Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

GIỚI THIỆU TẬP "THƠ DÂNG MẸ" TUYỂN VÀ BÌNH

 

             


               

THƠ DÂNG MẸ - TUYỂN & BÌNH

của Nguyễn Thị Thiện

                                                                  T.S. NGUYỄN XUÂN LẠC

Tôi đọc cuốn "THƠ DÂNG MẸ - TUYỂN & BÌNH” (NXB Hội Nhà văn quí III – 2020) - tập bình thơ thứ tư của nhà giáo Nguyễn Thị Thiện, hội viên Hội nhà văn Hà Nội. Trước đó, chị đã có ba  tập bình thơ: “Trang thơ - Trang đời” (quý II - 2018); Tình quê tình người (quý I - 2019), Tình quê tình người Tập II (quý III - 2019). Chị vốn là một cô giáo yêu thơ, có duyên với thơ, một cây bút bình thơ khá quen thuộc trên các báo: Đời sống gia đình - tuần san báo Phụ nữ Thủ đô; Hạnh phúc gia đình - tuần san báo Phụ nữ Việt Nam; Người Hà Nội; Tạp chí Người yêu Thơ Việt Nam; Tạp chí Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam... Không yêu người không yêu thơ đến như thế. Chị đã chắt chiu cái tình người cao đẹp của quê hương đất nước trong hàng trăm bài thơ để đến với cái tình người mà chị hằng ấp ủ tâm đắc nhất: tình mẹ! Và “THƠ DÂNG MẸ - TUYỂN & BÌNH” chính là tiếng lòng thiết tha, sâu nặng của chị kính dâng lên NHỮNG NGƯỜI MẸ VIỆT NAM!

Giá trị một tập bình thơ trước hết là ở giá trị những bài được chọn để bình và THƠ DÂNG MẸ đã làm được điều đó. Là một con người đẹp trong cuộc đời, Mẹ trở thành đối tượng lớn trong văn học nghệ thuật, một suối nguồn yêu thương của Thơ, "Như chính cuộc đời Mẹ mới là Thơ". Phải đến khi vĩnh biệt mẹ, Phùng Quán mới ngộ ra điều đó (Thơ vĩnh biệt mẹ). Có đến hàng trăm bài thơ viết về mẹ nhưng chọn bài nào, của tác giả nào để đưa vào tập bình thơ chuyên đề này, đó là cái khó của người bình thơ. Chọn thế nào để các tác giả thơ, các nhà phê bình có thể chấp nhận được lại làm vừa lòng công chúng yêu thơ thật không dễ. Tác giả tập bình thơ đã vượt qua điều đó để có được 40 bài tiêu biểu về Mẹ! Những bài thơ hay nhất về mẹ đã có mặt. Trong tập bình thơ: Đường về quê mẹ (Đoàn Văn Cừ), Con cò (Chế Lan Viên), Bẩm ơi (Tố Hữu), Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa (Nguyễn Duy), Trở về với mẹ ta thôi (Đồng Đức Bốn), Bàn tay mẹ (Tạ Hữu Yên), Ngôi nhà của mẹ (Hữu Thỉnh), Mẹ (Bằng Việt), Đất quê ta mênh mông (Bùi Minh Quốc), Bờ sông vẫn gió (Trúc Thông) Ta về với mẹ ta thôi (Nguyễn Sĩ Đại).v.v. Người bình thơ cũng đã chọn được nhiều gương mặt mẹ khá tiêu biểu. Đậm nét nhất là những người mẹ nông dân suốt đời lam lũ nhưng giàu đức hy sinh, giàu lòng vị tha: Mẹ (Nguyễn Ngọc Oánh), Mẹ tôi (Nguyễn Trọng Tạo), Đêm mưa (Tô Hoàn) Mẹ ra Hà Nội (Lê Đình Cánh)... Rồi những người mẹ liệt sĩ hai mươi năm vẫn chờ con trở về: Mẹ vẫn chờ (Đoàn Thị Lam Luyến) hay thắp hương trên từng bia mộ để gọi đàn con về với mẹ Trong chiều nghĩa trang (Nguyễn Quang Thiều). Và cả những người mẹ trong đời thường cũng được chọn lọc để mỗi người tiêu biểu cho một vẻ đẹp riêng của mẹ: có người mẹ thầm lặng hi sinh suốt đời mà vẫn lạc quan: Mẹ ơi, đời mẹ (Huy Cận), có người mẹ trẻ goá chồng ở vậy nuôi con khôn lớn: Mẹ tôi (Trần Thị Huyền Trang), có người mẹ chồng mà như mẹ đẻ Mẹ của anh (Xuân Quỳnh), Người đàn bà thứ hai (Phan Thị Vĩnh Hà). Tập bình thơ cũng không quên đưa vào những biểu tượng đặc trưng quen thuộc về mẹ: Bàn tay mẹ (Tạ Hữu Yên), Tóc mẹ (Phạm Đình Ân), Lời ru của mẹ (Bùi Văn Ân)... Đặc biệt, nỗi đau khi mẹ qua đời người bình thơ đã chọn tới bảy bài, tạo nên một ấn tượng đẹp về tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt: Mẹ trên cao (Lê Thành Nghị), Khóc giữa chiêm bao (Vương Trọng), Mùa xuân dâng mẹ (Nguyễn Thị Hồng Ngát), Qua  hàng trầu nhớ mẹ (Nguyễn Thị Mai),... Cuối cùng là tiếng lòng biết ơn sâu nặng của những đứa con kính dâng mẹ: Với mẹ (Nguyễn Huy Hoàng), Tiếng gọi:“Mẹ ơi!” (Nguyễn Anh Trí), Mẹ (Đoàn Ngọc Thu)…


 

Tuyển chọn được những bài như thế, tác giả đã phải tốn nhiều công sức, và đây chính là đóng góp đầu tiên có ý nghĩa của tập bình thơ. Bởi, với 40 bài thơ được tuyển chọn để bình, THƠ DÂNG MẸ vừa là bức tranh toàn cảnh, lại là bức tranh tiêu biểu cho hình ảnh NGƯỜI MẸ VIỆT NAM. Đây là tiền đề để tạo ra giá trị của tập bình thơ song điều quyết định là ở chất lượng lời bình của tác giả. Người bình thơ phải là cái cầu nối giữa thi phẩm với người đọc, phải làm sao chuyển tải được cái hay, cái đẹp - tức cái thần, cái tinh túy - của bài thơ đến với công chúng một cách tốt nhất. Lời bình không chỉ giúp người đọc hiểu bài thơ , quan trọng hơn là phải làm cho họ cảm được cái hay, cái đặc sắc của thi phẩm. Có những lời bình đã tôn thêm giá trị của sáng tác là do người bình đã phát hiện được vẻ đẹp riêng của bài thơ, và đây chính là tố chất đặc biệt quan trọng của các cây bút bình thơ có tên tuổi. Ở tập THƠ DÂNG MẸ - TUYỂN & BÌNH, Nguyễn Thị Thiện đã làm được cái chức năng cầu nối ấy đối với người đọc đại chúng và đặc biệt là người đọc trung chúng (người yêu thơ, học sinh, sinh viên, giáo viên) bằng những lời bình dễ hiểu, dễ quyến của chị. Với lời bình đầy nữ tính có duyên, chị đã đem đến cho người đọc hình ảnh người mẹ Việt Nam cao quý "trong khổ đau người đẹp hơn nhiều". Đó là những bà bầm cấy lúa trong mưa phùn gió rét, Những người mẹ “Gót chai nứt nẻ đông hè / Ruộng sâu bấm mãi đã toè ngón chân", những người mẹ đêm mưa "nhà dột gió lùa bốn bên", những người mẹ đi mua lông vịt chè chai mà "lời ru chìm giữa gió sương", những người mẹ "váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa"... nhưng lại ngời sáng đức hi sinh và lòng vị tha cao cả: “Mẹ đau vẫn giữ tiếng cười / Mẹ vui vẫn để một đời nhớ thương /Bát cơm và nắng chan sương/ Đói no con mẹ sẻ nhường cho nhau”.  (Đồng Đức Bốn - Trở về với mẹ ta thôi). Và “Tiễn con ra chốn chiến trường / Gạt thầm nước mắt mong đường con khô / Hai tay hết sẻ lại cho / Còn phần mẹ một thân cò qua sông”. (Nguyễn Ngọc Oánh - Mẹ)s Đó còn là những người mẹ “ân cần mà lặng lẽ” chăm sóc đứa con bị thương một mùa mưa mà "tình máu mủ mẹ dồn con hết cả", những người mẹ cả cuộc đời "từ lúc tóc còn xanh" cho đến khi đầu bạc vẫn đào hầm che chở cho con đánh giặc để "nơi hầm tối là nơi sáng nhất / Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam", và biết bao người mẹ Việt mỏi mắt chờ con hay thắp hương trong chiều nghĩa trang để gọi con về. Từ những người mẹ truyền thống với những phẩm chất đẹp như: tần tảo, chịu thương chịu khó, yêu thương chồng con, giàu đức hy sinh và lòng vị tha mà có những người mẹ yêu con, yêu nước trong thời đại mới: "Bầm yêu con yêu luôn đồng chí / Bầm quý con bầm quý anh em". Những người mẹ anh hùng bất khuất trước quân thù "Đất quê ta mênh mông / Quân thù không xăm hết được / Lòng mẹ rộng vô cùng!". Lòng mẹ rộng vô cùng - đó là nơi nương náu yên ổn nhất của những đứa con. Như Chế Lan Viên đã viết: "Con dù lớn vẫn là con của mẹ / Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con". Và Nguyễn Duy cũng nói như vậy "Ta đi trọn kiếp con người / Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru". Còn Huy Cận đã nâng người mẹ trong đời thường lên một tầm cao khái quát: "Mẹ là tạo hóa tạo hóa tháng ngày / Làm ra ngày tháng sâu dày đời con" khiến ta nhớ đến câu thơ của Trần Đăng Khoa "Mẹ là đất nước tháng ngày của con". Ở góc nhìn nữ giới, Phan Thị Thanh Nhàn lại thấy "Mẹ như mặt đất sâu sa / Lặng im nuôi dưỡng lúa hoa ngàn đời". Những câu thơ giàu ý nghĩa về mẹ này đã được tác giả bình khá kỹ, khá sâu để lại nhiều xúc cảm đẹp trong lòng người đọc về người mẹ Việt Nam và thành tiêu đề của lời bình các bài thơ đó. Ở một số bài thơ tác giả lại có thêm tư liệu về xuất xứ, giúp người đọc hiểu rõ thêm về giá trị của thi phẩm (lời bình bài Bầm ơi! của Tố Hữu, lời bình bài Mẹ của Trần Quốc Minh...). Đọc thơ và ời bình trong tập sách, mỗi người càng thêm thương yêu, trân quý, tri ân với mẹ hơn.

Là giáo viên dạy Văn trở thành cây bút bình thơ, chị có nhiều thuận lợi trong việc khám phá và diễn đạt lời bình. Người đọc tìm thấy trong THƠ DÂNG MẸ -TUYỂN & BÌNH nhiều trang viết xúc động, những lời bình gọn gàng, sáng sủa, mạch lạc của người từng giảng thơ trên lớp. Nhưng chính điều này có khi lại "làm hại" chị khi một số bài người viết chưa thoát khỏi lối phân tích bài thơ theo trình tự của tác phẩm. Nhưng nhờ cái giọng bình đằm thắm của chị khiến người đọc quên đi điều đó và kéo họ đến với tập bình thơ... Nhà văn Mỹ Bersot có nói: "Trong vũ trụ có lắm kì quan, nhưng kì quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ", - Phùng Quán cũng viết “Như chính cuộc đời Mẹ mới là Thơ”. Tập THƠ DÂNG MẸ - TUYỂN & BÌNH của Nguyễn Thị Thiện đã thành cầu nối đem đến những vẻ đẹp của NGƯỜI MẸ VIỆT NAM cho người đọc. Đó là một cuốn sách thực sự có ích. Có ích cho Đời và có ích cả cho Thơ./.

(ĐC: Nguyễn Xuân Lạc  ĐT: 033 684 1485

Ngõ 1 Trần Thánh Tông – Hai Bà Trưng – Hà Nội)

1 nhận xét:

  1. Cuốn sách là món quà tinh thần đầy ý nghĩa với những người mẹ, là tấm lòng hiếu thảo của đứa con dâng lên mẫu thân.

    Trả lờiXóa