Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

LA KHẮC HÒA, THẦY CỦA RẤT NHIỀU NGƯỜI THẦY

LA KHẮC HÒA, THẦY CỦA RẤT NHIỀU NGƯỜI THẦY



Uông Triều
Tôi không phải là học trò của La Khắc Hoà nhưng tôi luôn coi ông là người thầy của mình. Tôi cũng không cần đắn đo khi xếp ông là một trong những nhà phê bình văn học hàng đầu hiện nay. Đọc những bài phê bình của ông đôi lúc thấy khoái thú y nhà văn Hoàng vỗ đánh đét vào đùi khi thấy Tào Tháo tán Quan Công giỏi quá trong một truyện ngắn của Nam Cao.
Tôi không học chuyên ngành văn, không nghiên cứu văn học nhưng mỗi lần nghe La Khắc Hoà nói chuyện văn chương tôi đều thấy thú lắm. Một lần, tôi dự một cuộc hội thảo ở Viện Văn học, không khí trầm lắng và buồn bã. Các diễn giả trình độ rất cao siêu nhưng hình như họ thiếu đi một thứ tài ăn nói nên chủ đề thì hay mà không gian cứ trầm uất. Rồi đến lượt La Khắc Hoà phát biểu, hội trường bỗng tỉnh giấc. Ông nói rất hay và rất say, hai bàn tay vung trong gió rất hợp với nội dung bài diễn thuyết, đến một kẻ ngoại đạo như tôi cũng say mê nghe ông nói. Những thứ tưởng chừng khô khan, cứng nhắc ông cũng làm cho hấp dẫn, bởi cái giọng trầm ấm, bởi cách đặt vấn đề rất khác và phong thái của ông nữa. Người nghe thấy cuốn hút và bị thuyết phục, từ ấy, hội thảo nào có La Khắc Hoà làm diễn giả, tôi đều cố gắng bố trí thời gian đi nghe.
Rồi ông trở thành “trại viên” của tôi khi Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức một trại viết trên Tuyên Quang. Trại viết đó là một cuộc “hôn phối” giữa ban văn xuôi và lí luận phê bình. Hai cây bút lão thành của làng nghiên cứu phê bình là La Khắc Hòa và Trần Đình Sử được mời. Có được hai “trưởng lão” dự trại, chúng tôi mừng và vui lắm vì trại viết thêm sức nặng và thu hút được dư luận. La Khắc Hoà và Trần Đình Sử có một tình bạn lâu bền và rất đẹp, họ ngưỡng mộ và kính phục nhau, dự trại lần ấy, hai ông ở một phòng để cùng nhau đỡ đần và đề phòng bất trắc. Là những chuyên gia đầu ngành nhưng hai ông giản dị và khiêm tốn lắm, thỉnh thoảng chúng tôi lại quây quần xung quanh nghe các ông kể chuyện, La Khắc Hòa Vẫn rất say sưa và nhiệt thành hấp dẫn y như lúc ông ở trên diễn đàn.
Trại viết đó La Khắc Hoà bảo tôi rằng, ông đang viết thể loại mới là tản văn và sẽ gửi một cái coi như là thành quả dự trại. Có được những tên tuổi sáng giá trên một tờ báo luôn là niềm vui của bất cứ người biên tập nào. La Khắc Hoà đã được biết đến nhiều qua những công trình nghiên cứu của mình, lần ấy tôi rất hãnh diện vì đã “khều” được một cái tản văn của ông, một món mới toanh của nhà phê bình.


                                                                      La Khắc Hòa



Rồi tôi đến nhà ông chơi vài lần để tặng sách hoặc xin sách. Đối với những kẻ hậu sinh, ông bao giờ cũng niềm nở và nhiệt thành. Nhà của ông ở khu tập thể Đại học Sư phạm Hà Nội, khu Đồng Bát, phường Mai Dịch. Đường đi vào đó gấp khúc, rối rắm lắm. Tôi đã đến đó vài lần nhưng lần nào cũng quên chỗ, chẳng biết làm thế nào, tôi gọi điện và ông không nề hà đi ra đón, rất ân cần và niềm nở chỉ cho tôi dấu hiệu ghi nhớ để tôi khỏi quên đường.
Và như đón những người bạn quý, những kẻ hậu sinh bọn tôi bao giờ cũng được ông mời thưởng thức những ly rượu vang rất ngon. Ông đã có mấy cái stent trong người, không uống rượu mạnh hay bia nữa, chỉ nhấm nháp rượu vang và trà. Và trong câu chuyện thân mật bên bàn trà, bao giờ ông cũng bật những ý tưởng rất thú vị như ông đã từng nghĩ về chúng lâu lắm rồi, chỉ đợi gặp người và khơi mở là bật ra.
Cả một thời gian dài thấy không thấy ông ra sách chúng tôi cũng rốt suột. Rồi ông ra liền mấy quyến sách liền, ngoài những cuốn sách dịch, ông còn có  những công trình rất nặng kí kí tên Lã Nguyên như “Lý luận văn học Nga hậu Xô viết”, “Số phận lịch sử của các lý thuyết văn học”, đặc biệt là cuốn “Phê bình kí hiệu học – đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ ” – là một món ăn rất vừa tầm với tôi và nhiều người. Tôi đã bình chọn cuốn sách ấy là cuốn phê bình văn học hay nhất  của năm 2018 và một niềm vui bất ngờ dành cho ông và bạn đọc, cuốn sách của ông bán rất chạy và có tiếng vang. Chỉ trong một thời gian ngắn sách đã bán hết và được tái bán. Lưu ý rằng sách nghiên cứu phê bình văn học mà bán chạy và tái bản là điều vô cùng hiếm hoi ở thời buổi bây giờ…
Đọc cuốn sách “Phê bình kí hiệu học…” của ông tôi thích lắm. Tôi thích cái nhìn mới mẻ của ông với những nhân vật đã quá quen thuộc hay đã bị khai thác đến mòn đi như Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Nguyễn Huy Thiệp mà vẫn thấy khơi mở. Đọc ông, tôi cứ à ồ lên, hoá ra là thế này mà mình không biết. Ông có cái nhìn khái quát rất độc đáo về nhân vật và hiện tượng, đặc biệt bao giờ cũng đưa ra được cách nhìn mới, quan điểm mới. Đọc văn phê bình của ông không hề  thấy khô cứng, có những bài ông nhấn nhá, lên xuống y như đọc một truyện ngắn có tiết tấu nhịp nhàng.
Những bài viết của ông trong cuốn “Phê bình kí hiệu học…” tôi thích nhất là phần viết về Nguyễn Tuân. Tất nhiên Nguyễn Tuân là một nhân vật đã được giới nghiên cứu quần tơi, giã nhuyễn từ lâu rồi nhưng những đánh giá, phát hiện của ông về nhà văn họ Nguyễn vẫn khiến tôi khoái thú. Ông gọi Nguyễn Tuân là “nhà văn của hình dung từ”, gọi Thạch Lam là “nhà văn của nội động từ”, gọi Nguyễn Công Hoan là “nhà văn của ngoại động từ”… Những cách gọi như thế đủ biết ông đã nghiền ngầm rất kĩ và sâu về đối tượng nghiên cứu, chỉ cần vài từ mà khái quát, bật lên và gọi đúng phong cách của người viết…
Với Nguyễn Tuân, tôi đoán La Khắc Hoà có một thái độ trân trọng đặc biệt, ông xếp Nguyễn Tuân đầu tiên trong danh sách những đối tượng ông khảo sát về ngôn ngữ tác giả. La Khắc Hòa chỉ ra ba đặc điểm nổi bật của nhà văn họ Nguyễn, đó là “kì nhân, kì thú, kì quan.” Nguyễn Tuân hầu như viết thứ gì cũng xoay quanh ba trục này và La Khắc Hoà đã chứng minh điều đó một cách hấp dẫn và thuyết phục.
Tôi cũng thích bài viết của ông về Tố Hữu. Đó là một bài viết rất lạ và dũng cảm. Tố Hữu đã được người ta nghiên cứu rất nhiều rồi, ngợi ca cũng không ít và lần này tôi bắt gặp một tiếng nói mới và khác biệt.  La Khắc Hòa gọi thơ Tố Hữu là “Kho kí ức thể loại của văn học từ chương”. Từ cách đặt vấn đề như thế, ông đã có những khám phá mới về nhà thơ cách mạng hàng đầu này. Cái tài của La Khắc Hoà là với những cây đại thụ văn chương đã toả bóng ngợp từ lâu, ông vẫn tìm ra những chiếc lá lạ, những bông khoa khác màu và mùi, những thân rễ không đi theo đường hướng thông thường để khái quát ra những những điều ẩn sâu chủ chốt trong hành trình sáng tạo của nhân vật.
Là một trong những trưởng lão của làng phê bình đương thời nhưng tôi thấy La Khắc Hoà vẫn còn thanh niên lắm. Tôi thấy ông thích bận giầy thể thao sáng màu, quần bò xanh ống đứng, áo sơ mi cộc tay khoẻ khoắn hoặc vest không thắt caravat. Khi nói chuyện với lớp trẻ thì lúc nào cũng thấy nhiệt huyết trong ông rất mạnh. Ông thân mật, gần gũi, không tạo khoảng cách với người nghe. Trò chuyện với ông có cảm giác ông đã thân thiết và tin tưởng mình từ lâu lắm rồi, không có cái kiểu chuyên gia phán xét hay sư phụ lên lớp học trò…
Tôi tặng ông vài cuốn sách và ông bao giờ cũng nói cho tôi vài ý hướng về chúng sau khi đã đọc sách. Một buổi ra mắt sách hiếm hoi được tổ chức ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi mời ông đến dự cho vui. Và lần nào cũng vậy, ông kéo theo cả người bạn già, người đàn anh đáng kính của mình là giáo sư Trần Đình Sử đi cùng, bây giờ thì thêm một người nữa là vợ ông vì bà giáo lúc nào cũng lo lắng cho những cơn đột quỵ có thể đến bất ngờ với ông giáo hiền của mình.
Buổi ra mắt cuốn “Cô độc” của tôi là một quãng tranh luận rất sôi nổi, phấn khích. Các diễn giả, bạn đọc không cần kiêng nể hoặc “vuốt ve” tác giả, họ thẳng thừng phát biểu về tác phẩm. La Khắc Hoà cũng vậy, tôi những tưởng ông không còn đủ hăng hái và năng lượng để nói thật hay thật say nữa nhưng không phải. Ông vẫn nói rất hay và say sưa với những kiến giải độc đáo của mình. Tự ông tạo riêng một chiều hướng và mọi người đều đồng tình ông với những ý kiến độc đáo của ông.
Là người thầy nhiều năm đứng trên bục giảng Đại học sư phạm Hà Nội ông có rất nhiều học trò và được ngưỡng mộ. Tôi cũng từng dạy học và hiểu rằng muốn xem người thầy ấy thế nào thì cứ nhìn những người học trò của người ấy. La Khắc Hòa có rất nhiều học trò giỏi và trong những học trò của ông cùng thế hệ với tôi, tôi biết Phùng Gia Thế và Trần Ngọc Hiếu. Phùng Gia Thế đã có vị trí quan trọng trên trường Đại học sư phạm Xuân Hòa còn Trần Ngọc Hiếu thì là một nhân vật rất đáng kể trong giới nghiên cứu ở Hà Nội. Nhìn trò để thấy thầy và nhìn thầy để thấy trò. La Khắc Hòa đã nói tôi một ý mà tôi đã ghi nhớ trong hành trang của mình. Thế giới này rộng lớn lắm, kiên trì đi trên con đường của riêng mình và rèn luyện trở thành “cao thủ” trong môn phái ấy là được…
Một đời người không mấy khi gặp được người thầy giỏi và hiểu mình. Một nhà văn cũng không mấy khi gặp được những tri kỉ trong đời. La Khắc Hòa, đối với những học trò của mình ông xứng đáng là một sư phụ cao tay, với những người sáng tác, ông là người tri âm, tri kỉ giữa trường văn, trận bút.
Ở trên đời, được hai vị thế đó có mấy người!
Nguồn: “An ninh thế giới cuối tuần, số 224, tháng 4- 2020
Chép lại từ trang của Lã Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét