VÒNG QUANH THÀNH PHỐ
Gianhi Rodari ( Ytalia)
Vũ Nho dịch qua bàn tiếng
Nga
Paolo là một cậu bé ưa
hoạt động. Cậu không phút nào ở yên không làm một cộng việc thú vị hay có ích
nào đó. Cậu không bao giờ buồn chán vì luôn biết nghĩ ra cho mình một trò chơi, một
công việc, một trò giải trí nào đấy. Và hơn nữa, cậu lại bướng : Đã quyết định
làm gì là không chịu lùi bước, không chịu bỏ dở. Khi đó, vào dịp nghỉ hè Paolo
trải lên bàn tấm bản đồ lớn của thành phố và bắt đầu xem xét kĩ lưỡng những đường
phố đan chéo nhau, đặc biệt phức tạp, rối rắm ở khu trung tâm và có phần đơn giản
hơn ở các vùng ven.
Cạnh cậu có một chiếc địa bàn. Paolo đặt nó lên bản đồ và lấy
bút chì khoanh vòng quanh. Cậu làm thế để làm gì, chính cậu cũng không biết.
Nhưng khi nhấc chiếc địa bàn ra thì thấy một vòng tròn hết sức tròn trĩnh, cậu
rất thú vị…Tất nhiên, đây là một ý tưởng khá lạ lùng, nhưng tại sao lại không
thử xem? Và lập tức cậu quyết định : Ta sẽ đi một vòng quanh thành phố theo
đúng cái vòng ta đã vẽ được ở đây bằng chiếc địa bàn. Nói chung thì đường phố
ít khi thẳng băng như mũi tên. Thường thường chúng rẽ quặt đi đâu đó, lượn khi
thì sang phải, khi thì sang trái, luôn luôn thay đổi hướng. Thậm chí cả những đại
lộ lớn cũng lượn vòng, nhưng đó hoàn toàn là những vòng đại khái. Vì không ai vẽ
chúng theo vành tròn của địa bàn. Còn Paolo thì nghĩ sẽ đi quanh thành phố theo
cái vòng tròn cậu khoanh trên bản đồ thật chính xác, không trệch một bước ra khỏi
cái đường tròn mảnh, minh bạch và rõ ràng như một tư tưởng tuyệt vời.
Do một sự ngẫu nhiên hoàn toàn, vòng tròn chạy qua chính đường
phố Paolo ở. Cậu cuộn bản đồ lại, đút vào túi áo. Còn túi kia thì đựng chiếc
bánh mì trắng, đề phòng trường hợp muốn ăn trên đường đi. Và không nghĩ gợi
lâu, cậu lên đường.
Vũ Nho Chủ trang
Ra khỏi nhà, cậu quyết định rẽ sang trái. Một khoảng thời
gian ngắn, vòng tròn dẫn cậu đi thẳng trên đường phố. Sau đó, bỗng nhiên nó cắt
đường phố ở chỗ dành cho xe cộ chạy, là nơi không có “ngựa vằn của khách bộ
hành” (Tức là chỗ kẻ vạch trên mặt đường, dành cho người đi bộ vượt sang – ND).
Nhưng Paolo không từ bỏ ý định của mình. Cậu vẫn đi theo đường tròn cắt qua phố
và dừng lại trước một cái cổng. Phố vẫn tiếp tục chạy thẳng, còn đường vòng tròn thì lại quặt vào cái cổng này,
và dường như dẫn tới một nhóm nhà cửa ở xa và sau đó tới một quảng trường nhỏ nằm
ở phía phải. Một lần nữa, Paolo liếc nhìn bản đồ, đi vào cổng và lọt vào sân. Vượt
qua sân không mất mấy tí thời gian. Nhưng tiếp sau thì làm gì? Tiếp sau là lối đi lên, qua một cầu thang.
Lên chăng? Chà, cứ coi như đã ở tầng cuối cùng rồi, giả dụ như thế, và luồn lên
mái nhà… Nhưng chuyển sang mái nhà bên cạnh
thì không được. Chiếc bút chì dễ dàng nhảy
từ nhà này sang nhà khác, nhưng đi bộ, không có cánh thì không đơn giản như vậy.
Thật may, trên cầu thang có một cửa sổ nhỏ. Cửa sổ hơi cao,
đúng thế và rất hẹp. Paolo lại liếc nhìn bản đồ. Không còn nghi ngờ gì – muốn
đi đúng theo vòng tròn, cần phải đi qua chỗ này. Chỉ có một cách là chui qua cửa
sổ.
Cậu đã bám vào khung cửa, đang định đu người lên, thì bỗng
có ai đó gọi giật lại. Cậu lặng người đi trên bức tường, hệt như một con nhện bị
hoảng sợ.
-
Này chú bé, chú trèo đi đâu? Chú định
làm trò gì thế? Nào, hãy tụt xuống đi – Một người nào đó đang đi xuống cầu
thang ra lệnh cho cậu.
-
Đấy là ông bảo cháu ư?
-
Chứ còn ai vào đây nữa? Này, hãy thú nhận
đi, chú không phải là kẻ trộm chứ? Mà không, trông chú hoàn toàn không giống kẻ
trộm! Thế thì có việc gì vậy? Hoặc là có lẽ chú tập thể dục chăng?
-
Nói thực, thưa ông, cháu chỉ muốn vượt
qua chỗ này.
-
Nhưng muốn thế phải đi xuống vòng sang
nhà bên, đi vào cổng khác.
-
Không, không, cháu không thể…
-
Tôi hiểu. Có lẽ chú làm điều gì đó bậy bạ,
sợ bị quở trách phải không?
-
Không, cháu cam đoan với ông là cháu
không làm điều gì bậy…
Paolo chăm chú nhìn người
đã ngăn trở cậu. Ông ta có lẽ là một người tốt. Trong tay ông ta có một cây gậy,
nhưng ông không dùng nó để đe dọa mà chỉ để chống. Hơn nữa, ông ta lại mỉm cười.
Thế là Paolo quyết định tin ông ta và thổ lộ kế hoạch của mình.
-
Vòng tròn quanh thành phố? – Ông ta nhắc
lại – Theo vòng tròn trên bản đồ ư? Chú muốn làm như thế ư?
-
Vâng, thưa ông.
-
Con trai tôi ơi, không được đâu! Chú sẽ
làm gì nếu chú đứng trước bức tường không cửa sổ?
-
Cháu sẽ trèo qua!
-
Nhưng nếu bức tường rất cao mà chú không
thể trèo qua được?
-
Cháu sẽ đục một cái lỗ rồi chui qua!
-
Nhưng chú sẽ làm gì nếu gặp sông? Chú
hãy xem, vòng tròn trên bản đồ của chú đi qua sông vào chỗ rộng nhất, ở đấy
không có cầu.
-
Nhưng cháu biết bơi!
-
Tôi hiểu, tôi hiểu. Chú không phải là
người dễ thoái lui, có phải thế không?
-
Đúng thế ạ.
-
Chú đã có một kế hoạch rành mạch như là
vòng tròn trên bản đồ cho nên…Còn nói gì với chú được nữa? Hãy thử xem!
-
Thế ông cho phép cháu trèo qua cửa sổ
này chứ?
-
Tất nhiên! Tôi còn giúp chú nữa kia.
Nào, tôi đặt tay kê. Chú đặt chân vào đây và trèo lên, cẩn thận kẻo ngã nhé!
-
Cám ơn ông! Tạm biệt ông!
Và Paolo đi tiếp. Cậu
đi chính xác, không trệch một bước khỏi vòng tròn cậu vẽ trên bản đồ bằng chiếc
địa bàn. Thế là cậu đã ở trên quảng trường, bên cạnh bức tượng người cưỡi ngựa. Con ngựa bằng đồng đứng lặng
trên bệ đá hoa cương trong dáng chuyển động vĩnh cửu của nó. Người anh hùng nào
đó mà Paolo không biết tên, một tay giữ dây cương, tay kia trỏ về phía xa xăm. Có lẽ trỏ đúng vào nơi mà vòng tròn
sẽ đưa cậu đến. Làm gì bây giờ? Trườn qua giữa chân ngựa ư? Trèo qua đầu người
anh hùng chăng? Hoặc giản đơn là đi vòng quanh bức tượng?...
Cách kết thúc thứ nhất
Paolo suy nghĩ phải làm
gì. Bỗng cậu có cảm giác như người ngồi trên ngựa gật đầu với cậu. Hoàn toàn
khó nhận thấy, nhưng Paolo vẫn trông rõ ông ta nháy mắt với cậu.
-
Mình có cảm giác là những điều kì diệu
khác sắp bắt đầu – Paolo sợ hãi.
Nhưng người anh hùng bằng
đồng vẫn kiên trì. Bây giờ, thậm chí ông ta còn chìa tay xuống, cái tay trước vẫn
trỏ về một cái đích ở xa, - như mời chú bé.
-
Nào, trèo lên đây! – Ông ta nói – Trên
con ngựa này đủ chỗ cho hai người.
-
Nhưng cháu…ông biết không…
-
Nào! Thôi đừng thử thách sự chịu đựng của
ta nữa! Cậu tưởng ta không biết đi theo cái vòng tròn đều đặn không cần sự giúp
đỡ của chiếc com-pa ư? Ngồi lên đây! Ta sẽ đưa cậu vào cuộc du lịch hình học của
cậu. Cậu đáng được như vậy vì cậu không hề chùn bước trước khó khăn.
-
Cám ơn! Rất cảm ơn! Tuy nhiên…
-
Phui, nhiều lời thừa quá! Nhưng hơn nữa,
cậu lại còn là một người kiêu hãnh. Cậu không thích người ta giúp cậu phỏng?
-
Không phải vì…
-
Chà, hóa ra là cậu chỉ thích tán gẫu vô
ích! Trèo lên và chúng ta lên đường! Ta rất thích cậu. Bởi vì cậu biết nghĩ ra
các việc thú vị và không sợ khó khăn. Nhanh lên! Con ngựa đã tỉnh dậy rồi. Cậu
có mặt ở đây, ta không rõ theo phép mầu nhiệm nào, đúng vào ngày duy nhất trong
một năm, người ta cho phép ta và ngựa rời khỏi bệ, phóng đi như thời xưa. Nào,
rốt cuộc, cậu có dám đi không nào?
Và Paolo quyết định. Cậu
nắm lấy tay người anh hùng…Thế là cậu đã ngồi trên yên! Và đã bay lên…Dưới chân
cậu là cả thành phố! Trên thành phố, rực rỡ con đường vòng tròn bằng vàng, sáng
ngời, tuyệt diệu, bằng phẳng và chính xác hệt như con đường cậu đã vẽ trên bản
đồ bằng chiếc địa bàn.
Cách kết thúc thứ hai
Trong khi suy nghĩ làm thế nào bây giờ, Paolo
liếc nhìn quảng trường có bức tượng đứng. Đường vòng tròn cắt ngang quảng trường
và dẫn thẳng đến một ngôi nhà thờ cũ có vòm nóc rất cao. Đường kẻ bất chấp những
cửa. Nhưng còn cậu thì làm thế nào? Làm sao có thể đi qua những bức tường dày
thế kia tựa như những tường thành cổ? Muốn không trệch khỏi đường tròn, cầ phải
leo lên nóc vòm nhà thờ. Nói dễ làm sao! Không có dây thừng và đinh móc thì
ngay cả vận động viên trèo núi cừ nhất cũng chịu, người leo trèo dũng cảm nhất
cũng bó tay. Không! Không được rồi! Đành phải lùi bước thôi! Ước mơ không thực
hiện được. Những con đường đời không bao giờ phẳng phiu, rành mạch và hoàn thiện
như những đường hình học.
Paolo một lần nữa liếc
nhìn người anh hùng. Bất động và nghiêm nghị, từ trên bệ cao của mình, ông ta tiếp tục chỉ tới một cái đích xa xôi nào đó
không thể đạt tới được. Chậm rãi và buồn rầu, Paolo lê bước về nhà, vô tình đi
theo đúng những khúc ngoặt kì quặc,
không cắt nghĩa được của con đường quen thuộc.
Cách kết thúc thứ ba
Trong khi suy nghĩ làm
thế nào bây giờ bên cạnh bức tượng, Paolo cảm thấy có ai đó đụng bàn tay nhỏ
bé, ấm áp vào cậu.
-
Em muốn về nhà! –Cậu nghe thấy một giọng
trẻ con. Đó là một chú bé tí hon trạc ba tuổi. Mắt chú còn ngấn nước mắt và chú
tin cậy nhìn vào Paolo.
-
Em sống ở đâu?
Chú bé trỏ tay vào một
hướng đâu đó.
-
Em muốn về với mẹ!
-
Mẹ em ở đâu?
-
Kia!
Từ “kia” cũng không
hoàn toàn được xác định rõ. Chỉ rõ mỗi một điều là chú bé bị lạc và không biết
đường về nhà. Chú nắm lấy tay Paolo và không chịu buông ra.
-
Hãy dẫn em về với mẹ!
Paolo định nói rằng cậu
không thể, rằng cậu có một việc quan trọng hơn. Nhưng chú bé nhìn cậu với một
niềm hi vọng như thế…Đành vậy…Vòng tròn…Hãy đợi lần khác…
-
Đi nào! – Paolo nói – Chúng ta đi tìm mẹ
em!
Cách kết thúc mà tác giả
thích
Cách kết thúc đầu tiên
dành cho những người mơ mộng. Cách kết thúc thứ hai – cho những ai bi quan. Tôi
thích cách kết thúc thứ ba. Tôi thích Paolo hi sinh mơ ước của mình, tuyệt đẹp,
nhưng trừu tượng, để giúp một việc cụ thể cho người cần sự giúp đỡ của cậu.
( Võ Nhu dịch, qua bản tiếng Nga của
I.Conxtantinova, báo Nước Nga văn hóa, số 30 tháng 6 năm 1982).
Báo Văn Nghệ, Hội nhà Văn Việt Nam, số Tết Kỉ Hợi, 1983
Ý chí khiến ta khâm phục. Nhưng việc ra tay giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn khó khăn mới là điều cao cả khiến ta cảm mến bằng cả trái tim. Cậu bé Palo đã có cả 2... Câu chuyện nhỏ mà để lai bài học lớn giàu chất nhân văn. Cháu mong muốn chú cùng các dịch giả đem đến cho người đọc Việt Nam nhiều câu chuyện như thế.
Trả lờiXóaCám ơn Phương Anh!
XóaNhà văn Rodari của Ytalia là người tôi rất thích.
Tôi đã dịch và in 2 cuốn của ông ở Nhà xuất bản KIM ĐỒNG.
Bạn có thể tìm đọc : Truyện cổ tích kể qua điện thoại, Giữa trời chiếc bánh ga tô.