Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

Cảm nhận THĂM THẲM BÓNG NGƯỜI của ĐỖ CHU



Cảm nhận THĂM THẲM BÓNG NGƯỜI  của ĐỖ CHU

                                                Vũ Nho

         
 Cuốn tùy bút này có ba bài lớn với nhan đề “ Hoa bờ giậu”, “Thăm thẳm bóng người” và “Về quê đốt lửa”. Bài Hoa bờ giậu có 8 bài nhỏ ; bài Thăm thẳm bóng người  gồm 3 bài nhỏ; bài Về quê đốt lửa có 4 bài. Như vậy là có 15 bài “miên man tùy bút” viết về những kỉ niệm, những gặp gỡ, những suy ngẫm về văn, về đời, về phận người, đời sống của miền quê,  của đất nước và về lịch sử.  Nhà văn Phạm Khải cho rằng “ Vốn dĩ ông ( Đỗ Chu)  là người chịu đọc, chịu ngẫm ngợi, ham la cà và cũng rất hay chuyện. Bởi vậy, cái vốn sống, vốn hiểu biết mà ông thu nạp được trong sự xô bồ về cuộc sống ấy, nếu không chuyển được vào sáng tác, ông biết chuyển vào đâu? Như một hối thúc tự nhiên, Đỗ Chu tìm đến thể tài tùy bút, tản văn”  ( Phạm Khải – Trang sách mạch đời, nxb Văn Học, Hà Nội, 2917, trang 8).  Thói quen hay ngồi quán “ Tôi vội lộn trở lại quán nước bên kia đường…” “ Tôi lại chui vào quán…” ( trang 6-7), vì Đỗ Chu thích nghe chuyện ở quán và  còn vì lí do “ Rất nhiều nhà văn, kể cả những người nổi tiếng nhất, ít nhiều đều đã từng ngồi bù khú với nhau ở quán nước đâu đó”  ( tr. 10). Rồi cái trụ sở Hội Nhà văn, trước ở 65 Nguyễn Du, sau chuyển về số 9 Nguyễn Đình Chiểu thì cũng là một cái QUÁN sang trọng để gặp gỡ, trò chuyện và nghe ngóng chứ sao! Cộng với sự chịu đi, chịu đọc, chịu ghi nhớ, chịu ngẫm ngợi đã khiến cho Đỗ Chu có rất nhiều  cái để mà “miên man” viết trong hai cuốn sách -  trước đó là tùy bút “Trước đèn” và bây giờ là “Thăm thẳm bóng người”.



                                                             Vũ Nho chủ trang



          Khác với những chân dung văn học mà người viết khá kĩ lưỡng là Vân Long, Vũ Từ Trang, Đỗ Chu cũng nói đến các nhà văn trong  tùy bút của mình, nhưng nói theo một cách khác, nói theo cách chỉ  nhấn mạnh cái ấn tượng họ để lại trong ông, nói theo cảm nhận của cá nhân, đang về nhân vật, bỗng chuyển sang người liên quan, rồi từ người liên quan lại bắc cầu qua người liên quan nữa. Lan man, nhưng vẫn liền mạch. Tiêu biểu là cái bài số 1 trong bài lớn có tên là “ Hoa bờ dậu”. Từ chuyện  quán, tác giả kể đến Bùi Ngọc Tấn ngồi quán trước khi đi Nam, rồi cụ Tế Hanh ngồi quán. Rồi cụ Nguyễn Công Hoan bực ở quán, sau gọi điện cho cụ Nguyễn Tuân trao gươm báu,  rồi lan man sang chuyện ông Quang Sáng, Viễn Phương tặng cụ Tuân thanh gươm ở nhà bố mẹ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tổng cộng có đến 14 nhân vật văn chương và Lịch sử.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            

         Cụ Nguyễn Du đã viết về các bậc tài hoa : “Thác là thể phách, còn là tinh anh” (Truyện Kiều). Những người tài hoa là những người còn mãi, sống mãi. “ Cái còn mãi chính là khuôn mặt tinh thần của mỗi con người mà nhà Phật gọi nó là Kim cương bất hoại” ( trang 63).  Với tinh thần ấy, nhà văn Đỗ Chu viết cuốn tùy bút “ Thăm thẳm bóng người”, ghi nhận những đóng góp của những nhà văn hóa, chủ yếu là nhà văn có đóng góp cho nền văn chương nước nhà. Đỗ Chu coi những người được mình động bút là những “ khuôn mặt trí tuệ ẩn hiện” là những “vồng hoa”  trên “ bờ hoa tư tưởng , bờ hoa của nghệ thuật và văn học”  của dân tộc ( trang 24).  Mỗi người trong họ lấp lánh sáng “ lung linh  một chấm sáng” ( trang 237).

          Một trong nhiều những “chấm sáng” ấy là cụ Hoa Bằng. Không có một bài riêng về cụ. Nhưng bài số 3 trong bài lớn “Thăm thẳm bóng người” có nhắc đến cụ, trong mối liên quan đến họa sĩ Linh Chi, nhà văn Trọng Hứa và một loạt tên tuổi các nhà Hán học như Bùi Kỉ, Trần Trọng Kim, Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Vũ Tuân Sán, Cao Xuân Huy, Nguyễn Văn Tố, Bàng Sĩ Nguyên. Chỉ ít dòng thôi, nhưng cụ Hoa Bằng để lại ấn tượng thật sâu khi thắp hương ở nhà một người bạn và giảng giải ba chữ “ Kì nghiêm hồ”, vốn là câu trong sách Đại học của Tăng Tử “ Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ,  kì nghiêm hồ”  - “Mười mắt nhìn vào, mười tay chỉ vào, đáng ngại lắm đấy”. Và con người thâm nho ấy bình luận “ Giá nhà nhà, từ thứ dân đến cán bộ cao cấp của ta đâu cũng để mấy chữ này thì xã hội sẽ nề nếp, ngay ngắn hơn nhiều”( tr.229).

          Một người khác cũng là một chấm sáng của các cụ nho học là   cụ Phó bảng Bùi Kỉ, mà xa hơn về trước còn được gọi là “Đồng tiến sĩ xuất thân”. Gia đình nhà cụ trong vòng 100 năm có bốn đời Tiến sĩ nối tiếp Hán học và Tây học. Và trong suốt một nghìn năm khoa cử nước nhà  dòng họ đời nào cũng có người đỗ đạt hiển vinh “ Chỉ  thấy duy nhất  có một họ Bùi mà thôi”. Lê Quý Đôn  và Phan Huy Chú đều khẳng định như vậy.

          Với các nhà văn cùng thời thì Phạm Tiến Duật là người để lại ấn tượng sâu đậm hơn cả.  Là chấm sáng lung linh hơn cả.  Có lẽ vì cùng là nhà văn, cùng mặc  mặc áo lính. Hơn nữa, Đỗ Chu lại thân thiết với gia đình, với người mẹ của Phạm Tiến Duật. Cảm nhận của Đỗ Chu về thơ Phạm Tiến Duật là thơ “ nói nhiều đến lửa, chỗ nào cũng lửa”. “ Nhiều năm cánh bộ đội chúng tôi đã vịn vào những câu thơ của anh để ra trận, những câu thơ có lửa” ( tr. 49). Bằng trực giác, Đỗ Chu đã  thấy như các nhà nghiên cứu phê bình từng thấy và đánh giá vai trò của nhà thơ Phạm Tiến Duật trong kháng chiến chống Mĩ, anh là “cây sáo đứng ở vị trí sô lô” và : “ Sự xuất hiện của anh trên văn đàn là sự xuất hiện của một bút pháp, có sức đột phá, có sức khai mở một thi pháp” ( trang 50). Đồng thời, Đỗ Chu còn tọc mạch, cho mọi người biết   giải thưởng giải nhất cuộc thi thơ  có cái đài Orionton được lấy ra từ thùng quà viện trợ nhưng “có chỗ trục trặc, xin đồng chí tạm cho mang về để sửa tiếp”.

          Người thứ hai để lại ấn tượng sâu là  nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm. Trước khi viết về nhà thơ này, Đỗ Chu “ lan man” về “ Thi thư khí” và rồi sau đó kết luận “ Phải biết anh là một người hiền, sẵn mang trong mình cái khí Thi Thư từ nhỏ thì mới hiểu được vì sao đến hôm nay anh còn ngồi đây” (tr. 110).

          Các nhà văn Thavi Quý, Kim Lân, Nguyễn Tuân, Trần Hoài Dương, Chính Hữu đều được viết với tinh thần ngưỡng mộ, trân trọng.  Họ là các bậc trưởng thượng trong làng văn chương. Các nhà văn khác dù chỉ nói đến năm bảy dòng hay  một vài trang như Chu Mạnh Trinh, Tế Hanh,  Tô Hoài, Hữu Thỉnh, Kêvin Bô wen,… nhưng cái tình cảm mến, quý trọng luôn luôn nhuần thấm trong từng câu chữ.

        Có thể khái quát những đóng góp của các nhà văn mà Đỗ Chu đề cập đến trong cuốn sách này : “Các nhà văn ấy không chỉ để lại những tác phẩm hay, những kỉ niệm đẹp của những cách sống đẹp. Sau tất cả, họ đã để lại cho chúng ta rất nhiều hiểu biết về con người, về thời cuộc, họ để lại cho chúng ta một niềm tin vào tương lai của dân tộc, rộng hơn nữa là niềm tin vào tương lai nhân loại” ( tr. 88).

          Điều cuối cùng là trong khi tác giả nâng niu, trân trọng những “ thăm thẳm bóng  người” thì bóng dáng nhà văn Đỗ Chu cũng dần dần hiện lên và phát sáng. Bạn đọc khi theo đến trang cuối cùng của tập sách sẽ bắt gặp một Đỗ Chu ham đọc, ham học hỏi, chịu khó nghĩ suy, trăn trở.

          Trăn trở về thời đại : “thời chúng ta đang sống quả đã không thiếu những gì được gọi là vĩ đại nhưng rất buồn ở chỗ nó vẫn đang thiếu tính nhân hậu trong từng việc lớn nhỏ, trong mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm. Nhìn kĩ vào con người, thấy nó vẫn chưa thật đẹp như nó cần phải đẹp” ( tr. 96).

          Trăn trở về một nền văn học mà tác giả có tham gia xây dựng :

Nhìn chung, cái khí Thi Thư đang như muốn đuối, cái tình nước non hình như còn nhẹ, văn học của chúng ta đang chuyển động rụt rè và ít bản lĩnh trong khi đó thực tiễn đang tiến về phía trước với những bước đi hết sức vạm vỡ và quyết liệt lạ thường” ( tr. 104).

          Trăn trở, nghĩ suy về sự bất an của xã hội : “Sau cuộc chiến kéo dài, rất nhiều vấn đề bức xúc đặt ra trong xã hội chúng ta, nếu nhìn nhận việc nước với đúng tầm vóc cuả nó, với đúng quy mô của nó, trong một tinh thần trách nhiệm nhất ta sẽ thấy nhiều thập kỉ vừa qua không ai là không bất an, không ai là không thao thức mất ngủ” ( tr. 186).

          Trăn trở về những trang viết của mình và của đồng nghiệp : “Làm sao để có những trang sách đủ sức sống lâu dài trong lòng người đọc. Đấy là tiếng gọi của đời sống, là trái bưởi vàng cuối thu ta gửi lại cho đời” ( tr. 120).

          Trăn trở về vấn đề sống còn của người  cầm bút  là bản lĩnh và cái riêng : “ Cho nên ở đây vấn đề sống còn  chính là bản lĩnh của người cầm bút, là tính cách riêng, bút pháp riêng và cách nhìn cách nghĩ cũng phải riêng, không thể đua đòi, không thể theo thời, càng không thể đánh mất mình” ( tr. 200).

           Trong cuốn sách, Đỗ Chu có nhắc đến một số câu chữ Hán văn cổ. Tuy vậy, không rõ là do nhà văn nhớ không chính xác, hay do lỗi vi tính mà  nhà văn không soát lại được nên người đọc thấy phân vân. Ví như ở trang 100. “Vạn bang giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao”. Chính xác phải là “ban” chứ không phải là “bang”. Ai cũng biết câu nói nổi tiếng của Khổng Tử về phụ nữ là “nữ nhân nan hóa”  hoặc “nữ nhi nan hóa”, “ nữ tử nan hóa” ( Nguyên văn trong Luận Ngữ - Duy nữ tử dữ tiểu nhân, vi nan dưỡng) thế mà    trong trí nhớ của người viết lại là “phu nhân nan hóa”  và  được dịch là đàn bà khó dạy (tr.100).  Cái cụm từ  “lão nông tri điền” ( ông già nông dân biết ruộng) quá quen với người Việt, thế mà lại được viết thành  “chi điền” ( “nom như một lão nông chi điền vậy nhỉ?” - tr. 317).

Một chỗ khác,  nhà  bác học Lê Quý Đôn và nhà sử học  Phan Huy Chú hơn nhau  khoảng năm chục tuổi. Lê Quý Đôn sinh 1726 mất năm 1784, Phan Huy Chú sinh năm 1782 mất năm 1840. Thế mà tác giả lại viết “ Lê Quý Đôn khi ngồi chép sử cách đây năm trăm năm…” ( tr. 246). Hay là có một cụ Lê Quý Đôn khác ?

Đấy có thể là những tì vết không đáng có trên một viên ngọc đẹp.

          Khi suy ngẫm về những nhân vật trong “Thăm thẳm bóng người”, Đỗ Chu viết : “Tầm vóc một con người, nhân cách một con người có thể tìm thấy từ trong thành tựu sáng tạo, từ sự nghiệp của chính người ấy, nhưng rất có thể cũng chỉ cần nhìn vào cách sống, nhìn vào những hành vi ứng xử của người ấy. Cách sống giữa nhân gian, cách ứng xử trước thời cuộc, trước mỗi bước đi trên đường đời là sự bày tỏ nhân cách hết sức thành thật” ( tr. 237). Tôi nghĩ rằng tập sách này cũng góp một phần cho bạn đọc đánh giá đúng về  người lính Đỗ Chu, nhà văn Đỗ Chu - người viết chân dung văn học theo lối tùy bút riêng, độc đáo.

                                                       Hà Nội, ngày cuối năm Kỉ Hợi, 2019





         

2 nhận xét: