Thứ Hai, 1 tháng 7, 2024

“SỐNG ĐẾN BÌNH MINH”

 


“SỐNG ĐẾN BÌNH MINH”

Tự truyện của một số phận vinh quang và cay đắng

Về cuốn Trần Mai Hạnh – “Sống đến bình minh”, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, 2024

                            VŨ NHO

                   Một người chỉ làm báo và viết văn mà hai lần được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, đứng đầu hãng thông tấn Quốc gia, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam,  Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội nhà báo Việt Nam như Trần Mai Hạnh quả là hiếm gặp. Đặc biệt hơn nữa, đó chỉ là một chàng trai tỉnh lẻ, bố là viên chức bình thường, mẹ là công nhân, không có ai đỡ đầu đỡ chân. Lại càng đặc biệt hơn nữa là khi đang ở đỉnh cao vinh quang, bỗng gặp “tai nạn nghề nghiệp và hệ lụy kinh hoàng” ( lời  tác giả trên bìa 4), vướng vòng lao lí, bị kết án 9 năm tù rồi được ân xá trước thời hạn. Ai đó trong đời như thế, chắc sẽ suy sụp hoàn toàn,  sẽ gục ngã vĩnh viễn, sẽ bẻ bút,… nhưng tác giả thì không. Người lính đã từng “đi qua cái chết” ở chiến trường khốc liệt Quảng Nam - Đà Nẵng  vẫn tiếp tục sống, “sống và viết với niềm tin những gì tươi sáng rồi sẽ đến. Tên sách “ Sống đến Bình minh” được đặt cho cuốn tự truyện cũng vì lẽ đó” ( Lời tác giả trên bìa bốn).

          Cuốn sách văn học gây tiếng vang lớn là cuốn “Biên bản chiến tranh 1,2,3,4.75” (2014) được viết lại hoàn toàn  với cái nhìn trầm tĩnh, khách quan sau những ngày trong vòng lao lí, được tặng giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, được tặng giải thưởng ASEAN là một minh chứng cho nghị lực sống, nghị lực làm việc với niềm tin mãnh liệt của người viết.  Sau đó, tác giả tiếp tục việc sáng tạo với các cuốn Lời tựa một tình yêu (2016); A war account 1-2-3-4.75 (2017) (Phiên bản tiếng Anh của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75); Thời tôi sống (2018). Và bây giờ là cuốn sách đồ sộ “Sống đến bình minh” khổ lớn 14 x 26 cm, 688 trang, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật ấn hảnh ra mắt sáng 25 tháng 4 năm 2024,  hơn hai chục ngày sau ngày tác giả đột ngột qua đời khi thăm lại chiến trường xưa ở miền Nam ( 2/4/2024).

          Nếu cuốn “Biên bản chiến tranh 1,2,3,4.75” được ấp ủ ngay khi tác giả có được những tư liệu quý báu, tuyệt mật của phía bên kia và coi  việc viết như  trả một món nợ đối với bè bạn, với nhân dân, đất nước, thì “Sống đến bình minh” chỉ được hình thành khi tác giả đã nếm trải đủ vinh quang và cay đắng, khi người viết đã ngộ ra một điều sâu sắc là: “Thế sự thăng trầm, nhân tình thế thái đổi thay rồi cũng qua đi, chỉ ngôi đền văn chương – nơi trú ngụ, gửi gắm tâm hồn của thân phận con người là còn lại mãi” (trang 605).

          Cuốn tự truyện này là một cuốn sách đồ sộ, phản ánh khá đầy đủ sự trưởng thành của một cậu bé, chàng trai tỉnh lẻ, người có tài đánh bóng bàn và bơi lội đã học hành và trưởng thành ra sao, mối tình đầu éo le của sự chênh lệch đẳng cấp, giàu nghèo như thế nào,  đã chiến đấu căng thẳng, khốc liệt ra sao, cho đến khi lên tột đỉnh vinh quang và rơi xuống tột cùng cay đắng. Con người “đi qua cái chết” đó đã không gục ngã, tiếp tục sống và cống hiến như thế nào?

Bố cục của cuốn sách với các chương  thể hiện rất rõ điều đó:

1.     Chàng trai tỉnh lẻ

2.     Đi qua cái chết

3.     Chiến tranh và hòa bình

4.     Thời bao cấp giữa bao vây cấm vận

5.      Những năm đầu đổi mới báo chí

6.      Vòng xoáy

7.     Sống đến bình minh

Thông qua những kí ức sâu sắc của một người có trí nhớ tuyệt vời, thông qua những ghi chép  tỉ, mỉ, cẩn thận của một nhà báo có tài, qua những gì đã viết, đã xuất bản trước đó, tác giả đã viết cuốn tự truyện này. Với lòng yêu văn chương vô bờ, chàng trai đã từ chối cơ hội trở thành cầu thủ bóng bàn nổi tiếng, được chuyên gia Trung Quốc hướng dẫn, được sang Trung Quốc tập huấn để đi học khoa Văn Tổng hợp. Mặc dù mê bóng bàn “Nhưng tôi còn say đắm văn chương hơn nhiều”. Chàng trai tỉnh lẻ đã quyết thi vào khoa văn Tổng hợp “với suy nghĩ đơn giản rằng chỉ thi vào đó mới được, vì đó là nơi cao nhất có thể dạy tôi trở thành nhà văn” (trang 29). Số phận đưa anh sinh viên Tổng Hợp Văn thành nhà báo, xông xáo để viết tin bài ở chiến trường miền Trung khốc liệt, theo cánh quân vào Sài Gòn, chứng kiến ngày sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, ngày toàn thắng của quân dân ta và viết bài báo nổi tiếng “thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng”…

          Công phu và ấn tượng nhất là tái hiện lại  cuộc chiến đấu ở miền Trung vô cùng khốc liệt, gian khổ. Khi được giao liên dẫn đi, chàng trai vừa mới rời ghế trường Tổng hợp và miền Bắc đã có ý nghĩ : “Mấy anh em vừa ở Hà Nội vào, lớ ngớ, lạ nước lạ cái, lạc trong vùng địch ta tranh chấp tối ngày thế này thì cái chết là cầm chắc” (trang 71). Chiến trường ác liệt đến nỗi không chỉ người mới “lớ ngớ” mà những người đã quen chiến trận cũng hi sinh. Bức ảnh chụp trang 75 gồm có 8 anh em nhà báo  thì đã có 4 người thành liệt sĩ gồm Nguyễn Trọng Định,  Trần Văn Anh, Trịnh Xuân Hy, Hoàng Kim Tùng.  Nhà báo, nhà văn đã “viết lại  chân thực cuộc chiến đấu ác liệt này” – như mệnh lệnh của chính trị viên trưởng  Tiểu đoàn 3 giao cho  nhà báo khi phá vây. Đây là chi tiết cho thấy người chiến sĩ hi sinh bất cứ lúc nào:

          Phạm Văn Lưu lúc đó bị thương do thuốc bom lân tinh xộc đầy họng không nói được. Mượn cây bút, Lưu viết mấy chữ vào tờ giấy rồi đưa cho Vân Lan: “ Anh bị thương, hơi bom vào đặc cả họng không nói được, em có cách gì giúp không?” Vân Lan dặn: “Nếu tối mai còn sống (VN nhấn mạnh), anh gặp lại em trên nền nhà này em sẽ đưa thuốc cho” (tr.127).

          Đây là cảm giác của tác giả  ghi  lại những ngày trong vòng vây xiết chặt của địch:

          Mười ngày mà căng thẳng và dài như cả năm trời. Suốt đêm ngày bom rơi, đạn nổ, tiếng lính Mĩ, ngụy và lính Pắc Chung Hi la ré, gào thét. Ngày đánh nhau, chiều tối chôn cất đồng đội tử trận, đêm hành quân cấp tập thoát khỏi vòng vây, mờ sáng tới địa điểm đứng chân mới lại lao vào đào công sự. mỗi chiến sĩ chỉ còn độc chiếc quần đùi, áo rách lỏa tỏa, giày dép vứt từ lâu, khắp người xây xát vì gai cào” (tr. 145)

          Suốt 17 ngày đêm không đánh răng, rửa mặt, không cắt tóc, gội đầu. Ngày lội nước, lội bùn, tối cứ nguyên quần áo như thế lăn ra ngủ. Cáu ghét đầy người. Tóc tai, móng tay móng chân không cắt, đưa tay cào đầu, chỉ chưa đầy xăngtimet đã kẹt cứng vì sạn, đất. Trên mặt từng lớp bùn ghét khô cứng” (tr. 146).

          Tác giả từng hút chết. Đây là những dòng nhật kí ghi thời gian 14 -19 tháng 10 năm 1969:

          Thì ra biệt kích Mĩ vẫn chưa rút hết, một tiểu đội còn căng tăng ngủ lại ngay mé đồi sau nhà[..]Hút chết. Xin đến rớt nước mắt mà không được một lon gạo, một nắm muối. Mấy bà gìa sợ liên lụy đến phát khiếp, la ré đuổi đi. Đói và tủi thân hết mức nhưng tôi không khóc. Chiến tranh khắc nghiệt, cái chết đêm ngày rình rập đã khiến tôi sắt lại, giá lạnh như một thanh thép” (tr. 228).

          Anh từng viết cho người yêu bức thư từ mặt trận:

Anh đã từng đi bộ hàng tháng trời trên những đỉnh núi cao nhất của dãy Trường Sơn, từng sống với mảnh rừng của chiến khu xao động, với đồng bằng đỏ lửa, từng hành quân trên bãi cát trắng xóa ven sông thu Bồn bốn mùa thẫm xanh màu nước. Anh đã từng tham dự những trận đánh ác liệt, chiến đấu như một người lính thực thụ, từng cùng với các chiến sĩ mở đường máu thoát vây, từng ngủ hầm bí mật, nhịn đói, nhịn khát, từng đội bom B52 và pháo bầy ê ẩm. Gian khổ ác liệt nhiều lắm Mai ạ, nhưng thực ra chưa thấm gì với những hi sinh vô bờ bến của đồng bào chiến sĩ miền Nam” (tr. 183).

          Tác giả , người phóng viên trẻ ấy đã sống sót trở về. Đó là sự thần kì của số phận. Mà cũng có thể là vì “niềm say mê sống, chiến đấu và viết” (tr.121) của người lính. Thế nhưng cuộc đời vẫn không suôn sẻ. Tháng 5/1981 bị cháy nhà “Tài sản khiêm tốn tích cóp trong gia đình bé mọn gần như không còn gì sau cơn hỏa hoạn”. Họa vô đơn chí, gia đình lại “mất cắp hai chiếc xe đạp” ( tr.370). Không hi sinh nơi bom đạn, nhưng lại bị tai nạn giao thông “cận kề cái chết”, phải mất hai tháng trời mới quay lại công việc, may mắn không bị mổ sọ não, có thể bị mất trí nhớ ( Phần Trước ngưỡng cửa cái chết, tr. 433). Tiếp đó là tai nạn nghề nghiệp kinh hoàng.

          Người chiến sĩ “đi qua cái chết” trong chiến tranh và hòa bình vẫn kiên cường, không gục ngã.

          Những bài viết của anh được đảm bảo bằng máu của người chiến sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng!

          Các phần tiếp theo của cuốn tự truyện cho bạn đọc biết về thời khắc chiến tranh và hòa bình, về thời bao cấp khó khăn giữa bao vây cấm vận, về vai trò của tác giả trong những năm đầu đổi mới báo chí, về tai nạn nghề nghiệp với phần 6 Vòng xoáy. Và phần cuối cùng là “Sống đến Bình minh” nói về việc trở lại bút danh Trần Mai Hạnh và những hoạt động báo chí của tác giả với tư cách Phó tổng biên tập tạp chí Phương Đông, tạp chí do Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng là Tổng biên tập.

          Toàn bộ cuốn sách được viết với tinh thần trung thực, tôn trọng lịch sử nhưng không nghiêng về  khách quan, khoa học  như tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1,2,3,4.75”, mà thấm đẫm cảm xúc văn chương và cái tôi của một nhà báo lớn, nhà văn lớn. Riêng phần 6 Vòng xoáy thì tác giả bình tĩnh trình bày sự việc một cách trung thực, khách quan, không bào chữa, không thanh minh. Chỉ một chi tiết khi thụ án, nhà báo Trần Mai Hạnh vẫn  tập trung soạn thảo bốn chuyên đề phục vụ các đợt sinh hoạt chính trị của trại ( 75 năm thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam,  30 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước,  60 năm nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại) cho thấy ý thức phục vụ của tác giả thật đáng khâm phục ( tr. 571).

          Chúng tôi đặc biệt chú ý tới quan niệm khi viết cuốn tiểu thuyết lịch sử “ Biên bản chiến tranh 1,2,3,4.75” của tác giả:

          “…với một cái nhìn khách quan, không thiên kiến, tôn trọng sự thật lịch sử, nhân văn trước số phận của những người ở phía bên kia, đảm bảo sự trung thực của ngòi bút trước các sự kiện, sự việc, tình tiết đã diễn ra” ( tr. 597). Điều đó người viết cũng quán triệt trong cuốn tự truyện này.

          Xin dẫn 2 chi tiết về sự tế nhị và nhân văn của tác giả Trần Mai Hạnh.

Ông (Đào Tùng- VN chú) đã ra đi, người liên quan đến  câu chuyện ông tâm sự với tôi tối hôm đó cũng đã ra đi. Tôi nghĩ tốt nhất hãy để  câu chuyện đó mãi lặng lẽ với ông ở thế giới bên kia…” ( tr. 427).

Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã chỉ thị những gì, GS. Nguyễn Huy Phan đã báo cáo những gì ngày ấy, thì có Chủ tịch nước Lê Đức Anh và GS. Phan biết. Giờ đây, Chủ tịch nước Lê Đức Anh và GS. Phan đều đã là người thiên cổ. Có rất nhiều chuyện, nhiều tình huống trong các chuyến  đi Mĩ mà GS. Phan đã kể tôi nghe. Nhưng 24 năm nay ông đã yên nghỉ. Tôi nghĩ tốt nhất hãy để những câu chuyện ấy yên nghỉ cùng ông” ( tr.458).

      Tác giả đã không quên những đồng chí, đồng đội đã cùng mình vào sinh ra tử. Cũng không quên một vài   bóng dáng người đẹp đã để lại kỉ niệm  lãng mạn, êm đềm; không quên hai vị thủ trưởng đáng kính Đào Tùng và Đỗ Phượng; không quên Luật sư Đặng Văn Luân tận tụy với thân chủ và công lí; không quên bác sĩ Thịnh, người cùng đi B, gây mê cho ca mổ; không quên GS.TS. bác sĩ tài năng Nguyễn Huy Phan với nhiệm vụ bí mật không thanh minh được với ai,...Và dù nói về “gia đình bé mọn” không nhiều, nhưng hình ảnh cha mẹ, hình ảnh các anh em ruột, hình  ảnh cô giáo, người vợ hiền thục Bùi Kim Anh và các con vẫn đủ  gây ấn tượng  tốt đẹp, ấm áp, thân thương.

          Có thể nói đây là một thành công, một đóng góp  vô cùng quan trọng của tác giả  Trần Mai Hạnh vào nền văn chương nước nhà với thể loại tự truyện, viết về số phận vinh quang, cay đắng nhưng có hậu  của một con người.

                                                

                                                    Hà Nội, 11 tháng 5 năm 2024.

Bài in trên Thời báo văn học nghệ thuật ngày 21/6/2024



         

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét