Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

SỨC MẠNH CỦA ÂM NHẠC VÀ TÌNH NGƯỜI qua tiểu thuyết DẠ KHÚC

 


SỨC MẠNH CỦA ÂM NHẠC VÀ TÌNH NGƯỜI

                    qua tiểu thuyết DẠ KHÚC của Thu Lâm

 

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tôi được chị Nguyễn Thị Phi Yến, bút danh Thu Lâm trao gửi đọc cuốn DẠ KHÚC từ khi còn là bản thảo. Và bây giờ lại vui mừng  được đọc tác phẩm người viết ký tặng đầu tiên khi sách in vừa ráo mực. Chỉ hai ngày là tôi đọc xong. Cuốn sách để lại nhiều suy nghĩ và cảm xúc trong tôi. Vài năm trước, từng  đọc hai tập truyện ngắn Say nắng Nước mắt đàn ông (2018) của chị, lần này lại được thưởng thức cuốn tiểu thuyết đầu tay chị viết, tôi thật sự mừng cho chị bởi cuốn sách trước đã hay, cuốn này lại còn hay và hấp dẫn hơn.

Tiểu thuyết Dạ khúc có quy mô vừa, sách gồm 11 chương mục với 290 trang, in khổ 14,5 x 20,5 cm, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 9 năm 2020.

Tên mỗi chương mục trong tác phẩm, người viết khéo lựa chọn được nhan đề phù hợp: Tuổi thơ, Thần tượng và hiện tượng, Bão tố, khúc nhạc buồn…Sách đến với đông đảo bạn đọc vào đúng dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/ 2020, tác giả tặng sách tới rất nhiều bạn hữu và nhận được những phản hồi tích cực. Nguyên nhân nào khiến tác phẩm tạo được sự mến mộ và ấn tượng đẹp cho độc giả? Có nhiều lý do nhưng theo tôi cái chính là bởi: nhan đề sách hấp dẫn, đề tài mới mẻ, nội dung đậm tư tưởng nhân văn sâu sắc lại được thể hiện bằng lối kể chuyện cuốn hút với giọng văn nữ tính truyền cảm, dễ đi vào lòng người.

1. Tên và chủ đề cuốn sách giàu sức thu hút. Dạ khúc vốn là một bản nhạc tuyệt hay của cố nhạc sĩ thiên tài Franz  Schubert (1797 - 1828) người nước Áo. Bản nhạc này còn có tên gọi khác là Khúc ban chiều hoặc Khúc chiều tà, nhạc sĩ Schubert  sáng tác ca khúc này để tặng một thiếu nữ mà ông hằng thầm yêu trộm nhớ. Tuy mối tình tha thiết không kết được trái ngọt nhưng bản nhạc buồn đầy hương sắc và mỹ cảm của ông đã trở nên bất hủ, trở thành tác phẩm kinh điển về nhạc trữ tình lãng mạn suốt 200 năm qua. Chính nhạc phẩm đã khởi nguồn cảm hứng để Thu Lâm viết  một câu chuyện độc đáo về cuộc sống gia đình có người trẻ bị trầm cảm nặng, một căn bệnh ngày càng có nhiều người mắc phải trong thời đại công nghệ hiện nay. Cuốn tiểu thuyết hấp dẫn không chỉ bởi đề tài mới mẻ, chủ đề tư tưởng tác phẩm có chiều sâu, được trình bày qua một hình thức đẹp trang nhã, minh họa phù hợp. Hơn nữa, bằng kinh nghiệm và vốn sống phong phú của mình, qua tác phẩm  người viết đã nêu một phương pháp rất ưu việt và nhân văn để chữa căn bệnh trầm cảm đạt tới thành công. Những điều đó tạo được sự chú ý, quan tâm của người đọc ở nhiều lứa tuổi.

                                                                                    Thu Lâm
 

Viết về tác động mãnh liệt của âm nhạc tới cuộc sống và những con người có tài năng thiên phú tuyệt vời, cách đây hơn một thế kỷ  (năm 1898), văn hào lỗi lạc  nước Nga là Korolenko đã có tác phẩm  Người nhạc sĩ mù (dịch và xuất bản ở Việt Nam từ những năm 1960) tuyệt hay. Trong tác phẩm, nhà văn đã hóa thân vào nhân vật trung tâm là Pi-e, diễn tả chân thực, đầy sức thuyết phục lòng khao khát được thấy ánh sáng của con người không may bị mù bẩm sinh, một thứ khao khát do bản năng và cơ thể thôi thúc. Ở Dạ khúc, nhân vật có những nét tương đồng với Pi-e là Duy Ánh, Thanh Nhàn phảng phất giống với Êvơlin, cô gái xinh xắn, dịu dàng ,“một trái tim cao thượng, chứa đầy nhiệt huyết”, do thương yêu và khâm phục Pi-e, “mùa thu năm ấy, Êvơlin nói rõ với bố mẹ ý định nhất quyết lấy “cậu mù ở ấp bên”. Vậy là sau đó, cô trở thành đôi mắt cho Pie, hai người kết hôn, có được một bé trai kháu khỉnh và hạnh phúc đã mỉm cười với họ. Giữa hai cuốn tiểu thuyết của Korolenko nước Nga và của Thu Lâm tôi thấy có những nét chung, đều ngợi ca sứ mệnh thiêng liêng của âm nhạc, của tình người tác động tích cực đến   con người, biến con người khuyết tật khát khao sống có ích, điều đó quả là thú vị.

2.Tiểu thuyết Dạ khúc truyền tải nội dung sâu sắc, giàu chất nhân văn: chỉ có tình yêu thương con người, cốt yếu là tình cảm gia đình, tình yêu kết hợp với âm nhạc mới có sức mạnh diệu kỳ đánh thức nội tâm bí ẩn sâu xa trong mỗi người; chỉ có đức hy sinh, lòng vị tha và bao dung vô bờ của người mẹ, người vợ mới có thể đưa con người trở lại cuộc sống bình thường và tới được bến bờ hạnh phúc. Đó chính là thông điệp cơ bản tác giả muốn gửi tới bạn đọc.

Nhiều người chúng ta đã biết: tiểu thuyết là loại hình quy mô lớn, có khả năng tái hiện bức tranh đa dạng về cuộc sống, giúp người đọc hiểu cụ thể và toàn diện phạm vi hiện thực nhà văn phản ánh. Nhân vật là yếu tố sống còn trong tác phẩm tự sự nói chung, tiểu thuyết nói riêng, thể hiện rõ giá trị tác phẩm và năng lực của người cầm bút. Cuốn Dạ khúc của Thu Lâm không có quá nhiều nhân vật, đã xây dựng được những nhân vật dễ mến. Thông qua các nhân vật ấy, nữ tác giả muốn gửi gắm dụng ý nghệ thuật của mình. Toàn bộ tiểu thuyết tập trung miêu tả cuộc sống của một gia đình nhà giáo dạy nhạc sống ở phố cổ Hà Nội: cô Lan Anh, chồng là nhạc sĩ Thanh Tùng.“Tình yêu đẹp như mơ” của đôi trai tài gái sắc học cùng trường đại học này đã đơm hoa kết nên trái ngọt bằng bản sao huyết thống là đứa con trai  Duy Ánh rất khôi ngô (1. Tuổi thơ – trang 9). Có điều cậu bé  sinh vào giờ cuối cùng, ngày cuối cùng của năm Canh Thân (1980), nữ hộ sinh đánh số thứ tự cậu mang số 13. Trong quan niệm người Việt, năm cùng tháng tận và con số 13 sẽ rất hay gặp xui xẻo. Phải chăng những chi tiết này, Thu Lâm phục bút để nhằm lý giải bệnh tình trầm cảm nặng của cậu ở phần sau. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Duy Ánh, cậu có những dấu hiệu của căn bệnh trầm cảm từ nhỏ, không thể học mẫu giáo. Bất ngờ trông thấy hai con thạch sùng rơi xuống mà hoảng sợ đến nỗi ngất đi (trang 29). Duy Ánh được thừa hưởng tố chất ưu việt của cha và mẹ nên có năng khiếu âm nhạc rất sớm. Được mẹ dạy đàn trực tiếp, cậu lại say mê âm nhạc nên cậu biết đàn hay lại học giỏi. Cha đi tu nghiệp lý luận âm nhạc ở nước ngoài trở về, cái gia đình nhỏ ấy đã từng có những năm tháng sống trong hạnh phúc ngọt ngào tột đỉnh. Duy Ánh có khiếu âm nhạc, đã biểu diễn những bản nhạc tuyệt hay ở nhà, cả ở trường và được nhiều bạn học coi cậu là thần tượng (Thần tượng - trang 32), cha mẹ và người thân rất tự hào về cậu. Sống ở nhà, cậu được mẹ chăm sóc rất kỹ lưỡng, ít ra ngoài vận động, ít hòa nhập cùng bạn bè trang lứa bởi tâm hồn cậu  quá  mong manh, nhạy cảm. Sau một lần đi pic níc ở Tam Đảo với bạn lớp 12 trở về, cậu càng có những diễn biến khác thường. Cậu bị chấn động thần kinh, những bản nhạc hình thành trong đầu nhưng bất lực, bế tắc, không sao viết ra được. Xem bố chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, cậu lại tưởng tượng ra người cha cầm vũ khí tấn công cậu bằng lũ âm thanh khủng khiếp. Đó là biểu hiện của chứng lo âu cưỡng bức (trang 72-73). Sau đó tuy đã là sinh viên Học viện âm nhạc được một năm, do bệnh càng nặng, gia đình đành xin thôi học cho Duy Ánh chữa bệnh. Cậu chán nản, đau đầu, hoảng loạn về tâm thần. Cậu chỉ gần gũi một người duy nhất là mẹ, hễ thoáng thấy cha mình là cậu sợ hãi đến kinh hoàng. Kể từ đó gia đình sống trong bi kịch vì bệnh của Ánh –Su Be ngày càng tăng, gia đình cho khám và chữa nhiều nơi, sau mời bác sĩ riêng là Bích Vân chữa trị  bằng nhiều loại thuốc và khá lâu nhưng chưa có hiệu quả. Thời gian đã mấy năm, bóng mây xám xịt u buồn bao phủ ngôi nhà khiến cô giáo Lan Anh trở nên tiều tụy, già nua trước tuổi. Riêng cậu con trai lớn xác nhưng vẫn  ngờ nghệch, vẫn phải có mẹ phục vụ cho mọi mặt (Khúc nhạc buồn – trang 77). May sao có ánh sáng ở cuối đường hầm vơi sự xuất hiện đúng lúc của nhân vật Thanh Nhàn - học trò cũ mẹ Duy Ánh – người lấy chồng Tây tên Win, từng theo chồng về Hà Lan nhưng hiện đã ly hôn và trở về Việt Nam sinh sống. Cô đã tham gia Dự án“Âm nhạc tác động đến trẻ đặc biệt” của một tổ chức quốc tế phi chính phủ với thời gian trên mười năm, đã chữa trị cho nhiều cháu ở thành phố Hồ Chí Minh nên đã có tích lũy được một số kinh nghiệm đáng kể. Duy Ánh vốn là thần tượng âm nhạc của Nhàn từ trước, với tấm lòng trân quý cô giáo cũ, Nhàn nhiệt tình đề xuất, được chấp thuận nên đã ra Hà Nội ở lại nhà, thay cô giáo chăm sóc kết hợp chữa bệnh cho Duy Ánh. Thanh Nhàn tin mãnh liệt rằng: Âm nhạc phát huy ở nơi mà khả năng của lời nói chấm dứt (trang 135). Được bác sỹ gia đình là Bích Vân và mẹ Duy Ánh hoàn toàn ủng hộ, Nhàn có toàn quyền quyết định. Thanh Nhàn coi đây là một cơ hội hiếm có, ca điển hình trong việc vận dụng  Dự án vào thực tiễn để cô dốc hết tâm lực. Nhàn lên kế hoạch chữa bệnh, phối kết hợp cả thuộc Đông Tây y và sự vận động thể dục thể thao đều đặn, đưa Duy Ánh dần hòa nhập cùng xã hội bên ngoài với hy vọng tràn trề sẽ làm nên kỳ tích. Cô thường chơi và động viên Duy Ánh chơi những bản nhạc trữ tình trước đây cậu thường chơi để khơi gợi kỷ niệm và những hồi ức đẹp đẽ. Cuối cùng, mọi sự cố gắng của các thành viên đã được đền đáp xứng đáng. Duy Ánh dần khỏi bệnh.  

3.Lối kể chuyện hấp dẫn, giọng văn nữ tính, truyền cảm. Tác giả tỏ rõ là người có kiến thức khá phong phú về xã hội, về hôn nhân gia đình, về y học và nhất là về âm nhạc. Thu Lâm đã cho người đọc thấy được tác động tích cực của âm nhạc và khả năng kỳ diệu của nó. Mặt khác, tác phẩm là bài ca ngợi ca tình mẹ con, đức tính nhẫn nại, hy sinh của  người mẹ vĩ đại – chữ dùng của bác sỹ Bích Vân - như bà giáo Lan Anh, ngợi ca những phụ nữ trẻ năng động, vị tha, khát khao sống vì người khác như Thanh Nhàn. Nhờ đó kết quả chữa bệnh mới  thành công mĩ mãn.

Viết Dạ khúc, Thu Lâm mạo hiểm mà thành công. Bên cạnh những mặt mạnh đã ghi nhận ở trên, tác phẩm vẫn còn những non nớt đôi chỗ trong diễn đạt, nhân vật Thanh Nhàn được lý tưởng hóa, ngợi ca quá mức, người viết nhiều khi nói thay nhân vật khiến cho giảm đi phần nào tính chân thực khách quan. s

Song giá trị tư tưởng bao trùm  tác phẩm vẫn là âm nhạc đã tái tạo con người, âm nhạc cùng với tình yêu thương đã đánh thức những điều vi diệu nhân bản nhất, đưa con người tưởng như tàn phế trở về với cuộc sống bình dị, đến với tình yêu và hôn nhân. Cuộc sống  hạnh phúc của đôi bạn trẻ ở cuối tiểu thuyết là màn kết thúc có hậu hợp với mong ước của nhiều người, gieo vào lòng người niềm tin ở tác động tích cực của âm nhạc và tình cảm./.

NGUYỄN THỊ THIỆN   ĐC: số 2 ngõ 19/20 Trần Quang Diệu, Ô Chợ Dừa Đống Đa, Hà Nội




 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét