Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

NHỮNG BÔNG HOA KHUYẾN HỌC





NHỮNG BÔNG HOA KHUYẾN HỌC

          Qua “Hoa khuyến học” số 1, 2 và “Tình người khuyến học”, “Gương sáng khuyến học”  của Hội khuyến học phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

                                                                   Vũ Nho

         Cuối  tháng 9 năm 2019, tôi có cơ duyên tham dự hoạt động vinh danh các tập thể cá nhân đóng góp xuất sắc cho phong trào khuyến học của phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Và tôi được  tặng  4 tập sách   do Hội tổ chức in ấn rất sang trọng. Hai tập  “Hoa khuyến học” và  hai tập “Tình người khuyến học”, “Gương sáng khuyến học”. Đây là những ấn phẩm văn hóa rất độc đáo về hoạt động khuyến học. Ngoài bài viết về phong trào khuyến học, còn có các bài viết về gia đình, cá nhân là tấm gương sáng, các em học sinh đoạt giải học sinh giỏi quận, thành phố, quốc gia và quốc tế.  Tác giả là các cán bộ khuyến học của phường, của các tổ, các hội viên. Thể loại gồm văn, thơ, nhạc, ảnh.

          Hội khuyến học phường Dịch Vọng Hậu là đơn vị khuyến học xuất sắc của thành phố Hà Nội và của cả nước. Từng được nhận Bằng khen của Hội khuyến học quận Cầu Giấy, Hội khuyến học thành phố Hà Nội, Trung ương Hội khuyến học Việt Nam. Và được Trung ương Hội khuyến học Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc.

          Bốn ấn phẩm được in đẹp, trình bày trang nhã là một tài liệu quý về phong trào khuyến học  và xây dựng xã hội học tập của phường Dịch Vọng Hậu.

          Người đọc sẽ biết được lịch sử phát triển phong trào khuyến học của phường và kinh nghiệm  hoạt động qua các bài viết của Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Tý, Phó chủ tịch Nguyễn Chiếm Sơn,  Phó chủ tịch Tạ Thị Ngọc Thanh, Phó chủ tịch Trần Thị Bích Hải.

          Đặc biệt nhất là các bài viết của cán bộ, hội viên về những tập thể xuất sắc, những tấm gương gia đình hiếu học, tích cực tham gia phong trào khuyến học của phường qua đợt phát động thi viết về phong trào khuyến học.

         Một gia đình 5 thế hệ  khuyến học là gia đình TS Nguyễn Thị Kim Thành và em trai là PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện. Trong bài viết của  bà  Nguyễn Thị Tý - Chủ tịch Hội khuyến học phường có thống kê “ 5 thế hệ đã đóng góp cho xã hội 5 phó giáo sư, 10 Tiến sĩ, 9 thạc sĩ, gần 30 kĩ sư, cử nhân, bác sĩ… Đặc biệt có 3 người khi trẻ được nhận giải thưởng quốc tế”. Gia đình PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thiện còn có một thư viện trên 10.000 đầu sách.

                                                                       Vũ Nho



          Một  dòng họ tích cực khuyến học là họ Lê của ông Lê Xuân Thê, một dòng họ 15 đời lập nghiệp ở làng Hậu (Dịch Vọng), trước đây không có người đỗ đạt cao. Chỉ từ sau Cách mạng, dòng họ mới có nhiều người đỗ đạt.  Ông Thê là tấm gương thành đạt, là Thủ khoa ngành vật lí vô tuyến, có 6 cuốn sách được in, được đặc cách công nhận học vị Thạc sĩ, tham gia đào tạo cao học ( Người khơi nguồn dòng chảy).

          Những gia đình đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu: Gia đình ông Nguyễn Minh Giao,  gia đình ông Hoàng Văn Sít, gia đình  nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền,  gia đình ông Nguyễn Ngọc Thiện ( Hoa khuyến học số 1).

          Những gia đình học tập xuất sắc tiêu biểu: Gia đình PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, gia đình ông Nguyễn Minh Giao, gia đình ông Nguyễn Văn Lê (Hoa khuyến học số 2).

          Những gia đình gương sáng hiếu học: Gia đình PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, gia đình ông Phạm Đình Tỵ, gia đình ông Phạm Thiệu (Gương sáng khuyến học).

           Các tập thể và cá nhân xuất sắc đều được vinh danh.  Chi hội khuyến học trường tiểu học Dịch Vọng A, chi hội trưởng Đỗ Phương Hoa; Chi hội khuyến học số 5, chi hội trưởng Nguyễn Chiếm Sơn; Chi hội khuyến học dòng họ Lê, chi hội trưởng Lê Xuân Thê;  Chi hội khuyến học số 13, chi hội trưởng Lê Văn Tiến; Chi hội khuyến học số 2, chi hội trưởng Vũ Thị Tuyết Liên (Hoa khuyến học số 1). Chi hội khuyến học số 5, chi hội trưởng Nguyễn Chiếm Sơn; Chi hội khuyến học trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, chi hội trưởng Nguyễn Thị Thu Hà; Chi hội khuyến học số 15, chi hội trưởng Trần Thị Phương Khanh (Hoa khuyến học số 2).

         Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Tý, ngoài các bài viết về phong trào của phường, còn viết về chi hội của mình, viết về các gia đình và cá nhân tiêu biểu, như các bài : “Người con gái của mẹ quê Nành khuyến học” ( Hoa khuyến học số 2), “Người khơi nguồn dòng chảy”, “ Người thổi hồn cho tấm hoành phi “ Thế Uẩn Thiện”,  “Người nữ đảng viên tận tâm với nghề khuyến học”  (Gương sáng khuyến học), “Ánh trăng rằm” (Tình người khuyến học). Cũng có nhiều bài viết về vị Chủ tịch của các cán bộ  trong phường: “Người truyền lửa khuyến học của Nguyễn Thị Minh Đức,“Sao sáng trời quê” của Trần Thị Cúc Khải, (Hoa khuyến học số 2), “Vượt lên thử thách- gặt hái thành công” của Nguyễn Thị Minh Đức, “Chim đầu đàn”  của  Vũ Thị Hồ ( Gương sáng khuyến học) . Xin trích 4 câu thơ của  tác giả Nguyễn Chiếm Sơn- Phó chủ tịch hội khuyến học phường viết tặng:

                         Con ong chăm chỉ là em

                         Có tài, có đức, lại thêm dịu dàng

                         Vào “nghề” khuyến học giỏi giang

                         Em là gương sáng vẻ vang Hội mình

                                   ( trong tập Gương sáng khuyến học)

Phó chủ tịch Hội khuyến học Nguyễn Chiếm Sơn cũng viết nhiều bài văn, thơ về khuyến học. Ông  được bè bạn viết về sự tận tụy với công việc. Chính tên Chiếm Sơn là do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho ông, lấy tên nhân vật anh hùng Trung Hoa ( Người được Đại tướng đặt tên – Hoa khuyến học số 1).

Phó chủ tịch Hội khuyến học Tạ Thị Ngọc Thanh  viết về  PGS.TS Lương Quỳnh Khuê “Một tấm gương hiếu học và say mê hoạt động khoa học”. Bà Thanh được bạn bè đồng nghiệp ca ngợi là “Bà tiên ánh sáng” (thơ của Trần Thị Cúc Khải  trong tập Gương sáng hiếu học).

          Một cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào là nhà giáo, nhạc sỹ Trần Phú. Ông viết các bài có tính nghiên cứu: “Bác Hồ với công tác khuyến học và học tập suốt đời” (Tình người khuyến học), “Bác Hồ là niềm tin tất thắng” (Hoa khuyến học số 2). Một số bản nhạc của ông (Hương cốm, Cho cây khuyến học nở hoa, Ngọn đèn thao thức, Một vùng đất một vùng hiếu học,…) được đội văn nghệ của Hội khuyến học trình diễn. Tác giả Trần Thị Cúc Khải đã viết bài: “Chúng tôi hát mãi bài hát của anh”. PGS TS Lương Quỳnh Khuê viết bài “Có một thầy giáo – nhac sỹ như thế”. TS Nguyễn Thị Kim Thành có bài “Tác giả những bài hát về khuyến học”.

          TS Nguyễn Thị Kim Thành là người hoạt động khuyến học say mê ( Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Tý đã viết về  bà trong bài “Người con gái của quê mẹ Nành khuyến học”. Bà Kim Thành  đã viết các bài: “Người phu chữ làm khuyến học”, ( Hoa khuyến học số 1), “Nguyễn Vân Trang với những thành công bước đầu về nghiên cứu miễn dịch vắc xin”, “Tác giả của  những bài hát về khuyến học” ( Gương sáng khuyến học), “Nhớ mãi những kỉ niệm về một thời làm công tác khuyến học” (Tình người khuyến học), “Câu chuyện về cháu tôi nhận bằng”, “Con đường tình yêu” (Hoa khuyến học số 2).

       Không thể kể hết các tấm gương  người tốt việc tốt khuyến học, chúng tôi chỉ lược kể một số như nhà giáo TS Nguyễn Văn Hòa,  nhà giáo Đàm Tiến Nam, Nguyễn Đức Hiếu (Trường  Nguyễn Bỉnh Khiêm), cô Nguyễn Thị Loan, Chu Thị Như Quỳnh (THCS Dịch Vọng Hậu), cô Lưu Thị Lan Hương, cô Hồ Thị Thanh Thúy ( Tiểu học Dịch Vọng A), cô Trần Thị Mai Huê (Trung tâm Giáo dục nghề và Giáo dục thường xuyên quận Cầu Giấy), cô Nguyễn Thị Xuân Hồng, tổ trưởng tổ dân phố 26, chị Lê Thị Kim Oanh phụ trách khuyến học tổ 20. Bà tổ phó dân phố Tạ Bảo Quỳnh,  chị Nguyễn Thị Thanh, người phụ nữ làng Vòng giỏi công tác xã hội, ông Đào Trung Dũng, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Dịch Vọng Hậu…

          Phong trào chung, gương sáng tập thể, gương sáng gia đình, gương sáng cá nhân như những bông hoa đẹp trong vườn hoa khuyến học của phường. Nhiều người  được nhận Bằng khen của Thành phố Hà Nội, là công dân ưu tú của Thủ đô, xứng đáng có tên trong các tập sách “Những bông hoa đẹp của thành phố”.

          Có được  bốn ấn phẩm giàu nội dung nhân văn và giáo dục để động viên các tập thể, cá nhân phải kể đến sự nhiệt tình, gương mẫu viết bài của lãnh đạo và hội viên. Điều quan trọng là tập thể đã chọn được những người vừa tâm huyết, vừa có kinh nghiệm báo chí để biên tập, xuất bản. Xin nêu tên các vị biên  soạn, biên tập của 4 ấn phẩm trang nhã : PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện,  PGS.TS Lương Quỳnh Khuê, Thạc sĩ Lê Xuân Thê, Cử nhân – nhạc sĩ  Trần Phú, Cử nhân Nguyễn Thị Tý, Cử nhân Nguyễn Chiếm Sơn,  Thạc sĩ Trần Bích Hải.

        Tôi nhớ một câu tục ngữ mới “Cán bộ nào, phong trào nấy”. Các  cán bộ Chi hội và Hội khuyến học phường Dịch Vọng Hậu là những người say mê, gương mẫu trong hoạt động khuyến học, nên phong trào của phường là lá cờ đầu của thành phố và cũng là một trong các lá cờ đầu của cả nước. Những ấn phẩm  đẹp của Hội  là tài sản quý của phong trào. Chính các ấn phẩm đó đã góp phần, tuyên dương, cổ vũ động viên phong trào đạt được thành tích xuất sắc.

                                               Hà Nội, 5/3/2020



         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét