PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện – Người phu chữ cần mẫn
Thùy Dung
Nguyễn Tự Lập gọi
ông là “người Thầy có tâm, có tầm, có đức” ; Hồ Sĩ Vịnh ví ông là “người bơi
giữa hai dòng chảy” ; Nguyễn Đình Lâm nhắc tới ông như “người tiếp lửa cho nghề
viết”; học trò trân kính ông như cha; giới đồng nghiệp đặt cho ông cái tên rất
dí dỏm- con số 7 may mắn… Ấy là nhà văn, nhà báo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện – một
trong những cây bút phê bình xuất sắc trong giới phê bình văn học Việt Nam.
Người con của đất
làng Nành
Nhắc đến
làng Nành (Nay là Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) người ta nghĩ ngay đến vùng đất lắm
“trai tài, gái sắc”. Bởi nơi đây chính là quê hương của nhiều vị quan tài ba,
cũng là nơi được mệnh danh là “hậu cung của triều đình”, với công chúa Ngọc
Hân, hoàng hậu Nguyễn Thị Huyền và vô số các cung tần mỹ nữ khác. Đó là mảnh đất
thuộc xứ Đông Ngàn, Kinh Bắc- nơi dòng sông Đuống quanh năm lững lờ trôi chảy,
lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống với con người thuần hậu, đơn sơ.
Nguyễn Ngọc Thiện may mắn là một trong số những người con của vùng đất gìn giữ
nhiều nét văn hiến ấy.
Nguyễn
Ngọc Thiện sinh năm 1947. Ông xuất thân trong một gia đình trung lưu, cơ chỉ
làm ăn. Ông nội ông là người tính tình khí khái, trọng chữ nghĩa. Ông ngoại ông
là thầy đồ dạy chữ Nho còn bà ngoại là người con gái nết na, có nhan sắc trong
làng. Hồi thiếu nữ, bà được bầu chọn là Tướng Bà trong dịp Hội Đại cuối cùng của
tổng Nành (cuối XIX).
Từ nhỏ,
ông và các anh chị em đều được thầy mẹ chăm sóc, cho ăn học chu đáo. Tiếp thu truyền
thống đạo học của gia đình và lời khuyên của ông cha: gìn giữ gia phong, tu
nhân tích đức, lập thân tự học hành để là người có chữ, có chí… Năm 1963, chàng
thanh niên Nguyễn Ngọc Thiện thi đỗ vào khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Sau bốn năm học tập, ra trường, Thiện về nhận công tác tại Viện Văn học thuộc
Viện Khoa học- Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Nguyễn
Ngọc Thiện bước chân vào làng nghiên cứu từ đó.
Kể lại
khoảng thời gian mới đầu chập chững bước vào nghề, ông chia sẻ: “Khi ấy, mình
là cán bộ trẻ nhất cơ quan, rụt rè, bẽn lẽn lắm. Đi theo các bậc đàn anh, trưởng
thượng như Hoài Thanh, Nam Mộc, Hoàng Trinh, Vũ Đức Phúc… dự các cuộc họp, các
buổi gặp gỡ; mà nhiều người cứ ngỡ mình là con, em đi tháp tùng các vị cho vui.
Chứ không ai nghĩ mình lại là người trong nghề cả…”
Chưa hết
thời gian tập sự một năm, Thiện được gọi đi nghĩa vụ quân sự. Lúc đầu là lính
chiến bộ binh ở Bộ Tư lệnh Thủ đô. Sau quân lực thấy anh có bằng đại học, lại vốn
làm nghề với chữ nghĩa, bèn chuyển anh về Trường sỹ quan hậu cần. Tại đây, Thiện
đảm nhận các công việc từ giảng viên dạy văn trong khoa Cơ bản, sỹ quan trợ lý
chính trị Ban Tuyên huấn, chủ nhiệm thư viện nhà trường cho tới biên tập viên,
phát thanh viên của Đài truyền thanh nhà trường… Được hơn 5 năm, sau Hiệp định
Paris năm 1973, anh được chuyển ngành trở về công tác tại Viện Văn học, tiếp tục
sinh hoạt chuyên môn trong Ban Lý luận rồi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt
Nam. Một thời gian sau đó, Thiện được điều động lên vùng biên giới phía Bắc làm
cán bộ tăng cường của Đảng. Đến năm 1983, ông được cử đi du học bên Cộng hòa
dân chủ Đức, tiến hành nghiên cứu và tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành lý luận
văn học tại trường Đại học Karl-Marx (Leipzig). Sau 4 năm miệt mài, Nguyễn Ngọc
Thiện hoàn thành xuất sắc khóa học nghiên cứu sinh. Trở về Việt Nam, ông được kết
nạp là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam và tiếp tục trở lại với lĩnh vực
nghiên cứu, phê bình trong vai trò Trưởng Ban lý luận tại Viện nghiên cứu Văn học.
Cây bút trưởng
thành xuất sắc của văn đàn Việt Nam
Nguyễn
Ngọc Thiện bắt đầu nghiệp “se chữ” bằng những bài tiểu luận, phê bình trên một
số báo chí ở Trung ương và tham luận ở các cuộc hội thảo khoa học. Sau 50 năm cần
mẫn như con tằm se kén, kéo tơ, đến nay, ông đã sở hữu một khối lượng công
trình nghiên cứu không hề nhỏ. Đặc biệt, phải kể đến: Văn chương và tác giả (Tiểu luận, phê bình) 1995, Tài năng và bản lĩnh
nghệ sĩ (Nghiên cứu và phê bình) 2000, Phong cách và đời văn (Tiểu luận, phê
bình) 2005, Lý luận phê bình và đời sống văn chương (Tiểu luận phê bình) 2010,
Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh (Chuyên luận) 2004, Văn
chương nghệ thuật và thẩm mỹ tiếp nhận 2015. Bên cạnh đó, ông cũng là chủ
biên của nhiều cuốn sách: Tuyển tập phê
bình, nghiên cứu văn học Việt Nam 1900-1945, 5 tập; Hoài Thanh- Bình luận văn
chương; Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, 2 tập; Vũ Trọng Phụng- Về tác giả tác phẩm;
Lý luận phê bình Văn học Việt Nam thế kỷ XX- 13 tập… cùng nhiều tác phẩm lý
luận, phê bình văn học khác…
Nghiên
cứu một hiện tượng văn học, ông luôn trung thành với nguyên tắc “Một cái nhìn
mang tính biện chứng lịch sử và hướng tới sự phát triển của bản thân, luôn luôn
là một yêu cầu thống nhất hữu cơ, không thể chỉ nhấn mạnh phiến diện một phía
nào”.
Theo
Nguyễn Ngọc Thiện, văn học nghệ thuật là một hình thái nghệ thuật đặc thù bằng
ngôn từ, chứa đựng tài năng, tâm huyết của người nghệ sĩ, được ấp ủ, thai nghén
và sinh thành, tồn tại trong nhiều mối quan hệ đan cài nhau, nhằm thể hiện khát
vọng của con người trong sự tìm kiếm , vươn tới và sáng tạo theo quy luật của
cái đẹp, cái chân, cái thiện. Vì vậy, để phê bình được thì phải nhìn mọi thứ dựa
trên tổng thể, bao quát, không thể chỉ thấy điểm mà không thấy diện; phải vừa
biết kế thừa, chọn lọc, vừa nâng cao, bổ sung…
Những
bài viết của ông có sức đằm sâu, gợi ra nhiều vấn đề để suy nghĩ, bàn luận. Ông
phê bình trên cơ sở hiểu sâu con người nhà văn và khảo sát tác phẩm một cách đầy
đủ, có hệ thống, không bị sa vào nhận định chung chung. Ngòi bút phê bình Nguyễn
Ngọc Thiện có chất văn, đặc biệt là khi phê bình tiểu thuyết, nhiều trang viết
đầy cảm hứng, lôi cuốn. Ngoài việc cung cấp những tư liệu mới, Nguyễn Ngọc Thiện
còn đóng góp vào đời sống văn học những kiến giải mới của mình.
“Lội ngược dòng”
để đi tìm chân- thiện- mỹ
Say mê
đào sâu nghiên cứu di sản văn học dân tộc, từ đó tìm ra điểm hay, cái hợp lý để
kế thừa và nâng cao. Có lẽ ai cũng thừa nhận đây là cách đi đúng hướng, có điều
phải công phu, nhất là ở khâu đi tìm tài liệu gốc. Làm lý luận văn học, nghệ
thuật nhất là chủ biên công trình đối với Nguyễn Ngọc Thiện không phải dùng
danh xưng của mình, tập hợp một số tư liệu, bài viết, thành con số cộng hay khi
có tài liệu “tam sao thất bản”, vẫn được sự hỗ trợ kinh phí nhà nước, in thành
những tập sách dày cộp nhưng thiếu ý tưởng…; mà là lối bơi ngược dòng, tìm tòi,
khảo sát, chỉnh lý mới tìm ra được văn bản gốc, tương đối chính xác, tổ chức
thành hệ thống với cách nhìn khả biến và quan điểm biện chứng. Tiêu biểu là chuyên
luận Nhìn lại cuộc
tranh luận nghệ thuật 1935 – 1939- Công trình tổng kết cuộc tranh luận văn nghệ lớn nhất và quan trọng nhất đầu thế kỷ XX, được giới khoa học đánh
giá cao năng lực khái quát, phương pháp tổ chức tư liệu nhờ sự chỉ đạo của
phương pháp luận mácxít…
Với Nguyễn
Ngọc Thiện, chủ biên trong vai trò người chủ xướng một đề tài lớn phải
thực sự là người lao động có trí tuệ năng động, có phương pháp tư duy thực chứng,
lại tập hợp được đội ngũ nghiên cứu tâm huyết đáp ứng được xã hội có nhu cầu,
đòi hỏi của xã hội... Điều này từ thế kỷ XVII, R. Decartes gọi là duy lý thực
tiễn, tức là muốn làm một công trình khoa học, thì phải có tầm nhìn khái quát
qua ba công đoạn: nhu cầu (besoin), năng lực (capacité), và hành động (action).
Về mặt này ông giống như một nhà tư liệu học khả kính đáng tin cậy.
Là học
trò của cố nhà phê bình văn học Hoài Thanh, ông luôn tâm niệm “ phải tận dụng
thời gian, hết lòng làm việc cho cái chuyên môn mà mình theo đuổi, để khi sức
tàn lực kiệt, có thể mãn nguyện là mình đã làm được chút gì có ích cho cuộc đời
chung”. Với ông, để nghiên cứu được văn chương, phải chịu khó tìm tòi, tự mình
tìm đọc các văn bản, tác phẩm, đọc đi đọc lại nhiều lần, để thẩm thấu được cái
hồn, cái thần của nó. Khi đọc phải tĩnh tâm, thành thực với mình, với người, an
nhiên, tự tại. Bên cạnh khả năng thiên bẩm thì việc trui rèn, luyện tập cũng vô
cùng quan trọng. Mình phải lao động dựa trên câu chữ của người ta, nghiên cứu kỹ
lưỡng từng câu, từng dòng, từ cách diễn đạt đến tư tưởng, tình cảm của người viết…
Từ đó mà tìm ra những điều sâu xa ẩn chứa mà tác giả tâm huyết gửi gắm trong
câu chữ.
Ngoài
cương vị của một nhà khoa học, nhà văn, nhà phê bình văn học; PGS.TS. Nguyễn
Ngọc Thiện còn được mọi người biết đến là một nhà giáo ưu tú với kinh nghiệm giảng
dạy phong phú hiếm có. Trong hơn 20 năm làm “nghề giáo” của mình ông đã giảng dạy
và hướng dẫn rất nhiều nghiên cứu sinh, nhiều học viên cao học, nhiều người có
học vị tiến sĩ, thạc sĩ văn chương,… cho ra đời nhiều luận văn, luận án có giá trị
nghệ thuật và chuẩn mực khoa học được đông đảo giới chuyên môn tán thưởng và
công nhận.
Không chỉ
tập trung nghiên cứu, giảng dạy, ông còn cần mẫn chuyển mình cả trong lĩnh vực
báo chí. Tham gia công tác báo chí từ cách đây đã 10 năm, hiện PGS.Ts Nguyễn Ngọc
Thiện đang đảm nhiệm vị trí Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam - một trong những tạp chí văn nghệ tổng
hợp hàng đầu của giới văn nghệ cả nước. Tạp chí từ thời ông lãnh đạo đã từng bước
đổi mới ngày một chuyên nghiệp về nội dung, chỉn chu về hình thức, xứng tầm một
tạp chí văn nghệ đầu ngành mang tính chất mẫu mực. Về hình thức, từ mục lục đến
trang bìa, từ chú thích đến tên chuyên mục được đặt đầu trang bìa được trình
bày rất chuyên nghiệp và khoa học đạt chuẩn trong nước và quốc tế. Vì tổng biên
tập là một nhà khoa học nên uy tín của Diễn
đàn Văn nghệ Việt Nam ngày càng được coi trọng. Các bài đăng trên tạp chí đều
được tính điểm cộng cho các công trình khoa học…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét