Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

MÙA THẢ LÁ …NGƯỢC THỜI GIAN






MÙA THẢ LÁ …NGƯỢC THỜI GIAN
Đọc Mùa thả lá của Hà Hưng, nxb Hội nhà văn 2015
                           Vũ Nho
Người ta bảo thi nhân không có tuổi. Ấy là nói cái trẻ của người thơ, và nói cái vĩnh cửu trẻ trung trong thơ của họ. Chớ thi nhân cũng là người trần mắt thịt như mọi người, sao họ có thể khác người. Nhà thơ Chế Lan Viên chẳng đã nói về tuổi    sự gắng gỏi sáng tạo của mình:
          Tuổi đã ngoài năm mươi
          Mong gì hương sắc lạ
          Mọc chùm hoa trên đá
          Mùa xuân không chịu lùi!
                             Hoa trên đá
Còn tác giả  Hà Hưng cũng đã nói đến tuổi tác một cách hình ảnh trong bài thơ “ Mùa thả lá”, cũng là tên của  cả tập thơ:
          Ta đi trong lá rơi
          Cùng dòng người xuôi ngược
          Ai cầm tay ai bước
          Lá chạm lá vai gầy
          Còn bao mùa lá bay
          Bao mùa thôi thả lá
Thật ra tính thời gian theo năm thì bao mùa lá bay ( thả lá), cũng sẽ có bấy nhiều mùa lá không bay ( thôi thả lá). Nhưng hỏi như thế vì đang có nhu cầu tính đếm thời gian. Cái câu hỏi ấy chắc chắn không thể là câu hỏi của người “mười bảy, bẻ gãy sừng trâu”. Mà phải là người cũng đã từng trải, từng sang bên kia dốc đời. Chắc chắn là như vậy. Nhưng đó chỉ là băn khoăn  bất chợt khi đang trong “mùa thả lá”, mùa thu lá vàng bay.  Người thơ là một người trẻ, người “không tuổi” được lí giải là bởi nghề nghiệp:
Theo đuổi nghề y không tính tuổi
Khối óc con tim chẳng chịu già

Tận tụy cứu người qua bạo bệnh
Thở phào, đời bỗng trẻ thêm ra
Nghề y
Còn trong tập, nhiều bài ngược thời gian, và không thời gian; nhiều bài cho thấy một người thơ trẻ trung, mạnh mẽ, đam mê:
          Rượu một bình
          Tình một núi
          Đưa nhau về thuở hồng hoang
          Bấm chân suối Mỡ
          Em sang với mình
          Tóc mây cài mái – hoa rừng
          Rượu Vân người chuốc
          Mưa bưng lối về
                             Suối Mỡ
Phần lớn các bài thơ trong tập, tác giả không ghi năm viết, cho nên thật khó biết những câu thơ đó được sinh thành từ bao giờ. Nhưng rõ ràng nếu không phải viết vào thời thanh xuân, thì cũng là viết bởi một tâm hồn thanh xuân, một tâm hồn của người không tuổi:
          Chợ xuân gặp ánh mắt cười
          Rượu nồng chưa nhấp
Mà người ngất ngây
          Chợ xuân
Thật thú vị câu thơ gợi nhớ đến phát hiện độc đáo của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong “Đám cưới ngày mùa” về những người trẻ tuổi:
          Các cụ ông say thuốc
          Các cụ bà say trầu
          Còn con trai con gái
          Chỉ nhìn mà say nhau
Còn trẻ mới có cái say “ánh mắt” lập tức và ngất ngây như thế!
Những câu thơ này  viết về cảnh vật, nhưng nhìn bằng con mắt của người đang yêu, bằng cảm xúc của người khao khát, nên vật nào cũng nhuốm màu yêu:
          Thông reo ngả nghiêng gọi sóng
          Mọng bờ mắt đợi sóng yêu
          Triều cạn sóng không trở lại
          Bờ khô khát rạn  nắng chiều
                             Biển
 Không phải là không có lí, dẫu rằng hơi cực đoan, khi người viết thấy tạo vật “không để làm gì” nếu như không bầu bạn,   hoặc chỉ là vật tự thân, hơn nữa là nếu chẳng được yêu:
          Bông hồng chẳng để làm gì
          Khi không nhớ ngày sinh nhật
          Sắc đẹp cũng thành vô nghĩa
          Khi anh không ngỏ lời yêu
                             Vệt nắng chiều
Trong niềm riêng tư ấy, mặc dù nhà thơ là người kín đáo, nhưng chúng ta có thể thấy  thấp thoáng sự nuối tiếc, ao ước cùng là nỗi cô đơn, lẻ loi  trong cuộc sống thường nhật. Những câu thơ buồn  bâng khuâng  khi nhìn cá cảnh:
          Cá một con
          Ta một mình
          Buồn vui vô hình
          Chẳng ngày nào ngơi
           Cùng bơi – cùng bơi
                             Cùng bơi
Những câu thơ  giãi bày nỗi khó khăn của một người bươn chải trong sóng gió cuộc đời:
          Chớp Đông, trời đổ, nước duềnh
Em đu theo sóng tròng trành một Em
                             Thôi đành
  có một đêm xuân sao dài như thế cùng rượu đắng thức tàn canh:
          Đêm xuân/ Mình rót cho mình/ Mình rót cho ai/ một li rượu đắng/ Thức chờ ban mai. ( Rượu đắng).
          Nhìn chung, tác giả là người giàu tỉnh cảm. Bên cạnh những tình cảm riêng tư ấy là tình yêu quê hương đất nước, yêu những miền đất dù chỉ ghé qua một  đôi lần  trong đời như  Đền Mẫu Âu Cơ,  Gọi thầm sông Chảy, Với sông Thương, Đập tràn sông Đà, Với Huế, Bản Đôn, Với Quy Nhơn, Hẹn cùng Điện Biên. Đặc biệt là  tình cảm dành cho dòng sông Chu   của quê hương Thanh Hóa. Dòng sông  bao lần vỗ sóng rầm rì, hiện lên trong “Núi Mục sông Chu”, “ Vọng khuya”, “Sông Chu”, “Gửi sông quê”. Phải là người gắn bó với quê hương  xứ Thanh sâu nặng mới có thể  vĩnh cửu hóa được hình ảnh sông quê:
          Bến quê tắt lửa nhà chài
          Trăng nghiêng soi bóng đền đài Lam Kinh…
                                      Vọng khuya
Và kỉ niệm một chuyến đò  đêm trăng mãi còn sóng sánh trong kí ức thẳm sâu của người viết:
          Đò ngang cùng bạn la đà trăng treo
          Xuôi dòng con nước trong veo
          Chèo khua trăng vỡ loang theo tiếng cười
                                      Gửi sông quê
          Có thể thấy tác giả không quá quan tâm đến cách tân hay không cách tân, truyền thống hay hiện đại. Chỉ cốt sao  bày tỏ, nói được tầm lòng mình với người thân, với bè bạn, với  đồng nghiệp,  với nghề, với quê hương. Những câu thơ do đó có vẻ đẹp dung dị, bình thường. Ít có những bài xuất sáo. Tuy vậy, nhờ có một tấm lòng chân thành, một tình cảm dồi dào, mạnh mẽ nên phần thơ tình có những câu khá hay được trích dẫn bên trên. Cũng còn có thể kể thêm những bài viết ngắn, thành công như Thuyền và bến,  Đêm lạnh, Dùng dằng, Hoàng hôn trước biển Hạ Long,…
          Đây là tập thứ tư, sau ba tập Vòng tay ấm ( 2007), Niềm yêu (2009),  Vệt nắng chiều ( 2011). Một cố gắng thật đáng ghi nhận của  tác giả Hà Hưng,  Hội viên Hội nhà văn Hà Nội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Thanh Xuân, thành viên Câu lạc bộ Văn Chương, Hội nhà Văn Việt Nam.
                                                          Hà Nội, mùa Giáng Sinh 2015
         
 Đăng báo Người Hà Nội ngày 7/1/2016, đây là bản gốc

         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét