NGÀY ĐẦU ĐỜI CỦA CON
Tản văn của Phạm Ngọc Tâm Dung
Mẹ bỗng thấy mình nhẹ bẫng đi, một cảm giác vừa trút được một đội nặng ra khỏi đỉnh đầu, một gánh nặng ra khỏi vai thì nghe tiếng khóc như xé vải.
- A! con gái! Một cô bé xinh xắn!
Trong sự mệt mỏi rã rời, mẹ cố ngóc đầu dậy, hồi hộp nhìn cái hạt máu bé bỏng, khát khao hơn hai mươi năm nay của mình.
Mới mấy giây trước đây thôi, con làm cho mẹ vô vàn đau đớn. Trong cơn đau, như có bàn tay nào luồn vào gan ruột mà liên tục đảo lộn, mà xé ra từng mảnh nhỏ, mảnh lớn khác nhau, rồi vò chúng lại từng búi to, búi nhỏ cũng... khác nhau...Khi đó, mẹ chỉ mong, có ai đó cầm một con dao to cực sắc (to và sắc thì mới nhanh được) mà rạch cái bụng mẹ, để đưa ngay con ra, rồi muốn đến đâu thì đến.
Giờ thì nghe tiếng dụng cụ y tế lanh canh va vào nhau, và lại đã tạm hết đau, mẹ cũng thấy tin tưởng và... dễ thương.
Hai cô mụ vừa cắt nhau, lau lọt, vừa gói con vào tã. Rồi cô vui vẻ đặt con nằm cạnh mẹ và âu yếm nói với hai mẹ con:
- Con gái nằm cạnh mẹ đây này, chúc hai mẹ con hạnh phúc!
Lần thứ hai, mẹ cố gắng ngoái cái đầu như không có trọng lượng của mẹ, nhìn con vài giây. Lấy tay rờ rẫm lên cái trán bé nhỏ nhơn nhớt mịn như nhung lấp ló trong tấm chăn lớn hơn nó rất nhiều. Một cảm giác mơ hồ, lâng lâng bao trùm lấy không gian căn phòng đầy mùi cồn và dụng cụ y tế. Các thầy thuốc đang thao tác thật khẩn trương để giúp mẹ hồi phục. Mẹ thấy lòng nhẹ nhõm, thảnh thơi và mẹ thiếp đi...
Chưa bao giờ mẹ có một cảm giác lạ kỳ như thế. Có thể là mẹ đang còn thức nhưng miền quá khứ lại cứ hiện về trong mơ như những thước phim rành mạch quay chậm.
Mới cách đấy mấy giờ đồng hồ, mẹ còn đang cố gắng lên lớp mong hoàn thành tốt phần việc cuối cùng. Định bụng, chấm và tổng kết xong điểm chác cho các anh chị học sinh trước khi mẹ nghỉ tận hai tháng, cho yên tâm. Rồi cũng có ý cố chờ tháng lương còm, năm mươi nghìn đồng bạc để lo cho con sau này... Khi bấm đốt ngón tay và hỏi kinh nghiệm của những người đi trước thì còn khoảng gần tháng nữa mới sinh. Cơn đau cứ tăng dần từng đợt, khi thưa, khi mau và cuối cùng thì không thể chịu đựng được nữa.
Nhà trường cử cô giáo đưa mẹ đi bệnh viện bằng... xe đạp.
Con đường liên xã thì nhỏ mà gồ ghề, lổn nhổn đất đá. Chiếc xe đạp không mấy tốt, cứ chồm lên rồi loạng choạng xiêu vẹo. Sau đó lại bon bon. Hai người đàn bà, một ngoi ngóp trong gió lạnh ngược chiều, cố gắng vượt quãng đường năm, sáu cây số đến bệnh viện huyện cho hoàn thành tốt trách nhiệm với bạn và cơ quan. Một đang đau mê man, cứ đi một quãng lại gù lưng lại, đòi xuống xe khi cơn đau không chịu nổi...
Mới cách đấy mâý ngày thôi, khi con còn đang đạp loạn xạ trong bụng mẹ, mẹ đi lại và thậm chí nằm ngồi theo chiêu nào cũng hết sức khó khăn, thì mẹ vẫn ngồi tẩn mẩn hàng giờ để cắt cái áo cũ màu trắng bằng vải phin của bố, cái áo màu mỡ gà của mẹ mà vuốt ve, khâu khâu, chắp chắp, thành những chiếc áo bé tý, có thêu con vịt cho con. Không biết con là trai hay là gái. Lúc đó mẹ nghĩ: - Là con gái thì đáng yêu lắm, xinh đẹp và điệu đà , dễ thương...nhưng, con bé bỏng ạ, mẹ lại muốn con là trai. Con trai sau này sẽ không khổ như...con gái.
Cách đấy già nửa năm thôi, một ngày mẹ cảm thấy trong mình khang khác, hay sa sẩm mặt mày, lúc nào cũng gai gai sợ gió, trông thấy đồ ăn thì sợ vãi cả linh hồn mà lại thèm ăn vặt. Đi dạy học ở khu sơ tán, nhìn thấy chùm khế chua lúc lỉu của nhà người ta thì chân không thể bước đi. Đời thuở nhà ai, mẹ cứ đứng tần ngần hồi lâu, cho đến khi, ông chủ vườn, cũng là phụ huynh, cầm chùm khế ra đặt vào tay, mẹ mới giật mình mắc cỡ và lí nhí nói lời cảm ơn, rồi dấu biến "món quà quý" đó vào cặp sách để ăn dần ... một mình.
Cách đấy hai năm thôi, mẹ khi còn là một cô gái trầm tính và mộng mơ, nhiều khi nhìn thấy bạn bè của mình đã con bế, con bồng mà mình thì vẫn cứ lông bông, chòng chành như nón không quai, như thuyền không bến, để bà ngoại hễ nhìn thấy mặt là ca thán hoặc thở dài. Mẹ nhìn các bà bầu, khi nho nhỏ thì mẩy mang với cái bụng, bộ mông cong cong dễ thương, lúc to tướng lặc lè khó nhọc, mà mẹ nửa phần ao ước, nửa phần ...sợ hãi.
Cách đây mươi năm, khi mẹ là một cô bé mới lớn, tóc còn túm đuôi gà, rất hay xem lén tiểu thuyết đông tây kim cổ và đọc vụng thơ tình lãng mạn... để rồi cứ thế mà ... mơ. Khi thì mơ có một ngườì trai chinh chiến cho mình đợi, mình chờ. Khi mơ có những đứa con xinh như mộng, người chồng biền biệt xa xôi, nàng nhớ chồng trong đêm vắng, nàng phổ nỗi nhớ vào lời ru con... Và khi đó "đứa con" chỉ có mỗi nhiệm vụ là sinh ra để... minh chứng cho tình yêu. Nó xinh đẹp, sạch sẽ... Và là báu vật,... là cô, cậu ... búp bê "trang trí" cho... tình yêu lãng mạn của ... bố mẹ nó...!
Cách nay hơn hai mươi năm, bà ngoại đặt một bé gái là mẹ, còn mặc quần thủng đit trên cái chõng tre. Bà bỏ vào cái rá con cho mấy củ khoai cả sống lẫn chín, và dăm hạt mít hay mấy củ lạc luộc, một chiếc khăn mùi xoa cũ, và mẹ cứ thế một mình chơi đồ hàng. Trong cái không gian của bé thơ, đó là cả một gia tài, một thể giới diệu kỳ. Củ khoai sống, to bao giờ cũng... làm bố. Củ nhỏ và chín thì làm mẹ, và hạt mít hay củ lạc là ... các con. Mẹ có thể ngồi cả buổi để xem họ "chuyện trò" với nhau, để xem họ "cõng" nhau qua đường trơn, ngõ lội mà "đi học", để xem họ gồng gánh chợ búa và đong gạo, mua rau, mua cá, mua cả... bánh đa vừng...
Tiếng con oa oa khóc, mùi cồn y tế và tiếng xối nước ào ào, bao âm thanh hỗn hợp đặc biệt của khoa sản làm mẹ tỉnh giấc. Mồ hôi ướt đẫm trên tóc, dù trời lạnh, và mẹ đã tỉnh hẳn sau giấc ngủ dài lại sức.
Nhìn con, mắt nhắm nghiền, chân tay bé xíu gầy guộc như cẳng gà cứ chơi vơi, ngọ nguậy, lòng mẹ nao nao.
Tiếng con ọ ẹ, mẹ biết là cô nàng đói rồi đây. Hai hôm nay, mẹ kiệt sức vì mệt và đau, mẹ có ăn được chút gì đâu. Và bây giờ, khi thuốc tê đã bớt tác dụng, mẹ đang đau lắm, tất cả thân thể mẹ sau cơn vượt cạn để sinh ra con, nó tan chảy như được cấu tạo bằng chất lỏng. Mẹ muốn đưa cánh tay ra bồng con một chút thôi mà khó quá con à.
Ai đó đã bế con sang phòng bên và tiếng bà ngoại khe khẽ:
- Em ăn ngoan nào, yên cho con bầu nó nghỉ tý nào.
- Mẹ ơi! Cho nó vào đây!
Thế là con được bà bế vào với mẹ, bà đặt con nằm nghiêng, áp mặt sát má mẹ. Một mùi thơm dịu nhẹ gây gây từ con phả ra, không biết từ đâu, cái cảm xúc ngọt ngào tha thiết dâng lên trong ngực, lan ra đầu vú và tiết ra vài giọt sữa vàng vàng, thơm sánh khiến làn môi bé tý khẽ đụng đậy và mấp máy, mấp máy...
Một cảm giác yêu thương mới lạ trào dâng...
Con! Con yêu của mẹ!
Lần đầu tiên mẹ gọi tên con thành tiếng, thay vì thầm gọi trong bấy lâu nay.
Mẹ khẽ thưa với bà ngoại:
- Mẹ cho con ngồi dậy đi!
- Bác sĩ bảo con phải nằm hai giờ nữa!
- Con dậy được mà...
Bá Chắt nâng mẹ dậy, người cứ nhão ra, mẹ phải gồng lên và cuối cùng cũng cố được.
Quan sát cái cách chị giường bên cho em bé bú, mẹ ngượng nghịu ôm lấy con gái bé bỏng.
Ngày xưa, mẹ không thể tưởng tượng con lại bé bỏng thế này, chỉ có hơn hai cân cả tã.
Tay mẹ vòng thế nào cũng không vừa thành cái "nôi" cho con. Các cụ bảo "Một bàn tay thì đầy, hai bàn tay thì vơi " là thế này đây. Mẹ lại
"soi" kỹ khuôn mặt bé tẹo, đôi măt dấp dim cũng bé tẹo, cái đầu mềm mềm, cái miệng nhỏ xíu... mà thương đến nao lòng. Mẹ lóng ngóng vạch đầu ty "con gái" của mẹ, cứng và ngắn tý, tập cho con bú. Con gái cứ rúc tìm, loay hoay nhồm nhoàm, rồi lại lắc lắc cái đầu tìm kiếm, ra chiều... không ưng! Và sau cùng, lại ngoảnh mặt và oa oa...kêu!
Bà ngoại và bá Chắt đã kiên trì nâng đỡ nhưng đều bất lực. Mẹ thì gáy mỏi nhức như ai đó lấy sống dao mà dần, hai cánh tay rã rời, vết thương tầng sinh môn, buốt như hàng chục mũi kim châm, bụng thì nổi lên từng búi do dạ con đang co dãn điều chỉnh, ngực thì căng tức sữa, nóng ran như thể đang lên cơn sốt rét...
Bá Chắt bế đỡ con cho mẹ nghỉ, bà ngoại bóc mấy quả trứng gà so, một bát cháo móng giò nấu cùng mấy vị thuốc bắc thật đầy, bắt ăn. Mẹ còn rất mệt, miệng cứ nhạt thếch, nhưng cứ nghĩ đến con là lại cố ăn. Rồi mẹ ngồi..."chịu trận", chả biết xấu hổ là gì nữa, cho bà lấy lá mít chườm nóng, vuốt xuôi hai bầu vú, kích thích cho sữa về. Xong xuôi, hai mẹ con mình lại vào “trận... chiến đấu”.
- A! Con bắt vú rồi!
Một cảm giác đau rát chưa từng thấy nơi núm vú. Mẹ tưởng ruột gan mình bị rút ra. Nhìn chiếc đầu ngọ nguậy với vài sợi tóc lơ thơ bệt dính của con, nghe tiếng chóp chép và tiếng ừng ực nuốt sữa mà lòng mẹ ngất ngây. Cảm giác đau rát dần tan và nhường chỗ cho niềm đê mê, hạnh phúc.
Suốt đêm hôm đó, hầu như cả phòng không ai ngủ.
Cứ vài tiếng con lại khóc đòi ăn. Mẹ tranh thủ khi con ngủ, loay hoay vắt từng giọt sữa vào cái cốc bé tý, chỉ mong cho con gái đòi ăn mà ôm lấy cho bú trong cái đau rát về thể xác và hạnh phúc vô biên về tinh thần.
Đêm ấy, mẹ không muốn ngủ, và thậm chí quên hết cả mệt. Bà ngoại và bá Chắt muốn mẹ ngủ chút cho lại sức nhưng mẹ không muốn mất đi thời gian hạnh phúc là được thức bên con gái bé bỏng.
Đêm khuya, sương tháng chạp lạnh giá và bồng bềnh bay ngang cửa sổ, nơi ánh điện sáng trưng của bệnh viện. Mẹ lại nhớ ngày xưa, vào những đêm như đêm nay, bà ngoại hay hát ru, khi là "sương sa lạnh lùng "; khi là "cái cò mày đi ăn đêm"; ...khi thì “cái bống là cái bống bang”...
Con gái bé bỏng ơi! Con muốn mẹ gọi con là con Bống hay con Tép nhỉ?.
- Bống nha con!
Ôi Bống! Nhờ có con, mẹ mới thấm thía lời ca:
" Sinh con rồi mới sinh cha" mà người xưa vẫn hát. Có con, mẹ từ cô gái son mới thành ra Mẹ!
Bà ngoại và Bá Chắt tất bật luôn tay: nào là đồ ăn cho mẹ, pha thêm sữa cho con, gọi ý tá thay băng cho mẹ, làm thủ thuật cho sữa về, thay tã khi con tè dầm và ị cứt su, lo một đống tã lót và quần áo bẩn để sớm mai còn giặt. Thời gian rảnh rỗi thì thi nhau "chuyện trò" với...nhân vật chính là con. Nào là:
- Xem cô nàng gan lỳ nào!
- Bé như cái kẹo mà khóc đanh đáo để này, tham ăn này...
- Cái mặt rõ ra con mẹ nhưng cái mũi thì ra ngay bà nội y chang...
Giường bên cạnh, một cặp vợ chồng trung tuổi, có con lần đầu, quê xa, khi trở dạ, không kịp báo người thân. Chị vợ gần như kiệt sức, nằm quằn quại trên giường vì vết mổ đau đớn. Đứa con thiếu tháng của họ khóc ngằn ngặt, anh chồng dịu dàng, đảm đang vừa chăm vợ, vừa chăm con. Trọn đêm, tựa cọc màn ngồi đúng một tư thế cốt cho con ngon giấc, đôi khi mẹ thấy người cha ấy ư ử trong cổ họng, không biết người cha hạnh phúc ấy hát ru vợ con hay đang hát ... tình ca...
Con gái yêu! Con có biết lúc này đây, mẹ nghĩ điều gì không!
Mẹ nghĩ: ngày mai, ngày kia, hay dăm ngày nữa, tất cả chúng ta đều xuất viện. Các gia đình trở về nhà và bồng theo thành viên mới tý hon.
Căn phòng ấm áp này lại tiếp tục đón biết bao lượt hạnh phúc vỡ òa.
Bà ngoại, bá Chắt, mẹ, vợ chồng người sản phụ giường bên, các vị thầy thuốc ...và cả các con nữa, cũng theo quy luật mà già đi và lớn lên. Chúng ta có thể lãng quên đi khá nhiều sự kiện trong đời - kể cả địa vị xã hội và của cải bạc tiền...nhưng nơi chôn nhau cắt rốn và những ân tình ngọt ngào của buổi đầu đời vẫn nguyên vẹn trong sâu thẳm trái tim ta...
Đêm về sáng, càng sâu, dường như mọi người đã thấm mệt, không khí căn phòng lắng lại, bỗng ngoài của số, một tiếng vành khuyên lích ta lích tích cùng một làn nắng mảnh mai lọt qua khe cửa. Một ngày mới bắt đầu...
Hà Nội 5_12_2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét