PHƠI PHỚI MƯA XUÂN
Vũ Nho
Mùa
xuân chồi non, lá nõn, hoa nở, chim kêu. Vạn vật như bừng lên sức sống sau mùa
đông giá lạnh, cằn khô. Vẫn là những hạt mưa bụi mùa đông, khi kèm gió bấc
thành ra mưa phùn gió bấc lạnh lùng. Vậy mà khi trời đất sang xuân, mưa cũng
như đổi thay thành mưa ấm, mưa mát ; mưa gọi bật mầm non chồi biếc, mưa tưới nhuần lá lụa cành
tơ. Vẻ đẹp của mưa xuân không thể không khiến cho thi nhân tràn đầy cảm hứng.
Có lẽ mưa vào thơ nhiều nhất là mưa mùa Hạ và mùa Xuân. Xin cùng nhau trở lại
những mùa xuân trước…
1. Thượng tướng - thi sĩ Trần Quang Khải, người nổi
tiếng với bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư (Phò giá về kinh) đã lấy
mưa xuân làm đối tượng bộc lộ cảm xúc trong bài thơ Xuân nhật hữu cảm (Cảm
xúc ngày xuân).
Vũ bạch
phi mai tế nhược ti
(Những
hạt mưa nhỏ như sợi tơ gội những bông hoa mai trắng xoá).
Vị
tướng không còn trẻ ngắm mưa xuân mà không khỏi giật mình. Mọi vật như tươi
lại, mới mẻ dưới mưa xuân, nhưng sắc xuân không còn thấy trên gương mặt :
Bị vật
nhuận tòng thiên ngoại vũ
Kinh
tâm hồng thốn tích thì nhan
Hơi mưa mát dịu làm cho cảnh vật thêm
tươi
Giật mình, nét mặt thời trẻ đà phai nhạt
Thoáng
một nét ngậm ngùi. Mưa xuân có thể làm tươi mới cảnh vật, nhưng làm sao tươi
lại tuổi trẻ, tươi lại vẻ thanh xuân của một con người ? Tuy thế, khí phách của
viên thượng tướng - thi nhân vẫn ngang tàng, nên cảm xúc ngày xuân buồn mà vẫn
đẹp, vẫn hào hùng và rất ấn tượng :
Sinh
bình đởm khí luân khuân tại
Giải
đảo đông phong phú nhất thi
Đảm khí
ngày nào rày vẫn đó
Đè
nghiêng ngọn gió đọc thơ chơi
2. Thi hào Nguyễn Trãi cũng nhiều duyên nợ với mưa
xuân.
Người từng suốt đêm nghe mưa : Tịch mịch u trai lí. Chung tiêu thính vũ
thanh. (Vò võ trai phòng vắng - Suốt đêm nghe tiếng mưa" (Thính
Vũ). Người từng nhìn thấy sắc xanh mơ hồ, đặc biệt của cỏ dưới mưa xuân
trên bến đò : Độ đầu xuân thảo lục như yên. "Cỏ xanh như khói bến xuân
tươi" (Trại đầu xuân độ). Nhưng có lẽ ý vị nhất là mưa xuân
trên vòm xoan nở hoa trong bài thơ Mộ xuân tức sự (Viết khi xuân muộn).
Nhàn
trung tận nhật bế thư trai
Môn
ngoại toàn vô tục khách lai
Đỗ vũ
thanh trung xuân hướng lão
Nhất
đình sơ vũ luyện hoa khai
Trọn
ngày thong thả khép phòng văn
Khách
tục bên nngoài chẳng bén chân
Khắc
khoải quyên kêu xuân đã muộn
Đầy sân
mưa nhẹ nở hoa xoan
Điều lý
thú là dưới bài thơ có chú thích : "Sách Nhĩ nhã nói cây xoan tháng ba nở
hoa thơm phức cả sân". Khi cảm nhận bài thơ này, có người chỉ thấy màu lá
xanh, màu hoa tim tím, hơi mát mưa xuân và hay bỏ qua hương xoan thơm phức.
Chính hương thứ hoa cây xoan bình dị đã làm cho việc lần giở cảo thơm trong
phòng sách trở nên thanh tao "Trần mà như thế kém gì tiên" (Hồ Chí
Minh).
3. Người chỉ có ba lần với mưa là nhà thơ Nguyễn Bính.
Giời mưa ở Huế, Đêm mưa
đất khách.
Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Mưa xuân.
Bữa ấy
mưa xuân phơi phới bay
Hoa
xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Có gió
cho nên mưa rơi mới thành ra mưa bay. Mưa không bay lất phất hay cheo chéo mà
là bay phơi phới. Chỉ vì tâm trạng khấp khởi, náo nức của cô gái "Lòng trẻ
còn như cây lụa trắng" khi nghĩ đến hẹn hò nên cái phơi phới của lòng xuân
biến thành phơi phới của mưa xuân.
Từ thời
"Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi" của Nguyễn Bính đến thời "Em
tôi áo chẽn em tôi quần bò" (Phạm Công Trứ) biết bao là đổi thay trong
thời trang, trong nếp cảm, nếp nghĩ. Nhưng mưa xuân thì vẫn cứ và vẫn sẽ mãi
mãi phơi phới bay trong mắt những người thiếu nữ "Môi mọng trái nhót mắt
ngời dao cau".
4. Có thấm nỗi buồn, có cảm nỗi hàn bao la của những
giọt "mưa buồn thê thiết" trong thơ Huy Cận trước Cách mạng, mới thấy
hết niềm vui, sự ấm áp của Mưa xuân trên biển. Khổ thơ kết như một bức
tranh lụa về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc :
Em bé
thuyền ai ra giỡn nước
Mưa
xuân tươi tốt cả cây buồm
Biển
bằng không có dòng xuôi ngược
Cơm
giữa ngày mưa gạo trắng thơm
Mưa làm
cho cây gỗ làm cột buồm như cũng tốt tươi, như sắp đơm cành trổ hoa. Mưa như
thế thì cuộc đời cũng nở hoa. Không có một chữ ngợi ca mà rất ngợi ca.
Mưa bay
như khói qua chiều
Vòm cây nghe nhỏ giọt đều
qua đêm
Tiếng
mưa vang nhẹ khắp miền
Lòng rung như chiếc lá mềm khẽ sa
Sáng ra mở cửa nhìn ra
Vẫn mưa mà đất trước nhà vẫn khô
Đó là
bài thơ Mưa xuân Trần Đăng Khoa viết khi đã mười sáu tuổi. Mưa bay như
khói là một so sánh lạ. Nhưng khám phá lại chính là : Vẫn mưa mà đất trước nhà
vẫn khô. Mưa suốt chiều, mưa qua đêm, ấy vậy mà sáng ra đất vẫn khô. Trần Đăng
Khoa kể : khi Xuân Diệu đọc, ông ngạc nhiên và bảo rằng đất vẫn khô, khéo đất
nhà cậu có ma chắc ?
Nhưng
mưa như khói thì đất có thể khô lắm chứ !
Mưa
xuân là một quà tặng hào phóng của thiên nhiên cho hương vị mùa xuân thêm đằm
thắm. Dù sao thì thấp thoáng chút mưa trong sách vở thế là tạm đủ rồi. Có bao nhiêu thứ để chơi,
để thưởng ngoạn trong dịp Tết. Nhưng nếu
bây giờ trời đang có mưa thì xin đừng bỏ qua cơ hội đón mưa bằng cảm nhận của riêng
mình.
Có rất nhiều cảm nhận, nhiều sắc thái về mưa xuân. Vâng, mãi mãi mưa xuân vẫn là một sự kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng cho con người ở xứ sở này. Cảm ơn bác Vũ Nho đã chia sẻ.
Trả lờiXóaCám ơn Nguyễn Xuân Lai đã ghé trang và chia sẻ!
Xóa