Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2020

QUÊ VÀ EM - NGUỒN CẢM HỨNG LỚN TRONG THƠ TRẦN QUAN G QUÝ




QUÊ VÀ EM - NGUỒN CẢM HỨNG LỚN TRONG THƠ
TRẦN QUAN G QUÝ
         (Qua tập thơ Nguồn của Trần Quang Quý, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019)
                                                                             Vũ Nho
          Tập thơ 45 bài của Trần Quang Quý gồm hai bài được viết năm 2014, hai bài viết năm 2015, hai bài viết năm 2016, mười ba bài viết năm 2017. Như vậy, hơn một nửa viết trong năm 2018 và 2019. Có khi ở cuối bài còn ghi rõ cả giờ phút, ngày, tháng, năm, địa điểm thành thơ, sự kiện gắn với bài thơ (Tết, áp Tết, ngày tam nhật Mẹ, mùa Vu Lan, Ngày vợ ở Bệnh viện HN, Ngày chuyển gió,...). Rất chuyên nghiệp và cũng rất tiện cho người tìm hiểu khi muốn khám phá hoàn cảnh thành thơ của mỗi bài.
           Không phải vì dòng chữ như là lời đề từ của tác giả “Nguồn cội và dòng chảy văn hóa của Sông Đà - Núi Tản huyền ảo, uy linh luôn là nơi chốn trở về trong tâm thức tôi” mà chúng tôi đặt nhan đề bài viết như thế. Nói quê là nguồn cảm hứng lớn trong thơ của Trần Quang Quý có vẻ như là sự hiển nhiên, bởi mỗi nhà thơ đều sinh ra ở một miền quê, có thể là trung du, đồng bằng hay miền núi, miền biển, và quê  luôn luôn in dấu (dù đậm hay nhạt) trong thơ của họ. Tuy vậy, nói về quê hương với một cảm hứng thiêng liêng, thống thiết, coi quê hương như nguồn cảm hứng lớn thì không mấy ai. Có lẽ trong thơ ca hiện đại chỉ có Nguyễn Quang Thiều với Làng Chùa, và Trần Quang Quý với làng Hạ Bì.
Trần Quang Quý từng ao ước và giãi bày:
                   Có lúc tôi muốn mang quê đặt vào Hà Nội
                   nhổ Hà Nội đặt vào quê
                   không sao lắp đặt trật tự tâm hồn
                   phong vị quê và dòng chảy văn hóa
                   ríu ran ngõ làng, những vườn cây xanh mướt phù sa
                   đóng tôi vào căn cước làng Hạ Bì và sông Đà núi Tản
                                      (Giấc quê)
Không thực hiện được việc “Nhổ Hà Nội đặt vào quê”, tác giả “mang quê đặt vào Hà Nội” theo cách riêng của mình. Đó là cách đem một hũ đất linh của quê, về đặt lên ban thờ gia tiên ở Hà Nội, để lúc nào cũng được gần quê, được nghe “Tổ tiên thì thầm mật chỉ”:
                   Trên ban thờ nhà tôi dâng một hũ đất
lấy từ làng Hạ Bì nơi ông bà tôi nằm lại nơi này
 nơi Tổ tiên tôi dạt hạ lưu, bờ tả sông Đà lập ấp
bên kia Ba Vì mây tụ uy linh hổ phục rồng chầu […]
Đêm, lên ban thờ thắp hương, tôi vẫn nghe Tổ tiên
                                                thì thầm mật chỉ
con đường đến chữ Phúc tu cả vạn đời
                (Đất linh)
Hình ảnh làng Hạ Bì, hình ảnh bến quê, đường làng, sông Đà núi Tản là hình ảnh thiêng liêng, hùng vĩ được nhà thơ trân trọng nhắc đến với niềm tha thiết yêu mến và tự hào:
                   Đầu năm xuống sông Đà
vốc một vốc nước rửa mặt […]
Vốc lên vốc nữa
mắt sáng trời non Tản
ngọn Ba Vì đang tu trong mây
núi tinh luyện để thành tĩnh tại
gió vuốt ve vẫn đứng tạc trời
                  (Rửa xuân)
                                                         Vũ Nho - Chủ trang


 
Cái làng Hạ Bì ấy người thơ không thể đặt vào Hà Nội, cho nên nó trở thành làng cũ - cố hương. Cố hương trong tâm thức tác giả thật kì diệu và ân tình:
cố hương ngân sông núi đất đai này,
                                    nâng đôi cánh vi diệu
bay qua lỗ đáo tuổi thơ và cánh đồng vàng lúa…
Cố hương cấy vào tôi những đon mạ mùa đông giá lạnh
những bông súng rùng rùng mùa cá vật đẻ
ễnh ương kêu nẫu ruột ao làng
kêu đằng đẵng những đời bùn đất
Máu và nước mắt lớp lớp người trộn vào cỏ cây
mọc gốc đa, sân đình, bến sông trăng tỏa, mọc văn minh làng
                                  (Cố hương)
Nếu Nguyễn Quang Thiều mong ước được thành con chó nhỏ canh giữ nỗi buồn quê hương:Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi(Bài hát về cố hương), thì Trần Quang Quý khẳng định chắc nịch:
                   Không gì bứng tôi được khỏi cố hương
                 Có gì đánh đổi được
                   Tôi kí thác tôi trên đất Tổ tiên
                   phong tục truyền đời vun gốc cây văn hóa
                   Sẽ là gì khi trụi rễ cố hương?
                                               (Cố hương)
          Chính bởi thế mà “Bến quê” được nhà thơ neo giữ trong tâm hồn với xiết bao kỉ niệm:
                   Mẹ gánh sương về phơi thóc ướt
                   Em gánh trăng về phơi mắt quê
dưa muối tương cà… bẩm sinh nền văn minh lúa nước
những chiếc bồ bong cạp tư duy
Bến quê
Đong bao bước chân làng
đong gió sương, đong tiếng gầm thác chảy
chum vại dần sàng âm vang thớ đất
sóng vỗ dọc đời người, vỗ sâu tâm thức
ai về làng, ai mãi bỏ quê!
Thương những cuộc đời không bến
                         (Bến quê)
Quê còn là niềm cảm hứng sáng tạo trong những Bầu trời thúng, Giấc quê, Mùa sim, Cây gạo bên sông, Đưa Mẹ về Tiên cõi.
          Hình ảnh đau thương ngày để tang người mẹ hiền gắn liền với cảnh vật quê hương:
                   Bình vôi trầu của Mẹ hóa mây trắng vắt ngang sông Đà
quấn khăn tang non Tản 
để mỗi lần nhìn lên chúng con thấy cao xanh có mẹ
sông cũng nằm lép sóng
cánh cò về nghiêng biệt lời ru
          (Đưa Mẹ vè Tiên cõi)
Mùa Vu lan đầu tiên vắng mẹ cũng là mùa Vu lan ở quê nhà:
                   Cây nhãn trĩu cành mà đâu bóng mẹ
đâu nghĩ mùa nay mẹ mãi xa rồi
nén hương con dâng, cây cau đứng chong chong và giàn trầu rủ lá
Vu lan mồ côi tôi đứa trẻ già
                   (Sáng nay, mùa Vu lan)
          Không phải tự nhiên mà khi viết về bản thân mình, nhà thơ nhấn mạnh đến nguồn gốc quê hương đầy tự hào kiêu hãnh sông Đà núi Tản và lòng biết ơn Cha Mẹ:
                   Tôi, giọt máu Mẹ - Cha
                   Giời cho sinh ra bên bờ sóng sông Đà, Giáp Ngọ
mở mắt đã Ba Vì sừng sững
mở tai đã sông Đà sóng cuộn
mở tâm đã ngọt lời ru Mẹ
dằng dặc thời gian sữa mẹ rót tôi qua từng khắc cơ hàn
Cha cho chí trai cuộn vó đạp dâu bể
Ngẩng Ba Vì bay
Tôi chú ngựa thích Tự do trên đồng cỏ Hạ Bì
                   (Viết cho mình, tuổi Ngựa)
Có thể nói làng Hạ Bì đã sinh thành và nuôi dưỡng nhà thơ để rồi làng, quê hương trở thành niềm cảm hứng lớn để nhà thơ một đời ca hát. Làng hạ Bì của Trần Quang Quý, cũng như làng Chùa của Nguyễn Quang Thiều không chỉ là một cái làng cụ thể của riêng nữa, mà nó có ý nghĩa khái quát, như là CỐ HƯƠNG của mỗi người dân Việt tha hương.
          Từ yêu quê hương mình đến yêu quê hương bạn khoảng cách chẳng là bao. Làng mình, quê mình là nguồn cảm hứng lớn, thì làng bạn, quê bạn cũng có thể là nguồn cảm hứng lớn chứ sao. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi trong tập thơ có những miền đất, miền quê khác được Trần Quang Quý cảm nhận với tình cảm cũng thật nồng nàn, da diết. Đó là Việt Trì, Hưng Yên, Nhật Tân, Vĩnh Yên, Hà Giang, Kinh Bắc, Nghệ An, Bến Tre.
          Chỉ ví dụ về Nắng Nghệ để thấy thi sĩ đã thành công dân Nghệ, như công dân của làng Hạ Bì, Xuân Lộc, Thanh Thủy của miền đất Tổ:
          Tôi không Nghệ mà nẻo tôi vẫn Nghệ
          Nghệ ở em, Nghệ ở Diễn Châu, Nghệ về cửa Hội
một chiếc ô che cả vòm trời
trong chiếc ô một dịu dàng cười
em thu nắng đôi môi
nhốt tôi
miền nắng Nghệ
          (Nắng Nghệ)
Thường thì ở mỗi miền đất được nhắc đều có một kỉ niệm EM, EM kỉ niệm.  Chúng tôi phát hiện rằng chính EM cùng với QUÊ là nguồn cảm hứng lớn. Nếu thống kê, sẽ thấy thật kinh ngạc. Tập thơ này 45 bài thì có đến 28 bài viết có hình ảnh em (chính xác là 26 bài có Em, 2 bài Em được gọi bằng NÀNG). Từ EM là một từ được sử dụng nhiều nhất trong số những danh từ như quê, làng, cố hương,…
          Em có thể là một người bạn gái cùng quê, một thôn nữ trong làng gắn với những kỉ niệm ấu thơ, gắn với kỉ niệm làng:
- Em gánh trăng về phơi mắt quê (Bến)
- Em gánh nước quẩy chiều lên biếc
tưới ướt mắt giai làng (Cây gạo bên sông)
- Em chín một cặp môi
tóc đuôi gà thích thú với từng giỏ sim ngọt (Mùa sim)
Nhưng Em còn là một bạn văn chương, một bạn cà phê, một bạn tình khơi gợi những rung động khát khao. Ta bắt gặp những em dẫn dụ người viết và người viết dẫn dụ em:
- Em Vĩnh Yên
nụ cười Vĩnh Yên
dắt anh chiều bình yên (Chiều Vĩnh Yên)
- Em tươi non em vừa cổ sử
dắt tôi vào thế giới tưởng tượng rúc rích trong vườn (Mưa Phố Hiến)
- Em ngâu tôi
trời đổ mưa nước mắt
những ngọn lau chờ bạc rũ một triền sông (Ngâu)
- Cà phê môi thơm
tí tách nụ cười phơi gió
dẫn tôi về đêm ấy Dữu Lâu
tuổi mười tám vồng căng vặn cong bờ lúa (Trong đêm mưa Việt Trì)
- Dắt em qua cánh đồng cỏ dại ngát hương
 tung những cánh châu chấu
bay chiều em dậy thì (Rã đông)
- Mình dắt nhau bằng sợi dây quan họ
chân mắc vào giăng mắc í a (Lên Kinh Bắc).
Cùng Em như thế, chính là lúc cảm xúc thăng hoa, “mắt chan mắt, men chan men” (Châm tửu), “em nhập vào tôi/ Ta ngây dại bay qua một thế giới khác” (Trong đêm mưa Việt Trì), “Những con chữ rủ lên đồng tưởng tượng/ Tôi lên đồng khan em” (Ngâu chữ); “Rã đông em bằng môi riết róng/ rã núi cởi trần mùa đông” (Rã đông); “Một ngày em/ đợi chật phương chờ/ em ngậy gió/ ngậy trong men nhớ” (Phố đợi); “Mình uống đầy nhau/ đầy mắt/ Mình uống thơm nhau/ đầy môi/ Tam Đảo ngẩn bên trời/ nằm duỗi xanh Đầm Vạc” (Chiều Vĩnh Yên); “Em lịm tôi từ mắt/ em ngọt tôi từ môi […] Tôi ướt vườn xanh Phố Hiến/ em hong tôi bằng một ánh nhìn” (Mưa Phố Hiến).
Những tình cảm trai gái ấy cùng với tình quê làm cho thơ của Trần Quang Quý đẹp, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc bằng một vẻ đẹp riêng. Không quá chú ý  tuyên ngôn cách tân ồn ào, nhưng Trần Quang Quý đem đến những hình ảnh mới, lối nghĩ mới và lối diễn đạt mới. Có lẽ thơ namkau cũng chỉ là một thử nghiệm, một cách tìm tòi đơn thuần về số câu chứ không có lề luật, thi pháp gì đặc biệt.  Mặc dù thi sĩ Du Tử Lê đã viết cả một bài có ý khen sự tìm tòi của Trần Quang Quý trong “trường phái thơ namkau”, nhưng lề luật của nó chỉ đơn giản là thơ tự do phần một - ba câu, phần hai - hai câu, thơ lục bát thì phần một bốn câu, phần  hai một câu! Thuần túy hình thức! Điều lạ là trong tập này không thấy bóng dáng bài namkau nào! Phải chăng tác giả đã in hết “bài hay lẫn bài vừa” trong tập “namkau”. Chúng tôi cho rằng đạt đến độ chín của cảm xúc và nghề viết, chẳng cứ gì “namkau” mà thơ Trần Quang Quý không gò số câu nào vẫn mới và vẫn hay!
Trong một bài thơ nhan đề là Có con đường, chúng tôi chú ý đến khổ thơ:
Tôi đi sáng nay cùng dòng sông ấu thơ
tôi đi sáng nay ngàn con sóng mùa hè tuổi trẻ
tôi đi sáng nay cùng mùa thu đan mềm giai điệu lá […]
Chỉ khi con đường tôi hiện diện
tôi là tôi trong muôn vẻ người
không trộn mặt
          Có thể coi đây như là sơ kết con đường đời, con đường thơ từ ấu thơ, thanh xuân đến mùa thu, mùa chín của đời người, đời thơ. Tác giả đã có gương mặt riêng giữa “muôn vẻ người”. Tập thơ Nguồn chính là một bảo chứng cho lời giãi bày mà cũng như là tự đánh giá một cách bình tĩnh, khách quan của tác giả.
                                                                             Hà Nội, tháng 12/2019
                                                                                      VN




         
         
                  



                  


                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét