Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

CÂY BÚT VĂN XUÔI MỚI : THU LÂM

 

CÂY BÚT VĂN XUÔI MỚI :  THU LÂM

                                                                     Vũ Nho


 

 Nữ tác giả Thu Lâm mới xuất hiện trên văn đàn đã gây được sự chú ý với hai tập truyện ngắn liên tiếp được công bố là “Say nắng” và “Nước mắt đàn ông”, đều do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2018. Rồi tiếp theo là một tiểu thuyết có nhan đề “Dạ khúc”, viết về đề tài đưa trẻ tự kỉ trở lại cuộc sống bình thường hòa nhập với cộng đồng cũng do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2020.

Đáng chú ý là do nhiều lí do của cuộc mưu sinh, nên Thu Lâm, một người yêu văn chương lại học ở một trường không dính dáng gì tới văn chương – Trường Đại học Thương mại. Ra trường, công việc cuốn đi, nên tác giả chỉ đọc mà không hề cầm bút. Mãi đến năm 2008 mới bắt tay vào viết truyện ngắn đầu tiên “Tình yêu mùa thu”. Ngạc nhiên là người viết lại không viết về con người và bối cảnh Việt Nam. Nhân vật chính của tác giả lại là Elena và Alex, hai bạn học cũ, một người ở Matxcơva, một người ở Leningrat. Hoàn cảnh đặc biệt đã làm cho hai người càng ngày càng gắn bó và yêu nhau tha thiết, mặc dù mỗi người đều đã có gia đình riêng và cuộc sống riêng thành đạt. Tác giả đã theo dõi mối tình của họ và cắt nghĩa vì sao khi  quá nửa đời người họ lại đến với nhau, một mối tình say đắm, mãnh liệt mà mỗi người đã  bước vào  giai đoạn mùa Thu của cuộc đời.

Sau cuộc khai bút đó, Thu Lâm dừng hẳn không viết. Để đến 7 năm sau, vào năm 2015, chị viết liền hai truyện là “Họp lớp” và “Khi đàn ông ngoại tình”. Rồi năm  2016 tiếp theo là truyện “Lối thoát”. Như có đà, năm 2018 chị viết xong truyện “Say nắng” và “Nước mắt đàn ông”. Thế là có 6 truyện để công bố hai tập truyện “Say nắng” (truyện viết cho phụ nữ) và “Nước mắt đàn ông” (truyện viết cho đàn ông) cùng trong năm 2018.

Rồi đến năm 2020, chị lại thử sức ở lĩnh vực tiểu thuyết.

Thật ra, một vài truyện ngắn của Thu Lâm đã là những truyện vừa. Dung lượng đã vượt quá khuôn khổ truyện ngắn thông thường. Vì vậy, “ Dạ khúc” không phải là một sự mạo hiểm thử thách bút lực của cây bút nữ này, mà là sự phát triển một cách tự nhiên.

Có thể khẳng định Thu Lâm viết chậm nhưng chắc chắn. Những truyện ngắn của chị có nhiều bạn đọc vì tác giả chỉ viết xung quanh đề tài cuộc sống hôn nhân gia đình, một vấn đề không mới nhưng đầy những biến động và bất ngờ trong đời sống xã hội. Một đặc điểm nữa là chị không viết về nông dân, cũng không viết về những công nhân làm ăn sinh sống ở các khu công nghiệp. Nhân vật của chị là những thanh niên trí thức, những chàng trai, cô gái Tây học, những Tiến sĩ, bác sĩ, nhạc công. Họ hoặc  du học sống ở nước ngoài như Huy, Cường, Kim Anh ( Nước mắt đàn ông); hoặc  cùng nhau học cấp 3, có tình ý với nhau  rồi vì chiến tranh mà bặt tin, sau bao nhiêu năm gặp lại như Lan và Hưng (Họp lớp); hoặc có thời gian dài ở nước ngoài làm luận án Tiến sĩ như Quang, Bích Loan  (Say nắng), hoặc đi học nước ngoài về, làm ăn thành đạt như Trung (nhân vật xưng tôi), luôn đi nước ngoài với Viện trưởng như Phương ( Khi đàn ông ngoại tình).

                                                                                 THU LÂM

Có thể nói tác giả không sử dụng những mảng miếng của văn xuôi hiện đại hay hậu hiện đại. Cách viết của Thu Lâm là cách viết chân phương, cổ điển.  Tác giả luôn kể ở ngôi thứ ba của người viết biết tuốt.  Chỉ có hai trường hợp cá biệt người kể xưng tôi là truyện“ Khi đàn ông ngoại tình” và  Duy Ánh kể xưng tôi, kèm với tác giả  trong điểm nhìn của nhà báo Hoài Thu miêu tả anh trong chương 11 Mùa xuân của tiểu thuyết “Dạ khúc”.  Tác giả có một  văn phong mạch lạc, khúc chiết và mềm mại. Truyện của chị hấp dẫn chính là nhờ đặt ra và giải quyết các tình huống đặc biệt trong cuộc sống gia đình.  Chẳng hạn, Bích Loan đã có gia đình, Bích Loan vô cùng hạnh phúc và biết ơn chồng đã tạo điều kiện cho cô đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Nhưng cô vẫn không thể cưỡng được sự hấp dẫn của Quang, một mẫu người mà nhiều cô gái mơ ước. Rồi cái gì phải đến, đã đến. Họ đã vượt qua ranh giới cho phép. Nhưng rồi lí trí đã thắng, họ  vẫn giữ được gia đình, mặc dù cơn “say nắng” đã làm cho họ vừa thích thú vừa lo lắng vì mạo hiểm. (Say nắng). Hoặc Huy và Kim Anh cùng đi du học ở Anh, cùng là trai tài gái sắc , rất đẹp đôi. Họ yêu nhau say đắm. Nhưng khi Kim Anh về trước, chỉ một thời gian ngắn mà mối tình của họ bỗng nhiên nhạt phai.  Kim Anh đưa lí do “Đó là  một cuộc tình còn trẻ con và thiếu chín chắn, trong môi trường xa nhà thiếu thốn tình cảm, ít bạn bè”. Huy vô cùng đau khổ. Thế nhưng số phận lại cho Huy gặp Bình, người yêu của Cường, người bạn thân đã mất ở Lonđon mà Huy đã khóc cạn nước mắt. Tác giả đã để cho nhân vật Huy bốn lần khóc để nhấn mạnh ý nghĩa tên truyện “Nước mắt đàn ông”. Và đột ngột là kết thúc truyện thì mẹ Huy đã chia tay với bố anh, vì ông ấy đã có người khác.

Truyện ngắn “Lối thoát” lại lôi cuốn người đọc bằng một tình huống khác. Hoa có chồng là sếp lớn, có gia đình yên ấm, có hai cô con gái học giỏi. Đột ngột, chị bị chồng thông báo là có con trai với cô Xuân và không thể bỏ. Chị là người khuyên bảo và gỡ rối cho bao nhiêu người khi phụ rách chuyên mục “tư vấn những vấn đề tình cảm”. Nhưng đến lượt chị, không ai tư vấn cả! Thế là anh chàng Phong “thông minh, lắm mưu nhiều mẹo” là cấp dưới của chồng mà chị  đã tự nhủ “ không thể chơi với loại người như vậy được” – rốt cuộc dần dần chị thấy cảm mến, nể phục  anh ta và lấy lại được sự tự tin, tìm được cho mình “lối thoát”.

Điểm hấp dẫn người đọc chính là sự phân tích tâm lí tinh tế của tác giả. Nhân vật hầu như đã có cuộc sống “an bài”, bỗng nhiên “say nắng” vì phát hiện ra một nét hấp dẫn không thể cưỡng của  “người thứ ba”. Từ đó mà dằn vặt, suy tư, ngần ngại rồi liều lĩnh bước vào cuộc phiêu lưu tình ái. Họ đáng trách ư? Họ đáng giận ư? Họ là những kẻ nông nổi, mù quáng ư? Tác giả không lên án ai cả. Tác giả chỉ thuật lại, kể lại như những trường hợp có thật trong cuộc sống  tình cảm phức tạp của con người. Và mỗi nhân vật trong cuộc đời mải mê cuốn theo chuyện cơm áo gạo tiền, bỗng  nhiên phát hiện cuộc sống thật đơn điệu, nhàm chán khi tiếp xúc với một nhân vật mới khác giới. Người thì vượt qua cơn “say nắng” để giữ vững cuộc sống gia đình đã bao năm tận tụy vun vén, kẻ thì tìm thấy “lối thoát” tự giải phóng cho mình, người khác thì ghen tuông vô cớ, trả thù bằng cách dày vò nửa kia của mình, công khai bồ bịch với người khác.

Với tiểu thuyết “Dạ khúc”, tác giả vẫn tiếp tục đề tài về hôn nhân và cuộc sống gia đình. Ở đây có một điểm mới mẻ là vấn đề giúp người tự kỉ hòa nhập vào cuộc sống bình thường. Duy Ánh, một học sinh đẹp trai, đàn giỏi, có bố mẹ là nhạc công nổi tiếng bị trầm cảm và tự kỉ. Tuổi lớn nhưng không phát triển.  Vừa phải dựa tất cả vào mẹ để duy trì cuộc sống vừa  ám ảnh, sợ hãi người cha… Cuộc sống  hạnh phúc của gia đình bỗng nhiên tở nên u ám, nặng nề…

Thanh Nhàn là một thiếu nữ học đàn với mẹ Duy Ánh, thầm yêu và cảm phục chàng trai được thần tượng ví như “Su Be”, một nhạc sĩ nổi tiếng thế giới. Nhàn đã lấy chồng người nước ngoài. Nhưng hôn nhân tan vỡ vì hai người không thể có con chung và vì quan niệm khác biệt của hai nền văn hóa Á – Âu. Nhàn đã từng tham gia dự án âm nhạc giúp trẻ tự kỉ. Cô tình nguyện giúp gia đình ông bà giáo  và giúp đỡ Duy Ánh.

Mười một chương tiểu thuyết tác giả chỉ kể lại quá trình một cô gái can đảm, thông minh đã kiên trì dùng âm nhạc và đặc biệt là dùng tình yêu để đưa một chàng trai tự kỉ trở về cuộc sống bình thường. Không hề có  cốt truyện li kì. Cũng vắng nốt những mối tình tay ba gay cấn. Chỉ có hai nhân vật chính là Thanh Nhàn và Duy Ánh trong quá trình bị bệnh, chữa bệnh và hồi phục.

Lấy gì để nhà tiểu thuyết hấp dẫn người đọc?

Là người viết văn xuôi giàu vốn sống, tác giả hấp dẫn người đọc bằng những chi tiết hiện thực, bằng sự quan sát và phân tích tâm lí tinh tế, bằng cả những kiến thức khá phong phú về kiến trúc, hội họa, đặc biệt  là âm nhạc. Hơn tất cả, đó là lòng yêu thương và trân trọng con người. Âm nhạc đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nhưng phải có tình thương bao la của bố mẹ Duy Ánh, phải có lòng kiên trì và tình cảm  nhân hậu, tha thiết của Thanh Nhàn,…Tất cả hòa hợp, phối hợp mới  đem lại cuộc sống “mùa xuân” cho chàng trai mắc bệnh trầm cảm và tự kỉ.

Nhìn chung, cây bút Thu Lâm tuy bước vào làng văn muộn màng ( Thực ra, năm 2018 chị mới công bố 2 tập truyện ngắn, nhưng truyện ngắn đầu tay chị viết từ năm 2008 tính đến nay đã 12 năm), song chị đã thành công với mảng văn xuôi mà mình yêu mến và theo đuổi. Tác giả đã chọn cho mình một loại nhân vật mà chị quen biết, thông thuộc. Ấy là những người  thanh niên, trí thức sống ở thành phố, trưởng thành ở trong nước và nước ngoài.  Bản thân Thu Lâm tuy không sống lâu ở nước ngoài, nhưng công việc cho phép chị đi công tác nước ngoài, đặc biệt là Liên xô cũ khá thường xuyên, khi một tuần, khi một hai tháng. Bởi vậy mà chị quen thuộc các nhân vật là thanh niên, trí thức “tây học”. Chị cũng chỉ chọn đời sống hôn nhân gia đình  của họ làm đối tượng khai thác và phản ánh. Với những hiểu biết rộng về vốn văn hóa nói chung, đặc biệt là về lĩnh vực tâm lí phức tạp, đa dạng của con người, với giọng văn thanh thoát, trong trẻo giàu nữ tính, tác giả  bước đầu đã chinh phục được bạn đọc.

Ba cuốn sách “Say nắng”, “Nước mắt đàn ông” và “Dạ khúc” đã làm nên  tên tuổi một cây bút văn xuôi mới – cây bút Thu Lâm trong những cây bút nữ của văn học Thủ đô và của cả nước.

                                              Hà Nội, tháng 12 năm 2020

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét