Thứ Ba, 1 tháng 12, 2020

CHÂN MỘC TÌNH CẢM CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH

 


CHÂN MỘC TÌNH CẢM  CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH

          Tập thơ NGÀY TRỞ VỀ của Nguyễn Đăng Soạn

                                    Vũ Nho

         Chàng trai Nguyễn Đăng Soạn nhập ngũ những ngày kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ, khó khăn, ác liệt. Hoàn thành nhiệm vụ, anh về hưu với quân hàm Đại tá. Đồng thời có 3 tấm bằng kĩ sư là kĩ sư điện bằng chính quy, kĩ sư chế tạo máy, kĩ sư máy tính bằng tại chức. Như thế thật đáng tự hào và khâm phục.  Dù yêu thơ ca từ nhỏ, nhưng  gia đình thiếu sách vở, không có ai giúp đỡ, lại cuốn vào hoàn cảnh chiến tranh, nên khi về hưu, người lính yêu thơ ấy mới nghĩ đến chuyện thể hiện những tình cảm, những suy tư, những nỗi niềm của mình. Thời gian ít ỏi, lại chưa từng qua một  trường lớp nào về văn chương (Dù gần đây Trung tâm bồi dưỡng viết văn của Hội nhà văn Việt Nam  có mở khá nhiều lớp), nhưng tác giả đã mầy mò tự đọc, tự học và đã in được tập thơ “Một thời đã qua” gồm 101 bài. Đó chẳng phải là một dấu mốc đáng nhớ của cuộc đời  người lính hay sao. Và bây giờ, sau thành công bước đầu, Nguyễn Đăng Soạn lại tập hợp 107 bài thơ để in tập thơ thứ hai với nhan đề “Ngày trở về”.

                   Ấn tượng về quê hương người lính là một ấn tượng mạnh mẽ:

                   Quê tôi úng ngập bốn mùa

                   Đi đâu cũng phải qua đò lội sông

                   Mùa mưa nước ngập trắng đồng

                   Lỗ chân sau trước như dòng chân voi

                                          (Quê tôi)

Là người vùng đồng chiêm trũng, tôi đã từng chứng kiến cảnh ngập lụt nên có cảm tình ngay với những câu thơ chân mộc này.

          Vẫn như nội dung của tập thơ trước với các chủ đề quen thuộc, trong tập thơ này, tác giả thể hiện tình cảm chân thành, mộc mạc của mình với quê hương, đồng đội, bạn bè quân ngũ, bạn bè nơi quê kiểng, những băn khoăn, bức xúc của mình trước thời cuộc.

          Người lính rời quân ngũ, quay lại ruộng vườn lại làm nhiệm vụ của người nông dân, với cách nói dân dã “Về quê đi cày”. Đây là hoàn cảnh của một đồng đội cũ  từng sống chết có nhau nơi chiến trường:

                   Mình anh vật lộn từng giờ

                   Ruộng, vườn, cơm, thuốc, bơ phờ gầy đen

Tác giả ngậm ngùi khi suy ngẫm về thời chiến trận oai hùng với thời bình ở hậu phương gian khổ, buồn thương của bạn:

                   Huân chương lồi trước lõm sau

                   Hào quang lẫn với nỗi đau để đời

                                (Đồng đội cũ)

 

                     

 

Ngày trở về , người lính  lại vào chiến trường  mới “ không tiếng súng, không khói bom” nhưng đâu kém cam go?

          Đó là một người bạn  “đi nạng huân chương mang về” gặp lại người  yêu cũ đã thành người khác :

                   Gặp em lối rẽ trường quê

                   Dắt hai con nhỏ nẻo về khác thôn

                                       (Những cơn bão lòng)

Hay một đồng đội khác thì vợ vẫn là vợ nhưng  trong lời đàm tiếu dân làng:

                   Thì thầm xóm dưới làng trên

                   Rằng “con mẹ ấy liên thiên nhiều lần”

                   Đứa đầu nghe của làng Vân

                   Đứa sau lên huyện hay gần bí thư

                                            (Chuyện buồn của bạn)

Một  đồng đội bị chất độc da cam, không có khả năng làm chồng, làm cha. Khiến cho người vợ chan hòa nước mắt:

                   Em xin chịu tôi từ đây

                   Yêu anh đền đáp hẹn ngày kiếp sau

                               (Em xin chịu tội với trời)

Tuy vậy không phải ngày trở về của người lính toàn là bức tranh màu xám, âm ỉ nỗi đau chiến tranh. Còn có những mối tình đẹp đẽ, thủy chung:

                    Đã qua năm chục mùa thu

                   Cô giáo vợ lính sớm trưa vì chồng

                                         ( Người lính và cô giáo làng)

Đó là những cô thôn nữ, những người vợ lính  Chiến tranh gian khổ bến quê vẫn chờ” (Bến quê vẫn chờ) :

                   Ở ăn chân thật tình người

                   Đã thương thương cả một đời không thay

                                      (Người quê)

Viết về quê hương, về kỉ niệm thời học sinh Nguyễn Đặng Soạn có những câu thơ kỉ niệm tươi tắn:

                   Cái hôm anh đến nhà em

                    Nhờ giảng bài toán mời kem uống trà

                   Bàn rộng chẳng chịu ngồi xa

                   Cứ sát sàn sạt, đẩy ra lại cười

                                      (Cái sai tại mình)

Thật sinh động cái hình ảnh sân hợp tác xã một thời làm ăn tập thể:

                   Người kéo người đẩy trục lăn

                   Hạt thóc rơi xuống. Má lằn mồ hôi

                                     (Sớm mau về nhà)

Hình ảnh “má lằn mồ hôi” là hình ảnh lao động tuyệt đẹp mà  người viết bắt được làm sáng lên câu thơ.

          Là người lính  sống chân tình, trung thực, tác giả dành không ít câu thơ để phê phán những “lãnh đạo thoái hóa, biến chất”:

                   Bí thư, Chủ tịch hầu tòa

                   Cánh hẩu một lũ trốn xa khỏi làng

                             (Chuyện đời chuyện tình người lính anh hùng)

Họ là công bộc, nhưng không làm tròn phận sự như bác Hồ đã dạy, mà:

                   Một lũ công bộc làm càn

                   Dối trên lừa dưới nói toàn vu vơ

                                 (Vì dân)

Tác giả phê phán việc gian lận thi cử, chạy điểm, chạy trường:

                   Giờ nay cũng chọn nhân tài

                   Quan tham hàng tỉnh cắm gài cháu con

                   Học dốt bằng vẫn dấu son

                   Điểm không thành chín chẳng còn ai hơn

                                      (Chạy điểm vào trường)

Không ngần ngại, tác giả đả kích thẳng thừng “quan lại” thời nay, bất tài, chỉ khoe mẽ “dọa” dân:

                   Quan nay đủ loại văn bằng

                   Giáo sư học vị lằng nhằng dạy ai

                   Sách ra có kẻ viết bài

                   Làm con ngáo ộp khoe tài trong dân

                                      ( Khác nhau)

Bên cạnh đó, người viết lo lắng đến vấn đề môi trường, tiếc nuối cảnh vó bè của vùng quê thanh bình :

                    Ngày nay hết nghiệp vó bè

                   Không còn nâng hạ đêm hè rung rinh

                                            (Vó bè)

Lo lắng vì vấn nạn xấu giờ đã len lỏi vào tận  ngõ quê:

                   Làng nay đã đổi theo thời

                   Ka ra ô kê quán  đứng ngồi bá vai

                   Thuốc lắc lén bán đủ xài

                                      ( Vẫn đây quê mình)

Phê phán cảnh lên chùa không mang tâm lành, tính thiện, mà vụ lợi:

                   Lên chùa mua chuộc thánh thần

                   Bán cho điều tốt, bỏ phần rủi ro

                   Kì kèo xin được “giàu to”

                                  ( Chùa giải hạn)

Rất đúng với tinh thần chiến đấu không khoan nhượng với các ác, cái xấu của người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ.           

Tác giả còn dành một số bài thơ ca ngợi những phong cảnh đẹp của quê mình, của đất nước như “Thăm lại bến xưa”, “Thăm chùa Ngọa Vân”,  “ Đền thờ Ngọc Hoa”, “Về thăm Hội An”,  “Thánh địa Mĩ Sơn”, “Tháp Mĩ Sơn”,… Một số bài   thể hiện  tình cảm bạn bè, xóm làng, gia đình. Tác giả còn  nói về chợ tình, về đại dịch Covid, về kẻ xấu bất nhân “ Đâm tàu đánh cá của dân ta chìm”. Điều đó chứng tỏ sức viết và đề tài đa dạng của tác giả.

          Như người viết đã bộc bạch, thơ của người lính không qua trường lớp nào, chỉ là tự học, tự làm nên không tránh khỏi những khiếm khuyết.  Tôi không bàn về những khiếm khuyết ở đây. Chỉ thấy vui là nếu không khó tính, nếu mở lòng chân thật  “lấy hồn ta để hiểu hồn người”, chắc bạn đọc sẽ tìm thấy những đồng tình, đổng cảm với tác giả.

                                                           Hà Nội, 21 tháng 6 năm 2020

 

                            

 

 

 

         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét