Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

Những làn khói tỏa hương - Đọc tản văn của Huỳnh Thúy Kiều

 

Những làn khói tỏa hương - Đọc tản văn của Huỳnh Thúy Kiều. NLK

Thứ tư - 11/11/2020 21:38

Những làn khói tỏa hương - Đọc tản văn của Huỳnh Thúy Kiều. NLK

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu
Đọc: Tản văn của Huỳnh Thúy Kiều, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2020

              Tôi vừa đọc xong tập tản văn "Những triền sông đầy gió" (2020) của nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều còn ngổn ngang cảm xúc thì nhận được tập tản văn ''Những làn khói tỏa hương" chị gửi tặng. Thật ấn tượng, với một tác giả trẻ, cùng một thời điểm được hai nhà xuất bản đồng thời ấn hành hai tập tản văn văn chương chữ nghĩa thật đẹp ''thẫm đẫm quê hương bản quán''.

   Nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều và Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu

      Tôi vốn hâm mộ thơ của nữ thi sĩ miền Tây xinh đẹp Huỳnh Thúy Kiều. Đọc các tập thơ Kiều mây (2008), Giấu anh vào cỏ xanh (2010), Ru giấc phù sa (2017), Sông Hồng (2020) đã xuất bản của chị tôi bị ''thôi miên'' bởi một giọng thơ miền sông nước Nam Bộ nhiều tìm tòi, khám phá, lạ lẫm mà chân thành, da diết, nhiều phóng túng mà dịu dàng nữ tính, dễ thương. Một giọng thơ trữ tình rất cá tính, hiếm và khác biệt trong thơ hiện nay. Thơ chị là một sự cất lời đầy kiêu hãnh nơi cuối đất cùng trời. Nhưng thôi, chuyện thơ tôi sẽ nói vào một dịp khác, bởi trước mặt tôi bây giờ đang là ''Những làn khói tỏa hương''.

 

Tản văn của Huỳnh Thúy Kiều là những bài viết ngắn gọn, cô đọng, xinh xắn như một bài thơ văn xuôi dung dị. Nói thế là vì mỗi bài viết của chị là sự hợp thành của những chi tiết thật sự sống động và cảm hứng thăng hoa lãng mạn nhiều dư ba. Mỗi  bài chỉ nói về một nỗi niềm, một sự việc, hiện tượng rất cụ thể và chỉ gói gọn chừng ba bốn trang in khổ nhỏ. Viết như thế là rất khó nhưng lại rất hợp với xu hướng thưởng ngoạn văn chương thời thượng hiện nay.

Ba mươi sáu bài trong tập ''Những làn khói tỏa hương'' dù giọng văn mỗi bài uyển chuyển khác nhau nhưng lại nhất quán ở cách kể chuyện chân thành, mộc mạc, đơn sơ và thêm một chút lãng mạn bay bướm giầu chất thơ. Đó là dấu ấn của nhà thơ viết tản văn. Tản văn của Huỳnh Thúy Kiều chân chất đúng điệu hồn người miền sông nước phương Nam không màu mè, làm dáng, phô bày, khoe mẽ. Đọc bài nào, trang nào ta cũng thấy chị thật lòng nói thật. Trong ''Cái bình thủy của nội'' chị đã nói rằng ''chính thái độ trung thực với ký ức vụng về thời thơ ấu đó, đã làm cho tôi mềm lòng với phía hoài niệm đẹp''.

Điều lôi cuốn dẫn dụ người đọc, làm họ cũng ''mềm lòng'' là những câu chuyện chị kể diễn ra trong khung cảnh sông nước miền Tây mênh mông sóng nước nhưng lại hết sức gần gũi thân thương bởi nó là chuyện thật có không gian cụ thể, có thời gian xác định, có địa chỉ hẳn hoi, có tên người, tên đất, tên muôn loại đều thật. Khi đọc tản văn của chị, tôi tin rằng chẳng ai mảy may nghi ngờ gì chị. Đó là chuyện của nội, ngoại, của cha mẹ, của dì dượng, của anh chị;... Đó là các địa danh gắn bó với người thân gia đình chị, làng quê chị;... Đó là cây cỏ gắn liền với đời sống thiết yếu của con người nơi đây;... Đó là muôn loài cá tôm, chim muông, côn trùng đặc hữu, nếu không có chúng thì không thể hình dung miền Tây sẽ như thế nào; Rồi bến sông, gió tháng chạp, măng cuối vụ, những chuyến phà, tình anh bán chiếu, Dạ cổ hoài lang, những làn khói tỏa hương, chợ hoa ngày tết, gió qua thềm cũ, thoang thoảng hương tràm... và rất nhiều nữa, rất cụ thể hiện sinh sống động hiển hiện trước mắt ta. Đọc chị ta có cảm tưởng được chị ân cần dẫn đi và cẩn thận giới thiệu chi li từng chi tiết nhỏ.

Người không ở miền Tây đọc tản văn của Huỳnh Thúy Kiều sẽ rất nhiều sửng sốt bởi nhiều điều lạ lẫm. Đấy là khi chị thủ thỉ nói về chợ nổi nhộn nhịp buôn bán trên sông khi trời hửng sáng, đời thương hồ theo những dòng sông nay đây mai đó; về những người đi ăn ong với những mẻ mật tràm óng vàng sóng sánh; những cửa hàng chạp pô, cây điệp mồ côi, về rừng tràm, về những chiếc phà dập dềnh cùng đám lục bình tím ngát, rồi si rô đá bào, ngôi nhà của nội, chái bếp của mẹ, chiếc bình thủy của bà nội, bình trà quạu của cha...

Thật ngạc nhiên khi nghe chị diễn giải cặn kẽ về cây súng với cây súng ''ta hoa tím đỏ'', cây súng ''ma hoa trắng'' chỉ nở về ban đêm. Rằng cái bông súng đẹp ấy thì lại không ăn được mà là ăn cái cộng dài. Khi nước nổi tới đâu thì cọng bông súng ''trồi lên theo'' tới đó. Về món cá lóc nương trui nguyên thủy phải là nướng bên bờ đìa bằng rơm thì mới ngon và trước khi nướng phải nhớ cắm đầu cá hướng lên trời bởi có thế mới giữ được nước cá, thịt cá mới thơm mềm ngọt và không bị khô. Rồi ta lại được biết thế nào là con cá lóc ''cửng'', cá ''sặc bổi'', cá ''thác lác'', cá ''linh non''. Về món cháo cá kèo sau khi cá được làm sạch trước khi cho cá vào nồi ''cần ướp'' đá cho chúng ''ngắc ngư'' để khi cho vào nồi cháo đương sôi chúng khỏi quậy. Rồi chỉ riêng cái chuyện bình trà quạu của cha mà chị cho ta biết thế nào là ''châm nước vào bình'', thế nào là ''một khía trà'', ''ngụm trà nhất'', ''ngụm trà dảo''...

''Những làn khói tỏa hương'' hiển hiện biết bao chi tiết đời sống xôn xao sinh động mà các nhà nhân học gọi là trị thức bản địa. Chính cái ''tri thức bản địa'' cùng những phong tục, tập quán, thói quen, nếp sống, xác tín... này mới tạo ra sự khác biệt, sự đặc sắc của đời sống vùng miền, của cộng đồng cư trú, của văn hóa tộc người. Vẫn là những hiện tượng tự nhiên quen thuộc thôi nhưng người miệt vườn, sông nước do phương thức sống hòa đồng với thiên nhiên, vui vầy cùng muôn loài mà lại cảm nhận thế giới thật gần gũi thật dễ thương.

Chẳng hạn, chỉ là cơn gió bấc vốn quen thuộc đã trở lên lạ lẫm trong tản văn Huỳnh Thúy Kiều, bởi những ''bấc non'', ''bấc già'', ''bấc ngọt'' và ''bấc non trở dạ''. Rồi ''gió chướng già'', ''mùa chang nắng'', ''mùa mưa già''... Hay, khi sông lở sát gần nhà thì lại thành ra ''sông ăn sâu vào gần nhà''. Vào rừng lấy mật ong thì thành ''ăn ong'', thuyền nhập hàng thành ''bổ hàng''... Rồi với những con ''heo cỏ'', bông súng ''ma'', cá lóc ''cửng'', ớt ''hiểm xanh'', rau ''kèo nèo'', lá ''đậu rồng'', bông ''so đũa'', rau muống ''giòn rụm'', tre ''đèo đẹt'', mấy ''liếp'' ngò gai, đặt ''đọp'', đặt cái ''khạp'' ở ''họng ao'' , ''họng đìa'' để bắt cá,...

