Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

CHỊ DÂU của VƯƠNG TRỌNG với LỜI BÌNH

CHỊ DÂU

                                                      Vương Trọng

                                                          Kính tặng chị Liên

Lớn lên cách mấy bờ rào 
Một ngày vui, Chị bước vào nhà em 
Áo cánh nâu, quần lụa đen
Cặp ba lá sáng, ngôi nghiêng mái đầu
Nhà chồng, chồng ở nhà đâu
Em chồng đông, Mẹ chồng đau ốm nhiều 
Làm dâu gặp phải cảnh nghèo 
Đôi bàn tay Chị chống chèo lo toan

Quê mình cái nắng chang chang
Trận mưa tháng tám lụt sang tháng mười 
Khi mưa dầm, lúc nắng phơi 
Âm thầm một Chị qua thời trẻ trung

Bữa cơm em út quây vòng
Đầu nồi, đơm xới tay không kịp rời
Nhớ ngày giáp hạt Chị ơi
Cả nhà trừ bữa một nồi canh rau

Nghĩ mà thương lắm Chị dâu
Chiều mưa, gạo hết, Mẹ đau cuối giường
Em ngồi đôi mắt nhoà sương
Nón tơi, cắp rá ngang vườn Chị đi
Chiều ơi mưa mãi làm gì
Hoàng hôn đừng xuống trước khi Chị về!

Em vào đại học xa quê 
Đi biền biệt những mùa hè chiến tranh 
Rồi yêu, rồi lập gia đình
Quê nhà tình Chị giữ dành không vơi

 

Không quen thương nhớ gửi lời
Em về, chị vẫn là người chị xưa
Bàn chân bẫm ngón đường mưa
Bữa ăn thêm quả trứng mua xóm giềng...

Tóc giờ sợ bạc đã chen
Con đầu sinh cháu Chị lên bậc Bà
Em về, em lại đi xa
Canh tư Chị thức bếp nhà lửa nhen 
Tiễn đưa, chân Chị không quen
Gói cơm nếp lạc theo em lên tàu

Ngoái nhìn núi dựng phía sau 
Em tìm dáng Chị cuối màu trời xanh.

(1986)

Lời bình của Nguyễn Thị Thiện

ĐÔI BÀN TAY CHỊ

CHỐNG CHÈO LO TOAN”

 

Vương Trọng là nhà thơ là chiến sỹ có 12 tập thơ đã in, nhiều sáng tác hay của anh được người đọc tâm đắc. Trong số đó có bài “Chị dâu”, viết năm 1986, rút từ tuyển thơ “Ngoảnh lại” (NXB Thanh niên – 2001). Thi phẩm là những dòng cảm xúc chân thành tái hiện chân dung, khẳng định công lao và tri ân người chị dâu đảm đang, luôn tần tảo lo toan “gánh vác giang san nhà chồng”. 


 

Mở đầu bài, tác giả đã cho biết chị là người vốn cùng thôn xóm: “Lớn lên cách mấy bờ rào/ Một ngày vui, chị bước vào nhà em”. Mấy câu thơ gợi tả không gian gần gũi giữa hai gia đình thông gia bằng thể thơ lục bát truyền thống và giọng thơ mộc mạc. Chân dung người chị hiện lên giản dị mà duyên dáng, giống như bao thanh nữ khác thời ấy: “Áo cánh nâu, quần lụa đen / Cặp ba lá, đường ngôi nghiêng mái đầu”. Với nhịp thơ lẻ 3/3 (trong câu lục) và 3/5 (trong câu bát) đã tái hiện sống động ngoại hình chị dâu quả là một thôn nữ
nền nã, dịu dàng. Mặc dù hoàn cảnh gia đình: “Nhà chồng, chồng ở nhà đâu / Em chồng đông, Mẹ chồng đau ốm nhiều / Làm dâu gặp phải cảnh nghèo / Đôi bàn tay Chị chống chèo lo toan”. Rõ ràng là ở câu lục trong đoạn thơ, tác giả khéo chơi chữ: “Nhà chồng, chồng ở nhà đâu” để ghi nhận đức tính tần tảo, hy sinh của của chị. Về làm dâu nhà người, chồng đi lính xa nhà, mẹ chồng đau ốm, các em chồng thì đông, chị một tay chèo lái, lo toan gánh vác mọi việc, kể cả việc chạy ăn từng bữa khi trời giông gió... Với niềm kính yêu rất chân thành, tác giả ngợi ca người thiếu phụ quả là giàu đức hy sinh. Chị thức khuya, dậy sớm lo chu toàn mọi việc nhà thay chồng, năm này qua năm khác, bất chấp thiên nhiên khắc nghiệt của xứ Nghệ: “Quê mình cái nắng chang chang/ Trận mưa tháng tám lụt sang tháng mười”. Chị chăm sóc mẹ già, nhường nhịn đàn em; không những lo cho các em cái ăn, cái mặc mà còn cả khi em chồng học gần rồi học xa “biền biệt”, quan tâm đến em từ “Gói cơm nếp lạc theo em lên tàu”… Thế rồi tuổi xuân chị dâu dần trôi qua lúc nào không biết. Nhưng điều đáng quý phục là chị không kêu ca hay phàn nàn, tình cảm chị trước sau vẫn thủy chung đầy đặn: “Quê nhà tình Chị giữ dành không vơi”, cho dù: “Tóc giờ sợi bạc đã chen / Con đầu sinh cháu chị lên bậc bà”. Đáng chú ý là trong toàn bài, đại từ Chị vừa được viết hoa vừa điệp tới 15 lần, thể hiện rõ thái độ người em rất thương quý và kính trọng. Ở cuối bài, tác giả khắc họa chân dung người chị hòa lẫn với núi non và bầu trời quê hương: “Ngoái nhìn núi dựng phía sau / Em tìm dáng Chị cuối màu trời xanh”. Đây quả là sự tôn vinh và ngợi ca cao nhất về người chị dâu. Trong khi thực tế cuộc sống nhiều gia đình, mối quan hệ “khác máu tanh lòng” giữa chị dâu và em chồng không mấy được sóng yên biển lặng. Trong xã hội ngày nay, nhiều người có học vấn cao nhưng cách ứng xử ít văn hóa, thiếu tình người. Người chị trong bài dù chẳng được đến trường lớp là bao, cả cuộc đời chị gắn với ruộng vườn và nội trợ nhưng cách ứng xử của chị quả là đầy tình yêu thương và trách nhiệm, thấm đẫm giá trị nhân văn cao quý. Phẩm chất đó của người chị dâu tác giả thật tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét