Thêm một góc nhìn văn chương Hà Nội
21/02/2020 16:46 | 0
(HNMCT) - Từng
nhiều năm gắn bó với phấn trắng bảng đen, nhưng duyên nợ với văn chương
đã khiến Vũ Nho rẽ lối cả sang nghiệp viết. Ông sáng tác truyện, làm
thơ, dịch thuật văn học, nhưng chủ yếu viết phê bình. Cũng bởi “lưng
vốn” tác phẩm kha khá mà có người đã ví von Vũ Nho là “lão nông tri
điền” trên cánh đồng chữ.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Nho quê ở Gia
Viễn, Ninh Bình. Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Việt Bắc
khóa 1 và được trường giữ lại làm giảng viên. Những năm tháng ở vùng cao
Việt Bắc, Vũ Nho đã có tác phẩm đầu tay đăng trên tạp chí Văn nghệ Việt
Bắc, cũng từ đấy ông có thêm biệt danh “kênh văn xuôi của Bắc Thái”.
Thời kỳ học tiến sĩ ở Nga ông còn dịch truyện từ tiếng Nga gửi về quê
hương để đăng báo. Sau này (năm 1986), khi chuyển công tác từ Trường Sư
phạm Việt Bắc về Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi Viện Khoa học Giáo dục,
nghiệp viết vẫn luôn song hành cùng Vũ Nho như một duyên nợ của cuộc
đời.
Ở tuổi 72, PGS.TS Vũ Nho đã có tới 113 đầu
sách gồm cả sách dịch, viết chung và riêng về văn chương và giáo dục,
trong đó có thể kể tới các tác phẩm: Thơ chọn và lời bình, Đi giữa miền
thơ, Trần Đăng Khoa - thần đồng thơ ca, 33 gương mặt thơ nữ, Thơ và dạy
học thơ, Từ Kim Vân đến Truyện Kiều, Thơ cho tuổi thơ... Cuốn sách mới
nhất của ông Hà Nội văn chương từ một góc nhìn trình làng bạn đọc cuối
năm 2019 như một minh chứng cho niềm say mê văn chương và tình yêu Hà
Nội của ông.
PGS.TS Vũ Nho chia sẻ, ông vô cùng biết ơn
Hà Nội đã cho ông không gian sống, làm việc, giao tiếp với mọi người.
Cuốn sách này chính là một cách để ông bày tỏ lòng tri ân với Hà Nội -
nơi ông đã gắn bó hơn 30 năm qua. “Có biết bao nghệ sĩ đã sáng tác về Hà
Nội, bao nhiêu nhà văn tài danh sinh sống ở Hà Nội, viết tại Hà Nội. Và
cũng rất nhiều nhà văn từ cổ chí kim đã viết về Thăng Long - Hà Nội.
Góc nhìn của tôi là góc nhìn hẹp của người có “con mắt hạt đậu”. Tôi chỉ
đụng bút được rất ít trong số vô cùng lớn tác giả, tác phẩm của người
Thăng Long - Hà Nội, viết ở Hà Nội và viết về Hà Nội” - PGS.TS Vũ Nho
bộc bạch.
Với hơn 600 trang, cuốn sách mới nhất của
Vũ Nho đã phác họa bức tranh khá sinh động về văn chương Hà Nội từ góc
nhìn của riêng ông. Bức tranh ấy có bóng dáng của những tác giả trung
đại như: Mãn Giác Thiền sư, Trần Quang Khải, Trần Nhân Tông, Nguyễn
Trãi, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát,
Nguyễn Du; có sự hiện diện của nhiều tác giả hiện đại, từ thế hệ Nguyễn
Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Đình Liên, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình
Thi..., đến Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa,
Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Phấn... và có cả những gương mặt mới của văn
chương Hà Nội hiện nay. Nhưng dù viết về ai, chọn một bài thơ, một tập
thơ hay một tập truyện trong rất nhiều sáng tác của họ để đề cập thì cái
đích cuối cùng mà Vũ Nho hướng tới vẫn là làm nổi bật bức tranh văn
chương Hà Nội.
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng đánh giá Hà
Nội văn chương từ một góc nhìn của Vũ Nho là một cuộc “tổng duyệt” đội
ngũ sáng tác văn chương về Thủ đô. Qua tác phẩm có thể thấy được sức
đọc, sức viết của Vũ Nho - một cây viết hội đủ phẩm chất “3 trong 1”:
Nhà giáo - nhà báo - nhà văn. Tiếp sau cuốn sách Hà Nội văn chương từ
một góc nhìn, Vũ Nho cho biết ông vừa hoàn thiện bản thảo 106 bài viết
cho cuốn sách về 66 tác giả quân đội để trình làng bạn đọc trong năm
2020. Quả đúng như nhận định của nhà phê bình Bùi Việt Thắng: “Đọc Vũ
Nho nhiều, tôi lại nhớ lại ý của trưởng lão làng văn Tô Hoài khi ông nói
mỗi ngày cứ viết chăm chỉ, đều đặn như con ong chuyên cần hút nhụy hoa
làm ra mật ngọt”.
Cám ơn Khánh Thư và Ban biên tập báo Hà Nội Mới cuối tuần!
Trả lờiXóa