Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

CÓ NGƯỜI KINH BẮC MỘNG MƠ





                                                                          Vũ Nho chủ trang


Thay lời tựa cho tập "Nỗi nhớ tháng tư", nxb Hội nhà văn 2015



CÓ NGƯỜI KINH BẮC MỘNG MƠ



                        PGS.TS. nhà văn Vũ Nho



Tôi chưa một lần gặp Vũ Tuấn Anh -  tác giả tập thơ. Nhưng lại được tin cậy gửi đọc bản thảo và nếu được thì viết đôi lời gọi là giới thiệu. Có lẽ cũng là một cơ duyên nào đó chăng? Như là câu lục bát trong bài Ngỏ của  tác giả :

          Hợp, tan, được, mất…còn là tùy duyên

Tin là có cái duyên cho nên tôi đã đọc  chăm chú và đã có một vài cảm nhận.

          Theo giới thiệu  bằng thơ thì tác giả là con trai một người lính, được sinh vào tháng Tư. Không rõ là sau hay trước năm 1975. Nhưng ngày đầu tiên của tháng Tư đã có một cậu bé trai ra đời, ở vùng Kinh Bắc, bây giờ thành tráng niên và cũng muốn theo đòi thơ phú. Tôi tin vào sự chân thành của  những câu lục bát này:

          Thêm lần mắc nợ tháng tư

          Nợ cha, nợ mẹ, nợ từ người thân […]

          Nợ đời giây phút đắm say

          Nợ em tất cả những ngày bên nhau

          Nợ niềm vui, nợ nỗi đau

          Nợ chưa tìm được phép màu cho thơ

                             Nợ tháng Tư


Các món nợ trên kia là có thực, là nợ nần của bất cứ người tử tế đứng đắn nào. Nhưng món nợ cuối cùng là món nợ tự tác giả buộc mình vào, mà có lẽ cũng chả có ai cho tác giả vay, hay  ràng buộc tác giả phải tìm “ phép màu” cho thơ ca cả.  Có thể tôi hiểu nhầm chăng, và sẽ có bạn đọc biện hộ rằng: đó là tác giả nói “phép màu” cho thơ của mình thôi, cái phép làm cho thơ hay hơn, hấp dẫn hơn, tiêu tao hơn những gì anh có.  Nhưng lại cũng chưa thấy nhà thơ lớn nào, dù tự tin đầy người dám tuyên bố đã tìm thấy “phép màu” cho thơ của mình chứ chưa nói cho thơ ca thiên hạ.

          Thành ra không phải muốn nói thế nào về thơ ca cũng được.  Tôi cảm thấy tin  hơn, chắc chắn như vậy, những dòng mộc mạc có tính tự bạch này so với lời khai về món nợ thơ ca ấy:

          Vâng, tôi là gã chân quê

          Chăn trâu từ nhỏ, thạo nghề nhà nông

          Đôi vai quen với gánh gồng

          Làn da cháy nắng, tắm sông mình trần

          Bàn tay thô ráp, chai sần

          Nói lời bộc trực, lựa vần chẳng hay

          Lên mười đã biết cuốc cày

          Làm diều tự đẽo con quay chơi đùa

          Lớn bằng khoai, lúa, cá cua

          Lời ru cùng tiếng chuông chùa ngân vang

                                      Lòng riêng

Tất nhiên là hai chữ “chơi đùa”  chưa thật hợp với việc “đánh cù” hay còn gọi là “chọi con quay” ở làng quê. Và tiếng chuông chùa “ngân vang” cũng là để bắt vần với câu dưới, chứ chuông chùa “ngân nga” đi kèm lời ru mới là đắc địa.

          Không phải ngẫu nhiên mà tôi  gọi tác giả là người mộng mơ. Thường thì các thi nhân bao giờ cũng là người mơ mộng, hay nói như Xuân Diệu từng đình nghĩa có khía cạnh đúng :

          Là thi sĩ nghĩa là ru với gió

          Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây

          Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây

          Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến

                             Cảm xúc

Tác giả tập thơ không «mơ» theo trăng, mà anh mơ ở mặt đất «Mộng mơ Cát Bà » ;  rồi « Mơ hoang » ;  rồi «Thầm mơ » ...

          Hẹn mình về với Phú Vang

          Tìm người áo tím có hàng mi cong

          Nói lời ấp ủ trong lòng

          Muốn làm núi Ngự bên dòng Hương Giang

                             Mơ hoang



Đi kèm với mộng mơ là ao ước. Thì đây, cũng rất nhiều ước muốn, ước ao, ước mong : « Mong về Thái Nguyên » ;  rồi giả định «  Giá như », « Giá đừng » ;  rồi «  Ngóng » ; rồi «Ước » :

Heo may  thật khéo cợt đùa

Để tôi thầm ước…em chưa lấy chồng

          Thầm mơ

Ước chi tát cạn sông Cầu

Còn son trao mối tình đầu cùng em

          Ước



... Cả những bài thơ không liên quan gì đến mộng mơ hay ước mơ nhưng vẫn có những câu thơ ước :

          Nhớ cha con ước mẹ vơi nỗi lòng

                             Nhớ cha

          Vào chùa Bái Đính cầu may

          Ước ngày anh được cầm tay ngỏ lời

                             Gửi về Ninh Bình

          Ta ước như đất trời

          Cứ hết Đông, Xuân lại

          Được trở về vụng dại

          Cầm tay em trong mơ

                             Thấy mưa

Ngoài tình yêu gái trai, tình yêu lứa đôi mà tác giả dành cho nhiều bài, chúng ta còn có thể thấy tình cảm với mẹ, với cha, với các chiến sĩ tuần tra « Chào cờ ở đường biên », với « Tết sớm ở Trường Sa » , tình cảm dành cho người vợ liệt sĩ nhân ngày 27 tháng 7 ( Phân vân của chị, Mẹ giận mày đấy). Và đặc biệt là tình cảm dành cho thành phố Hà Nội, dành cho mùa thu, dành cho hồ Tây, nơi  hò hẹn của bao lứa đôi.

          Có thể thấy rằng tác giả ưa thích lục bát. Những câu lục bát trau chuốt, vần chỉn chu, mềm mại đã giúp tác giả nói được nhiều điều mong đợi một cách hiệu quả. Các bài lục bát thường là thành công hơn các thể thơ khác. Bên cạnh kĩ thuật, còn có điều căn bản ấy là những đề tài đó tác giả thông thuộc, gần gũi. Tuy nhiên có lẽ cũng  cần nhắc tác giả là cần  phải dụng công hơn nữa khi dùng những từ ngữ đã không còn mấy nhung tuyết. Chẳng hạn những từ như « đong đầy », « chênh chao » «  xôn xao » : Chân thành trong cả câu thơ đong đầy/  Những nỗi niềm ao ước/ Đong đầy trong mắt cha...

          Dù sao, đây cũng là một tập thơ ghi lại những cảm xúc thăng hoa của tác giả trước cuộc đời mà người viết luôn khao khát muốn  tìm hiểu, khám phá, sẻ chia. Nó cũng là một phần của việc trả nợ mà người thơ thấy mình có nghĩa vụ với người thân, với  quê hương, với cuộc đời.

          Xin được trân trọng giới thiệu với mọi người !



                                           Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2015




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét