Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

VĂN CHƯƠNG QUẢ SUNG





VĂN CHƯƠNG QU SUNG
                            Tản mạn mùa CôVít
                                 TÂM DUNG

Đang mùa ôn dịch, buồn. Hôm qua, trong lúc tán gẫu trên mạng, -mình được ông bạn thân, trước nay, vẫn ủng hộ "khen" ... thơ, văn mình, bỗng ..."chân thành" mà phỏng vấn một câu  vô cùng đột ngột:
        - Này, tôi hỏi thật ông*, thế quái nào, ông đi ngần ấy năm, tiếp xúc cũng không khiêm tốn, mà sao trong thơ thẩn, văn viếc, ông chả có tý ty... chấm không nào. Vẫn cái giọng đặc sệt quê kiểng, và bài khỉ gió nào, không trước thì sau, ông cũng  sa vào cái vòng luẩn quẩn, về kỷ niệm cũ rích xửa xưa, trong khi người ta đối mới ầm ầm  ra đấy ! Ông có thấy thế không?
        - Chuẩn! Nhưng ông bảo tôi làm cách nào, khi trong bụng tôi, đầu tôi, tim tôi  chỉ rặt những... của cải đó!
        - Ông lạc hậu và bảo thủ  bỏ mẹ, tôi mà có cái vốn văn vỉ như ông thì...

-         Thì sao nảo?

-         Thì sẽ không như ông bây giờ…
 - Rõ hay! Ông có biết, cái mà ông gọi là "vốn văn vỉ" đó, ai cho tôi không?
                - Ai?
-  Ấy là những người như bà tôi, mẹ tôi, bố tôi, bác tôi, cô Sen giúp việc nhà tôi và dân làng, cỏ cây sông nước nhà tôi... đấy, "bố" ạ! Nhận của họ một vạn, thì cũng phải cố gắng mà trả cho họ một li chứ bộ! Tôi viết không mong thành nhà này lều nọ, mà chỉ là để trả ơn thôi!
Và câu chuyện giữa chúng tôi, bắt đầu đến tận canh khuya. Toàn những phê bình và thanh minh thanh nga, giải thích  của những người không phải dựng hàng rào tre hay hàng rào sắt.
                                                 ***


       Tôi sinh từ một xóm nghèo, mẹ tôi là con gái nhà khá giả, nhưng mẹ lấy chồng thì phải theo chồng. Bố tôi bỏ nhà đi kháng chiến, từ khi chưa có tôi, tôi lớn lên cùng bà, mẹ và cô giúp việc là cô Sen.


                                                            Tác giả Tâm Dung


Bà tôi, người thâm thấp và rất đẹp. Răng đen nhánh hạt na và khá thông tuệ. Không biết chữ nào nhưng chuyện cổ kim, cái gì cũng tường.Tôi cũng được bà ban cho ít nhiều, trong khi các chị  họ tôi, được ảnh hưởng từ bà, nhiều hơn và giỏi giang hơn.
Tôi nhớ bà lắm, khi bà mất đi, lần nào mơ thấy bà là tôi cũng ốm. Các cụ bảo, đấy là cách "mừng" của người âm. Bà tôi thường mặc áo cánh dãi nâu, thống** năm bức, bằng vải ta, giãi nâu và lá sồi, nhuộm bùn, tất cả đều nhiều mụn vá. Bà hay tự diễu bộ cánh của mình bằng câu:
"Tiền lĩnh váy chị, không bằng tiền chỉ váy tôi". Người dạy tôi, cách nhuộm vải, lồng trong cách người ta...ghẹo nhau,  trêu nhau bằng câu ca đối đáp:
"- Đêm qua ta mất cành sòi
Sáng mai trông thấy một người quần thâm
- Quần thâm ta nhuộm bùn ao
Cành sòi mình mất hôm nao mặc mình".
Bà còn dạy việc quét nhà, nấu cơm, hái rau và ứng xử  toàn bằng...ca dao.
"Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi bớt lửa không trồi gạo ra"
Hay:
"Rang cơm thì ngồi
Rang xôi mới quấy"
Hoặc là: - “Ăn sung ngồi gốc cây sung/ Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng”.


- " Dầu lộc ăn với vỏ đa
Làm thân đàn bà chớ lấy chồng chung
Chín đêm chẳng được nằm cùng
Mười đêm ép cạnh giường không cả mười..."

-“Yêu nhau con mắt liếc qua
Kẻo chúng bạn biết, kẻo cha mẹ ngờ”
-“ Trai tân, gái hóa thời chơi
Đừng nơi có vợ, chớ nơi có chồng”


Mọi kinh nghiệm, việc làm và bao sắc thái tình cảm của bà thường kèm với những câu chuyện, điển tích hay ca dao, tục ngữ ví von. Một đứa trẻ mẹ cha vắng nhà, cứ lẽo đẽo theo bà như tôi, cái mà thời này người ta gọi là "kỹ năng sống" đã ngấm vào tôi, thế đấy.
Mẹ tôi làm lũ vất vả vì công việc, đông con mà nổi tiếng là yêu chiều con cái. Cũng phải thừa nhận, tôi được mẹ thương hơn, vì trước tôi, đã hai lần, cha mẹ  tôi hữu sinh vô dưỡng.
Tôi lại gầy gò, bé nhỏ và chậm chạp, ít nói, sợ đông người. Mẹ bảo: chỉ được cái chăm.
Mẹ dạy tôi, cách xới cơm, sàng gạo, xay lúa, cắt cỏ, ru em, mớm cơm cho em ăn... và cả... làm đỏm bằng ca dao...
Chúng tôi chỉ được gần mẹ những dịp tết nhất, giỗ chạp hay kỳ mẹ sinh thêm em bé. Mà cũng chỉ sau khi em bé ra đời, tầm chục ngày, là mẹ bỏ lại cho bà, để chợ búa. Những đêm mưa buồn hay giá lạnh, tôi nằm nghe tiếng mẹ ru hời, lẫn vào giọt mưa tàu cau rơi tàu chuối, vào tiếng gió lạnh rít qua khe cửa. Những là cái bống, cái cò, những là chàng chàng thiếp thiếp. Lời ca khi bay bổng hạnh phúc, lúc nức nở nỉ non, như than, như oán ấy cứ thẩm vào tôi, chảy rân rân trong máu tôi. Cho đến thời sinh viên, tôi lấy nó ra để viết một tiểu luận về ca dao. Bài viết, được thầy tôi chấm, rất xúc động, người tôi điểm tối đa. Tôi vô cùng hạnh phúc, đem đọc khoe bà và mẹ. Bà tôi nói một câu, tôi nhớ mãi:
         - Văn bài, trăm thứ học, không gì bằng nền học các cụ.
Còn bao nhiêu "vốn", tôi vay mượn từ bố tôi, thầy dạy tôi, bà Lâm, chú Dần, cô Sen, từ bạn bè trẻ trâu, học trò, từ buổi chợ chiều, từ những cuộc trộm chanh, trộm ngô, bắt cua, xúc tép, làm mắm, từ buổi nấp ở đằng sau đống rơm nghe lén anh chị tôi "tìm hiểu"...
Rồi, tôi đọc sách, báo...Những vần thơ, trang văn vết về miền quê, tôi đặc biệt xúc động và nhập tâm thật nhanh.
Ngần ấy "nguồn cung", tôi đã thu về cho tâm hồn vốn quê kiểng của mình đầy ắp "vốn" quê. Và tôi đã ký thác vào bài viết, văn cũng như thơ  quê quê, thô vụng của mình.
Đến sau này, cả một chuỗi thời gian, xa nhà, tôi lao vào chuyện công việc và nuôi con. Việc cơ quan một phần, phần nữa là mắt ngược mắt xuôi lo làm kiếm thêm thu nhập. Một lúc ba bốn tay. Chốn đô thành, đẹp và sang trọng, nhưng chỉ cho mình cái ăn, và công việc.  Những vốn liếng ấy chưa đủ độ cảm xúc chưa đủ năng lượng để luyện và cháy lên thành tác phẩm.
Thật tiếc! Nhưng biết làm sao!


Cho nên, đúng như ông  bạn tôi nói: vòng vo thế quái nào, lại vẫn quay về kỷ niệm xưa không nhiều thì ít.
Thế mới biết, khi mình sinh ra đã là quả cau, quả sung... thì sau, dầu có đặt lên đĩa bạc, đĩa vàng  thì vẫn là quả cau, quả sung thôi. Chẳng thể thành cam Canh, nho Đà Lạt, chứ chưa nói thành cam Thái Lan, nho Mỹ...!

Nhưng bạn tôi ơi! Có sao đâu nhỉ, cau và sung vẫn có ích cho cuộc đời đó thôi!
4/4/ 2020
TD
* Những phụ nữ trong nhóm bạn bè thân của chúng tôi đều đã tự nguyện " đổi giới tính". Do vậy, chúng tôi đều được gọi là: "ÔNG".
** Là danh từ cổ gọi cái váy



2 nhận xét:

  1. Câu chuyện thật xúc động! Nó khiến cho cháu nghĩ đến một kiểu văn hóa mà thế hệ "chấm không" thời nay khó cảm thấu. Đó là "Trả ơn cội nguồn"... Lối viết dung dị, chân thành... Tác giả có cái tên thật đẹp, trông chị ấy cũng thật dễ mến chú nhỉ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã đồng cảm và sẻ chia!
      Mỗi người chỉ có thể viết về những gì là máu thịt của mình.
      Không phải vì phong trào, vì hậu hiện đại hay gì gì đi nữa!

      Xóa