Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

KHÁM NHÀ CHÉM ĐẦU




KHÁM NHÀ CHÉM ĐẦU

                                                 Doãn Toàn Sinh
                                                 Vũ Công Hoan dịch

Giữa bạt ngàn cỏ xanh mơn mởn,
Rừng đào vạn đoá cười đón gió xuân
Con đường rừng len lỏi lúc  ẩn  lúc hiện. Hoàng Đế Càn Long cải trang làm khách du hành đi xuống Giang Nam. Trên đường du hành đi qua  dãy núi mù mây, mây  mù quấn quýt, khi đang thưởng ngoạn cảnh đẹp sắc xuân, nhà vua bỗng dưng ôm  bụng kêu đau, thy thuốc đi theo trổ tài vô hiệu, đám đông tuỳ tùng đành phải hộ tống  Hoàng đế  vào một ngôi đền cô độc gần đó tạm nghỉ.
Một nhà sư già ngoài bảy mươi tuổi đã phải thân chinh đứng ra đón tiếp những vị khách không mời mà đến. Thầy thuốc đi theo nhà vua tự xưng bừa đoàn mình là khách buôn trà, hiện tại ông chủ mắc bệnh nguy cấp, muốn phiền nhà sư cho vào trong đền nghỉ chân một lúc rồi sẽ tính sau. Nhà sư thấy Càn Long bụng đau quằn quại, lăn ra nền nhà kêu trời kêu đất, ngài bỗng sinh lòng từ bi, tự nhận mình thông thạo nghề y, sau khi nhìn, nghe, hỏi han bắt mạch, nhà sư pha một bát trà mời Càn Long uống. Không ngờ sau khi  nước trà vào bụng, Càn Long chợt giảm cơn đau, bỗng dưng khỏi hẳn. Thầy thuốc đi theo hầu vua sung sướng vô cùng liền hỏi nhà sư: Chỉ một bát nước trà xanh, tại sao lại có hiệu quả kỳ diệu như thế? Nhà sư già cười đáp: Trà này là vật quí hiếm, có tác dụng  dãn khí thông mạch, ông chủ các ngài chuyển nguy thành an là may lắm, may lắm!
Trong bụng Càn Long thư dãn lâng lâng như tắm  suối trong, như gội gió xuân,  mùi thơm lan toả từng hồi  trong miệng, như từng quen biết,  do đó nhà vua lên tiếng hỏi tiếp: - Trà của nhà sư có phải là loại trà tinh khôi khỉ?


                                                                Nhà văn Vũ Công Hoan


Nhà sư chợt ngẩn người hỏi: Tại sao tiên sinh biết tên loại trà này?
Trà xanh Càn Long vừa uống chính là thứ trà quí hiếm có tên “Tinh khôi khỉ”. Năm nào các quan phủ địa phương cũng tiến cúng Triều đình loại trà này.
Thứ trà tinh khôi khỉ này bắt nguồn từ bàn tay của con khỉ.
Ngôi đền cô độc, chung quanh núi non  trùng trùng vây bọc, khỉ rừng thường hay ra vào ngôi đền, lâu dần đã hết sức thân quen với vị sư già, hai bên có thể lấy tay ra hiệu để trao đổi câu thông với nhau. Năm nào cũng thế, cứ sau trận mưa tuyết lớn cuối đông, ăn hết thức ăn dự trữ, khỉ rừng không thể kiếm đâu ra thức ăn trong mưa tuyết mênh mông, khi bụng đói lép kẹp, chúng vào nhà chùa tìm đồ ăn, đã được nhà sư già  từ bi rủ lòng thương xót  lần nào cũng được nhà sư cho ăn. Lũ khỉ được ăn biết ơn đền đáp. Mỗi khi băng tuyết tan, đến mùa cây trà nẩy mầm, chỉ cần nhà sư dơ tay ra hiệu leo lên vách núi hái búp chè là chúng hiểu ý leo lên các dốc đứng tai mèo, hái những búp chè rừng non xanh vừa mới đâm chồi nẩy lộc hàng năm  đem về biếu vị sư già.
Giữa chốn rừng sâu núi thẳm xa hàng trăm dặm, mây mù bao phủ mênh mông, đâu đâu cũng vách đứng cheo leo hiểm trở, con người rất khó đặt chân đến, chỉ có chim  đưa xuân về,  én mang thu đi, như cõi nhân gian mà như không phải cõi nhân gian, chỉ có mù bay trăng lặn, mây đùn nắng  gội, như cõi tiên mà như không phải cõi tiên. Trên miền đất hứa cảnh tiên cách biệt hẳn với coĩ trần gian này, những cây trà hoang dã trải qua mây ngâm mù thấm, lá chè non mọc ra  có thể nói không có bất cứ thứ lá chè do con người trồng ra có thể so sánh nổi. Thứ của quí nhân gian này, lúc đầu vị sư già tự mình hưởng thụ, về sau ngài đã đem biếu cho khách đi buôn cùng thưởng thức. Do đó cái tên nổi tiếng “tinh khôi khỉ” đã  dần dần loang xa, cuối cùng được
các quan l ại  địa phương thu thập tiến cúng Triều đình....
E ngại bộc lộ thân phận của mình, vua Càn Long nói
dối mình là cao thủ thưởng thức trà, đã nhiều lần phụng chiếu nhà vua vào Hoàng cung uống trà bình phẩm, do đó ngài không lạ gì loại trà tinh khôi khỉ. Ngài hỏi:
- Nhưng, không hiểu tại sao, thứ trà tinh khôi khỉ ta uống trong Hoàng cung có vẻ kém xa vị thơm ngon tinh khiết của thứ trà ta vừa uống?
Nhà sư già thật thà trả lời:
- Đây là chút ít chính phẩm tôi giữ lại được. Trà cúng biếu có trộn thêm trà  tạp, đương nhiên mùi vị kém xa.
Tại sao trà cống biếu nhà vua lại trộn lẫn trà dổm? Triều đình ban thưởng rất hậu cho những quan chức địa phương đã tiến cúng trà ngon cho nhà vua. Nhưng loại tinh khôi trà chính phẩm rất hiếm, thường là một năm cũng chỉ  có được trên dưới nửa kg là nhiều. Để được Triều đình trọng thưởng, các chức sắc địa phương liền ra lệnh cho thảo dân miền núi nơi đó hái búp trà non, đem hai thứ trộn vào nhau, để lấy tiếng tinh khôi trà đem tiến cúng. Lá chè dân miền núi hái về, tuy cũng đều là loại trà búp non lứa đầu vụ trong năm, trông bề ngoài cũng tương tự, nhưng dù sao đi chăng nữa phần lớn là cây trà nhà trồng, làm sao mà bì nổi thứ trà hoang mọc trên vùng đất sạch cảnh tiên quanh năm dãi gió dầm sương, mây hun ráng luyện, đương nhiên phẩm chất hơn hẳn, chẳng khác gì nhân sâm người trồng và nhân sâm mọc hoang, không thể coi ngang hàng về công dụng và vị bổ, đương nhiên ngài  thưởng thức mùi vị có khác.
Không hề biết thân phận của nhà vua, nhà sư già  thật thà như đếm, có sao nói vậy cứ tuồn tuột nói rõ nguyên nhân với khách lạ. Sau đó cứ tấm tắc khen Càn Long dầy công  thưởng thức bình phầm trà.
Sau khi tỏ lời cảm ơn chia tay nhà sư già,  vua Càn Long đi ra khỏi ngôi đền lẻ loi.
Vẫn là giữa bạt ngàn cỏ xanh mơn mởn, rừng đào vạn đoá cười đón gió xuân. Nhưng vua C àn Long không còn b ụng dạ nào xem hoa ngắm cảnh, nét mặt hằm hằm nhà vua nói với thầy thuốc:
- Thi thoảng được nhà sư già cho ăn,  con khỉ còn biết nhớ ơn báo đáp, nhưng bọn chức sắc quan lại  suốt đời được hưởng bổng lộc của triều đình lại lừa dối nhà vua. Bọn chúng không được như con khỉ .
Sau khi về Kinh,  vua Càn Long lập tức ra lệnh cho Bộ hình thẩm tra xét xử vụ tinh khôi khỉ ở núi mây mù. Lời chiếu viết:Làm ăn giả dối thuộc tội phạm thượng lừa vua, phàm là những kẻ can gián nghi ngờ, đều bị khám nhà chém  giết.
Nhận thấy hình phạt hơi nặng, một vị đại thần lên tiếng
khuyên can. Nhưng nhà vua gạt đi:
-  Lũ quan chức này dám giả dối đối với Triều đình, thì đối xử với dân sẽ ra sao? Không giết bỏ sạch  sành  sanh
bọn chúng , thiên hạ tất sẽ rối ren, không một ngày yên ổn.
Khi biết chuyện các quan chức địa phương bị khám nhà chém đầu suốt lượt, mà tai họa lại do mình gây nên, nhà sư già tự cảm thấy không xứng đáng với tâm nguyện bao la của nhà Phật, vô cùng hối hận, đã nhảy xuống sông tự vẫn.
Năm tháng qua đi “đào hoa y cựu tiếu xuân  phong”( “Hoa đào năm ngoái còn cười gió xuân”), nhưng từ ngày nhà sư gìa nhẩy xuống sông tự vẫn, trà tinh khôi khỉ cũng tuyệt tích khỏi cõi người.
                                        Vũ Công Hoan dịch
                                  (Theo Tiểu tiểu thuyết năm 2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét