Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

TRUYỆN 3 NGƯỜI CON CẦU TỰ Ở ĐỀN CHÈM




TRUYỆN 3 NGƯỜI CON CẦU TỰ
                                                     Ở ĐỀN CHÈM


                                                Đặng Trần Khanh
 

Đó là ba anh em ruột: Lý Trần Thản, Lý Trần Quán và Lý Trần Dự. Cả ba đều đỗ Tiến sĩ, được bổ làm quan và có công lao với dân, với nước.
Tại nhà thờ cụ Đặng Công Sắt ở Phù Đổng, h. Gia Lâm, Hà Nội còn câu đối về hậu duệ cụ Đặng Công Toản:
“Tích lịch phả truyền, Yên Quyết, Vân Canh, Tây Tựu, Phù Đổng
Truyền gia khoa hoạn, Trạng nguyên, Tể tướng, Tiến sĩ, Thượng thư”
歷譜傳安決雲更西就扶懂
傳家科宦狀元宰相進士尚書
Các địa danh Yên Quyết, Vân Canh, Tây Tựu, Phù Đổng là các nơi ở ban đầu của từng chi họ Đặng dòng Tiến sĩ Đặng Công Toản
鄧公瓚(1487-1547.
Chi Vân Canh, cuối thế kỷ 17 có ông Đặng Trần Diễm
鄧陳艷 là hậu duệ đời thứ 7 của cụ Đặng Công Toản và là ngành thứ trong chi trưởng, làm quan tri phủ Trường Khánh, kiêm nhiều chức việc Triều đình. Ông Diễm lấy vợ làng Lê Xá, huyện Duy Tiên, phủ Lý Nhân, trấn Sơn Nam Thượng (nay là thôn Lê Xá, xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Hai vợ chồng sống với nhau đã nhiều năm mà chưa có con. Được người trong họ mách bảo, hai ông bà lòng thành tới đình làng Chèm (xã Thụy phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội) dâng lễ vật, cầu Thánh thiêng ban cho mụn con, làm bầu làm bạn và nối nghiệp tổ tông. Khi sinh con trai, nhớ công ơn đức
thánh Chèm ban cho, ông Diễm đặt tên con là Lý Trần Thản, vì đình làng Chèm thờ vị thánh là Lý Thân (Lý Ông Trọng). Về sau, ông Diễm có thêm hai con trai nữa, là Lý Trần Quán và Lý Trần Dự.


Lý Trần Thản 李陳坦 (1721-1776) là con cầu tự thứ nhất. Năm 1743 đỗ Tam trường, làm Tri huyện Phú Xuyên. Năm 1766, niên hiệu Cảnh Hưng 26, vua vời ông về kinh  dạy các hoàng tử, phong  làm Kiểm sai vương thế tử, Hữu tư giảng, Hữu thị lang Hình Bộ, tước hầu. Do công lao giảng dạy các vương tôn, thế tử, năm Đinh Hợi (1767) triều đình khen: “Sắc ban Lý Trần Thản, Tri huyện Phú Xuyên, người đỗ tam khoa cùng trúng tam trường, lại dày công học luyện, trúng khảo quan văn, Thị nhật giảng thị nội kiêm chức Kiểm sai, việc biên soạn sách vở trong triều đình.
Năm Kỷ Sửu (1769) Trần Thản đang làm quan trong triều, vẫn lều chõng thi hội, đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Biết Trần Thản có tài cầm quân, vua Lê Hiển Tông giao ông giữ xứ Hưng Hóa. Khi đó, vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn có nhiều đám giặc cỏ quấy nhiễu, triều đình sai ông làm Đốc lĩnh quân ở 4 xứ ấy. Ông đã hoàn thành xuất sắc, đem lại yên ổn cho dân chúng, giữ vững biên cương, được phong Thượng thư Bộ Binh, Hữu thị lang Hình Bộ, tước Tuy Quận công và 5 mẫu ruộng quan điền tại quê ngoại (thôn Hạ, xã Lê Xá). Ông lập ấp, khai hoang, biến khu đất hoang thành đồng ruộng tốt tươi. Lý
Trần Thản mất ngày 14 tháng 2 năm Bính Thân (1776). Dân làng lập đền thờ làm Thành hoàng.
Lý Trần Quán
李陳
(1735-1786) là con cầu tự thứ hai, ở xã Vân Canh, huyện Từ Liêm (nay là xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Trần Quán sinh năm Ất Mão (1735). Thời đi học, văn hay có tiếng. Năm Bính Tuất (1766), thi hội, đậu Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Ban đầu, ông làm Tư nghiệp Quốc Tử Gíám, sau thăng Đông các Đại học sĩ, chức Hiến sát xứ Hải Dương, Hiệp trấn Sơn Tây, Đốc đồng Cao Bằng. Khi đó, nhà Lê Trịnh đang suy, thế lực Tây Sơn đang rất mạnh. Tháng 5 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ chiếm đất Thuận Hóa (Thừa Thiên-Huế ngày nay). Nghe
lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ tiến thẳng ra Bắc, quét sạch quân của chúa Trịnh. Từ bến sông Hồng, quân Tây Sơn tràn lên kinh thành Thăng Long. Trịnh Khải theo cửa ô Yên Phụ trốn lên phía Bắc. Khi Khải chạy đến xã Hạ Lôi, huyện Yên Lãng (Mê Linh, Hà Nội ngày nay), quân sĩ tan tác hết, cùng sang sông chỉ có năm sáu quan hoạn và con trai gia thần là Nguyễn Noãn đi theo.
Theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, đến đây, chúa Trịnh  bỗng gặp Lý Trần Quán, thiêm sai giữ công việc Lại phiên, trước đây  vâng lệnh đem tờ hịch đi chiêu mộ nghĩa binh, đang ở đấy. Lý Trần Quán gặp chúa, bèn nói dối người học trò của mình là (Tuần huyện) Nguyễn Trang rằng: “Đây là quan tham tụng họ Bùi đi lánh nạn đến đây, anh hãy hộ vệ đưa ngài đi qua địa giới huyện này”. Nguyễn Trang trước vốn là một tên tướng cướp, từng là học trò của Lý Trần Quán, lúc đó đang làm tuần huyện.Khi ấy, Trang biết đấy là chúa Trịnh, bèn cùng đồ đảng bắt giải nộp cho quân Tây Sơn để lấy thưởng. Lý Trần Quán được tin chúa đã bị bắt, vội vàng chạy đến nơi Trịnh Khải đang bị giam giữ, vừa lạy vừa khóc, nói: “Làm lầm lỗi chúa đến thế này là tội ở tôi”. Lý Trần Quán thử đem nghĩa lớn dụ bảo Trang tha cho chúa, nhưng Trang đã nói một câu nổi tiếng rằng: “Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu thân”.
            \Sau đó Trang giải Trịnh Khải đi. Đến một quán nước ven
đường, Trịnh Khải cướp dao nhà hàng, đâm cổ tự tử. Hôm đó là ngày 27 tháng 6. Trang đành đem thi thể Trịnh Khải nộp quân Tây Sơn. Thấy cái chết cứng cỏi của Trịnh Khải, người từng đứng đầu Bắc Hà, Nguyễn Huệ thương cảm, sai sắm đủ áo quan khâm liệm theo đúng lễ dành cho vua chúa, dùng kiệu rồng, đưa thi hài chôn cạnh lăng của người em cùng cha khác mẹ là Cung quốc công Trịnh Cán. Nhờ công này, Nguyễn Trang được Nguyễn Huệ bổ làm trấn thủ Sơn Tây, phong Tráng liệt hầu.
Không cứu được chủ, Trần Quán về nhà, bảo học trò: “Ta là bầy tôi do lầm lỡ tin kẻ xấu làm chúa bị chết, tội ta đáng chết. Nếu không chết thì không giãi tỏ lòng này với trời đất được”.
 “Hoàng Lê nhất thống chí” (Ngô gia văn phái) kể về cái chết của Trần Quán chi tiết như sau:
“Chủ nhà trọ hết sức khuyên giải, nhưng Lý Trần Quán vẫn không nghe, nói rằng:- Ta đã muốn chết, thì sẽ còn có những cách khác, nhà ngươi không thể ngăn nổi đâu. Nếu quả là yêu mến ta, thì cứ để mặc ta làm gì thì làm.
 Trần Quán phẫn uất, bồn chồn, càng quyết liệt bộc lộ ý muốn quyên  sinh. Chủ nhà ngăn chẳng được, biết lòng trung của ông không thể lay chuyển, đành phải sắm sửa đầy đủ các thứ theo lời ông bảo. Trần Quán sai đào huyệt ở ngay vườn sau nhà mình ở, đặt quan tài xuống. Sau đó, lấy vải trắng xé làm khăn đội đầu và dây lưng nhằm để tang chúa. Đội mũ, mặc áo chỉnh tề, hướng về phía nam lạy hai lạy. Xong, bỏ mũ, lấy khăn trắng chít đầu, dải vải trắng thắt ngang lưng; nằm vào trong quan tài, bảo chủ nhà đậy nắp, rồi vùi đất lấp… Khi đang lấp, Trần Quán còn gọi với ra: - Hãy còn thiếu một câu nữa, phải nói hết cái đã.  Mọi người nghe thế lại mở nắp quan tài. Trần Quán liền đọc hai câu thơ:
Tam niên chi hiếu dĩ hoàn/ Thập phần chi trung vị tận (Đạo hiếu ba năm đã trọn/ Chữ trung mười phần chưa xong).
         Rồi bảo chủ nhà: - Phiền ông đem câu ấy dặn lại con ta, bảo
nó sau này dán ở nhà thờ mà thờ ta. Lại tiếp: - Đa tạ ông chủ, vĩnh
biệt ông từ đây nhé!
          Chủ nhà cùng đầy tớ sụp lạy chào trước quan tài, rồi đậy
nắp, lấp đất. Hôm ấy ngày 29 tháng 6, Bính Ngọ (1786) sau khi chúa chết 2 ngày”. Nơi Lý tuẫn tiết được dân lập miếu thờ ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội. Mộ Lý Trần Quán hiện ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
          Quả là một cái chết bi tráng, đời sau còn ca ngợi, thiên hạ
kính trọng bậc nghĩa khí. Vua Chiêu Thống truy tặng quan tước cho Trần Quán: hàm Thượng thư bộ Binh, thụy Toàn Trung. Lý Trần Quán để lại nhiều tác phẩm văn thơ có giá trị, in trong các sách: 1.Bản quốc dị văn; 2.Lê triều hội văn tuyển; 3.Thi sao 4. Thơ vịnh nhân vật; 5. Lịch khoa tứ lục; 6.Thư kinh diễn nghĩa; 7.Cẩm tuyền vịnh lục; 8. Thơ in trong tập: Hoàng Việt Thi Văn tuyển  (Bùi Huy Bích).“ Lên chùa Tích Sơn họa vần” là bài thơ hay của Trần Quán:
Phiên âm Hán Việt:   Đăng Tích Sơn tự thứ vận
Tam Đảo danh sơn bán lạc sơn,/Huỳnh hoàng vạn trạng tủng nhân quan./Cửu Long bệ thượng phiên thân hóa,/ Ngũ phúc môn tiền phóng nhãn khoan./Địa hiệp trường thương hùng tĩnh thổ./Thiên kình cổ thụ ngật trần gian./Đăng lâm hữu hạnh y quan khách,/Ngẫu nhĩ mang trung bác nhất nhàn
.
Dịch nghĩa:/Lên chùa Tích Sơn họa vần/Trên núi Tam Đảo kéo xuống một
hòn,/Rực rỡ muôn hình trạng, ghé mắt người xem.\/Đứng trên bệ Cửu
Long, như thể mình muốn hóa,/Đứng trước cửa Ngũ Phúc, tầm nhìn rất
rộng./Lưỡi gươm trường cắt đất, chỗ tĩnh thổ thêm hùng,/Cây cổ thụ
chống trời, cõi trần gian khuất xa./Khách áo mũ  lên chơi đây thật là
may mắn, /Trong khi bận rộn tìm ra 1 thú nhàn.
Dịch thơ: Lên chùa Tích Sơn họa vần/Tam Đảo vần xuôi xuống một
làn,/Muôn hình vạn trạng thấy tràn lan./Bệ rồng đứng ngắm thân toan
hóa, /Cửa phúc ra trông mắt thấy khoan./Lưỡi kiếm mạnh thêm vùng tĩnh
thổ,/Cây xanh cao ngất cõi trần gian./Ta lên chơi được là may mắn,/Bận
rộn tìm ra một chút nhàn.

*Lý Trần Dự
李陳預
(1746- ?) -  con cầu tự thứ ba của cụ  Đặng Trần.  Kỷ
Sửu (1769) ,  Trần Dự  đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, được bổ
làm quan Đô, cấp sự trung, sau thăng Đốc đồng Lạng Sơn.  Trần Dự là
quan thanh liêm, mẫn cán. Ông qua đời tại nhiệm sở.
        Danh tính 3 anh em Lý Trần – con cầu tự Thánh Chèm - được khắc
trên bia Tiến sĩ, khoa năm 1766 và năm 1769,  trong Văn miếu - Quốc Tử
Giám
./

         11/2019. Đ.TR.Kh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét