Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

CỐM VÒNG



CỐM VÒNG
          Nguyễn Hòa Bình

Nhớ về Cầu Giấy với anh
Mùa này cốm mới đã xanh làng Vòng
Nếp Nhung đã xếp chặt nong
Lửa thì ta nhén đủ hồng má nhau.

Bàn chân đạp lúa còn đau
Lội ao đãi thóc lần đầu có quen
Hạt lép thường nổi bồng lên
Hạt thơm mới lắng nỗi niềm nhân gian

Cốm này ai khéo tay rang
Hạt nồng nồng sữa, trấu vàng vàng chanh
Hạt này mưa nắng mà thành
Hạt này bão lũ dụm dành mà nên

Nhịp chày gột cả ưu phiền
Tiếng thình thiếng thậm vẳng bên tiếng lòng
Biết thu đã rám trái bòng
Cho heo may ủ chùm hồng ngọt thêm

Màu chiều xanh trong cánh Sen
Mang hương trời nước ướp lên ruộng đồng
Ướp trong hạt cốm làng Vòng
Gửi vào nhân thế chút lòng đất đai.
                            20 tháng 7 năm 2010
         ( trong tập Lửa than, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017)

Lời bình của Vũ Nho
        Nhà văn Thạch Lam từng nổi tiếng với bài tùy bút “ Một thứ quà của lúa non : Cốm”. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi nhắc nhớ đến mùa thu Hà Nội là nhớ “ hương cốm mới”  : “Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới” ( Đất nước). Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi viết về Hà Nội mùa thu cũng nhắc đến cốm như một nét đặc trưng : “Mùa cốm xanh về/ Thơm bàn tay nhỏ/ Cốm sữa vỉa hè/ Thơm  bước chân qua”. Tìm trên mạng, chỉ một cú nhấp chuột đã cho 162 bài có nhắc đến “cốm”, trong số đó có tên các nhà thơ như Thái Thăng Long, Đặng Vương Hưng, Phan Huyền Thư, Gió Phương Nam,… Hương cốm. Màu cốm, Vị cốm, Tình người làm cốm,…đã được các nhà thơ nhắc nhớ.
          Thi sĩ Nguyễn Hòa Bình cũng góp một bài thơ về thứ quà đặc sản Hà Nội, thứ quà có xuất xứ làng Vòng, Cầu Giấy  với nhan đề giản dị “Cốm Vòng” bằng một thể thơ dân gian lục bát “ dễ làm mà khó hay”! Nhưng nhà thơ đã vượt qua cái “khó” đó.


                                                                             Nhà thơ Nguyễn Hòa Bình
 
          Mở đầu bằng một lời hẹn, hay chính xác hơn là nhắc nhớ về một lời hẹn về Cầu Giấy trong mùa cốm mới. Cốm mới đã xanh làng Vòng/ Nếp Nhung đã xếp chặt nong. Nguyên liệu làm nên những hạt cốm dẻo thơm đặc biệt là lúa nếp, nhưng phải là “nếp cái hoa vàng” chứ không phải bất kì loại lúa nếp nào. Ở đây là lúa nếp Nhung, chắc là một tên gọi dân dã của địa phương. Hay là bằng con mắt thi sĩ mà nhà thơ thấy lúa nếp  này đẹp như có nhung, có tuyết mà đặt ra tên gọi riêng như thế?  Câu thơ độc đáo nói về lửa rang lúa làm cốm, nhưng lại gợi ngọn lửa tình yêu lứa đôi “ Lửa thì ta nhén đủ hồng má nhau”. Do luật bằng trắc của câu lục bát mà từ “nhen” trở thành “nhén”  tạo cảm giác nhẹ nhàng, kín đáo và như có gì e ấp nữa.
          Các câu thơ tiếp theo nói về các công đoạn làm cốm : tách hạt khỏi bông lúa, đãi  bỏ hạt lép, rang  lúa làm cốm, giã cốm.
          Không biết người bạn gái có “tập làm cốm” không, nhưng khổ thơ đầy nâng niu và trìu mến này chắc chắn là dành cho  người rang lúa:
          Cốm này ai khéo tay rang
          Hạt nồng nồng sữa, trấu vàng vàng chanh
          Hạt này mưa nắng mà thành
          Hạt này bão lũ dụm dành mà nên
Hạt cốm sữa đã đẹp, cả đến vỏ trấu loại đi cũng đẹp. Hạt cốm là thành quả của người làm ruộng  dãi nắng, dầm mưa, vượt qua bão lũ dành dụm được, như một thứ quà tặng riêng biệt “ là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh” ( chữ của Thạch Lam).
          Giã cốm là một công việc vui. Vì thế mà “nhịp chày gột cả ưu phiền”. Người ta nói rằng phải giã năm lần mới  phân loại được cốm thành phẩm. Tiếng chày hòa với tiếng lòng. Cốm  gợi nhắc đến heo may, nhắc đến chùm hồng ngọt thêm. Một cách kín đáo  gợi đến đoạn văn trang trọng của Thạch Lam “ Ai đã nghĩ đầu tiên dùng cốm để làm quà sêu tết. Không còn gì hợp hơn sự vương vít của tơ hồng, thức quà trong sạch, trung thành như các việc lễ nghi. Hồng cốm tốt đôi… Và không bao giờ có hai màu lại hòa hợp  hơn được nữa: màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền”.
          Khổ thơ cuối gợi một không gian đẹp được ướp hương cốm của ruộng đồng, và ướp trong hạt cốm nhỏ bé của làng Vòng gửi cho đời như một quà tặng của đất đai.
          Phải rất yêu Hà Nội, rất yêu thức quà của làng Vòng nổi tiếng khắp cả đất nước mới có được  bài thơ mộc mạc, giản dị, gợi bâng khuâng  như  thế./.


     


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét