BUÔN MA THUỘT
CHÌA KHOÁ VÀNG MỞ CỔNG MÙA XUÂN
Ghi chép của BÙI QUANG THANH
NHÀ THƠ BÙI QUANG THANH
Lần này là lần thứ 3 tôi đến thăm vị Tư lệnh cũ của
mình: Thượng tướng - Giáo sư Hoàng Minh Thảo.
“Ông Hoàng Tây Nguyên” ngày nào vừa qua một cơn đại
phẫu thuật để lấy cục sỏi to trong thận. Đã ngoài tám chục
tuổi, vết mổ chưa cắt chỉ, ông vẫn còn rất yếu, phải ngồi
tựa lưng vào ghế salon gỗ có lót chiếc gối bông phía sau,
chiếc áo bệnh viện bằng vải thô mềm không cài hết khuy
để lộ tấm băng vừa mới thay xong, tuy vậy ông vẫn lưu
tôi lại đến 3 tiếng đồng hồ để nói chuyện về Tây Nguyên
những ngày oanh
liệt nhất. Đó là
buổi chiều ngày
30.3.2004.
Bà phu nhân
của Thượng tướng
ngồi phe phẩy
chiếc quạt giấy cho
ông, thi thoảng đưa
mắt sang tôi như
nhắc nhủ, như van Thượng tướng - Giáo sư Hoàng Minh Thảo
vỉ “ông ấy còn mệt lắm”. Vậy mà tôi, dù đọc được những
mật lệnh của bà Thượng tướng, vẫn không nỡ đứng dậy
ra về. Thế rồi cuộc viếng thăm người ốm trở thành cuộc
phỏng vấn, cuộc hành hạ ông. Dù mệt mỏi lắm nhưng tôi
biết ông rất vui vì gặp đồng đội. Và sau đây là những điều
vị Thượng tướng Tư lệnh kể cho viên Hạ sĩ - chiến sĩ - lính
cũ của mình:
- Tây Nguyên đầu mùa xuân năm 1975 đã là nơi tập
kết sức mạnh của chủ lực Quân Giải phóng. Địch bị dồn
về các trung tâm thị xã, một số huyện lị và các trục đường
giao thông chính. Ta làm chủ toàn bộ núi rừng cao nguyên
rộng lớn, nối liền biên giới 3 nước Việt - Miên - Lào; đường
Hồ Chí Minh, đường dẫn xăng dầu đã xọc xuống tận phía
nam cao nguyên, hậu phương lớn đã nối liền tiền tuyến
lớn. Lực lượng của ta ở Tây Nguyên lúc này rất mạnh: Sư
đoàn 320 - “Quả đấm thép” của chủ lực quân đội ta đã
quen với chiến trường này từ những năm 1972; Sư đoàn
10 mà tiền thân là những trung đoàn chủ lực khét tiếng
của cao nguyên như Trung đoàn 66 (Đoàn bộ binh Plây
Me), Trung đoàn 28, Trung đoàn 24, Trung đoàn pháo
binh 40… những đơn vị đã làm nên những trận đánh tiêu
diệt nổi tiếng ở Plây Me, Đắk Tô - Tân Cảnh, Plây Cần,
Đắc Siêng… suốt chục năm qua. Một số đơn vị cao pháo
- tăng - thiết giáp cũng đã ém sát ở đây. Thế và lực của ta
đã hơn hẳn. Địch hoàn toàn mất thế chủ động trên chiến
trường Tây Nguyên. Kế hoạch của Bộ thống soái của ta
là: kìm địch ở 2 đầu chiến tuyến, dàn mỏng lực lượng của
địch ở Tây Nguyên, chọn điểm huyệt để đánh tiêu diệt
giải phóng Buôn Ma Thuột.
Chợt ông quay lại hỏi tôi:
- Tại sao phải đánh giải phóng Buôn Ma Thuột?
Như một cậu học trò không thuộc bài, tôi ấp úng:
- Vì sao… ạ?
- Địch ở đó yếu hơn ở Pleiku và Kon Tum. Phần nữa,
nếu giải phóng được Buôn Ma Thuột thì thọc xuống Nha
Trang, Cam Ranh nhanh hơn, bất ngờ chia cắt sự liên hoàn
nam - bắc của địch, tránh được các chốt điểm từ Quảng Trị
vào Quy Nhơn của chúng. Lực lượng của địch ở Buôn Ma
Thuột lúc đó chỉ có một Trung đoàn bộ binh, 20 xe thiết
giáp, một số pháo và lực lượng địa phương quân. Tuy
nhiên tính cơ động của chúng hơn hẳn ta vì phương tiện,
đặc biệt là quân đổ bộ bằng trực thăng và các chiến xa từ
các vùng lân cận có thể tiếp ứng rất nhanh, các Sư đoàn 22,
23 cùng 7 tiểu đoàn biệt động quân; 36 tiểu đoàn bảo an;
4 thiết đoàn thiết giáp; 230 pháo các loại; Sư đoàn không
quân số 6 với 150 máy bay... đang quanh quẩn vùng cao
nguyên này. Vì vậy ta quyết định tăng cường lực lượng
cho Buôn Ma Thuột. Sư đoàn 968 và Sư 316 được điều vào
Tây Nguyên. Riêng Sư 316 từ Nghệ An thần tốc vào Tây
Nguyên trong bí mật tuyệt đối. Điện đài vô tuyến không
được sử dụng, vào đến nơi rồi thì im hơi lặng tiếng cho
đến khi nổ súng. Bọn chỉ huy Việt Nam Cộng hòa bị mất
hút đuôi Sư 316 rất ngơ ngác và lo lắng. Cuộc điều quân
nhử địch ở Tây Nguyên là một nghệ thuật quân sự, các
đơn vị di chuyển như đèn cù, điện đài vô tuyến vẫn nằm
nguyên vị trí ém quân cũ hoạt động nghi binh. Các đơn vị
chỉ dùng thông tin liên lạc bằng hữu tuyến của đường dây
559 khi thật cần thiết. Cho đến trước ngày mở màn chiến
dịch, chúng ta đã có 5 sư đoàn bộ binh hùng hậu, 15 Trung
đoàn độc lập của các quân binh chủng: đặc công, pháo
binh, phòng không, tăng thiết giáp, thông tin, công binh,
ô tô vận tải... và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang các
tỉnh ở Tây Nguyên. Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên do
tôi làm Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy kiêm
Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Đại tướng Văn Tiến Dũng thay
mặt Bộ Tổng Tư lệnh vào trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.
Thượng tướng nhấp nhẹ chén trà, ông chợt hỏi tôi:
- Cậu ở đơn vị xe ô tô phải không nhỉ?
Tôi cảm động:
- Dạ! Em ở Tiểu đoàn vận tải thuộc Phòng Hậu cần
Mặt trận, sau này thuộc Quân đoàn.
Ông gật gật:
- Hồi các cậu vào, anh Thái Bá Nhiệm đi đón ngoài
Cánh Bắc. Tôi nhớ đơn vị này vào để chuẩn bị cho Đăk Tô
- Tân Cảnh.
Tôi thầm nhớ lại cuối năm 1971, tiểu đoàn xe của tôi
vượt qua bao gian khó hiểm nguy, sau gần 2 tháng hành
quân, vào đến Tây Nguyên thì được gặp vị Chính ủy
Phòng hậu cần mặt trận ra đón và lệnh cho đơn vị đào
vách núi thành hầm, giấu ô tô vào đó rồi kẻ thì đi đẩy
xe thồ, người thì đi gùi đạn, tôi được điều đi hàn “khò”
khung xe đạp cho tiểu đoàn 1 xe thồ của Phòng hậu cần
B3, có hôm phải đi đốt than để phục vụ lò hàn. Thế mà
đến đầu năm 75, như lời Thượng tướng, lực lượng ta đã
như nước tràn bờ.
Thượng tướng trầm ngâm:
- Thực ra từ đầu tháng 1 năm 1975, căn cứ nhiệm vụ
cấp trên giao cho Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã
chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu quyết định nhưng chỉ
đặt ra quyết tâm là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch,
giải phóng các tỉnh nam Tây Nguyên để mở hành lang
xuống chiến trường Đông Nam Bộ. Chuyện dùng binh
nhiều khi không tính trước hết được. Sau Buôn Ma Thuột,
thế trận địch vỡ òa như lũ cuốn, thế mà mình không bị
động với chiến cuộc, trái lại chớp thời cơ để đi đến quyết
định cuộc chiến tranh. Đó là một sự linh hoạt tuyệt vời,
cũng có nghĩa là thế chủ động hoàn toàn thuộc về ta.
Ông như đọc được suy nghĩ của tôi:
- Lính B3 biết rất rõ sự gian khổ do thiếu đói, do địa
hình hiểm trở nên gần suốt cả cuộc chiến tranh, lực lượng
chủ yếu là bộ binh và pháo binh nhẹ, tất cả là chân, là vai.
Các đơn vị cấp trung đoàn đã lớn lắm rồi. Bây giờ riêng
một chiến trường này đã có đến 5 sư đoàn, 15 trung đoàn
đủ các quân binh chủng. Đời làm tướng, đến lúc ấy cứ
như mơ, cứ muốn đánh một trận “trúc chẻ tro bay” như
cha ông ta ngày trước. Nhưng dù lực lượng ta rất mạnh
thì cũng không thể chủ quan, không được lãng phí xương
máu bộ đội, coi thường quân địch. Để công kích thắng
lợi vào Buôn Ma Thuột, chúng ta đã chia quân đánh nghi
binh vào Pleiku, Kon Tum, cắt đường 14 giam chân chủ
lực địch lại phía bắc Tây Nguyên đồng thời đánh chiếm
Tác giả và Thượng tướng - Giáo sư Hoàng Minh Thảo.
Đức Lập, Thuần Mẫn. Trung đoàn 95 tiêu diệt hàng loạt
vị trí phòng thủ trên đường 19, Trung đoàn 25 diệt một
đoàn xe địch ở đông Chư Cúc làm chủ đường 21, 2 sân
bay Cù Hanh và Hòa Bình nằm trong tầm khống chế của
pháo binh... Buôn Ma Thuột bị cô lập hoàn toàn. Phải nói
rằng, Đoàn 559 đã cung cấp cho chiến dịch đủ nhu cầu
cần thiết, khoảng 14 ngàn tấn hàng đã đưa đến tận nơi
tập kết trong một thời gian rất ngắn. Công binh và nhân
dân địa phương đã hoàn thành gần 600 km đường chiến
dịch; cậu biết như đường 20C phía tây sông Sêrêpôk, ta
phải cưa sẵn hai phần ba thân các cây lớn, dọn sẵn đường
để chờ giờ G. Khi xe tăng chuẩn bị xuất kích mới xô đổ
cây, dọn đường cho tăng đi. Cái giờ “G” lịch sử của Tây
Nguyên, cũng là giờ lịch sử của đất nước, của Mùa xuân
1975 ấy là 2 giờ 3 phút ngày 10 tháng 3 mà ai cũng đã biết.
Bộ đội đặc công Trung đoàn 198 luồn sâu lót sẵn đã đồng
loạt tấn công kho Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình, hậu cứ
Trung đoàn 53 Ngụy; Trung đoàn 95A từ hướng đông
bắc đánh chiếm ngã Sáu; Trung đoàn 148 phát triển theo
hướng tây bắc đánh chiếm cao điểm Ebua, chùa Bồ Đề,
hợp với E95A ở ngã Sáu; Trung đoàn 174 và phân đội tăng
của Lữ 273 đánh chiếm cao điểm Chư Dluê hướng tây,
Trung đoàn 24 và tăng thiết giáp thọc sâu vào Sở chỉ huy
Sư 23 Ngụy; hướng nam: Trung đoàn 174, Trung đoàn
179 và biệt động thành Buôn Ma Thuột đánh chiếm quận
lỵ Hòa Bình... Địch chống cự quyết liệt, bị diệt từng cụm,
từng mảng, từng tuyến và đến 16 giờ trưa ngày 11 tháng
3, ta làm chủ hoàn toàn thị xã”.
Tôi ngồi nghe mà có cảm tưởng như ông chẳng quên
một chi tiết, một địa danh, một phiên hiệu đơn vị nào. Vị
giáo sư uyên bác nhất của quân đội ta, với bộ lông mày
dài và rậm đã đốm bạc rủ xuống che một phần đôi mắt
sáng rực, nở nụ cười thật hiền mà thật tươi, như không hề
có vết mổ ở bụng chưa cắt chỉ. Tôi chợt giật mình liếc nhìn
đồng hồ, liếc nhìn bà Thượng tướng. Bắt gặp ánh mắt như
biết lỗi của vị khách vô duyên quấy rầy bệnh nhân của bà
không phải lúc chút nào, bà phân giải: “Ông nhà tôi mà
gặp bộ đội Tây Nguyên là mừng lắm, ông tiếp tận tình với
bất cứ ai. Nhưng hôm nay...”. Bà nhìn ông trách móc và
âu yếm lắc đầu.
Tôi muốn ra về để ông nghỉ ngơi thì ông lại ra hiệu tôi
ngồi lại:
- Cậu đã là nhà báo, tôi mừng lắm. Viết về Tây
Nguyên đã có nhiều nhà văn, nhà báo, nhà viết sử nhưng
làm sao viết hết được sự hy sinh và vai trò của quân dân
Tây Nguyên trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. Những
người đã từng chiến đấu ở Tây Nguyên viết về miền đất
này sẽ thuận lợi hơn người ngoài cuộc. Mà càng lùi xa
cái dấu son lịch sử ấy thì càng vơi đi những người viết là
những người đã biết về Tây Nguyên.
Tôi không thể đứng dậy được, đành chuầy chòa ngồi lại.
Bà Thượng tướng đi vào trong nhà, có ý bất lực. Ông bảo:
- Trận Buôn Ma Thuột chưa dừng ở đó. Cậu đã biết
lực lượng địch ở đây là rất mỏng, đánh chiếm Buôn Ma
Thuột không khó lắm cho dù địch ở trong công sự phòng
thủ kiên cố. Việc đánh viện binh của địch đến ứng cứu
hòng chiếm lại thị xã mới hay. Toàn bộ sức mạnh của
chúng ở Tây Nguyên dồn về phía bắc, Buôn Ma Thuột lại
là thủ phủ của cao nguyên Trung phần, làm sao chúng
để mất được. Nhưng Sư đoàn 23 và các chiến đoàn của
địch từ Pleiku, Kon Tum về cứu bằng cách nào? Đường
bộ xa đến 180 km đã bị ta phong tỏa, đương nhiên chúng
không thể hành binh. Địch sẽ phải dùng trực thăng vận
để chuyển quân. Mà trực thăng vận thì sẽ không có xe
tăng và đại pháo, hỏa lực địch sẽ giảm đi rất lớn. Còn
địch sẽ đổ quân xuống nơi nào? Bộ Tư lệnh chiến dịch đã
phán đoán là chúng sẽ chọn phía đông thị xã, nơi đang
có tàn binh của Liên đoàn Bảo an 21, cũng là trục đường
21 - cửa tử nhưng cũng là cửa sinh của địch khi muốn rút
chạy về xuôi, nơi dễ ứng cứu nhất khi viện binh từ Nha
Trang, Cam Ranh lên. Nhiệm vụ phục binh diệt viện
được giao cho Sư 10 - đứa con cưng của núi rừng Tây
Nguyên. Trước đó ta đã ém Trung đoàn 24 trên khu vực
này đón lõng đường rút của tàn quân Buôn Ma Thuột.
Chiều ngày 13.3, địch đã cho tám chục máy bay đánh
phá khu vực này để dọn bãi, sau đó dùng 145 lượt trực
thăng đổ Trung đoàn 45 và Pháo đội 232 xuống điểm
cao trên đường 21. Ngay lập tức Trung đoàn 24 (Sư 10)
có xe tăng xung kích đã đánh thiệt hại nặng Trung đoàn
45. Ngày 15 địch đổ nốt Trung đoàn 44 và Sở chỉ huy Sư
23 xuống Phước An. Các đơn vị này đã bị bộ đội Sư 10 và
Lữ đoàn tăng thiết giáp 273 tiêu diệt....
Tôi cất chiếc máy ghi âm vào túi, đứng dậy. Ông
định đứng lên nhưng chợt nhíu mày, tay đặt khẽ vào vết
thương. Tôi vội cúi xuống nắm lấy bàn tay ông, đỡ ông
ngồi lại. Bà Thượng tướng đã quay ra từ lúc nào, lo lắng
nói với tôi:
- Ngồi lâu quá ông mệt lắm đấy. Đã đến ngày cắt chỉ
rồi mà vết mổ chưa khô. Chú thông cảm cho bác nhé.
Tôi chợt cay cay ở mắt, lí nhí nói lời xin lỗi bà. Vị Tư
lệnh bảo tôi:
- Trận Buôn Ma Thuột là cái chìa khóa vàng bấm trúng
lối vào chiến thắng của cách mạng miền Nam. Hôm nào
rỗi lại tới đây nhé!
Hà Nội 3.2004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét