CÂY BÚT VĂN XUÔI MỚI : THU LÂM
Vũ Nho
Nữ tác giả Thu Lâm mới xuất hiện trên văn đàn
đã gây được sự chú ý với hai tập truyện ngắn liên tiếp được công bố là “Say nắng”
và “Nước mắt đàn ông”, đều do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2018. Rồi tiếp
theo là một tiểu thuyết có nhan đề “Dạ khúc”, viết về đề tài đưa trẻ tự kỉ trở
lại cuộc sống bình thường hòa nhập với cộng đồng cũng do Nhà xuất bản Hội nhà
văn ấn hành năm 2020.
Đáng
chú ý là do nhiều lí do của cuộc mưu sinh, nên Thu Lâm, một người yêu văn
chương lại học ở một trường không dính dáng gì tới văn chương – Trường Đại học
Thương mại. Ra trường, công việc cuốn đi, nên tác giả chỉ đọc mà không hề cầm
bút. Mãi đến năm 2008 mới bắt tay vào viết truyện ngắn đầu tiên “Tình yêu mùa
thu”. Ngạc nhiên là người viết lại không viết về con người và bối cảnh Việt
Nam. Nhân vật chính của tác giả lại là Elena và Alex, hai bạn học cũ, một người
ở Matxcơva, một người ở Leningrat. Hoàn cảnh đặc biệt đã làm cho hai người càng
ngày càng gắn bó và yêu nhau tha thiết, mặc dù mỗi người đều đã có gia đình
riêng và cuộc sống riêng thành đạt. Tác giả đã theo dõi mối tình của họ và cắt
nghĩa vì sao khi quá nửa đời người họ lại
đến với nhau, một mối tình say đắm, mãnh liệt mà mỗi người đã bước vào giai đoạn mùa Thu của cuộc đời.
Sau
cuộc khai bút đó, Thu Lâm dừng hẳn không viết. Để đến 7 năm sau, vào năm 2015,
chị viết liền hai truyện là “Họp lớp” và “Khi đàn ông ngoại tình”. Rồi năm 2016 tiếp theo là truyện “Lối thoát”. Như có
đà, năm 2018 chị viết xong truyện “Say nắng” và “Nước mắt đàn ông”. Thế là có 6
truyện để công bố hai tập truyện “Say nắng” (truyện viết cho phụ nữ) và “Nước mắt
đàn ông” (truyện viết cho đàn ông) cùng trong năm 2018.
Rồi
đến năm 2020, chị lại thử sức ở lĩnh vực tiểu thuyết.
Thật
ra, một vài truyện ngắn của Thu Lâm đã là những truyện vừa. Dung lượng đã vượt
quá khuôn khổ truyện ngắn thông thường. Vì vậy, “ Dạ khúc” không phải là một sự
mạo hiểm thử thách bút lực của cây bút nữ này, mà là sự phát triển một cách tự
nhiên.
Có
thể khẳng định Thu Lâm viết chậm nhưng chắc chắn. Những truyện ngắn của chị có
nhiều bạn đọc vì tác giả chỉ viết xung quanh đề tài cuộc sống hôn nhân gia đình,
một vấn đề không mới nhưng đầy những biến động và bất ngờ trong đời sống xã hội.
Một đặc điểm nữa là chị không viết về nông dân, cũng không viết về những công
nhân làm ăn sinh sống ở các khu công nghiệp. Nhân vật của chị là những thanh
niên trí thức, những chàng trai, cô gái Tây học, những Tiến sĩ, bác sĩ, nhạc
công. Họ hoặc du học sống ở nước ngoài
như Huy, Cường, Kim Anh ( Nước mắt đàn ông); hoặc cùng nhau học cấp 3, có tình ý với nhau rồi vì chiến tranh mà bặt tin, sau bao nhiêu
năm gặp lại như Lan và Hưng (Họp lớp); hoặc có thời gian dài ở nước ngoài làm
luận án Tiến sĩ như Quang, Bích Loan (Say nắng), hoặc đi học nước ngoài về, làm ăn
thành đạt như Trung (nhân vật xưng tôi), luôn đi nước ngoài với Viện trưởng như
Phương ( Khi đàn ông ngoại tình).
THU LÂM