Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

CÓ MỘT HOÀNG DÂN BÌNH THƠ CA






CÓ MỘT HOÀNG DÂN BÌNH THƠ CA
                                      
                                       Vũ Nho
        Những người quen biết Hoàng Dân thấy anh là một nhà giáo từng cầm súng khá đa tài và viết khỏe. Là người viết truyện ngắn đã từng đoạt giải cao trong cuộc thi của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội với truyện ngắn Chiều vô danh. Đã in   hai tập truyện ngắn Chiều vô danhBức chân dung bị đánh cắp. Đã thử sức trên cánh đồng văn xuôi với những tiểu thuyết Hoàng Đế tai lừa,  Nhân chứng chiến tranh, Biệt thự xanh, Vòng hoa trinh trắng, Khúc tráng ca, Gương. Đã viết chung với Tiến sĩ Nguyễn Văn Đường cả một cuốn sách về Truyện Kiều. Đã viết và in  bốn tập thơ Bài ca không cũ, Khoảng không, Chơi thơ và Hồn chữ .  Đã viết truyện dài cho thiếu nhi Vật báu Hồ Gươm. Từng viết chung với con trai cuốn sách  bình luận bóng đá. Và  cũng viết những bài bình cho các bài ca dao và những áng thơ hay.
          Bài viết này chúng tôi chỉ nêu lên cảm nhận của mình về riêng mảng bình thơ của Hoàng Dân mà thôi.
          Nhà giáo Hoàng dân đã dành 12 bài viết để chuyên bình về ca dao là một loại thơ dân gian. Có một sự  khác biệt với những người bình khác  chính là ở chỗ người ta thường bình từng bài ca dao riêng biệt. Nếu cần thiết thì mới liên hệ rộng ra  các bài cùng chủ đề, cùng motip để khắc sâu, nhấn mạnh,  làm nổi bật bài ca dao được bình. Trong khi đó thì nhà giáo, nhà văn Hoàng Dân lại bình một loạt các bài ca dao có  dính dáng đến “cầu”, dính dáng đến  “dải yếm” là vật liệu làm cầu để nói về câu ca dao:
          Ước gì sông rộng một gang
          Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi
Và cái cô gái này được nhà giáo đưa lên làm thành nhan đề của bài bình “ Có một người con gái…”.
          Với bài ca dao “ Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn  thì người bình đã  công phu khảo sát đại từ “ta” trong một loạt bài ca dao. Ta là ai? Chủ thể hay khách thể? Số ít hay số nhiều? Ngôi thứ nhất hay  thứ hai, thứ ba? Rồi khi đã xác định hệ quy chiếu của đại từ “ta”, mới bàn tiếp đến chuyện “ta về”, chuyện “ta tắm” và cái “ao ta” có liên quan gì với cái “ao nhà”. Lí giải về các tầng nghĩa của bài ca dao nhìn chung là chi tiết và có thể chấp nhận. Điều đáng nói là người bình đã xác quyết câu ca dao đang bàn rộng nghĩa hơn câu ca dao cùng loại cũng có từ “ta” “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”…

          Bình về những câu ca dao tỏ tình thì không dừng ở một bài mà là một loạt bài. Những bài nói gần nói xa, vòng vòng vo vo và những bài nói thẳng đến mức đột ngột không rào không đón. Và quy tụ lại với chủ đề “ Có một khoảnh khắc của muôn đời”. Người viết mặc sức so sánh tình của các cụ với tình  của giới trẻ ngày nay, khẳng định tính hiện đại, rồi còn vân vi định nghĩa bản chất của tình yêu. Và khẳng định : “Tình yêu không chỉ có nụ cười hồn nhiên vô tư, mà còn có cả những giọt nước mắt tiếc nuối, ân hận, xót xa…Và ngay cả những giọt nước mắt nữa, nó có thể ngời sáng long lanh vìa quá hạnh phúc và cũng có thể là một tín hiệu cáo chung cho một số phận tuyệt vọng vì bị phản bội, bị cướp đoạt, và còn vì ( điều này mới thật khủng khiếp) đột nhiên nó bị mất giá trị!”.
          Cái cách tiếp cận một loạt bài cùng hệ thống là một cách tiếp cận không  quá mới lạ, nhưng nhà bình ca dao Hoàng Dân tỏ ra ưa thích lối tiếp cận này. Vì thế mà  những lời bình thường không dành cho một bài. Thêm các ví dụ là “ Có một dòng sông trong ca dao…”,  “ Thân em như…”, “ Lời ru buồn”, “ Có những buổi chiều”.
         Người đọc sẽ gặp một cách bình giải khá tinh tế, chắc chắn của người am hiểu ca dao và đặc trưng thi pháp của thể loại. Đồng thời gặp gỡ một cách bình phóng khoáng, đôi khi hơi phóng túng, một cách liên tưởng rộng rãi ( cũng có khi lan man), đem đến những bất ngờ, thú vị. Không thể không đồng tình với tác giả khi nói về bên lở bên bồi, bên trong bên đục của một dòng sông : “Nếu lở-đục là mất, là sai lầm, là xấu thì đó là một sự thật mà ta buộc phải nhìn thẳng vào nó để…chấp nhận và chịu đựng. Nếu bồi-trong là được, là đúng đắn là tốt thì đó chính là tác nhân của sự phát triển và sự hoàn thiện. Nhưng, như đã nói, cuộc đời đâu có phân tuyến trắng đen rạch ròi đến mức cơ học thô thiển như vậy? Tình huống phổ biến và mang tính vĩnh cửu của xã hội loài người là sự nhập nhằng đúng-sai, tốt-xấu, trắng-đen: Biết rằng bên đục bên trong bên nào?”. Không thể không thích thú với sự phân tích câu ca dao: “ Thân em như ớt trên cây/ Càng tươi ngoài vỏ càng cay trong lòng”, người bình đã phân tích “sự đối lập cực đoan” giữa cặp từ “ tươi – cay”. Chúng không thể là từ trái nghĩa khi tách khỏi ngữ cảnh. Nhưng chúng  là “cặp từ trái nghĩa ngữ dụng, nghĩa là nó được so sánh bằng văn hóa, vốn sống và sự cảm thụ nghệ thuật”.
           Có nhiều chỗ người bình tỉnh táo chừng mực, tinh tế. Tuy nhiên, cũng có những chỗ nhà bình ca dao say sưa trượt theo ý chủ quan của mình, đưa ra nhận xét thiếu chứng cứ thuyết phục. Chẳng hạn câu ca dao:
          Ước gì sông rộng một gang
          Bắc cầu giải yếm để chàng sang chơi.
Chàng ở đây là một đối tượng hò hẹn của cô gái. Chúng ta chỉ biết cô muốn tạo điều kiện cho chàng sang chơi, muốn  gặp gỡ với chàng. Thế nhưng người bình lại viết rằng : “ Vậy chàng là ai? Chàng sẽ  ứng xử với hành động dâng hiến tuyệt đối (!?) của cô gái ra sao? Xin thưa, chàng ở đây là một gã trai vãng lai, một gã cha vơ chú váo… nào đó mà thôi! Chàng chỉ sang chơi thôi chứ không phải sang để chạm ngõ, bỏ trầu và càng không thể có chuyện đón dâu!”! Thật quá OAN cho chàng! Muốn có chuyện chạm ngõ, bỏ trầu, đón dâu thì phải có bước đầu tiên  sang chơi, làm quen đã chứ!
          Mặc dù vậy tôi vẫn cho rằng bên cạnh những lời bình ca dao của nhà nghiên cứu văn học dân gian Hoàng Tiến Tựu và nhiều nhà giáo, nhà văn khác thì nhà giáo Hoàng Dân cũng góp nhiều công sức để tôn vinh những áng ca dao độc đáo trong kho tàng thi ca đất nước.
          Ngoài bình ca dao, Hoàng Dân còn bình những bài thơ hay. Là người đã từng  làm thơ, in bốn tập thơ  nên Hoàng Dân có một thuận lợi lớn cho việc bình thơ. Nguyên việc một cô giáo đạp xe từ Mai Động lên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, rồi lại đạp tiếp 17 km từ trường Cao đẳng đến nhà riêng của Hoàng Dân, tác giả của tập “Chơi thơ”  để gặp bằng được tác giả mình mến mộ, đủ biết là trong lĩnh vực thơ, Hoàng Dân cũng có thành tựu.
          Không ngạc nhiên, khi  trong 26 bài bình, Hoàng Dân chọn bình những bài thơ liên quan đến chiến tranh, liên quan đến sự hi sinh mất mát của đồng đội  của mình. Đó là các bài thơ “Lời ru hài cốt ngủ trên lưng”, “Kết nghĩa với người dưới mộ” , “Cuộc chia li màu đỏ”, “Ba nén hương”,“Đi trong hương tràm”, “Gửi em cô thanh niên xung phong”, “Vòng trắng”… Hầu hết  các bài thơ còn lại đều liên quan  đến tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi.
          Có một điều cần khẳng định là nhà bình thơ Hoàng Dân chọn bình các bài thơ theo tiêu chí riêng của anh là bài thơ đó hay, ám ảnh và xúc động. Không  phụ thuộc vào tiêu chí tác giả nổi tiếng, hoặc tác gỉa chuyên nghiệp,  tác giả đã thành danh. Cứ hay, ám ảnh và ấn tượng là được chọn bình. Hoàng Dân cũng không ngại khi bình lại các bài thơ người khác đã bình.  Một số  lớn bài thơ như vậy đã được người khác bình chẳng hạn như Bỗng, Cuộc chia li màu đỏ, Tự hát, Đợi, Thêm một, Những phút xao lòng, Tạm bợ, Với đứa con ngoài giá thú, Đi trong hương tràm, Gửi em cô thanh niên xung phong,… vẫn được Hoàng Dân chọn bình. Và từ vốn sống, vốn trải nghiệm riêng, người bình vẫn có thể đem lại cho bạn đọc những khía  cạnh mới mẻ, thú vị.
          Ví dụ như về bài thơ “ Lời ru hài cốt ngủ trên lưng”. Người bình đã rất tinh tế phân tích hai câu thơ giống  nhau ở từ “đất sâu” : Bao năm ngủ đưới đất sâu/ Ngày mai bạn tới đất sâu.
          Có một lời ru  đưa tiễn bạn từ “đất sâu”  trở về với “đất sâu” chứ không phải từ cõi dương sang cõi âm; lời ru ấy thấm đẫm nỗi buồn thương, nhớ tiếc, day dứt và trăn trở… Cũng là “đất sâu” nhưng đất sâu ở chiến trường xưa là “đất khách” mà vì nghĩa lớn, bạn đã đến và nằm tạm lại đó; còn “đất sâu” ở quê hương mới là nơi bạn có thể thanh thản yên giấc ngàn thu trong vòng tay yêu thương của những người thân, bạn bè đồng đội…”.
          Bình bài thơ “ Thêm một” của Trần Hòa Bình, người bình đã chỉ ra sáu cái “thêm một” là thêm cái dở, thì thiên nhiên chỉ có 1, còn 5 cái thêm là của con người. Và kết luận chắc nịch “ Hầu hết những “phiền toái” trong cuộc đời này đều do con người gây ra cho nhau cả thôi, xin chớ đổ vạ cho trời!”. Đó là một khám phá thú vị!
          Bình bài thơ “ Những phút xao lòng” của Thuận Hữu, người viết phải   rất tự tin khi nói về chuyện “ ngoại tình về tâm hồn” mới có thể viết : “ Có lẽ không ai khuyến khích các cuộc ngoại tình dưới bất kì hình thức nào, mĩ từ nào và nhân danh cái gì…Nhưng ngoại tình không hẳn chỉ có một màu đen chết chóc, nó cũng có những yếu tố tích cực khá thú vị. Thứ nhất, nó khiến cho người trong cuộc cảm thấy mình mình còn có một giá trị nhất định. Thứ hai, nó chính là một tác nhân cổ vũ lòng ham sống và khát vọng sống có ích của con người. Thứ ba, trong một chừng mực nào đó, nó chính là động lực của sự sáng tạo và sự bất tử”. Người đọc có thể đồng tình, đồng tình một nửa hoặc không đồng tình. Nhưng  người bình không “gây hấn” với bạn đọc, mà chỉ muốn đặt ra vấn đề để tranh cãi, để thảo luận, chứ không mong sự dễ dãi đồng thuận.
          Bình bài thơ “ Chân hương” của Nguyễn Nguyên Bảy quả thật là một việc không dễ dàng. Bởi vì văn bản chỉ có bốn dòng thơ giản dị:
          Cháy rồi, cháy hết phần thơm
          Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi
          Rồi màu phẩm nhuộm phai đi
          Dẫu chẳng còn gì vẫn đứng chân hương
Nhà bình thơ đã nói rất thuyết phục về cái cao cả và cái tầm thường. Không có gì là vĩnh cửu, chúng có thể hoán đổi vị trí cho nhau. Nhưng tôi quý  là ở cái phần “băn khoăn” của người bình khi viết tiếp “ Nhưng có lẽ bình như trên chắc gì đã đủ, bởi theo cái lí “ý ở ngoài lời” thì bài thơ này  còn có thể có một tầng ý nghĩa khác, khuất lấp mà sâu sắc hơn chăng?”. Rồi người viết liên hệ với bài thơ 14 chữ khiến Nguyễn Nguyên Bảy gặp “tai nạn” . Tôi thì nghĩ rằng đó cũng là một tầng.
Chính sự không xác quyết này khơi gợi cho người đọc nghĩ tiếp. Tôi đã nghĩ và đã phỏng đoán. Có thể còn có tầng  ý nghĩa khác là cây hương vốn chỉ là cái  cái que tăm tre, được người ta nhuộm màu, được người ta đắp phần hương liệu vào. Rồi khi những thứ đắp vào, nhuộm vào bị cháy đi, bị phai màu thì cái “chân hương” là cái bản chất nguyên thủy của cây hương ấy vẫn  cứ còn, vẫn cứ  đứng. Mọi thứ danh vị  người đời đắp vào cho cây hương thì sẽ không tồn tại mãi mãi với nó, chỉ có cái giá trị nguyên thủy của nó là  còn mãi  mà thôi!
          Người đọc luôn gặp những bất ngờ trong lập luận, phân tích bình giải của  người lính – nhà giáo yêu thơ Hoàng Dân. Ví như về câu thơ của Việt Phương trong bài “Bỗng” :
Câu thơ “Hôn nhau cái hôn có con người ma quỷ với thần tiên” thoạt nghe có vẻ đơn giản như như một câu nói thường ngày, nhưng khi nằm trong trường cảm xúc của bài thơ thì nó bỗng vụt sáng lên  để trở thành một câu thơ hay. Hay bởi nó nói đúng bản chất của nụ hôn nói riêng, tình yêu nói  chung. Sau này, ông Nguyễn Bảo Sinh đã “tường minh hóa” cái ý này thật tuyệt : “ Trong mê tình chỉ là tình/ Tỉnh ra mới biết trong tình có dâm/ Trong mê dâm chỉ là dâm/ Tỉnh ra mới biết trong dâm có tình”. Trong nụ hôn này có cả “con” và “người”, có cả ham muốn nhục dục và khát vọng tận hiến, có cả thực và mơ, có cả tầm thường và cao cả”.
Ví như khi nói về bài thơ “Tự hát” của Xuân Quỳnh, người bình đã viết một câu như là minh triết về tình yêu “ Thẩm quyền quyết định hạnh phúc trong tình yêu chính là tình yêu, ngoài ra tất cả đều là vô nghĩa”. Hoặc  như đánh giá rất mạnh dạn về nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh, khi tác giả bình bốn câu lục bát của ông :
         Cùng chung một chuyến đò ngang
          Kẻ thì sang bến người đang trở về
          Lái đò lái mãi nên mê
           Sang về không biết mình về hay sang
Vẫn là những thủ pháp mà bất cứ người bình thơ nào cũng phải vận dụng : bình từ ngữ, phân tích hình ảnh, so sánh, liên tưởng, phân tích liên văn bản,… nhưng nhà bình thơ Hoàng Dân đã đem vào đó cái riêng, cái vốn sống, vốn trải nghiệm và cả cách tiếp cận không giống ai. Vì vậy mà  người đọc bị cuốn hút, bị thuyết phục một cách khá thoải mái, tự nhiên.
Là người viết phê bình văn học có chút thành tựu về bình thơ, tôi thực sự vui mừng với thành quả lao động của một người đa tài như Hoàng Dân trong phạm vi viết lời bình cho những áng thơ hay, bao gồm cả thơ dân gian và thơ hiện đại.
                                         Hà Nội, ngày 10 tháng Giêng năm Canh Tý 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét