Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2020

CHỔI



Chổi
         Nguyễn Hoàng Sơn

Thắt lưng thì bó chẽn
Mặc váy những hai tầng
Suốt ngày lo thu vén
Trong ngoài đều sạch bong!

Chổi như là cô gái
Tính hay làm, nết na
Những lúc nào rỗi rãi
Chỉ lặng im…xó nhà!

Làm suốt năm thấm mệt
Đợi mãi phút giao thừa
Chổi nghỉ ba ngày…”phép”
 Giấy đỏ thềm như mưa…

Lời bình của Vũ Nho

         Người Việt không ai lạ gì một vật dụng mà nhà nào cũng phải có, ấy là cái chổi quét nhà. Bây giờ một số nhà hiện đại, người ta dùng máy hút bụi hoặc bộ dụng cụ lau sàn nhà. Cũng có nhiều nhà dùng chổi chít hay chổi đót ( gọi tên bằng  cây nguyên liệu làm chổi).  Nhưng nhiều nhà ở nông thôn vẫn dùng cái chổi cổ điển được tết bằng rơm để quét nhà, vừa đẹp, vừa êm và vừa tiện. Đó là cái chổi rơm được nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn nói đến trong bài thơ này.
          Có một điều thú vị là tùy sự cảm nhận và liên tưởng của nhà thơ mà cái chổi được ví von, so sánh. Chú bé Trần Đăng Khoa trong bài thơ “ Buổi sáng nhà em” gọi chổi là “bà” :
                   Bác nồi đồng hát bùng boong
                   Bà Chổi loẹt quẹt lom khom trong nhà
Có lẽ vì khi quét nhà bằng chổi rơm, người quét thương cúi thấp nên chú bé liên tưởng đến dáng “bà Chổi” lom khom thế chăng?


                                                                       Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn


 
          Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn lại thấy Chổi là một cô gái. Cô mặc váy hai tầng, lại bó chẽn thắt lưng cho gọn gàng, duyên dáng. Mà cái chính ở đây là để thuận tiện khi “làm việc” thu vén làm cho “trong ngoài đều sạch bong”. Thêm một  tính nết na của cô Chổi là tính cần mẫn hay làm và ít nói. Rỗi rãi, không “buôn” chuyện mà chỉ  “lặng im”  ở một nơi kín đáo của căn nhà.
          Ngày nào Chổi cũng quét nhà bền bỉ suốt cả năm không nghỉ. Chỉ sắp giao thừa chổi mới “nghỉ phép” ba ngày. Cái việc nghỉ phép này liên quan đến tục kiêng quét nhà trong ba ngày tết, sợ quét của cải trong nhà đổ đi của người Việt mình đó. Và vì thế cô Chổi -  công nhân môi trường mới   “nghỉ ba ngày…phép”. Khi cô nghỉ thì “giấy đỏ thềm như mưa”, chính là giấy cuốn pháo đốt trong ngày tết mà bây giờ, do sợ nguy hiểm đến người sản xuất, người đốt pháo, chúng ta đã bỏ tục lệ này.
          Bài thơ nhỏ của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn giúp ta hình dung về cái Chổi, cô công nhân môi trường nết na chăm làm ít nói, và lưu giữ lại cho chúng ta những phong tục của người Việt một thời.
                                                       Hà Nội, Tết Canh Tý 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét