Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2020

CÂy LÚA của NGUYỄN SĨ ĐẠI với lời bình

 


CÂY LÚA

                                                 Nguyễn Sĩ Đại

Mảnh mai cây lúa quê nhà
Nghìn năm bão lũ xoáy qua đất này
Mẹ cha nghiêng xuống rãnh cày
Lật hai phía đất mà xây mùa màng

Phất cờ trụ với thời gian
Qua trăm bồi lở vượt ngàn bom rơi
Lá xanh vút thẳng lên trời
Bông vàng trĩu xuống cho người cầm tay
Rễ bền hút chặt đất đai
Mà nên cổ thụ với đời, lúa ơi
Nợ nần nước mắt, mồ hôi
Thuỷ chung toả xuống vai người ấm no

Rưng rưng cây lúa quê nhà
Tôi từ bóng lúa lớn ra cuộc đời.

                                                   Tháng 2/1983
Lời bình của Nguyễn Thị Thiện

 Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại (sinh năm 1955) quê Hà Tĩnh, từng tham gia quân đội trong chiến tranh chống Mỹ, có thơ đăng báo từ năm 1975. Trong số nhiều bài thơ hay của anh, tôi đặc biệt ấn tượng với bài “Cây lúa” đăng trong tập “Trái tim người lính” (NXB Thanh niên 1998). Thi phẩm vừa tái hiện lại hình ảnh cây lúa – một loại cây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống của người Việt Nam – vừa ngợi ca, tri ân người nông dân và loài cây lương thực đứng đầu trong các loại ngũ cốc này.

 

Từ xa xưa, cây lúa đã gắn bó và trở thành người bạn thân thiết của người Việt. Đi suốt từ Bắc vào Nam, nơi đâu ta cũng gặp màu xanh đang lên hoặc chín vàng của lúa. Tạo nên những thửa ruộng, những cánh đồng thẳng cánh cò bay ấy là muôn vạn cây lúa “mảnh mai” hợp thành. Chọn thể thơ lục bát chân phương, bài thơ mở đầu là những câu thơ dịu êm như lời ru của mẹ nhưng đầy ám ảnh: “Mảnh mai cây lúa quê nhà / Nghìn năm bão lũ xoáy qua đất này / Mẹ cha nghiêng xuống rãnh cày / Lật hai phía đất mà xây mùa màng”. Nước Việt nói chung, miền Trung, và mảnh đất Hà Tĩnh quê hương tác giả nói riêng, khí hậu rất khắc nghiệt. Hàng nghìn năm, nơi đây phải hứng chịu không biết bao nhiêu trận bão lũ xoáy qua đất này. Động từ “xoáy” tác giả dùng thật chính xác, gợi tả rõ những trận cuồng phong xoay tròn và di chuyển rất mạnh, nhiều khi đến cuốn trôi cả nhà cửa, xóm thôn. Để làm nên hạt lúa, người nông dân phải bám đất, đổ mồ hôi sôi nước mắt xuống luống cày. Bài thơ - với sự hàm súc của ngôn từ - đã gợi ra hai lớp nghĩa: vừa nói về cây lúa vừa nói tới con người. Cả hai hình tượng có sự đan cài, hoán cải, bổ sung, đắp đổi làm rõ về nhau. Mấy câu thơ tiếp càng rõ hơn điều ấy:“Phất cờ trụ với thời gian / Qua trăm bồi lở vượt ngàn bom rơi”. Phất cờ là hình ảnh nói về sức trỗi dậy mãnh liệt của cây lúa khi gặp trời mưa. Hình ảnh này được tiếp thu từ ca dao thật sáng tạo (“Lúa chiêm lấp ló đầu bờ / Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”). Câu thơ gợi lên quyết tâm vượt khó để trụ vững trên đất của cây lúa và cả con người. Không chỉ chiến thắng thử thách với hàng “trăm bồi lở” của “kẻ thù bốn chân” là thiên nhiên, lúa và người còn dũng cảm “vượt ngàn bom rơi” của “kẻ thù hai chân” (chữ dùng của  M. Gorki) là bọn giặc ngoại xâm đầy hiểm ác. Câu thơ sau có hai hình ảnh đối ngẫu rất cân chỉnh giữa lá và bông cây lúa, tạo được sự chú ý ở người đọc: “Lá xanh vút thẳng lên trời / Bông vàng trĩu xuống cho người cầm tay”. Lá lúa dẹt và mỏng, thường hướng thẳng lên cao để đón ánh nắng trời, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và ý chí kiên cường, đối lập với hình ảnh “bông vàng trĩu xuống”, biểu tượng của sự đền đáp, dâng hiến khi lúa vào mùa thu hoạch. Sở dĩ cây lúa có được sức mạnh bền bỉ, kiên cường như vậy là nhờ:“Rễ bền hút chặt đất đai / Mà nên cổ thụ với đời, lúa ơi / Nợ nần nước mắt, mồ hôi / Thuỷ chung toả xuống vai người ấm no”. Cây lúa trong bài đã được nhân hóa, thành đối tượng thẩm mỹ để nhà thơ sẻ chia, gửi gắm những cảm xúc và nghĩ suy. Lúa là loại cây có rễ chùm, bám chặt trong đất. Nhờ đó mà “nên cổ thụ với đời”. Hình ảnh thơ này thật táo bạo và rất độc đáo bởi khác với quan niệm thông thường, cổ thụ thường chỉ loại cây thân gỗ (mộc) cao lớn, còn lúa chỉ là cây thân mềm (thảo), độ cao chỉ trên dưới một mét, vậy mà nên cổ thụ với đời . Cách nói này có lý bởi cây lúa được xếp hàng đầu trong số các loại cây lương thực ở nước ta và nhiều nước trên thế giới, lúa có vai trò tối quan trọng nuôi sống con người. Bài thơ kết thúc với sự xuất hiện của nhân vật trữ tình: “Rưng rưng cây lúa quê nhà/ Tôi từ bóng lúa lớn ra cuộc đời”. Từ láy “rưng rưng” gợi tả nỗi niềm xúc động đến đến ứa nước mắt và nước mắt ấy chỉ trực rơi xuống. Cùng với việc sử dụng những từ láy khác (mảnh mai, mùa màng, nợ nần) và điệp từ cây lúa (ba lần) tác giả thể hiện rõ thái độ tha thiết quý yêu, ngưỡng mộ cây lúa. Đặc biệt hình ảnh khép lại bài thơ: Tôi từ bóng lúa lớn ra cuộc đời là lời ngợi ca và tri ân cao nhất đối với  loại “ngọc thực” nuôi sống con người biết bao nhiêu thế hệ./.

NGUYỄN THỊ THIỆN – ĐT: 0915 224011

 ĐC: Số 2 ngõ 19/20 Trần Quang Diệu, Ô Chợ Dừa Đống Đa, Hà Nội 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét