Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

TRUYỆN ĐỒNG THOẠI CỦA NGUYỄN THỊ HẢI VÂN




TRUYỆN ĐỒNG THOẠI CỦA
NGUYỄN THỊ HẢI VÂN
(Đọc “Bầu trời xanh” - Hải Vân - NXB Kim Đồng 2005)

Nguyễn Thị Lan

            Đồng thoại là một thể loại đặc biệt của văn học có sự kết hợp nhuần nhuỵ giữa hiện thực và ước mơ. Thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại rất phong phú và đa dạng: nhân vật có khi là người nhưng thường là động vật, thực vật hoặc những vật vô tri vô giác khác được người nghệ sỹ thổi vào đó một linh hồn, một tính cách của con người.
            Nội dung đồng thoại có đề cập đến con người nhưng chủ yếu về thế giới tự nhiên: cây cối, chim muông... bằng biện pháp "nhân cách hoá" khiến cho chúng biết đi đứng, nói năng, có tâm hồn. Chính vì vậy đồng thoại rất được trẻ em ham mê.
            Nội dung đồng thoại có tính chất xã hội, có tính tư tưởng cao, có sức gợi cảm mạnh, dễ mang ngụ ngôn, triết lý, dễ gợi cho trẻ liên tưởng. Ý nghĩa xã hội của đồng thoại lắng sâu vào tính cách của nhân vật và chủ đề của truyện.
            Ở Việt Nam, tác giả có nhiều thành công nhất trong loại truyện đồng thoại dành cho tuổi nhỏ là Tô Hoài. Từ trước Cách mạng tháng Tám, Tô Hoài đã có những truyện đồng thoại nổi tiếng như "Dế mèn phiêu lưu ký", "Võ sỹ bọ ngựa", "Đám cưới chuột" và sau này "Chim chích lạc rừng", "Những mẩu chuyện nhỏ".
            Trên đất Hải Dương, người viết đồng thoại sớm và có nhiều thành công phải nói đến cây bút nữ Thuỳ Dương. Từ những năm 80 của thế kỷ trước Thuỳ Dương được độc giả biết đến và yêu mến trước hết từ những truyện đồng thoại "Chim bông và sẻ nâu" (In chung NXB Kim Đồng 1986), "Trong hộp kẹo" (Hội VHNT Hải Hưng 1987) là những tập truyện đồng thoại đã bước đầu khẳng định tài năng của cây bút này.

            Tiếp bước đi của người chị, Nguyễn Thị Hải Vân lại viết truyện đồng thoại. Có thể nói Hải Vân đã tìm thấy ở thể loại này rất nhiều điểm thích hợp và ở đó chị đã thể hiện khá thành công sở trường cây bút của mình.
            “Bầu trời xanh” là tập truyện đồng thoại của Hải Vân viết cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Đây là một tập truyện đồng thoại  khá hay, để lại ấn tượng tốt đẹp cho cả độc giả nhỏ tuổi và độc giả lớn tuổi.
            Thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại của Hải Vân là cả một thế giới chim chóc, súc vật, cây cỏ, hoa lá. Độc giả nhỏ tuổi có thể gặp ở đây những chú chuồn chuồn ngô, bươm bướm, chim sâu, chim yến; rồi ngan, sóc, thỏ, gà, dê; rồi những cây cỏ mật, cây thông, cây leo..., cả những vật vô tri vô giác như màu vẽ, những sợi tơ vàng, những nốt nhạc, các hiện tượng trong tự nhiên như nắng, mưa, gió, bông hoa tuyết...đều được bàn tay người viết “phù phép” làm cho chúng có linh hồn, có tính cách như con người.
            Cách giới thiệu và miêu tả nhân vật của Hải Vân thật hấp dẫn, sinh động. Người đọc thích thú vì đi vào thế giới nhân vật truyện đồng thoại của chị được gặp những nhân vật giàu cá tính, ngộ nghĩnh. Chẳng hạn con gà là con vật nuôi hết sức quen thuộc, trong những truyện của Hải Vân nó hiện ra với tư cách một “chị gà mái” tất bật, chăm chỉ, giàu tính đàn bà. Con thỏ trở thành “bác thỏ” chăm chỉ lao động. Con sóc trở thành “chú sóc nâu” nhanh nhẹn hoạt bát hay giúp đỡ mọi người. Con ngan trở thành “chú ngan hay ghen tị” cô độc, đố kỵ.
            Với một khả năng quan sát tinh tế, sự hiểu biết khá tường tận về đặc điểm giống loài của mỗi con vật, Hải Vân đã miêu tả thật tinh vi, sắc sảo thế giới nhân vật của mình. Thành công của tác giả là ở chỗ miêu tả các con vật với đặc điểm của nó và gán cho từng con vật những tính cách của con người nhưng lại hết sức phù hợp với những đặc điểm đó. "Nhanh như sóc" là thành ngữ dân gian. Chú sóc trong truyện "Sóc Nâu" của Hải Vân hiện ra thật đáng yêu với phẩm chất nhanh nhẹn, hay giúp đỡ người khác. Gà cần cù chăm chỉ thì chị gà mái trong truyện cũng tất bật suốt ngày làm ổ để đẻ trứng "xung quanh bề bộn nào trứng, nào rơm...". Con thỏ hay thích ăn cà rốt, thế là trong truyện của Hải Vân "Bác thỏ đang thu hoạch cà rốt trên cánh đồng...".
            Có được một thế giới nhân vật sống động như thế không chỉ vì người viết có tài quan sát mà còn bởi tình cảm của người viết. Đọc truyện của Hải Vân có cảm giác chị rất yêu mến, gắn bó với thiên nhiên, tạo vật. Chị yêu những con vật bé nhỏ (và cũng là yêu trẻ - bởi vì qua thế giới “nhân vật” ấy ta thấy bóng dáng của những em nhỏ). Tình cảm của người viết là hồn hậu, yêu mến, bao dung. Chị cúi xuống lắng nghe "tiếng lích chích" của con chim sâu, một "tiếng gọi khe khẽ" của cây cải bé xíu; cảm nhận khí vị của hương thơm cỏ mật trong cái đại tự nhiên đang sinh sôi và một đốm lửa nhỏ của "tia nắng". Chính vì vậy truyện của Hải Vân giàu chất thơ. Chất thơ đó được toát lên từ tâm hồn tinh tế, nhân hậu, trong lành của người viết.
            Các “nhân vật” của Hải Vân thường được chia thành những cặp nhân vật tương phản nhưng không đối lập: bông trà mi và cỏ mật, chim hoạ mi và chim sâu, cây thông và dây leo, chuồn chuồn ngô với ong, tằm, kiến. Về phẩm chất đó là những cặp nhân vật tốt và chưa tốt; đáng yêu và chưa đáng yêu. Sự tương phản ở đây là sự tương phản giữa cái đẹp và cái chưa đẹp chứ không phải là tương phản giữa cái thiện và cái ác. Phải chăng để hướng thiện cho các em Hải Vân không đề cập đến cái ác, không nói về cái ác. Người viết không muốn làm tổn thương những tâm hồn rất dễ bị tổn thương.
            Trong những cặp nhân vật ấy tác giả dành tình cảm yêu thương cho những nhân vật bé mọn: một nốt nhạc trầm, một chú chim sâu, một cây cỏ mật, một màu nâu... Những "nhân vật" này thường mặc cảm với mình: chú chim sâu "buồn bã" vì mình hót không hay như hoạ mi, Cỏ Mật "buồn lắm" vì không đẹp rực rỡ như Trà Mi, nốt nhạc trầm (Nốt Đồ) "xấu hổ, tủi thân" vì thấy giọng "ồ ồ" của mình không hay bằng các bạn. Trẻ em hay xúc động, hay thương. Truyện của Hải Vân đã khêu gợi sự rung động, tình thương, lòng nhân ái ở các độc giả nhỏ tuổi với các nhân vật.
            Giống như trong truyện cổ tích, truyện của Hải Vân có chút buồn nhưng nhìn chung kết thúc đẹp: chú chim sâu quay trở lại ngôi vườn cũ bắt sâu, chú thấy mình "có ích cho mọi người biết bao""chim sâu cười hạnh phúc"; cây cỏ mật lại lặng lẽ toả hương "một mùi hương dìu dịu, ngọt ngào"; nốt nhạc trầm lại sung sướng trở về phím đàn quen thuộc bởi chú biết rằng "lẫn trong những âm thanh trầm bổng du dương có những âm thanh của nốt nhạc trầm lặng lẽ".
 Cái kết thúc “có hậu” ấy phù hợp với ước mơ công bằng của các em, tạo cho các em niềm tin vào cuộc đời, thắp sáng trong các em ước mong một cuộc sống tốt đẹp, hòa hợp, thân ái...
            Truyện của Hải Vân viết cho lứa tuổi giàu bản năng nhưng chị không viết một cách bản năng dễ dãi, nặng về cái đẹp, cái vui mà lãng quên cái bên trong. Chị chăm lo chủ đề, tính tư tưởng, triết lý của truyện để đem đến cho truyện những tư tưởng, tình cảm lớn. Chính vì vậy truyện của chị được trẻ thích và người lớn cũng ưa, cũng có chuyện để ngẫm nghĩ. Mỗi truyện là một bài học cho trẻ nhỏ - những bài học nhẹ nhàng nhưng không kém phần thấm thía sâu sắc, nó góp phần hình thành nhân cách, năng lực cho các em. Trẻ em “chơi mà học”, “học mà chơi” Hải Vân đã khéo “gài” những bài học vào câu kết của truyện. Trong truyện "Hộp màu vẽ" các em sẽ thấy rằng "màu nào cũng đáng quý, mỗi sắc màu đều mang đến một vẻ đẹp riêng cho cuộc sống và cần phải biết gìn giữ nâng niu những gì mình có". Còn trong truyện "Hạt thóc nhỏ" sau khi để chim con gục đầu vào lòng mẹ với vẻ ân hận, tác giả viết: "Nó đã hiểu ra rằng nếu biết gom góp những cái nhỏ bé thì sẽ có được những điều lớn lao." Đó là bài học quý giá cho chim con bước vào đời. Rồi bài học về lòng tốt vô tư "giúp ai một việc gì thì không nên khoe công như thế thì việc làm của mình mới đáng quý" (Sóc Nâu); bài học về tình yêu tự do: "Sống vất vả nhưng tự do còn hơn sống nhàn nhã với thân phận kẻ tù đày" (Bầu trời xanh).
            Truyện đồng thoại của Hải Vân nhìn chung có kết cấu chặt chẽ, hoàn chỉnh. Nhân vật chính diện thường đáng yêu, có lòng tốt, có vẻ đẹp tinh thần. Nhân vật tương phản với nhân vật chính diện tuy có nhược điểm nhưng nhìn chung biết hướng thiện.
            Viết cho trẻ thơ, Hải Vân đã chọn cách viết phù hợp với sự tiếp nhận của lứa tuổi: bút pháp giản dị, gọn ghẽ, câu văn ngắn gọn phần lớn là câu đơn; ngôn từ chọn lọc và rất kiệm lời. Có cảm tưởng người viết rất công phu gọt đẽo từng từ, từng chữ để mang lại vẻ đẹp giản dị, trong sáng cho mỗi câu chuyện. Truyện "Sóc Nâu" là một truyện tiêu biểu về phương diện này, cả truyện không một ngôn từ lặp, một chi tiết thừa. Cũng là lời nói và hành động cảm ơn Sóc Nâu đã giúp đỡ mình Bác Thỏ thì "xoa đầu nó và tấm tắc khen: Sóc Nâu giỏi quá! Ngoan quá!"; chị Gà Mái thì "mừng lắm cảm ơn Sóc Nâu rối rít: Cảm ơn Sóc Nâu nhé!", Bác Dê thì "xúc động ôm Sóc Nâu vào lòng: "Sóc Nâu giỏi quá! Tốt bụng quá."
            Và bao trùm lên cả là giọng kể của người kể chuyện. Đó là một giọng văn có duyên và luôn biến hoá sinh động: lúc thì châm biếm, dí dỏm, hóm hỉnh; lúc thì hồn nhiên, tươi mát, trữ tình. Nếu viết cho trẻ phải đẹp và vui thì một số truyện của Hải Vân được cả hai.
            Trong lao động nghệ thuật tưởng như chỉ có người sáng tạo lựa chọn thể loại, đề tài. Tuy nhiên thể loại, đề tài cũng biết “chọn mặt, gửi vàng”. Viết cho trẻ em, người viết phải giữ cho được tâm hồn trong sáng, cảm xúc tươi mới, con mắt xanh non, biết cách hòa đồng với các em, hiểu được tâm lý con trẻ ở các độ tuổi. Ở những truyện thành công, Hải Vân đã có được những yếu tố đó.
            Truyện đồng thoại của Hải Vân có tác dụng không nhỏ trong việc hình thành nhân cách các em ngay lúc còn là “mầm non”. Mỗi truyện như một “tia nắng nhỏ” thắp lên đốm lửa yêu thương, nhân ái trong tâm hồn trẻ thơ. Đó là phần thưởng quý giá không dễ gì có được với người viết.
                      Hải Dương, đầu Thu 2005


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét