập chờn ký ức tuổi thơ tôi.
Dẫu đi góc bể chân trời
Tuổi thơ khoai sắn suốt đời mang theo.
Bài thơ
“Tìm lại tuổi thơ” của Triều Vân in trong tập “Nửa tôi Gió chiều”, tập thơ thứ
hai trong sáu tập (tính đến hết năm 2014) của nhà thơ. Thi phẩm này khá tiêu
biểu cho thơ của Triều Vân giai đoạn đầu từ nội dung, giọng điệu đến thi pháp.
Ngoại ngũ
tuần, khi đã bước sang cái dốc bên kia của cuộc đời con người ta lúc đó hay
“nhìn lại” hơn là “nghĩ tới”. Trong tâm thức ấy, Triều Vân đã làm một cuộc trở
về cố hương để “tìm lại tuổi thơ” tìm lại những rưng rưng của nhung nhớ.
Đây là câu mở đầu:
“Con về đây với làng ta”
Lời thơ vỡ òa như một tiếng reo thầm sung sướng, một lời
thưa nghẹn ngào với mẹ, với quê hương: “Con
về đây …”, con về với “làng ta”
chứ không phải một “làng” nào khác.
Thật thân thương trìu mến trong ai chữ “làng
ta” ấy. Nó xác định một “sở hữu” của trái tim. Nhịp thơ chậm, âm hưởng nhẹ
nhàng bâng khuâng, câu thơ 6 tiếng thì có 5 tiếng là thanh bằng (trong khổ thơ
thứ hai, câu “Bồng bềnh trôi với bâng
khuâng” cũng nhẹ nhàng như thế). Nhà thơ đã dụng công tìm câu, lựa chữ
chăng ? Có lẽ không phải. Tình cảm ấy sẽ có những câu thơ ấy.
Bài thơ đã có một câu mở đầu xứng đáng: dịu dàng, tràn
đầy thương mến. Nó “bắt nhịp” cho cảm xúc của toàn bộ bài thơ, đó là hoài niệm,
hoài cố, đau đáu về kỷ niệm xưa. Và từ đây mạch thơ tuôn chảy, tuổi thơ ở cố
hương từ trong lớp sương mờ của quá khứ dần hiện ra với những cảnh, những
người, những ký ức, hoài niệm. Tất cả đều đẹp và trong sáng lạ thường. Trước
hết là hình ảnh “cây gạo đầu làng” hiện ra thân thiết.
Ở Bắc Bộ, hầu như làng quê nào cũng có một cây gạo đâu đó
quanh làng, thường ở đầu làng. Hình ảnh của cây gạo trở thành “biểu tượng xanh”
của làng, một vốn quý của cả một vùng dân cư đông đúc, sầm uất. Cây gạo lặng lẽ
đứng đó như một “cố nhân” tiễn biệt những ai rời làng ra đi, chào đón những ai
tha hương trở về.
Với Triều Vân, những ngày xa quê hình ảnh cây gạo đầu
làng như một đốm lửa “cháy” trong anh
“nỗi nhớ”. Chữ “cháy” vừa diễn tả nỗi nhớ nồng nàn, cháy bỏng vừa gợi liên tưởng
đến màu hoa gạo. Hoa gạo là chúa tể của tháng ba, báo hiệu mùa xuân sắp đi qua,
mùa hè đang thập thò trước ngõ. Mùa hoa nở, tán cây như một “lẵng hoa” cao vời
vợi, đỏ rực một vùng. Lúc đó cây gạo mang một vẻ đẹp đơn sơ mà lộng lẫy. Bằng
một câu thơ, Triều Vân đã “vẽ” lên cây gạo đầu làng mình với vẻ đẹp quyến rũ
trong những ngày đầu hạ: “Hoa thắp lửa, mùa hè gõ cửa”. Với dáng
vẻ cổ thụ “gốc sần sùi”, cây gạo đó
đã trải qua bao “tháng ngày” như một
“chứng nhân” của làng trước những biến thiên của lịch sử.
Nếu ở khổ thơ đầu, nhà thơ tìm về dáng vẻ thân thuộc của
cây gạo đầu làng thì ba khổ tiếp theo anh lại tìm về dáng vẻ thân thuộc của
dòng sông quê, dòng sông đó đã tắm mát cả tuổi thơ anh, nơi đó người thơ có bao
nhiêu kỷ niệm.
Triều Vân quê ở Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên. Quê hương anh
có dòng sông Hoa Lái không rộng lớn, chảy xiết mà nhỏ bé “hiền hòa”. Trở về dòng sông quê, một nỗi lo chợt nhói lên trong
lòng người đi xa trước thực trạng dòng sông bị xâm lấn. “Nhường đất chen chân sông hẹp hơn ngày trước?
Đó là nỗi lo của người thân với một người thân
Về với con sông quê để được ngồi trên Bến Đá lặng ngắm “đò xuôi thuyền ngược” để được thả hồn
theo những cánh buồm trôi về nơi xa tít: “Bồng
bềnh trôi với bâng khuâng”. “Bồng
bềnh” là thuyền, còn “buâng khuâng”
là tâm trạng người. Cảnh đó không chỉ là “phong cảnh” mà còn là “tâm cảnh”.
Trở về với con sông quê để còn được:
“Ngồi bậc đá khỏa chân
xuống dòng sông”
hưởng cảm
giác mát rượi, dễ chịu như mẹ nước đang nâng niu ôm ấp đôi chân, để trong chốc
lát được “hòa” “tan” vào với quê hương. Khỏa chân xuống sông quê còn để tận
hưởng cảm giác thư thái trong tâm hồn: “Bao
nhọc nhằn tan đi tất cả”, để tạm “quên
những ngày xa quê vất vả”, để sống lại “tuổi
thơ ăm ắp những niềm vui”.
“Cơm áo không đùa với khách thơ” nhà thơ Xuân Diệu đã nói
như vậy. Đã bao lần trong thơ mình Triều Vân thường nói về nỗi “vất vả” “nhọc nhằn” của cuộc sống cơm áo: “áo cơm vít cổ hàng ngày”; nhà doanh nghiệp nơi anh phải “ngày ngày đắm đuối được thua thương trường”.
Sự “trở về” của người xa quê xa quê đâu chỉ tìm về ký ức, tuổi thơ, tìm về
những ngày đã mất mà còn để tìm một chút bình yên thanh thản trong tâm hồn, để tạm quên đi những lo toan thường
nhật. Và ở một góc độ nào đó, sự trở về ấy đồng nghĩa với an lành, hạnh phúc.
Nếu dòng sông quê “chạy chữa” cho tâm hồn nhà thơ thì bến
sông quê giữ dùm nguyên vẹn một ký ức về tuổi thơ của nhà thơ. Năm xưa trên bến
sông này chú bé Sao (tên khai sinh của nhà thơ) chiều chiều theo mẹ ra sông
gánh nước. Mẹ anh “nhọc nhằn từng bước”
dẫm lên “mỗi bậc đá” để quẩy gánh
nước đầy. Hình ảnh đó khắc sâu vào trái tim đứa con thơ. Nhớ mẹ là anh nhớ cái
dáng tần tảo sớm hôm, chịu thương chịu khó ấy. Đó là cái dáng muôn đời của
những người mẹ Việt Nam.
Câu thơ “Quẩy nước
đầy sóng sánh quãng đời con” không chỉ là một hình ảnh đẹp về gánh nước năm
xưa của mẹ, mà còn nói lên rất nhiều tình con với mẹ. Những tháng ngày bên mẹ,
đời con “sóng sánh” niềm vui, hạnh
phúc, ấm áp. Câu thơ của Triều Vân gợi trong người đọc một câu thơ khác của
Nguyễn Ngọc Oánh:
“Mẹ đi gánh nước ban mai
Gánh hai ngọn núi với hai mặt trời”
Rồi bài thơ “Bờ sông vẫn gió” của Trúc Thông:
“Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió người không thấy về”
……………
Trở về cố hương, đi tìm tuổi thơ đã mất, nhà thơ muốn tìm
lại những cái của ngày xưa: một vệt khói lam chiều (bếp bây giờ hiếm khói lam,
ông Núc, ông Kiềng đi đâu hết, thay vào là bếp ga, bếp từ …?) một tiếng tu hú nhắc
mùa vải chín (chim bây giờ cũng bay đi đâu ?) Một cái vó bè lừa cá cửa sông.
Tất cả rất đời thường mà bây giờ lại quá hiếm hoi, chỉ còn “vạt nắng nghiêng đổ bóng hàng cau chiều
xuống”. ở đây có chút thảng thốt, thẫn thờ, bâng khuâng khi tất cả đã mãi mãi
xa… Cảnh buồn như lòng người.
Trong những thi ảnh của “ngân hàng ký ức” có lẽ hình ảnh
“khói lam” làm xúc động lòng người
hơn cả. Ôi cái bếp tranh ngày xưa nồng nàn khói lam chiều, vấn vít trên mái
tranh ẩm ướt. Cái bếp sáng chiều lên khói, nó là “tín hiệu” của hạnh phúc.
Trong cái khói lam phơ phất trùm lên làng quê lúc hoàng hôn gợi nhớ mùi của làn
khói rơm, của củ khoai nướng, của mái tranh nghèo mà tác thành bên ngọn khói ấy
là mẹ. Khói lam chiều với bóng mẹ hiền, mẹ ngồi bên bép lửa…. Câu thơ của Triều
Vân gợi bao liên tưởng, bao cảm xúc ở người đọc.
Cùng trong bước chân phiêu du đi “tìm lại tuổi thơ”,
Triều Vân lại trở về với cánh đồng tuổi thơ.
“Tuổi thơ gieo cánh đồng
Kỷ niệm chín vàng sau bao
mùa gặt
Miệng ốc bươu, càng cua,
đuôi săn sắt
Cứ chập chờn ký ức tuổi
thơ tôi”
Cánh đồng đó vẫn “vàng”
trong ký ức, với những con vật bé nhỏ thân thiết: con ốc, con cua, con săn sắt
… tất cả làm nên một thế giới tuổi thơ.
Hai câu lục bát cuối bài thơ tách riêng thành một khổ:
“Dẫu đi góc bể chân trời
Tuổi thơ khoai sắn suốt
đời mang theo”
như một
lời tâm niệm, tự dặn lòng và cũng như một lời nhắn gửi của nhà thơ: không được
quên tuổi thơ lấm lem bùn đất, thiếu đói nghèo khổ, không được quên nơi cội
nguồn gốc rễ của mình, nơi mảnh đất đã sinh và nuôi mình bằng củ khoai, củ sắn.
ở nơi đó có biết bao kỷ niệm quá đỗi ngọt ngào và thân thương làm nên một thời
thơ ấu. Quên đi cái tuổi thơ ấy là mất gốc, mất cội nguồn lúc đó con người sẽ
“nghèo” đi biết bao. Và trên hành trình đi đến tương lại, ta vẫn luôn mang theo
để mỗi lần vấp ngã hay mệt mỏi ta lại tìm về để được yêu thương, để được che
chở.
Trên con đường thơ, Triều Vân tìm tòi rất nhiều từ ý tứ
đến câu chữ, xoay xở đủ cách để làm mới thơ mình. Sau bao nhiêu trăn trở để tìm
ra giọng riêng của mình thì những bài thơ giản dị, chân mộc, hồn nhiên, giầu
hình ảnh, trữ tình mềm mại viết về quê hương, về mẹ, về tuổi thơ, tình yêu… có
lẽ lại là những bài thơ hay nhất của đời thơ Triều Vân và để lại dấu ấn trong
lòng người hơn cả.
Bài “Tìm lại tuổi thơ” như một lần ghé lại để tìm cảm
giác thuở ngày xưa, trở về tuổi thơ với một mảnh đời trong veo như giọt nước mắt, dù có nghèo khó
lam lũ thì vẫn thật đẹp và mang một màu hồng đầy kỷ niệm. Vẫn biết rằng mọi thứ
đã xa chẳng thể nào trở lại nhưng giữ gìn và cất giữ thì mãi mãi ở bên cạnh ta
Trần Lê Văn có câu thơ được nhiều người nhắc nhở:
“Có ai nghe thấy một tiếng vọng
Thì thả con thuyền sang với tôi”
Đó là nỗi khắc khoải thường trực trong tâm thế sáng tạo
của người nghệ sĩ cũng là tiếng lòng thành
thật thể hiện niềm khao khát được chia sẻ đồng cảm với bạn với đời. Đọc
bài thơ “Tìm lại tuổi thơ” của Triều Vân tôi tin “tiếng vọng” của nhà thơ sẽ
đến với đông đảo bạn đọc, với những ai có tuổi thơ, có quê hương yêu dấu./.
Hải Dương, đầu xuân Ất
Mùi 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét