Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Trực cảm hay linh cảm...





TRỰC CẢM HAY LINH CẢM...
                                       Trần Trung
1/Đã nhiều lần,lên “chương trình” hay ngẫu hứng,mấy anh em hợp “cạ”lại hẹn gặp nhau tào lao với văn chương, thế sự...linh tinh mà vui đáo để. Thế mà, hôm nay chỉ có Tôi và nhà văn họ Cao-anh Cao Thắng đối ẩm.Đành vậy! Vẫn nguồn cảm hứng tâm đắc, sau vài chập nâng ly (rượu)...Tôi lên tiếng bên đĩa lòng lợn cùng bạn.Chả là, anh em cùng bàn về hoàn cảnh sáng tác nghệ thuật-Mà, đặc biệt là nghệ thuật sáng tạo thơ. Tôi trải lòng: ngay cả khi dạy cho học sinh bậc Trung học, tôi vẫn bổ sung cách cảm nhận về hoàn cảnh ra đời một bài thơ.Các thầy cô-nhất là ở cấp PTCS, hay có thói quen tìm về hoàn cảnh thời gian, không gian.Theo tôi, mỗi một thi phẩm ra đời, nằm trong hai trạng thái của nhà thơ: ngẫu hứng hay ngẫm ngợi.Ngẫu hứng khiến bài thơ xuất thần nhanh trong thăng hoa cảm hứng; Sự ngẫm ngợi gắn với thời gian suy tư và ám ảnh mới tạo ra thi phẩm.Cũng bởi thế, ngẫu hứng hay ngẫm ngợi đều có cái hay, cái được riêng trong sự ra đời của một bài thơ.
  Tôi viện dẫn về bài thơ nổi tiếng của thi nhân đất Kinh Bắc-Hoàng Cầm –bài “Bên kia sông Đuống”; Một bài thơ không ngắn mà thi sĩ trong cảm hứng tuôn trào, đã viết liền một mạch vào dịp mùa xuân 1948.Ấy là khi Hoàng Cầm đang trên Chiến khu Việt Bắc. Chợt nghe tin quê hương Kinh Bắc của ông, giặc xâm lược đã kéo lên “ Ngùn ngụt lửa hung tàn”. Nơi ấy, Hoàng Cầm còn người mẹ già và cả người vợ trẻ nữa.Tin buồn đau ấy, bất ngờ  đến và tạo nên cơn chấn động bùng phát trong lòng thi sĩ vốn nhạy cảm và đa cảm như Hoàng Cầm.Từ những câu thơ đầu “Em ơi buồn làm chi/Anh sẽ đưa em về bên kia sông Đuống” mà như lời của Hoàng Cầm như “ vọng tới từ xa xanh” để rồi nguồn mạch tuôn trào; Để rồi câu nọ gọi câu kia tuôn chảy mải miết, mê đắm...cho tới rạng sáng vào tháng tư 1948, “Bên kia sông Đuống” hoàn tất.Người đầu tiên được Hoàng Cầm đọc cho nghe là nhà văn Nguyên Hồng. Khi đến những câu cuối của bài thơ, hòa với giọng đọc nghẹn ngào của chính tác giả, nhà văn vốn mau nước mắt như Nguyên Hồng đã bật lên khóc rưng rức, thành tiếng.Thế là, hai nhà văn ôm chầm lấy nhau mà nghẹn ngào.Mà nức nở.Và, Hoàng Cầm đã cảm nhận được sự thành công của đứa con tinh thần của mình.

  Nói đến nhà thơ được đánh giá là thi sĩ hàng đầu của Phong trào Thơ Mới (1932-1945)- Huy Cận, làm sao mà bỏ qua thi phẩm “Độc nhất vô nhị” của ông-“Tràng giang”! Bài thơ ra đời vào mùa thu 1939. Nhưng, nỗi ám ảnh và suy tư của Huy Cận về hình ảnh dòng sông Hồng, quãng bến Chèm lại không phải là sự đột khởi mà thành thơ. “Tràng giang” vì thế gắn với sự suy tư ngẫm ngợi của Huy Cận khi đối diện với dòng sông( Hồng) mà liên tưởng tới dòng đời chảy trôi trong mang mang, bất tận. Cái tên “Tràng giang” cũng nằm trong trường liên tưởng ấy.
2/Tôi quen biết nhà thơ Trúc Thông chưa lâu (khoảng hai chục năm gì đó!).Từ bài thơ nổi tiếng của anh “Bờ sông vẫn gió”-Nhất là khi được Trúc Thông tâm sự về hoàn cảnh anh sáng tác bài thơ này, tôi mới lại ngộ ra rằng: ngẫu hứng hay ngẫm ngợi chưa nói đủ, chưa “ôm” đủ về sự ra đời của một bài thơ.Hình như mọi cái lạ trong sáng tạo nghệ thuật-Thơ, còn ẩn chứa trong điều không lý giải được thật rõ ràng. Bởi, nó còn tùy thuộc vào Cõi-Thiêng mà tôi tạm dùng mấy chữ “Trực cảm hay linh cảm”?!
  Tôi nhớ,có một lần, Trúc Thông gọi điện cho tôi : Trần Trung đến mình chơi đi. Tớ muốn trao đổi với cậu tí.Khi ấy nhà Trúc Thông còn ở phố Hồng Phúc.Đến nhà, anh đã mở cửa sẵn. Tôi vừa dừng xe, anh đã bước ra đon đả, thân tình: Cậu ra dốc Hàng Than, uống bia với tớ!
  Sau khi nâng cốc và uống vài ba ngụm, với vẻ mặt khác lạ: vừa đăm chiêu lại vừa như hào hừng, Trúc Thông vào chuyện: Tôi muốn nói với ông( mới “cậu” đã chuyển ra “ông”) về bài “Bờ sông vẫn gió” của mình...Một chút lặng, rồi nhà thơ thong thả-Đã nhiều người bình bài thơ này của mình.Nhưng, họ vẫn chưa nắm bắt được hoàn cảnh và tâm thế của tác giả khi viết.
   Tôi chăm chú nghe.Vì cảm thấy có điều gì đó hệ trọng mà Trúc Thông sắp giãi bầy tâm sự cùng tôi.Anh lại tiếp: Những người đã bình “Bờ sông vẫn gió” chắc hẳn mới chỉ dựa trên văn-bản-Thơ nên đã hiểu và khẳng định( hoặc đinh ninh) bài thơ này được viết sau khi bà mẹ mình đã mất.Nghe đến đấy trong đầu tôi như đã dội lên những lời giản dị mà xúc động theo điệu lục bát của Trúc Thông: “Lá ngô lay ở bờ sông/Bờ sông vẫn gió người không thấy về/Xin Người hãy trở về quê/Một lần cuối...một lần về cuối thôi”...
  Thế rồi, Trúc Thông đột ngột hơi cao giọng :Không đúng! Tớ không trách gì những người đã từng bình giải bài thơ này. Mà cũng chẳng muốn thanh minh, biện bác.Anh hạ giọng trầm lắng:Thực ra tớ viết “Bờ sông vẫn gió” trước đúng một năm bà cụ mình mất.
  Lạ thế! Điều mà Trúc Thông tâm sự với tôi cắt nghĩa và lí giải thế nào đây?
Tôi cứ băn khoăn mãi sau cái lần gặp anh ở quán bia dốc Hàng Than ấy.
                                             ***
3/Lại đến “vụ” bình 100(một trăm) bài thơ hay Thế kỉ XX.Trong một lần bia bọt sau khi đi dạy về, anh bạn học Đại học với tôi-Nhà giáo, nhà nghiên cứu-phê bình Đặng Tương Như nảy sinh ý tưởng: bình trăm bài thơ hay Thế kỉ (do Hội Nhà văn Việt Nam và Hội doanh nhân Việt Nam tuyển chọn). Mỗi tác giả chỉ được chọn một bài-Kể cả Tú Xương hay Hồ Chí Minh.
  Để đi đến bình tập thơ tuyển chọn ấy, nhóm người bình chúng tôi ( gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình:Vũ Quần Phương,Trần Hòa Bình,Văn Giá,Trần Đăng Khoa, Đặng Tương Như, Trúc Thông và Trần Trung) lại “chụm đầu” nhau lại mà trao đổi và chọn lại chỉ bình tám mươi bài.Nhà thơ Vũ Quần Phương Chủ tịch Hội đồng thơ Việt Nam được giao chủ biên cuốn sách này.Tôi nhớ, anh Phương rất tế nhị và lịch lãm đưa ra yêu cầu: mỗi người trong nhóm bình chúng tôi, trước hết được chọn những bài mà mình tâm đắc để viết lời bình;Sau đó mới chỉ định, phân công sau.Tôi phấn chấn đề xuất chọn luôn mấy bài mà mình thích như “Những bóng người trên sân ga” của Nguyễn Bính(bài thơ này, anh Phương cũng chọn bình và đưa cả hai bài vào tuyển tập); “Say đi em” của Vũ Hoàng Chương; “Thị Mầu” của Anh Ngọc...và tất nhiên tôi chọn bình bài “Bờ sông vẫn gió” của Trúc Thông.Nhân đây xin được trích lại lời bình bài thơ “Bờ sông vẫn gió” như một lời tri âm và đồng cảm với nhà thơ họ Vũ: “Tôi đã được Trúc Thông tâm sự: từ văn bản thơ,nhiều người đã cảm nhận rằng đây là bài thơ nhà thơ viết khi mất mẹ.Thực ra,anh viết bài thơ này tròn trước một năm khi bà mẹ nhà thơ qua đời.Tình yêu thương mẹ khiến nhà thơ viết nên những điều tiên cảm,tiên ưu.Có một tiếng gọi và cảm giác rùng mình ớn lạnh để rồi thành “Bờ sông vẫn gió” trước một năm người mẹ qua đời...Thi sĩ đã cất tiếng gọi mẹ.Thương mẹ.Thương quê,vào cái ngày đầy gió...” (Bình thơ từ 100 bài thơ hay Thế Kỉ XX-Nhà XBGD-Năm2008-Tập hai,trang 172-173).
  Trạng thái tâm thế của nhà thơ khi viết nên một tác phẩm phải chăng còn được bắt nguồn từ một duyên cớ bình dị mà thiêng liêng thuộc máu thịt tâm tư của người nghệ sĩ.Với trường hợp của Trúc Thông như đã nói ở trên chỉ có thể cảm nhận bởi nỗi niềm tiên cảm,tiên ưu của người con-Thi sĩ với người mẹ thân yêu của mình.Đấy là trực cảm hay linh cảm của thi nhân trong tỏ lòng mà cũng là khoảnh khắc thăng hoa của sáng tạo nghệ thuật; Có lẽ-Cả hai.

                                                Hà Nội,18/1/2016
                                               (Sắp xuân Bính Thân)

2 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay. Cảm ơn bác Trần Trung, bác Vũ Nho.

    Trả lờiXóa