Hồi ức không phải bao giờ cũng chỉ có những điều ''đẹp đến nao lòng'' mà hồi ức cũng có biết bao điều day dứt khôn nguôi. Cái cây điệp mô côi nhà nội là nhớ về một thiên đường đã bỏ hoang, nhớ về cái bình thủy của nội mà mình làm vỡ không sao nguôi ngoai ân hận, nhớ những con phà, những con đò trăm năm hiện diện thiết yếu trong đời sống người dân sông nước nay đi đâu về đâu, nhớ mà lo lắng cho mùa khô cháy rừng bởi những người đi ''ăn ong'' sơ ý, và những dòng sông khát trơ đáy chưa từng có bởi biến đổi khí hậu, bởi sự vô tâm con người... tất cả gắn liền với đời sống, gắn liền với phận người, với bao buồn vui thơ ấu nơi quê cha đất tổ. Những câu chuyện thật đơn sơ, giản dị, thân thương nhưng ẩn chứa những thông điệp vừa xót lòng, vừa âu lo.

Biết bao tri thức sống động tạo nên văn hóa bản địa là một nét đặc sắc đã tạo nên sức lôi cuốn của tản văn Huỳnh Thúy Kiều. Nhưng, hơn thế, cái mà Huỳnh Thúy Kiều làm ''mềm lòng'' bạn đọc, bám riết tâm trí bạn đọc lại chính là tình cảm hồn hậu, thật thà, chất phác, da diết yêu thương ông bà cha mẹ, anh em ruột thịt, yêu quý cỏ cây hoa lá, yêu quê hương bản quán của chị với một tâm hồn trong trẻo hết mực chân thành. Và, sau những câu chữ lúc nào ta cũng như thấy chị với nụ cười tươi rói, đôi mắt mở to, môi mấp máy: ''Hồi tôi còn bé xúi''.

Không thể không bồi hồi khi: ''Những dề lục bình tím bông lững lờ trôi một cách vô định trong mênh mông sông nước của sông Tiền, sông Hậu''; ''Những cơn gió dào dạt thổi đến mềm lòng mình, lòng người; từ miền lau sậy thưa vắng cho đến tiếng chày quệt bánh trong những đêm trăng thanh soi vàng bờ đê tháng Chạp''; ''Là người được sinh ra nơi đồng quê, ấu thơ đắm chìm trong mùi thơm của những làn khói bếp, tôi yêu đến cháy lòng mình những chiều thanh bình, êm ả; yêu cái chái bếp đầu hè của mẹ - nơi mà cha tôi từ ngoài đồng trở về, thỉnh thoảng giăng lưới hoặc câu được mớ cá vụn, là mẹ tôi sẽ làm mẻ cá kho quẹt thơm dậy cả góc nhà, chỉ cần chấm với rau tập tàng luộc thôi, anh em tôi cũng đủ ''căng bụng'' rồi. Cái làn khó bếp đó, không chỉ tỏa hương ở những bữa cơm sáng cơm chiều; mà những làn khói này còn tỏa hương suốt bao năm tháng dọc hành trình thơ ấu của bốn anh em tôi''.

Chính với một năng lượng sáng tạo dồi dào, một vốn văn hóa bản địa giầu có, một trải nghiệm sống hiện sinh, một nguồn cảm hứng bất tận và một nỗi niềm nặng lòng với quê hương xứ sở mà nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều đã viết ra những tản văn thật giản dị mà đặc sắc, thật dễ thương mà giầu thông điệp. Đọc tản văn của chị ai cũng được mình đẫm trong hương miền thơ ấu miền Tây của chị. Ai cũng ngẩn ngơ về một thiên đường đang mất và đã mất. Và, bao giờ cũng ''nhìn thấy, những làn khói bay lên và tỏa hương, đượm nồng mùi thơ ấu'' như nhà thơ luôn bồi hồi nhìn thấy./.
NLK

Chép lại từ trang nhavanhanoi.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét