Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

“PHỎNG VẤN NÓNG”, CHIỀU CUỐI ĐÔNG




“PHỎNG VẤN NÓNG”,  CHIỀU CUỐI ĐÔNG

Nhóm Cựu học trò –“Phóng viên Tự phong”:
CÔNG HOA - VĂN HOẠCH - ĐƯỜNG VĂN

          Chiều cuối đông, tháng củ mật năm Ất Mùi (17/1/2016) hửng nắng vàng mật ong. Ấm áp. Trên lộ trình chuyến đi thay bạn Nguyễn Sỹ Hiền (hiện đang ngụ cách hơn nửa vòng trái đất – bang Latvegat, HCQ Hoa Kỳ) tới thăm và biếu quà chúc Tết các Ân sư kính yêu thời học cấp 3 Xuân Đỉnh, ba chúng tôi tạm dừng chân ở tư gia hiện đại của thầy giáo dạy Toán lừng danh Lê Tất Tôn, (khu chung cư Tây Hồ). Khi nâng chén hàn huyên, chúc mừng thầy cô vui, khỏe, trẻ chẳng khác mấy thời còn đang dạy lũ chúng tôi hơn 50 năm trước, chúng tôi bỗng nảy ra ý định làm một cuộc “phỏng vấn nóng”, nhỏ, bất ngờ về ca khúc Xuân Đỉnh, trên đường hành quân do thầy sáng tác. Bài hát từng làm nức lòng bao thế hệ học sinh, giáo viên Xuân Đỉnh và Hà Nội những thập kỷ 60, 70 thế kỷ trước. Hiện ca khúc này đã được đưa vào sách Kỷ yếu: 50 năm ấy… Bút mực một thời (sẽ ra mắt tháng 11/2016). Thầy Tôn rất vui và hào hứng, ngay lập tức trả lời những câu hỏi (cũng tức thời bật ra) của anh em chúng tôi.  Dưới đây là nội dung cuộc “phỏng vấn” ngẫu hứng, hy hữu đó.

* Trò: CHVHĐV: - Thưa thầy! Xin thầy cho chúng em biết thầy đã sáng tác bài hát Xuân Đỉnh, trên đường hành quân vào ngày tháng năm nào? Trong hoàn cảnh nào? Cụ thể là bài ca được khơi từ những nguồn cảm hứng nào?
* Thầy Lê Tất Tôn (LTT):
            - Ngày, tháng cụ thể thì…?! (cười xòa) Có thể nói, bài hát về trường Xuân Đỉnh… ấy, là kết tinh và thăng hoa từ tổng hợp 3 nguồn cảm hứng. Quả thật, nhớ lại, bây giờ vẫn còn thấy bồi hồi, náo nức về một thời miền Bắc: Nửa công trường, nửa chiến trường... xôn xao! (Tố Hữu). Ngày 5/8/1964, sự kiện Vịnh Bắc bộ bùng nổ. Máy bay USA ném bom bắn phá miền Bắc. Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân do đế quốc Mỹ phát động thực sự bắt đầu. Trường cấp 3 Xuân Đỉnh khẩn trương tổ chức đào, đắp hệ thống hầm hào phòng, tránh bom đạn, luyện tập báo động, rèn luyện sức khỏe bằng những cuộc hành quân đêm (dã ngoại). Tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp 9B nên cũng là 1 Trung đội trưởng dẫn đầu trung đội mình nhịp theo khẩu lệnh hành quân. Trong và sau những buổi hành quân như thế, bỗng một giai điệu chưa có lời cứ chập chờn, rạo rực, ngân nga, ẩn hiện trong đầu tôi, thôi thúc tôi phải viết một bài hát tập thể nào đó để kịp thời động viên các đồng đội của mình. Đó chính là nguồn cảm hứng đầu tiên, cú hích đầu tiên, quan trọng nhất, khơi nguồn cho ca khúc đang càng lúc càng manh nha rõ nét trong tâm hồn tôi.
* Trò: - Thưa thầy! Thế còn nguồn cảm hứng thứ hai, thứ ba là gì ạ?
* Thầy LTT:

            - Đó là tập thể học sinh lớp 9B tôi chủ nhiệm năm ấy (1964-1965). Cái khí thế hăng hái học tập, rèn luyện: Các cô, các cậu, ai cũng muốn ra chiến trường, trực tiếp đánh giặc, giải phóng miền Nam. Câu nói của anh hùng Lê Mã Lương: Cuộc đời đẹp nhất là ở trên trận tuyến đánh quân thù! không chỉ thôi thúc tâm hồn các em mà còn giục giã cả trái tim thầy chủ nhiệm của chúng – là tôi. Nhưng cũng phải tới 7 năm sau (1972), nguyện ước của tôi mới được thực hiện. Mấy câu thơ cổ động của tôi được học sinh phóng to, treo trên tường lớp học, đã trở thành phần lõi ca từ:
Nghe quê hương đang nóng lòng vẫy gọi,/Máu trong tim đã cuộn chảy dạt dào.
Quê hương ơi! Ta vẫn hằng mong đợi,/Ngày ra lò, tay thép dựng trời cao!
            Vì thời gian ấy, một trong những phong trào chính trị-xã hội được phát động mạnh mẽ trong thanh niên học sinh: Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc kêu gọi! Về nông thôn, vào hợp tác xã xây dựng quê hương; vào nhà máy, tới công trường, khai hoang, xây dựng kinh tế - văn hóa miền núi: Sống ở Thủ đô mà dạ để mười phương/Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn! (Lên miền Tây - Bùi Minh Quốc). Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/Thì tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu! (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)…Đó là khơi nguồn cảm hứng thứ hai.
            Còn nguồn cảm hứng thứ ba ư?... (Thầy trầm ngâm…) Nó thuộc về hạnh phúc đời giáo viên trẻ của tôi, ngay từ những năm mới ra trường, may mắn đã được công tác ở một trong những môi trường giáo dục lành mạnh, tiên tiến nhất của miền Bắc nước ta. Trường cấp 3 Xuân Đỉnh những năm ấy đã được Bộ GD công nhận: Lá cờ đầu của Giáo dục trung học phổ thông (cấp 3) toàn miền Bắc. Phong trào thi đua Hai Tốt ở đây phát triển rất mạnh và đã đạt nhiều thành tựu cao. Đã có các thầy cô đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp thành phố, cấp toàn miền Bắc, có những thầy giáo được đề nghị Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng lao động. Đã có không ít lớp đạt danh hiệu Lớp Nguyễn Văn Trỗi… Được sống và làm việc trong những tập thể giáo viên và học sinh như vậy, làm sao tôi không phấn khởi, tự hào? Tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng vươn lên hơn nữa trong chuyên môn và rèn luyện toàn diện để xứng đáng với trường Xuân Đỉnh của tôi.
* Trò: - Chúng em hiểu và chia sẻ suy nghĩ và xúc động của thầy. Nhưng từ những cảm hứng lớn, nhỏ, chung, riêng ấy, thầy đã sáng tác ca khúc này như thế nào? Trong thời gian bao lâu?
* Thầy LTT:
            - Nói lại thì dài dòng thế, chứ thật ra, khi ấy tôi đã viết bài hát này rất nhanh. Tất cả chỉ trong 1, 2 ngày đêm, từ những nốt nhạc đầu tiên cho tới khi sửa chữa (rất ít), rồi hoàn thiện. Giai điệu, khúc thức và lời ca hầu như song song đồng hiện, tuôn chảy ào ạt, hối hả dưới ngòi bút. Câu nọ gọi câu kia, đọan 1 tiếp đoạn 2. Viết đến đâu, kiểm nghiệm lại bằng cây đàn Acoorđêông và tự mình hát thử luôn.
* Trò: - Thầy có thể nói gì thêm về việc chọn nhịp, giọng chủ cho ca khúc này?
* Thầy LTT:
            - Tất nhiên, bài hát dành cho tập thể lại mang nhan đề Trên đường hành quân thì nhịp phải là nhịp 2/4nhịp đi, nhịp bước chân, chắc khỏe, rộn ràng, đầy khí thế, sức mạnh. Nhưng để cho giai điệu linh hoạt, nhiều màu sắc, gây hiệu ứng nẩy, bất ngờ, tôi cố ý chọn và sử dụng một số đảo phách (xanhcôp). Còn về giọng, nhất định là giọng Trưởng: tươi, khỏe, vui. Chọn gam Rê trưởng(D) cao, sáng cũng là tất yếu. Nhưng khi tập cho học sinh các lớp hát hoặc biểu diễn thì đều phải dịch giọng, chuyển gam xuống Đô trưởng(C) hoặc Si giáng trưởng(Bb), thậm chí La trưởng(A), các em mới hát được, không bị đuối, phải cố lên những nốt cao bằng giọng mũi… (- Tôi hát lại 1 đoạn nhé! Và thầy cất tiếng hát, giọng nam trung-cao U80 vẫn ấm áp, khỏe khoắn lạ thường! Chúng tôi lẩm nhẩm hòa theo).
* Trò: - À ra thế! Bài hát của thầy đã được chúng em và nhiều khóa học sinh sau này đồng cảm, yêu thích, được trình bày, biểu diễn trong nhiều buỗi lễ hội, liên hoan, sinh hoạt tập thể của học sinh trường Xuân Đỉnh. Nhiều bạn học sinh đã ra trường cho rằng, bài Xuân Đỉnh, trên đường hành quân của thầy Lê Tất Tôn, có thể chọn và xứng đáng là Trường Ca của trường THPT Xuân Đỉnh. Thầy nghĩ sao về chuyện này ạ?
* Thầy LTT:
            - Ấy là bởi các anh chị quá yêu trường Xuân Đỉnh ấm nôi mẹ hiền của mình thôi! Tôi chỉ là 1 thầy giáo yêu Toán, dạy Toán, yêu âm nhạc, ca hát, có thi thoảng sáng tác nghiệp dư… Nhưng dù sao, tôi vẫn thấy rất hạnh phúc vì ca khúc nhỏ của mình đã có chỗ đứng và ấn tượng tốt đẹp, lâu dài trong lòng đồng nghiệp, nhất là trong tâm trí các em học sinh mấy chục năm qua.
* Trò: - Xuân Đỉnh, trên đường hành quân có phải là sáng tác đầu tay của thầy? Từ ấy tới nay, thầy có tiếp tục viết ca khúc nữa không?
* Thầy LTT:
            - Không phải đầu tay mà là bài thứ n! Trước và sau bài Xuân Đỉnh,… hành quân…, tôi vẫn viết ca khúc, làm thơ,… khi cao hứng; nhưng chủ yếu là những bài thơ, bài ca trữ tình rất đỗi riêng tư, chỉ để đàn, hát, đọc cho riêng mình và một vài người nghe đồng điệu. Có thể nói Xuân Đỉnh, trên đường hành quânca khúc trữ tình – chính trị duy nhất trong cuộc đời dạy học - dạy Toán và viết ca khúc của tôi.
* Trò:  - Chúng em rất cảm ơn thầy vì những lời chia sẻ, tâm sự sâu lắng, chân thành về “Giai điệu tự hào – Bài ca đi cùng năm tháng”: Xuân Đỉnh, trên đường hành quân. Nhân dịp tất niên Ất Mùi, xuân mới Bính Thân sắp về, chúng em kính chúc thầy cô và gia đình một mùa xuân mới, một năm mới mạnh khỏe, an khang, hạnh phúc và may mắn!
* Thầy LTT:
            - Cảm ơn các em! Những học trò cũ, những người bạn đồng nghiệp lâu năm của tôi! Thầy cũng chúc các em và gia đình như vậy. Nào! Thầy trò mình lại cùng nâng cốc, chúc một năm mới tốt lành! Mời các em!...
Chiều muộn 17/1 à đêm 19- 21-24/1/2016. CH-VH-ĐV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét