VƯỜN MẶT TRỜI - QUẢ MẶT TRĂNG
Phan Thị Thanh Nhàn
Tôi đến nông trường Cù Bai
Xe ghé nhà dân buổi tối
Cửa mở thông thoáng gió trời
Cây vườn lặng im nép đợi
Sớm mai trong veo nắng dọi
Nhìn cây tôi chợt bàng hoàng
Bao nhiêu mặt trời chói lọi
Chín mềm trong lá rất thơm
Ngẩng lên vườn chôm chôm đỏ
Trái xòe những tia mặt trời
Cành cao trĩu lời mời mọc
Đung đưa chùm quả tươi ngời
Chợt nhớ bao mùa táo ngọt
Quả vàng mát đất ngoại ô
Dịu như mặt trăng mềm mại
Ríu rít tiếng cười trẻ thơ
Một mình đi trong vườn táo
Một mình dưới tán chôm chôm
Mặt trời mặt trăng huyền ảo
Mặt đất dâng đầy hương thơm
Mỗi bước một lời cảm tạ
Với trời với đất với cây
Với người ngày đêm vất vả
Cho mình quả chín cầm tay
Lời bình của Vũ Nho
Nhan đề bài thơ hấp dẫn gợi sự tò mò. Ở đâu có vườn mặt trời? Sao vườn mặt trời lại ra quả mặt trăng? Đọc hết bài thơ mới biết. À, thì ra có hai khu vườn khác nhau. Một vườn ở Cù Bai là vườn quả mặt trời. Một vườn ngoại ô là vườn quả mặt trăng. Vườn mặt trời là vườn quả mặt trời. Quả chôm chôm như những mặt trời con chói lọi. Những quả chôm chôm xòe những tia hồng như mặt trời đang tỏa nắng. Một sự phát hiện mới lạ, cách ví von so sánh thật đẹp, thật thơ:
Nhìn cây tôi chợt bàng hoàng
Bao nhiêu mặt trời chói lọi
Chín mềm trong lá rất thơm
Ngẩng lên vườn chôm chôm đỏ
Từ cái vườn mặt trời, tác giả bỗng nhớ đã từng nhiều lần thăm vườn mặt trăng ở ngoại ô. Một sự liên tưởng tự nhiên giữa vườn quả mặt trời và vườn quả mặt trăng:
Chợt nhớ bao mùa táo ngọt
Quả vàng mát đất ngoại ô
Dịu như mặt trăng mềm mại
Chắc sẽ có không ít người thắc mắc là quả giống mặt trăng không hẳn đã là quả táo. Có nhà thơ đã ví trái bưởi với mặt trăng ( Trăng ngày như bưởi chín cành – Văn Hải - Chuồn chuồn soi gương). Có nhà thơ ví trăng như quả thị ( Trái thị trên trời cao/ Cứ đêm rằm là chín – Phi Tuyết Ba – Trái thị). Nhưng đó là lựa chọn của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Lựa chọn này có lí riêng, vì quả chôm chôm mặt trời không to, thì quả mặt trăng là quả táo chín vàng mới không cọc cạch!
Điều thú vị về sự phát hiện ở hai vườn quả là như vậy. Và nhà thơ không quên tự mình cảm tạ trời, đất, cảm tạ cây. Cái điều quan trọng nhất là cảm tạ “người ngày đêm vất vả”. Đúng với tinh thần các cụ từng nhắc nhở trong tục ngữ “Ăn quả nhớ người trồng cây”! Nhà thơ cảm tạ cũng là nhắc nhở các bé và chúng ta, những người ăn quả mặt trời, ăn quả mặt trăng, hay bất cứ thứ quả nào, đều nhớ cảm tạ người vất vả tạo nên.
Tôi cứ có chút áy náy về mấy câu thơ đầu. Nhà thơ muốn nói đến cái vườn mặt trời, vườn quả chôm chôm đó ở nông trường Cù Bai. Bốn câu thông tin ấy, có lẽ chỉ nên thay bằng mấy chữ ghi chú ở cuối bài “Nông trường Cù Bai, ngày, tháng, năm” là đủ.
Hà Nội, tháng 12 năm 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét