Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

Một bài viết về Nguyễn Huy Thiệp của Nguyễn Đình Đăng

 

Một bài viết về Nguyễn Huy Thiệp của Nguyễn Đình Đăng

Chép lại từ trang Blog của Vương Trí Nhàn


 Trong những ngày Nguyễn Huy Thiệp đang bị trọng bệnh này ngoài các tin về sức khỏe nhà văn do bạn bè tới thăm cung cấp, tôi tìm thấy một công việc thú vị là đọc lại các truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và những lời bàn về Nguyễn Huy Thiệp mấy chục năm nay. Ngoài các bài đã đưa trên fb  của mình , với bài này do - chỗ có nhiều hình vẽ - tôi xin đưa trên blog để các bạn cùng thưởng thức.

Nguồn:

https://ribf.riken.jp/~dang/NHThiep/nhavanVN.htm


Nhà văn Việt Nam của tôi*)

                                                                                                  

“Đối với tôi điều lý thú nhất trong nghệ thuật là nhân cách của nghệ sỹ;

 nếu nhân cách đó xuất chúng, tôi sẵn lòng tha thứ cả ngàn lỗi lầm.”

 

W. Somerset Maugham (1874 – 1965)

 

 

 

Như nhiều người Việt Nam sinh ra cuối những năm 50 của thế kỷ trước, tôi có một tuổi thơ trôi qua trong chiến tranh chống Mỹ, có nghĩa là phải đi sơ tán, rất thiếu thốn về vật chất, ăn cơm độn 70% bột mì, da trâu thay thịt, và lá khoai lang thay rau xanh. Thời đó dĩ nhiên là nông thôn và cả thành thị đều không có điện nói chi đến TV, máy vi tính, trò chơi điện tử, và internet như bây giờ. Thời đó một trong những thú vui của tôi là đọc sách. Tôi không thể nhớ hết các sách tôi đã đọc. Tuy nhiên những cuốn sách gây ấn tượng mạnh nhất trong thời thơ ấu của tôi là: “Truyện cổ Grimm” của anh em Grimm (Hữu Ngọc dịch), “Những người khốn khổ” của Victor Hugo (bản dịch của nhóm Lê Quý Đôn) và “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung (dịch giả Phan Kế Bính, hiệu đính Bùi Kỷ). Tất cả đều là văn học nước ngoài. Tiếp theo đó là một loạt các tác phẩm khác, cũng của văn học nước ngoài, như “Không gia đình” của Hector Malot, “Miếng da lừa” của Honoré de Balzac, kịch của Molière, kịch của Shakespeare, Iliad và Odyssey” của Homer, kịch của EschillesDon Quichotte của Cervantes v.v. Sau các tác phẩm văn chương vĩ đại đó của nhân loại, văn học Việt Nam của tất cả mọi thời kỳ (trừ một số ít tác phẩm thi ca) thực sự không gây cho tôi một hứng thú gì đặc biệt…

 

…. cho đến năm 1989.

 

Lúc đó công cuộc “đổi mới” ở Việt Nam đã bắt đầu được vài năm. Nhiều sách, bài viết, thơ phú, được xuất bản với nội dung mà trước đó nhiều năm, nếu công bố, có thể khiến cho tác giả của chúng phải ngồi tù hoặc lĩnh cái án vô hình không biết bao giờ mới được xóa. Tôi đang nghiên cứu vật lý tại Dubna (Nga). Một buổi tối anh bạn Việt Nam phòng bên chạy sang cho tôi mượn mấy tờ báo và  tạp chí  trong nước gửi sang. Tôi không nhớ là sau bao nhiêu năm tôi mới được đọc một nhà văn Việt Nam mà lại cảm thấy thực sự bị lôi cuốn đến như vậy. Nhà văn đó là Nguyễn Huy Thiệp.

 

 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

( họa bút chì của Nguyễn Đình Đăng, 1990)

 

Từ đó hễ có truyện ngắn nào của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện là chúng tôi truyền tay nhau đọc kỳ hết, với cảm giác như đọc truyện kiếm hiệp của Conan Doyle, tức là đã cầm lên là phải đọc một mạch từ đầu đến đuôi. Sau đó là những cuộc bàn luận của chúng tôi quanh bàn nước ở Dubna, ở Maxcơva. Tới mức mà mỗi khi nói đến văn học Việt Nam đương đại, Nguyễn Huy Thiệp là cái tên đầu tiên và duy nhất luôn nhảy ra trước mắt tôi. Tôi trở thành “fan” của Nguyễn Huy Thiệp lúc nào không biết. Mà đã là fan tức là bỏ ngoài tai tất cả những gì người ta nói nhằm hạ uy tín “thần tượng văn chương” của mình. Thay cho việc diễn giải tràng giang đại hải tại sao tôi thích văn của Nguyễn Huy Thiệp, tôi chỉ trích dẫn ra đây câu nói của Pablo Picasso: “Nghệ thuật không phải là sự áp dụng một khuôn mẫu của cái đẹp mà là cái mà trực giác và bộ óc có thể cảm nhận vượt ra bên ngoài tất cả các khuôn mẫu. Khi ta yêu một người đàn bà, ta không đo đạc tứ chi của cô ta”.

 

Tôi cũng là một họa sỹ [1]. Mà đã là họa sỹ thì hay vẽ chân dung tất cả những người mà mình yêu và thích, bắt đầu từ bố, mẹ, anh, chị, vợ, con. Sau đó đến bạn bè, người quen. Cuối cùng là những người có tài mà mình ngưỡng mộ. Vì thế, khi trở về Hà Nội vào tháng 1 năm 1990, người đầu tiên tôi tìm gặp là Nguyễn Huy Thiệp … để vẽ chân dung. Lúc này tôi đã đọc khá nhiều truyện ngắn của anh như “Tướng về hưu”, “Phẩm tiết”, “Vàng lửa”, tập “Những ngọn gió Hua Tát”, v.v. - những tác phẩm ngày hôm nay không ai không thể không nhắc đến khi nói về văn học Việt Nam đương đại.

 

* * *

 

Tôi không biết anh ở đâu nên chạy tìm anh khắp thành phố. Cuối cùng một ông già trông xe đạp trước cửa một nhà phát hành sách giáo khoa của Bộ Giáo dục nói với tôi:

 

Nguyễn Huy Thiệp chứ gì? Ở Nhà xuất bản giáo dục 19 Lê Thánh Tông kiaĐâu có ở đây.

 

Trong một căn phòng chật hẹp, không đủ ánh sáng, cửa sổ có song trông như cửa nhà giam, một nhóm độ 4 – 5 người, trong đó có hai đàn ông, đang cặm cụi làm gì đó như viết hay vẽ. Một lát sau thì tôi biết được họ đang can lại các hình vẽ cũ để in vào các tái bản sách giáo khoa. Tôi hỏi anh Thiệp. Một người đàn ông mặt đen, trông như nông dân, ngửng lên. Tôi tự giới thiệu. Té ra anh cũng nghe nói về tranh của tôi. Như vậy rất tiện. Tôi đề nghị vẽ chân dung anh. Người đàn ông ngồi cạnh nãy giờ im lặng, đột nhiên nói chen vào:

 

Vẽ à? Vẽ ở đây có được không?

 

Sau này có người nói với tôi là anh Thiệp bị “người ta” kèm, giám sát. Mới đầu tôi không tin. Nhưng những việc mà tôi sẽ kể bên dưới này cho thấy không phải tự dưng mà có những lời đồn đại như vậy. Làm như không để ý đến câu nói đó, anh Thiệp mời tôi xuống quán cà-phê bên kia đường. Người Việt Nam luôn giải quyết các công việc quan trọng ở quán nước. Lần gặp gỡ đầu tiên đó tôi không mang theo giấy bút vẽ. Chúng tôi chỉ nói chuyện. Tôi không nhớ chi tiết chúng tôi nói những gì, trừ một câu rất ấn tượng của anh Thiệp:

 

Tôi như người xẻ thịt con lợn, chỉ moi lấy tim, còn tất cả thịt, xương, lòng thì vứt đi.

 

Tôi hiểu cách nói và niềm tự tin quá lộ liễu của anh Thiệp đã khiến nhiều người cảm thấy bị xúc phạm. Tài năng của một người thường kéo theo sự ghen ghét của nhiều người khác. Người khởi xướng trường phái hiện thực trong văn học Anh nhà văn Henry Fielding (1707-1754) từng nói đại ý: “Một số người bị người khác chống lại vì có cái thứ mà nguời khác không có.” (Nguyên văn: “Some folks rail against other folks, because other folks have what some folks would be glad of.”). Cụ Nguyễn Du (1765 – 1820), sinh sau Fielding hơn nửa thế kỷ, “khả úy” hơn, đã tổng kết:

 

Có tài mà cậy chi tài,

Chữ “Tài” liền với chữ “Tai” một vần.

 

Tôi mời anh Thiệp đến nhà tôi để vẽ các ký họa chuẩn bị bằng bút chì. Tôi vẽ chi tiết chân dung anh, đôi tay, hai bàn chân, toàn bộ dáng ngồi trong ghế bành. Tôi đến cả quán cà-phê nọ để vẽ cái ghế mây thấp lùn anh Thiệp từng ngồi [2]. Phần còn lại của bố cục bức tranh sơn dầu (kích thước 97 x 130 cm) là tưởng tượng của tôi. Phía sau anh, tôi vẽ các nhân vật từ các truyện ngắn của anh, trong đó có vua Quang Trung đầu lộn xuống, vua Gia Long mặt là hình người đàn bà khỏa thân dán ốp lên, v.v. Ở góc trên bên trái bức tranh, tôi vẽ chân dung các vĩ nhân văn chương và văn hóa thế kỷ XIX và XX, Victor Hugo, Sigmund Freud, Anatole France, Guy de Maupassant, Alexander Soljenitsin, Fedor Dostoevsky, và Boris Pasternak những người mà tôi thấy có sự tương đồng trong tác phẩm của họ và tác phẩm của Thiệp. Các chân dung này hiện ra như những đám mây. Ở phía bên phải tôi vẽ cảnh đoàn lạc đà đi trên sa mạc với mấy con chó chạy đằng sau: “Chó cứ sủa, đoàn lạc đà cứ đi” (Les chiens aboient, la caravane passe). Đàn lạc đà biến dần thành đàn chim bay lên trời. Anh Thiệp ngồi trên ghế salon nhà tôi. Cái ghế bay lơ lửng trên một bậc tam cấp làm bằng đá hoa cương. Phải chăng đó là bậc tam cấp lên đỉnh Parnasse [3]? Sóng biển đập vào một phía bậc tam cấp. Bên kia là đại dương mênh mông đưa những gợn sóng dài và hùng vĩ đến một bức tường đầy những lỗ đạn đang rỉ máu. Dưới chân anh Thiệp ngồi tôi vẽ ếch nhái, rắn rết, ốc sên, chuột cống có chân giống như chân người…

 

 

Nguyễn Đình Đăng

Giấc mơ nghệ sỹ (Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)

sơn dầu trên vải, 97 x 130 cm, 1990

 

Hồi đó, mỗi khi tôi vẽ xong một bức tranh to, tôi thường tổ chức một buổi gặp mặt nhỏ tại phòng khách nhà tôi, mời một số họa sỹ tới cùng uống rượu và ngắm tranh. Trong số họ, có cả họa sỹ Nguyễn Sáng và thi sỹ Trần Dần. Nhưng ba vị khách thường hạ cố đến chơi là Bùi Xuân Phái, Mai Văn Hiến, và Lê Huy Tiếp. Sau khi ông Phái qua đời (1988), ông Hiến và anh Tiếp vẫn thỉnh thoảng tới nhà tôi.

 

Lần ấy, sau khi hoàn thành “Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp”, tôi cũng tổ chức một buổi vernissage [4] như vậyCác vị khách đã đến đầy đủ mà anh Thiệp vẫn không thấy tăm hơi. Vào năm 1990 điện thoại (chứ chưa nói điện thoại di động) chưa phổ biến như bây giờ. Tôi chắc có chuyện gì đó đã xảy ra với anh Thiệp. Mãi tới năm giờ chiều, sau khi khách khứa đã về từ lâu, Nguyễn Huy Thiệp mới xuất hiện. Lý do: Anh được công an cho xe đến tận chỗ làm việc “mời” lên sở hỏi một số việc.

 

Vào những năm đầu 90, Thiệp là nhà văn thuộc loại “có vấn đề”. Các truyện ngắn của anh gây nhiều cuộc tranh cãi nóng bỏng trên văn đàn và báo chí Việt Nam cũng như trong dân chúng. Để lọt qua kiểm duyệt tại triển lãm cá nhân năm 1991 của tôi tại Hà Nội tôi đã buộc phải đổi tên bức tranh từ “Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp” thành “Giấc mơ của nghệ sỹ”. Anh Thiệp có vẻ thích bức tranh. Anh nói với tôi: “Nếu tôi có tiền tôi sẽ mua bức tranh này”.

 

Năm 1992 tôi nhận lời mời Đại học Tổng Hợp Kỹ thuật Munich và viện Vật lý Hạt nhân Quốc gia Italia sang làm việc tại Đức rồi Italia. Trước khi đi tôi được tin phòng viết của anh Thiệp ở phố Quan Thánh bị công an đến khám xét. Nhiều giấy tờ bị tịch thuNghe nói có cả một số hình vẽ tôi minh họa truyện ngắn của anh [5]. Tôi lên đường mà không kịp chia tay với anh.

 

 

* * *

 

Công việc nghiên cứu khoa học của tôi khiến tôi ở ngoại quốc nhiều hơn ở trong nước. Sau khi sang Nhật và làm việc tại viện Nghiên cứu vật lý hóa học Nhật bản, có lần tôi nghe nói anh Thiệp “không bị bắt” (tôi chẳng rõ anh có tội gì để phải bị bắt!), nhưng “hầu như không viết văn”, “bỏ đi tu”, rồi sau đó lại nghe nói anh “mở quán ăn” v.v. Mãi cho đến cách đây mấy năm tôi mới lại thấy truyện của anh xuất hiện:  “Chuyện ông Móng” với câu kết bất hủ: “Nghề hót phân trên đời là nhất!”, “Chuyện tình kể trong đêm mưa”, v.v. Truyện ngắn nào của anh tôi cũng thấy có những điểm rất quý giá. Chúng như những viên kim cương: nhỏ nhưng sáng chói, với muôn vàn tia ngũ sắc tỏa ra khi ánh sáng chiếu vào. Kim cương giả không làm sao sáng lấp lánh được như những viên kim cương thật vì giả thì bao giờ cũng là …giả. Kể cả tập tiểu thuyết đầu tay của anh “Tuổi hai mươi yêu dấu” tôi cũng đọc liền một đêm từ đầu đến đuôi. Sau đó là “vụ” “Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn” với các bài viết đủ thượng vàng hạ cám khen chê tóe lửa trên báo giấy và báo điện tử. Anh Thiệp im lặng. Cho tới khi các bài “phê bình” đã chất đống, đánh đùng một cái trên trang web các tác phẩm mới chưa in của anh [6] xuất hiện vở kịch “Mổ nhà văn”. Tôi đọc mà không nhịn được cười, thầm phục cái tài trả lời rất cao thủ của anh. Văn của anh Thiệp luôn là như thế, nó không để cho người khác được “yên thân”. Một nhà văn “lão làng” của Việt Nam đã có lần phải thốt lên: “Sau Nguyễn Huy Thiệp, ai cũng cảm thấy mình không thể viết như trước được nữa.”

 

Tôi rất muốn gặp lại anh, sau bao nhiêu năm trời xa cách…

 

Tháng 10 vừa qua, trong dịp về nước dự hội thảo vật lý, tôi đã gặp lại Nguyễn Huy Thiệp. Chúng tôi hẹn nhau tại một tiệm ăn. Hà Nội của thời kinh tế thị trường có nhiều “độc chiêu”. Tới khi cậu phục vụ giới thiệu: “Nhà hàng chúng cháu có rau khoai lang xào”, thì anh Thiệp kêu lên:

 

- Cả đời tao đã ăn rau khoai lang rồi mà mày còn định cho tao ăn nữa hay sao?          

 

Cậu phục vụ còn rất trẻ, gọi anh Thiệp bằng bác. Có lẽ cậu không phải trải qua cái thời kỳ khốn khó khi chúng tôi phải ăn lá khoai lang thay rau. Bây giờ lá khoai lang lại hóa ra là đặc sảnNhưng với tôi lá khoai lang mãi mãi vẫn chỉ là lá khoai lang mà thôi. Chúng tôi lại nói chuyện say sưa. Tôi có cảm giác như mười mấy năm xa cách đã bay biến đâu mất. Anh Thiệp tặng tôi tuyển tập truyện ngắn mới in của anh. Sách in đẹp, bìa cứng có hình minh họa của cố họa sỹ Bửu Chỉ, gắn dây vàng để đánh dấu [7]. Ở trang đầu anh Thiệp ghi: “Thân mến tặng Nguyễn Đình Đăng.” Bên dưới là chữ ký và dấu triện đỏ của anh như ở bên Nhật vậy…

 

* * *

 

Bạn đã đọc “Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt” của Nguyễn Huy Thiệp chưa [ 8 ]? Có thể bạn đã đọc rồi, nhưng chắc có ít bạn đọc nó trong khi đi trên tàu điện ngầm ở Tokyo như tôi. Cảm giác thật lạ. Khi tàu dừng ở ga tôi phải ra cũng là lúc tôi vừa đọc xong. Tôi đi trong nhà ga mà như đi trong giấc mơ, nhìn ra phía trước có vầng sáng của lối đi lên. Thế nhưng thay vào chỗ thang cuốn đang chạy tôi lại thấy một bầu trời hiện ra với cánh đồng lúa bên dưới. Bầu trời không yên tĩnh mà cuồn cuộn mây. Các đám mây đôi chỗ thủng ra để lộ da trời màu xanh cobalt. Trên nền xanh cobalt đó xuất hiện một cánh chim trắng đơn độc, vừa bay vừa cất tiếng kêu. Mặc dù tiếng gió thổi, tiếng lao xao của đồng lúa, tiếng vịt trời, le le, mòng két, cùng các tạp âm khác, tiếng chim nghe vẫn rất rõ, bởi nó trong sángdội xuống từ trên cao, ở một cung bậc hoàn toàn khác.

Nguyễn Đình Đăng

Tokyo 2/12/2004

_________

 

Chú giải:

 

*)   Bài này đã được đăng tại eVăn ngày 8/12/2004 – trang văn học của VNExpress. Những đoạn in màu đỏ trong bài là những phần eVăn cho là “nhạy cảm” nên đã cắt bỏ hẳn hoặc thay bằng từ khác.

Sau đó (trích đoạn của) bài này cũng đã được đăng tại tạp chí (giấy) Ngày Nay – cơ quan công luận của hiệp hội CLB UNESCO Việt Nam - số 24-2004 (15 – 30.12.2004), trang 14. Trong bản đăng tại Ngày Nay ban biên tp đã cắt bỏ toàn bộ khổ đầu tiên cũng như phần liên quan đến bức tranh sơn dầu “Giấc mơ nghệ sỹ (Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)”. Ngoài ra nhiều chi tiết khác cũng bị ct bỏ như các câu:

 

-          Nhiều sách, bài viết, thơ phú, được xuất bản với nội dung mà trước đó nhiều năm, nếu công bố, có thể khiến cho tác giả của chúng phải ngồi tù hoặc lĩnh cái án vô hình không biết bao giờ mới được xóa."

-          Mà đã là fan tức là bỏ ngoài tai tất cả những gì người ta nói nhằm hạ uy tín “thần tượng văn chương” của mình.”,

 

-          cửa sổ có song trông như cửa nhà giam”,

 

-          Người đàn ông ngồi cạnh nãy giờ im lặng, đột nhiên nói chen vào:

- Vẽ à? Vẽ ở đây có được không?

Sau này có người nói với tôi là anh Thiệp bị “người ta” kèm, giám sát. Mới đầu tôi không tin. Nhưng những việc mà tôi sẽ kể bên dưới này cho thấy không phải tự dưng mà có những lời đồn đại như vậy. Làm như không để ý đến câu nói đó,

 

-          cảm thấy bị xúc phạm. Tài năng của một người thường kéo theo sự ghen ghét của nhiều người khác. Người khởi xướng trường phái hiện thực trong văn học Anh nhà văn Henry Fielding (1707-1754) từng nói đại ý: “Một số người bị người khác chống lại vì có cái thứ mà nguời khác không có.” (Nguyên văn: “Some folks rail against other folks, because other folks have what some folks would be glad of.”). Cụ Nguyễn Du (1765 – 1820), sinh sau Fielding hơn nửa thế kỷ, “khả úy” hơn, đã tổng kết:

 

Có tài mà cậy chi tài,

Chữ “Tài” liền với chữ “Tai” một vần.

 

-“…  “không bị bắt” (tôi chẳng rõ anh có tội gì để phải bị bắt!), nhưng…”

 

-          Kể cả tập tiểu thuyết đầu tay của anh “Tuổi hai mươi yêu dấu” tôi cũng đọc liền một đêm từ đầu đến đuôi. Sau đó là “vụ” “Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn” với các bài viết đủ thượng vàng hạ cám khen chê tóe lửa trên báo giấy và báo điện tử. Anh Thiệp im lặng. Cho tới khi các bài “phê bình” đã chất đống, đánh đùng một cái trên trang web các tác phẩm mới chưa in của anh [6] xuất hiện vở kịch “Mổ nhà văn”Tôi đọc mà không nhịn được cười, thầm phục cái tài trả lời rất cao thủ của anh.”

 

Ban Biên tp Ngày Nay không trao đi vi tác giả v nhng ct xén này.

Nhân việc biên tập cắt xén nói trên, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc vở kịch ngắn “Người lính cứu hỏa” của Vladimir Polyakov.

 

[1] Xem trin lãm tranh của Nguyễn Đình Đăng trên internet tại: http://ribf.riken.go.jp/~dang/page1VN.htm

 

[2] Xem các ký họa chuẩn bị cho “Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp” trên internet tại: http://ribf.riken.go.jp/~dang/dessins/NHThiep/Thiep_sketch.html

 

[3] Parnasse: theo thần thoại Hy lạp, núi Parnasse là nơi ngự của thần Apollon và 9 nữ thần là Calliope (cầm bảng viết) bảo hộ anh hùng ca, Clio (cầm một cuộn giấy) - lịch sử, Erato (cầm cây đàn lyre) – thơ tình, Euterpe (cầm cây sáo) – âm nhạc, Melpomene (cầm mặt nạ đau khổ) – bi kịch, Polyhymnia (có vẻ mặt suy tư) – thi ca thần thánh, Terpsichore (nhảy múa với cây đàn lyre) – múa, Thalia (cầm mặt nạ cười) – hài kịch, Urania (cầm quả cầu bầu trời) – thiên văn.

 

[4] Vernissage (tiếng Pháp): nghĩa đen là “quét dầu bóng”. Trước kia từ này dùng để chỉ một ngày trước khai mạc triển lãm. Trong ngày đó họa sỹ phủ dầu bóng lên tranh và hoàn thành nốt những chấm phá cuối cùng trước khi bức tranh ra mắt công chúng. Ngày nay từ “vernissage” dùng để chỉ ngày khai mạc bức tranh hoặc phòng triển lãm, khi họa sỹ mời các bạn bè, khách khứa của mình đến xem. Sau đó phòng tranh mới chính thức mở cửa cho công chúng.

 

[5] Tác giả bài này chỉ còn giữ được một số photocopy có thể thấy trên internet tại: http://ribf.riken.go.jp/~dang/dessins/old_dessins/minhoa/minhoa.html

 

[6] http://nguyenhuythiep.free.fr/

 

[7] Nguyễn Huy Thiệp, Truyện ngắn (Nhà xuất bản Trẻ & Cty Văn hóa phương Nam, t.p. HCM, 2003)

 

[8] Nguyễn Huy Thiệp, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, trong: Nguyễn Huy Thiệp - Truyện ngắn (Xem [3] ở trên), trang 549.

 

 


7 thg 12, 2020

Truyện ngắn Nguyễn Thị Lộ của Nguyễn Huy Thiệp qua sự phân tích của nhà nghiên cứu Liễu Trương ( Pháp)

 

NGUYỄN TRÃI QUA CÁI NHÌN CỦA NGUYỄN HUY THIỆP

 Nguồn 

 https://lieutruongvietvadoc.wordpress.com/2016/05/24/nguyen-trai-qua-cai-nhin-cua-nguyen-huy-thiep/

Mười năm sau khi nước nhà thống nhất, một thế hệ trẻ cầm bút xuất hiện, quay lưng với quá khứ, với lối viết đã từng bị gò bó trong cái khuôn của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và của đảng tính. Trong số các cây bút mới có Nguyễn Huy Thiệp đã nhanh chóng trở nên một tên tuổi với khoảng 30 truyện ngắn.

Ở Pháp, trong khi tiểu thuyết là thể loại được phần đông các nhà văn ưa chuộng, thì nhà văn nữ Annie Saumont sáng tác toàn là truyện ngắn và đã thành tựu rực rỡ, nhờ cách cô đọng hóa truyện làm cho truyện vốn đã là truyện ngắn lại càng ngắn hơn ; câu văn và cốt truyện của Annie Saumont rất súc tích, người đọc mà đãng trí thì không nắm bắt hết được cái nghĩa của truyện.

Nguyễn Huy Thiệp cũng thành công về truyện ngắn, nhưng về những phương diện khác. Có thể nói Nguyễn Huy Thiệp là người làm mới truyện ngắn với những đặc điểm sau đây :

1/ Thơ xen kẽ với văn xuôi.

Thơ được dùng để nhân vật nói lên tư duy của mình, để thổ lộ tâm tình, nỗi niềm như trong các truyện « Trương Chi », « Truyện tình kể trong đêm khuya », v.v… Thơ trong truyện đưa người đọc tạm xa hiện thực của truyện trong chốc lát để theo dõi nội tâm của nhân vật.

2/ Cấu trúc phân mảnh.

Đôi khi một truyện ngắn gồm nhiều phân đoạn như : « Cún » (3 phân đoạn), « Không có vua » (7 phân đoạn), « Tướng về hưu » (15 phân đoạn), hoặc một truyện ngắn gồm nhiều truyện ngắn khác như : « Những ngọn gió Hua Tát », « Con gái thủy thần », « Chút thoáng Xuân Hương ». Các truyện ngắn này tuy được xây dựng theo cấu trúc phân mảnh nhưng vẫn có tính nhất quán. « Những ngọn gió Hua Tát » gồm mười truyện ngắn, mười cảnh đời diễn ra trong cái không gian núi rừng với thung lũng mờ sương, không gian này là điểm nhất quán. Truyện « Con gái thủy thần » gồm ba truyện quy về một nhân vật thần thoại : Mẹ Cả hay Gianna Đoàn Thị Phượng. Chương, một thanh niên ở nông thôn, bị huyền thoại người con gái thủy thần ám ảnh từ thời thơ ấu. Lớn lên chàng quyết đi ra biển tìm kiếm Mẹ Cả, dọc đường xảy ra nhiều cuộc gặp gỡ với những người con gái cũng tên Phượng, tuy nhiên không phải là con gái thủy thần. Cuộc tìm kiếm tiếp tục, nhưng con đường ra biển quá mịt mù. Truyện « Chút thoáng Xuân Hương » cũng gồm ba truyện mà bóng dáng nữ sĩ Hồ Xuân Hương là điểm nhất quán.

3/  Tác giả gần với người đọc

Trong truyện, có khi tác giả quay qua người đọc để phân trần, như trong truyện « Trương Chi », ông thổ lộ rằng ông không thích lối kết thúc của truyền thống và ông đưa ra một kết cấu của riêng ông. Trong « Vàng lửa », tác giả đề nghị ba đoạn kết khác nhau và mời người đọc hãy chọn lựa. Trong « Phẩm tiết », tác giả giải thích tại sao ông viết truyện này tiếp theo « Kiếm sắc » và « Vàng lửa ». Những cái « nháy mắt » với người đọc như thế tạo nên sự thân mật giữa người viết và người đọc.

4/ Tái tạo những nhân vật thời xưa

Đây là cách xây dựng nhân vật độc đáo của Nguyễn Huy Thiệp. Ngoài những nhân vật đời thường trong các truyện về thế sự, Nguyễn Huy Thiệp dùng hư cấu để làm tái sinh những nhân vật đang ngủ yên trong các pho sách, như nhân vật truyện cổ : Trương Chi, các nhân vật lịch sử : Quang Trung, vua Gia Long, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ…

Chúng ta thử xem xét một trong những nhân vật đã được Nguyễn Huy Thiệp làm tái sinh, đó là Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi trong truyện Nguyễn Thị Lộ

Truyện « Nguyễn Thị Lộ » (« Thương cả cho đời bạc », tr. 117) là truyện tình yêu của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ qua tâm trạng của Nguyễn Trãi. Tình yêu của hai nhân vật là thứ tình yêu ngoại hạng, đến nỗi khi nhận ra Nguyễn Thị Lộ thì con người Nguyễn Trãi chết đi và sống lại thành một con người mới. Từ đấy con người mới của Nguyễn Trãi có những nhận xét sáng suốt về mình, về thế sự. Từ nhỏ ông luôn luôn là một con người cô đơn, lạc loài giữa đám đông. Ông xét lại đời mình để thấy những khuyết điểm và cũng để thấy rõ những diễn biến đã xảy ra cho mình và cho triều đại. Con người Nguyễn Trãi lý tưởng nên đề cao tư tưởng nhân nghĩa cho toàn dân. Lê Lợi thì thực tế hơn, chỉ tin vào khả năng của những cá nhân siêu việt. Sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà, vua Lê Thái Tôn quá trẻ, chịu ảnh hưởng của bọn cận thần nịnh hót. Hoàn cảnh không còn thuận tiện cho Nguyễn Trãi để giúp vua củng cố quyền uy trên nền tảng đạo lý, kỷ cương. Nguyễn Trãi bèn rút về sống ẩn dật, đồng thời ông ý thức bị nhiều kẻ thù bao vây. Nguyễn Trãi linh cảm hai mối hoạ lớn sắp xảy đến. Mối họa đang rình rập Nguyễn Thị Lộ : « Nàng trinh bạch, điềm tĩnh và cương nghị. Vẻ trinh bạch ấy của nàng khiến ông thắt tim lại lo sợ ». Mối họa thứ hai là cái chết của Nguyễn Trãi. Đó là linh cảm về tương lai. Còn hiện tại thuộc về tình yêu của hai người, một tình yêu có tính tri thức. Nguyễn Thị Lộ thông suốt dòng tư tưởng của Nguyễn Trãi, nàng chỉ cần tóm tắt ý nghĩ của ông bằng một, hai từ, khiến Nguyễn Trãi cảm thấy được khích lệ để đi xa hơn trong tư duy của mình. Nguyễn Thị Lộ, với óc thông minh sâu sắc, đã nhận thấy Nguyễn Trãi là một con người duy mỹ ; đạo đức duy mỹ có giá trị hơn đạo đức duy lý « của bầy đoàn ». Còn « Nguyễn đến với nàng bằng tình thương tuyệt vọng đối với con người, vừa độ lượng, vừa bao dung, vừa đầy kinh nghiệm. Ông yêu thương nàng bằng toàn bộ tri thức văn hóa cùng sự tử tế ở trong lòng ông. » Sự hòa hợp của đôi bên thật là diệu kỳ. Nhưng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ không cùng một nguyên tố trong vũ trụ : Nguyễn Trãi là lửa và Nguyễn Thị Lộ là nước.

Nếu đọc truyện Nguyễn Thị Lộ theo nghĩa mở rộng, ta sẽ phát hiện hai chủ đề đậm nét : cái nhìn và lửa. Nhưng nghĩa mở rộng là gì ?

Ngôn ngữ trong đời sống hằng ngày chỉ được hiểu theo nghĩa rõ ràng, không có sự ngộ nhận. Khi ta nói : « Anh ấy vừa tậu một ngôi nhà ở phía bắc thành phố », mọi người đều hiểu sự kiện như nhau. Không có sự hiểu lầm. Cách phát biểu này là cách phát biểu theo cái nghĩa rõ ràng, Pháp gọi là « dénotation ».

Ngoài ra có một cách phát biểu khác, tuy dùng những từ ngữ của đời sống thường ngày của mọi người, nhưng lại làm cho người ta nghĩ đến một cái nghĩa khác, đó là nghĩa mở rộng : « connotation ». Khi Hàn Mặc Tử viết : « Gió theo lối gió, mây đường mây » (Đây thôn Vĩ Dạ), ông không nói về gió, về mây, mà ông gợi lên sự chia ly, xa cách. Bản chất của chủ đề văn học hướng về nghĩa mở rộng. Nghĩa mở rộng bao gồm tất cả những gì mà một từ ngữ có thể gợi lên rõ ràng hay mập mờ. Vậy chủ đề văn học gắn liền với cái được gợi lên chứ không với cái rõ rệt, vì chủ đề làm nổi bật cách tồn tại của ý thức bởi và trong cảm giác. Jean-Pierre Richard (1), nhà lý luận phê bình nổi tiếng về phương pháp phê bình chủ đề, đã định nghĩa nhà phê bình như một người lắng nghe sự im lặng, và hiểu được tác phẩm mà không phải chứng minh.

Phê bình chủ đề là bình luận về sự gợi lên, về cái được biểu lộ trong im lặng, trong kẽ hở của những nghĩa, chứ không bình luận về sự thông tin, về những  nghĩa rõ ràng. Khi được hiểu theo nghĩa mở rộng, chủ đề trở nên thích đáng vì nó chạm đến sự tưởng tượng của ý thức và trước hết nó là một sự thăm dò nội tâm.

Cái nhìn của Nguyễn Trãi

Có thể đọc đoạn đầu của truyện như một bản tin thời sự : « Họ gặp nhau khoảng giờ Tỵ, một ngày thu. Hôm ấy Nguyễn Trãi từ Côn Sơn trở lại Đông Đô, ông ghé nghỉ ở một quán khách ven đường. Cùng đi với ông có Hoàng môn thị lang Thái Quân Thực. »

Nhưng câu đầu của bản tin trở thành một bản án : « Họ gặp nhau khoảng giờ Tỵ ». Khi còn cắp sách đến trường, chúng ta ít nhất cũng có một lần nghe nói đến Nguyễn Trãi với thảm kịch Lệ chi Viên và vụ án tru di tam tộc. Ngay từ đầu truyện, định mệnh đã hiện lên dưới hình con rắn (giờ Tỵ) để báo hiệu cái chết của Nguyễn Trãi. Tín hiệu thứ hai của sự bất hạnh là sự biến dạng của đám mây trên trời : từ dáng điệu một nhà hiền triết đám mây trắng biến thành con chó xồm lớn. Sự biến dạng báo hiệu những thăng trầm trong cuộc đời của Nguyễn Trãi.

Trong văn chương, thị giác là một trong những yếu tố có tác động đến mỹ cảm. Marcel Proust đã dùng cái nhìn làm kỹ thuật dựng truyện trong bộ tiểu thuyết « A la recherche du temps perdu » (Đi tìm thời gian đã mất).

Nhìn là hành động cơ bản trong truyện Nguyễn Thị Lộ ; có nhiều động từ về thị giác như : để ý, ngước mắt lên, nhìn, nhận ra, ngắm và cụm từ ánh mắt được lặp lại. Ánh mắt của Nguyễn Trãi : « … Thái Quân Thực dõi theo ánh mắt Nguyễn và thốt ra câu hỏi định mệnh ». Ánh mắt của Nguyễn Thị Lộ : « Ông nhận ra vẻ thích thú trong ánh mắt nàng ». Nguyễn Trãi nhìn Nguyễn Thị Lộ nhiều lần. Cái nhìn đầu tiên là cái nhìn nhận dạng : « Ông ngước mắt lên nhìn và nhận ra Nguyễn Thị Lộ ». Ông chưa bao giờ gặp Nguyễn Thi Lộ, nhưng trong cái nhìn đầu tiên liền nhận ra nàng, có nghĩa là định mệnh đã an bài mọi việc. Đây là cái nhìn của định mệnh, cái nhìn bị định mệnh chi phối, vì đã biến đổi Nguyễn Trãi nên một con người mới trong khoảnh khắc. Định mệnh quả là một sức mạnh không cưỡng lại được : « Câu hỏi nhấc Nguyễn đứng dậy […]. Ông bước như đạp mây đến chỗ hai người phụ nữ ». Cái nhìn không ngừng ở những cái bên ngoài mà nhằm thiết lập một quan hệ với kẻ được nhìn. Và tình yêu đã đến nhanh, một thứ tình yêu độc nhất vô nhị trên đời này, vì « Chỉ có một Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn đâu có hai cuộc đời ». Hành động nhìn đã góp phần lớn vào cái ma lực của tình yêu.

Trong quán, trước khi thấy và nhận ra Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Trãi cũng nhìn, ông nhìn những tăm rượu sủi lên trong chén, nhưng là cái nhìn còn trống rỗng, chưa phải là cái nhìn do định mệnh chế ngự. Ngoài ra, có những trạng từ có tác dụng tô đậm những động từ thuộc thị giác : « Mắt ông vẫn đăm đăm nhìn về phía Nguyễn Thị Lộ. […] Ông lén ngắm nàng một lần nữa ».

Cái nhìn cũng là nhịp cầu giữa hai tư duy : « Chỉ nhìn thấy nàng, Nguyễn nhận ra ngay ông đã sai lầm hoặc ông đã đúng trong suy luận ». Việc trao thân chỉ xảy ra về sau. Khi đó cái nhìn có giá trị ôm ấp, nhưng lúc nào cũng bị tai họa ám ảnh : « Cảm giác về sự bé nhỏ yếu ớt của nàng, của con người nói chung giữa tự nhiên mênh mông, giữa vũ trụ mênh mông khiến lòng ông nhói đau. » Cùng với tình yêu, sự đe dọa của cái chết đã hiện đến. Rồi đây thân xác con người sẽ bị chôn vùi, cầm tù dưới lòng đất sâu, và cái nhìn của tình yêu sẽ chết cùng với thân xác, vì sự chết là « Đêm tối hoàn toàn. Đêm tối vĩnh viễn ». Cái nhìn không bao giờ kết bạn với đêm tối. Tất cả chỉ còn tồn tại trong hồi tưởng. Động từ « hồi tưởng » được lặp lại bốn lần để nhấn mạnh rằng đó là nguồn an ủi cuối cùng của tình yêu khi thân xác không còn nữa.

Vậy cái nhìn đã làm nảy sinh tình yêu, một thứ tình yêu được cháy sáng như lửa vì Nguyễn Trãi là « một khối lửa khổng lồ ».

Lửa biểu tượng của con người Nguyễn Trãi

Trong truyện « Nguyễn Thị Lộ » dấu hiệu của lửa hiện diện từ đầu đến cuối. Gaston Bachelard, nhà triết học chuyên về khoa học luận và hiện tượng luận về cái được tưởng tượng, đã phân tích trí tưởng tượng theo bốn nguyên tố trong vũ trụ : lửa, nước, không khí và đất. Ông quan niệm rằng cái mà con người tưởng tượng về một đồ vật không phải chỉ là sự sao lại bởi trí nhớ hay bởi tri giác : cái được tưởng  tượng mang tính chất của trí tưởng tượng và chứa đựng một phần của giấc mơ. Trong việc nghiên cứu bốn nguyên tố, tham vọng của hiện tượng luận về cái được tưởng tượng là xác định cái công việc âm thầm của trí tưởng tượng trong tri giác.

Mở đầu cuốn « La Psychanalyse du feu » (Phân tâm học của lửa), Bachelard có những nhận xét khái quát về lửa như sau :

« … Lửa là một hiện tượng có đặc quyền, có khả năng giải thích tất cả. Nếu tất cả những gì biến đổi chậm rãi được giải thích bằng đời sống, thì tất cả những gì biến đổi nhanh chóng được giải thích bằng lửa. […] Lửa là thầm kín và lửa là vạn năng. Nó sống trong lòng chúng ta. Nó sống trên trời. Từ những nơi sâu thẳm của vật chất, lửa vươn lên và tự hiến mình như một tình yêu. Nó trở xuống trong vật chất, tự ẩn mình, tiềm tàng, bị dồn nén lại như lòng căm ghét và sự trả thù. Trong toàn thể các hiện tượng, lửa thật là một hiện tượng duy nhất có khả năng tiếp nhận hai cách làm tăng giá trị đối lập nhau : điều thiện và điều ác. Lửa chiếu sáng trên Thiên đường. Lửa cháy trong Hỏa ngục. Lửa là sự êm dịu và là sự giằn vặt […]. Nó là một vị thần hộ mệnh và cũng là một hung thần khủng khiếp, thiện và ác. Lửa có thể tự mâu thuẫn : vậy lửa là một trong những nguyên lý giải thích vũ trụ. » (2)

Ngoài ra, Bachelard cho rằng rượu là nước của lửa, một thứ nước làm cháy bỏng cái lưỡi, và khi chạm vào một tia lửa dù rất nhỏ cũng đủ cháy bùng lên. Bởi vì rượu cháy trước cái nhìn thích thú và sưởi ấm con người, nên rượu là bằng chứng sự quy tụ những kinh nghiệm thầm kín và những kinh nghiệm khách quan. Trong toàn thể những vật chất trên thế giới, rượu là thứ vật chất gần với lửa. Trong các mặc cảm về lửa do Bachelard đề xuất, có mặc cảm Hoffmann. Nhà văn Đức Hoffmann có công trong việc khởi xướng dòng văn học kỳ ảo ở Âu châu. Một trong những nét đặc thù của tác phẩm Hoffmann là những hiện tượng của lửa. Nhất là lửa-rượu (punch) mà Bachelard gọi là mặc cảm Hoffmann hay mặc cảm rượu. Khi so sánh Edgar Poe và Hoffmann, hai tác giả đã cần đến rượu trong việc sáng tạo, Bachelard cho rằng rượu của Hoffmann là thứ rượu cháy nên lửa và mang dấu hiệu nam tính của lửa, còn rượu của E. Poe là thứ rượu làm cho chìm ngập, đem lại sự lãng quên và cái chết ; rượu của E. Poe mang dấu hiệu nữ tính của nước. Cũng theo Bachelard rượu là một yếu tố của ngôn ngữ. Nó làm cho từ vựng phong phú hơn và làm cho cú pháp được phóng khoáng.

Vào đầu truyện, Nguyễn Trãi liền xuất hiện với dấu hiệu của lửa : ông uống rượu trong quán, ông nhìn những tăm rượu sủi lên. Rượu ở đây có thể được gắn liền với mặc cảm Hoffmann : thứ rượu đầy nam tính của lửa. Sau rượu đến lửa. Trước hết Nguyễn Trãi được tác giả định nghĩa như một khối lửa khổng lồ, và cuối truyện động từ cháy được lặp lại 5 lần. Trong truyện có hai hình tượng của lửa tượng trưng cho hai thời kỳ : thời kỳ chưa quen biết Nguyễn Thị Lộ và thời kỳ yêu Nguyễn Thị Lộ.

Sau khi gặp Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Trãi tự hỏi trước kia đã từng thấy người phụ nữ này chưa. Trong những kỷ niệm hiện ra trong ký ức của ông, có hình tượng ông chong đèn viết « Bình Ngô sách ». Đây là hình tượng thứ nhất của lửa. Theo Bachelard, ngọn lửa giữ vững chúng ta trong cơn mơ mộng hữu thức, khiến chúng ta tỉnh táo, người ta ngủ trước lửa của lò sưởi chứ không ngủ trước ngọn lửa của đèn. Ngồi trước ngọn đèn suy ngẫm để viết một chiến lược nhằm đi đến thắng lợi, giành độc lập cho đất nước, Nguyễn Trãi không khỏi có những lúc mơ mộng, và ngọn lửa là người bạn chia sẽ tâm tình của ông. Đối với một kẻ mơ mộng, những biểu lộ của vật chất dù rất nhỏ cũng có ý nghĩa. Khi ngọn lửa lung linh, phải chăng nó linh cảm một mối lo âu sẽ đến khuấy động vẻ tịch mịch của thư phòng ?

Trong một cuốn sách khác về lửa : « La flamme d’une chandelle » (Ngọn lửa của một cây nến) (3), Gaston Bachelard phân biệt lửa trong lò sưởi và lửa của cây nến. Lửa trong lò sưởi được chăm sóc bằng những khúc củi. Ngọn lửa của cây nến không cần được chăm sóc, nó cháy một mình, nó cô đơn và muốn được cô đơn như thế. Cũng theo Bachelard, khi mơ mộng trước ngọn lửa, kẻ mơ mộng chìm trong quá khứ, mơ đến cái đáng lý phải có và cái đáng lý mình phải làm. Phải chăng đây là tâm trạng của Nguyễn Trãi ?

Ngọn lửa của đèn hay của nến là một ngọn lửa vươn cao trong vị trí thẳng đứng. Bachelard viết : « Ngọn lửa của cây nến trên bàn của kẻ cô đơn chuẩn bị cho tất cả những giấc mơ có tính thẳng đứng. Ngọn lửa là một đường thẳng đứng kiên cường và mong manh. […] Bất cứ người nào mơ mộng về lửa cũng đưa giấc mơ của mình lên đỉnh cao. […] Chính trên đỉnh cao mới có những giấc mơ lớn nhất. » (4)

Trước ngọn lửa của đèn, Nguyễn Trãi đã có những giấc mơ lớn khi ông viết « Bình Ngô sách ». Ông có những tư tưởng mới để bảo vệ giống nòi, ông muốn lật đổ những lề thói cũ. Cụm từ « giữ nguyên tình trạng » sau đây được lặp lại nhiều lần để khẳng định ý muốn của ông bỏ cái cũ để canh tân : « … Nguyễn lại không có khả năng giữ nguyên tình trạng. Giữ nguyên tình trạng đòi hỏi một sự ngu xuẩn phi thường. […] Bao giờ cũng vậy, giữ nguyên tình trạng đòi hỏi những con bệnh lớn. »

Nguyễn Trãi đi trước thời đại của ông, nên ông bị cô lập.Viết « Bình Ngô sách » là một công việc được làm trước ngọn lửa cô đơn và trong nỗi cô đơn, vì Nguyễn Trãi là một con người cô đơn : « Từ nhỏ, Nguyễn đã sớm nhận ra sự lạc loài của ông giữa đám đông. […] Ông cô đơn chính với đồng loại của mình.[…] Ông cô đơn giữa đời như một hành tinh hoặc một ngọn gió. »

Trong hình tượng thứ hai của lửa thấp thoáng bóng dáng Nguyễn Thị Lộ. Cảnh tượng này hoàn toàn khác với cảnh tượng Nguyễn Trãi ngồi viết « Bình Ngô sách », tuy cũng là ban đêm, cũng có ngọn lửa thắp sáng. Nhưng ở đây Nguyễn Trãi làm một cử chỉ có một giá trị biểu tượng : « Nguyễn kéo ngọn nến về phía mình để nàng ngồi chìm trong phía bóng tối. » Nguyễn Trãi ở trong ánh sáng, Nguyễn Thị Lộ lẫn trong bóng tối, thuộc về bóng tối ; thân hình mảnh mai của nàng chỉ được thấy lấp loáng trong bóng tối. Ở đây ánh sáng và bóng tối là dương và âm, âm dương biểu hiện tình yêu hoà hợp của hai người.

Cái nhìn của Nguyễn Trãi lúc nào cũng mang dấu hiệu của lửa, ngay sau khi kéo cây nến về mình, ông đưa mắt nhìn ra bên ngoài và thấy ánh sáng của ngọn đèn lồng ngoài đường. Khi mới gặp Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Trãi thấy : « Ở nàng, rạng lên một ánh sáng linh điệu từ phía bên ngoài, không trùng lên con người thật của nàng. » Ánh sáng đó tức là lửa do cái nhìn của Nguyễn Trãi làm ánh lên ở Nguyễn Thị Lộ, thật ra Nguyễn Thị Lộ không thuộc về thế giới lửa. Nàng thuộc về thế giới nước. Những ẩn dụ sau đây khẳng định bản chất nước của Nguyễn Thị Lộ :

« Trong vắt như nước suối, nàng lặng lẽ để cho ông gạn lọc những ý tưởng của mình. Hoàn toàn giản dị, nàng chảy một cách từ từ, chậm rãi, tự tin, vừa độ lượng, vừa ích kỷ chính trong dòng đời ».

Và « Hôm Nguyễn ngỏ lời cầu hôn, trời mưa như trút. » Có thể cho rằng đây là dấu hiệu nước của Nguyễn Thị Lộ. Một trận mưa hoan hỉ làm nảy sinh một huyền thoại về tình yêu của hai nhân vật : « Đồn rằng hôm ấy có rồng bay trên sông Cái. »

Nước biểu tượng cho Nguyễn Thị Lộ là thứ nước tinh khiết. Bàn về nước, Bachelard nhận thấy trong bốn nguyên tố (lửa, nước, không khí và đất) chỉ có nước có khả năng đu đưa, đó là một trong những nét của nữ tính. Nước là biểu tượng tự nhiên của sự thuần khiết. Giấc mơ về sự trong sạch mà nước tinh khiết gợi lên phải đi kèm với giấc mơ về sự đổi mới mà nước tươi mát gợi lên. Theo Bachelard, người ta trầm mình trong nước để tái sinh thành người mới (5). Nguyễn Thị Lộ là thứ nước tinh khiết đã đem lại sự tươi mát cho Nguyễn Trãi và làm cho ông tái sinh thành một người mới.

Tình yêu của Nguyễn Trãi là thứ tình yêu của lửa, tương ứng với một mặc cảm khác của lửa mà Bachelard gọi là mặc cảm Novalis. Nhà văn kiêm nhà thơ Đức Novalis, thuộc nhóm lãng mạng Iéna, trong một bức thư gửi cho bạn là nhà văn Friedrich Schlegel, khoảng một tháng sau cái chết của hôn thê của ông, đã có những lời lẽ như sau : « Tình yêu của tôi đã trở thành một ngọn lửa thiêu hủy dần dần tất cả những gì thuộc trần thế (6) ». Bachelard cho rằng trí tưởng tượng của Novalis bị chế ngự bởi một nhiệt năng, nghĩa là bởi sự ham muốn một chất nóng, ấm, dịu, bao trùm cả con người và đi sâu vào con người. Mặc cảm Novalis là ý thức một nhiệt năng thầm kín. Ánh sáng chỉ ở trên bề mặt của đồ vật, còn nhiệt năng xuyên vào bên trong.

Cái đêm Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ trao thân cho nhau : « Ngọn nến để ở một góc phòng kiên nhẫn cháy. Nguyễn Thị Lộ biết Nguyễn cũng kiên nhẫn cháy như thế khi hình bóng nàng nằm giữa tim ông (…) Họ nằm yên lặng, vui thích lắng nghe những tiếng lách tách cháy từ ngọn nến. Nguyễn cũng cháy như thế, cháy bùng như một ngọn đuốc dẻo dai, kiên cường cho đến trót đời. »

Một hình tượng khác của lửa : Nguyễn Trãi cháy như ngọn đuốc, chức năng của một ngọn đuốc là soi đường chỉ lối. Nguyễn Trãi là ngọn đuốc, là kẻ chỉ đường, bằng một tư duy nhân nghĩa, cho triều Lê, cho dân tộc Việt Nam.

Tiếng lách tách cháy của ngọn nến là một tiếng động hoan hỉ đáp lại cơn mưa hoan hỉ đã trút xuống ngày Nguyễn Trãi cầu hôn. Như vậy trong tình yêu của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ có nỗi hân hoan của lửa (tiếng lách tách của ngọn nến) và nỗi hân hoan của nước (mưa trút xuống, rồng bay lên).

Cũng chính Bachelard đã nhận xét : « Gần nước ánh sáng có một màu sắc mới, hình như ánh sáng được sáng hơn khi nó gặp một dòng nước trong » (7). Ánh sáng tức lửa, tức Nguyễn Trãi, gần nước tinh khiết tức Nguyễn Thị Lộ thì đượm một màu sắc rực rỡ hơn. Nhưng có bao giờ lửa sống chung được với nước.

Từ một sự kiện lịch sử, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên một hư cấu trong đó tình yêu của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ là một tình yêu kỳ diệu và mong manh trước mọi bất trắc. Lửa và nước đã đưa tình yêu đó vào thế giới huyền thoại.

Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp :

Nguyễn Huy Thiệp, Như những ngọn gió, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1999.

Nguyễn Huy Thiệp, Thương cả cho đời bạc, Nxb Văn Hóa -Thông tin, Hà Nội, 2000.

Tài liệu tham khảo :

  • Jean-Pierre Richard, L’Etat des choses, Gallimard, 1999, tr.10
  • Gaston Bachelard, La Psychanalyse du feu, Gallimard, 1949, tr. 19-20.
  • Gaston Bachelard, La Flamme d’une chandelle, Quadrige/PUF, 1961.
  • Sđd, tr. 57-59.
  • Gaston Bachelard, L’eau et les rêves, José Corti, 1942, tr. 197.
  • Albert Béguin, L’âme romantique et le rêve, José Corti, 1991, tr. 264.
  • Gaston Bachelard, L’eau et les rêves, tr.199.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét