Thứ Ba, 9 tháng 7, 2024

Đường đời, đường thơ Bằng Việt

 Đường đời, đường thơ Bằng Việt

ANH CHI

anh_chi_1

              NHÀ THƠ ANH CHI


Trong các nhà thơ thế hệ kháng chiến chống Mỹ, Bằng Việt là thi sĩ hàng đầu.
Anh viết từ năm 1960, khi 19 tuổi. Năm 1964, đang là sinh viên ngành luật, tại Liên Xô (cũ), anh đã có những bài thơ được độc giả và giới quan tâm rất trọng thị. Bài Bêtôven và âm vang hai thế kỷ với cấu tứ bề thế, ngôn ngữ thơ giàu suy tưởng và có vẻ đẹp thật sang trọng. Tiếp đó là các bài Từ giã tuổi thơ, Trở lại trái tim mình, Về Nghệ An thăm con, Bếp lửa... giọng thơ tươi tắn hào hoa, tinh tế và đặc biệt có sức liên tưởng thật xa rộng, khiến đông đảo bạn đọc, nhất là giới sinh viên và những người trẻ tuổi rất yêu chuộng.

Năm 1968, Bằng Việt có phần Bếp lửa (in chung với
Lưu Quang Vũ trong tập Hương cây – Bếp lửa). Tập thơ vừa ra đời đã trở thành hiện
tượng văn học có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn chương đương thời. Ở đây,
chỉ nói riêng về Bằng Việt, giới quan tâm đã coi anh là một nhà thơ có phong cách
đặc sắc, hiểu biết sâu về thơ Việt truyền thống, thơ leo thang, thơ tự do không vần và
cả các hình thức mới lạ của thơ thế giới. Giáo sư Văn khoa Lê Đình Kỵ đã nhận định
về Bằng Việt:“Có một tâm hồn nhiều suy nghĩ và rung động tinh tế, một chủ nghĩa
trữ tình xao động, bồi hồi, khi đậm đà duyên dáng, khi âm vang sâu thẳm…”
Bằng Việt, tên thật là Nguyễn Việt Bằng nguyên quán xã Chàng Sơn, Thạch
Thất, Hà Nội, nhưng sinh năm 1941 tại Huế, do hồi ấy cha mẹ vào làm ăn sinh sống
ở đó. Năm 1961, anh được chọn đi du học tại Liên Xô (cũ); tốt nghiệp đại học Pháp
lý, về làm việc tại Viện Luật học từ năm 1965. Sau khi thành công trong nghệ thuật
thơ, Bằng Việt được điều chuyển về làm việc tại Hội Nhà văn Việt Nam năm 1969.
Như nhiều nhà văn thời kỳ đó luôn bám sát thực tế đời sống kháng chiến để sáng tác,
năm 1970 Bằng Việt đã xin gia nhập đoàn quân xung kích của tuyến đường vận tải
chiến lược 559, làm phóng viên tại chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên, Tây
Nguyên và Lào, Campuchia. Sau năm 1973, anh công tác tại NXB Tác phẩm mới…
Sau Bếp lửa, Bằng Việt đã xuất bản thêm một số tập thơ nữa: Những gương mặt -
những khoảng trời (1973), Đất sau mưa (1977), Khoảng cách giữa lời (1983)...
Những năm 80 thế kỷ XX, Bằng Việt có tạt qua lĩnh vực khác một chút, là viết một
số tập văn xuôi, biên khảo và đặc biệt là dịch nhiều thơ của các nhà thơ quốc tế. Ở
lĩnh vực này, anh cũng đạt được thành công rất đáng trân trọng. Nhiều bài thơ của
các nhà thơ lớn thế giới như Yannit Ritsos (Hy Lạp), Langston Hughes (Mỹ),
Federico Garcia Lorca (Tây Ban Nha), Pablo Neruda (Chi Lê), Nazim Hikmet (Thổ
Nhĩ Kỳ), Paul Eluard (Pháp), và các nhà thơ Nga như: Aleksandr Puskin, Mikhail
Lermantov, Olga Berggoltz, Sergey Esenin, Evgueni Evtushenko, Anna Akhmatova,
Rasul Gamzatov… Bằng Việt chuyển ngữ thơ họ sang tiếng Việt nhuần nhuyễn, hay
và mới lạ đến mức được nhiều độc giả chép vào sổ tay hoặc gửi cho nhau như món
quà tặng. Đơn cử bài Những người giống nhau, một bài thơ có phong cách siêu thực

2
(hồi ấy rất ít được quan tâm ở Việt Nam) P. Eluard viết năm 1932, qua bản dịch của
Bằng Việt người đọc ngợp trong xúc cảm đẹp lạ kỳ - cái đẹp long lanh của nước mắt:
“Anh đổi thay ý định anh rồi/ khi ấy em đi qua phố/ trong cơn lốc của mặt trời/ anh
gặp em và anh dừng lại/ Anh trẻ lắm - chắc em còn nhớ mãi…”. Mặc dầu vùi lấp
trong những khổ đau, tuyệt vọng, những câu thơ của P. Eluard qua Việt ngữ đã thấm
sâu vào lòng người đọc những ngọt ngào kỳ diệu:

Anh đổi thay ý định anh rồi
miệng em đã thành xa vắng
Em đang ngủ và anh đành im lặng
những ngọn lửa kinh hoàng trong đêm của riêng em
Giấc mộng của riêng em
cánh đồng sáng trong nước mắt
đôi ta không cùng buồn khổ như nhau
Anh quên em từ đấy…
Dịch thơ hiện đại thế giới hay xuất thần như thế, sáng tác những bài thơ với
cấu trúc bề thế và ngôn ngữ mới lạ mà vẫn đậm bản sắc Việt Nam như Trở lại trái
tim mình, Về Nghệ An thăm con, Bếp lửa, Bethoven âm vang hai thế kỷ, Nghĩ về
Paustovski… cho thấy rõ đẳng cấp thơ Bằng Việt thực sự lớn trong đời sống thơ ca
Việt Nam đương thời. Có lẽ do vậy mà trong Tuyển thơ trẻ Việt Nam (1964 – 1975)
do NXB Thanh niên cận vệ ấn hành tại Liên Xô (cũ), các dịch giả Xô Viết nổi tiếng
đã chọn dịch tới 34 bài thơ của anh. Cũng vì yêu thích thơ Bằng Việt, các dịch giả uy
tín nước Cộng hòa Gruzia (nước có tự dạng na ná như chữ viết của các nước vùng
Trung Đông) đã chọn dịch 30 bài thơ tiêu biểu của anh thành tập Những bài ca về
rừng cọ, NXB Nakaduly ấn hành năm 1983.
***

Tạt sang địa hạt khác một thời gian, rồi đột ngột, mùa thu năm 2000 Bằng Việt
cho in chùm thơ 7 bài thơ trên Tạp chí Nhà văn. Chùm thơ này cho thấy vẫn là sự
tiếp biến của hồn thơ Bằng Việt. Chẳng hạn, xưa kia anh viết (bài Bêtôven và âm
vang hai thế kỷ):

Em đừng mong khúc nhạc để vui tai
Đây là nhạc của châu Âu gầm thét
Tiếng kèn trận, người đi như nước xiết
Tiếng thác xô tung tóe bọt căm thù
Thơ ấy có sức liên tưởng sâu rộng, sức vang vọng mới lạ hơn người, nhưng có
cái gì đó còn chưa chan hòa với cuộc sống Việt Nam gian lao, cực nhọc đang vươn
lên trong công cuộc Đổi mới. Và, xưa kia anh viết (bài Trở lại trái tim mình):

Ở đây tôi bắt gặp hôm nay, tôi bắt gặp ngày qua
Tôi bắt gặp cả những ngày chưa tới
Trong những dáng người gặp vội
Đều chín muồi những dự định tương lai...
Thơ như thế có sức rung cảm người đang nhiều mộng ước, nhưng chưa khiến
người đọc cảm thông những gì đang có thực trong đời của họ, để khiến họ thấm thía
yêu thương cuộc đời mồ hôi nước mắt thường tình. Nêu chút nhận xét này, chúng tôi
muốn nói, có thứ thơ có thể rất hay trong thời của nó, và nó đẹp như là kỷ niệm trong
trẻo về một thời người Việt ta nhiều mộng tưởng đến mức hay giấu đi những khổ
nhọc, buồn đau. Nhưng tới đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, thơ Bằng

3
Việt công bố năm 2000 đã chứa đựng những giá trị mới hơn, chất chứa những buồn
vui, sướng khổ của đời, thiết thực hơn, sâu nặng hơn: Vết thương cũ dẫu lành/ Lời
hát còn đau tiếp.../ Thương sao là người hát/ Già đời còn thương vay... (bài Thương
lại một thời). Xưa kia thơ anh hay bởi những xúc cảm to tát, giờ thơ anh thật hay khi
viết về những điều sâu kín ngay trong cõi lòng mình, là cái hay tự tâm can, về nỗi
buồn trần đời (bài Lặng lẽ):
Lặng lẽ ngồi nghe cây biết nói
Cây thấm hồn đêm, tĩnh lặng buồn
Lặng lẽ chờ tan cơn buốt nhói
Nỗi nhớ dần xa như khói sương...
Sau chùm thơ trên Tạp chí Nhà văn, Bằng Việt cho xuất bản tập thơ Ném câu
thơ vào gió, gồm 45 bài, viết trên chặng đường thơ anh vừa đi qua. Một giọng thơ
mềm mại, có thể nói là mềm mại hơn thơ anh trước kia nhiều; và những tứ thơ sắc
sảo, sức suy tưởng thâm trầm hơn xưa. Ném câu thơ vào gió lập tức gây tiếng vang
trong đời sống văn chương. Bằng Việt lại được coi là một hiện tượng thơ, đến mức
có nhiều người quan tâm đã nói rằng, đó là một dấu mốc Bằng Việt quay lại với thơ.
Chúng tôi thì nghĩ, với cách riêng của mình, Bằng Việt vẫn đi trên đường thơ của
anh, chứ có bỏ đi đâu, mà quay lại. Hai thập niên cuối thế kỷ XX, cuộc sống xã hội
ta vập vào những thử thách gay gắt. Nhất là đầu những năm 80, ngay ở Hà Nội, cái
nghèo khó phơi ra trên phố xá hàng ngày. Những bộ quần áo bạc màu, chêm đầy
những miếng vá, những chiếc xe đạp hầu như tróc hết sơn, xích nhão kêu lạch xạch.
Cán bộ, công nhân viên Nhà nước xếp hàng dài trước các cửa hàng thực phẩm để
mua cho được từng lạng thịt, gói mỳ chính, những bánh đậu phụ rất bã... Do nghèo
khó, cuộc sống tinh thần bế tắc, con người bon chen nhau, cốt kiếm lợi cho mình.
Vậy nên đời sống tình cảm trở nên ốm yếu, méo mó, cái cao đẹp có nguy cơ bị vùi
dập trước những tha hóa đang lan tràn trong xã hội. Đương nhiên, một nhà thơ như
Bằng Việt đã phải nghĩ ngợi nhiều về thân phận của những trí thức nói chung và thi
nhân nói riêng. Đó là những người vốn được gọi là kẻ sĩ, hiểu biết sự đời hơn người,
nên cũng thật dễ bị tổn thương trước nỗi đời. Và Bằng Việt tài hoa, bay bổng xưa,
nay lại có những câu thơ hạ xuống nỗi day dứt, buồn thấm thía về sự mệt mỏi trong
đời sống thường nhật, cứ lặp đi lặp lại mãi ngay trên mặt đất này (bài Sự nhạy cảm
không có chỗ):

Những nhà thơ mau chóng già đi
Trước việc kiếm ăn vo tròn đều đặn
Cây xanh hóa thờ ơ giữa mặt trời mọc lặn
Tiếng chim chuyền trên phố cũng thờ ơ…
Vâng, đọc Sự nhạy cảm không có chỗ khiến người ta thấy cần nhận thức thêm,
thậm chí nhận thức lại những giá trị đời sống. Trường hợp bài thơ Tạm bợ, ngôn ngữ
thơ tinh giản, ý thơ thẳng thừng, gieo vào vào lòng người những day dứt khó chịu,
khiến người ta muốn bứt phá, để vượt ra khỏi sự trì trệ, mòn mỏi tầm thường: Cái
bàn gỗ tạp, cái ghế long chân/ Ý nghĩ và việc làm đều vá víu.../ Cái tạm bợ nối thành
một đời/ Cái tạm bợ đã thành vĩnh cửu!. Bài thơ này phần nào mang một nội dung
triết học, viết năm 1985, ngay trước ngưỡng cửa của công cuộc Đổi mới. Nó là sự bổ
sung cho thơ Bằng Việt có được tư tưởng, là bước đi thêm, là nấc cao hơn của phẩm
chất thơ anh. Chắc hẳn chính anh cũng ý thức rõ điều đó, nên mới nhìn nhận lại một
phần thơ thời trước (bài Lại nghĩ về thơ):

4

Hát suốt ba mươi năm điệu tâm hồn đã cũ
Bất quá chỉ như sự an ủi xuôi chiều
Lời an ủi dông dài cho những ai yếu đuối
Có thực hòa đồng với tuổi trẻ cần yêu?
Những năm Bằng Việt (cùng Lưu Quang Vũ) trở thành hiện tượng đặc sắc, trẻ
trung của thơ chống Mỹ, anh từng hay viết về những gì dường như đẹp hơn cuộc
sống thực. Chúng tôi xin nhấn mạnh, những câu thơ đẹp như lý tưởng ấy thực sự vẫn
là những câu thơ được biết bao người đương thời yêu chuộng. Chẳng hạn: Tôi đi
ngang những cuộc đời thường/ Biết ở đó chia nỗi lo nhân loại; hoặc: Anh nắm bàn
tay em khi nói đến tương lai/ Thành phố đang cơn mưa ướt đẫm trong tiếng hát… Đó
là thơ của người vẫn nghĩ rằng đường đời sẽ phải đầy thuận lợi, ẩn sau ngôn ngữ thơ
cất cánh, bay cao đến mê hoặc. Nhưng đến chặng đường thơ sau này, Bằng Việt tài
năng đã dần hạ xuống sát sườn cuộc sống thường tình với mọi buồn vui, sướng khổ
thường tình và một hy vọng thật về một thứ hạnh phúc chỉ có thể đạt tới khi phải tự
tay mình làm nên. Đó là một sự thay đổi khiến thơ cần thiết hơn cho đời sống thật, và
có thể nói, đó là sự đổi mới trong tư tưởng văn chương của nhà thơ hòa nhập với
công cuộc Đổi mới của đất nước. Xúc cảm thơ và trí tuệ thơ ở nhiều bài thơ trong tập
Ném câu thơ vào gió là thơ của một tài năng đã rất từng trải. Bài Đọc lại Nguyễn Du
thể hiện rõ cái tôi trữ tình đã thấm đẫm nỗi đau đời và cũng thật lịch lãm của anh.
Đọc Nguyễn Du, là phải đọc câu “Nhất sinh từ phú tri vô ích/ Mãn giá cầm thư đồ tự
ngu” (Một đời chuyên từ phú, biết rằng vô ích/ Đàn sách đầy giá chỉ tự mình làm
ngu mình). Đọc câu ấy, để rồi anh viết về mình: Quá khuya, chợt thấy mình già/ Nhìn
ra cửa sổ, mưa sa kín trời. Và đâu phải chỉ viết về cá nhân mình, mà là viết về
trường đời, trong đó có số phận thi nhân:
Áo cơm se sắt mái đầu
Thương nhau mà giận, ngó nhau mà buồn,
Rạc dài chút phận văn chương
Cao sang nhòe lẫn tầm thường... ngẩn ngơ...
Những năm cuối thế kỷ XX, trong đời sống thơ Việt Nam hiện đại có không ít
nhà thơ trẻ và cả một số nhà thơ không còn trẻ nữa, bắt đầu làm cuộc đổi mới thơ.
Phần lớn trong số họ theo xu hướng săn tìm hình thức mới cho ngôn ngữ thơ. Có
những nhà thơ núp dưới chiêu bài “cách tân” và “tự do sáng tác” nhưng thực chất là
rỗng tuếch và buông tuồng phô bày trước người đọc thứ thơ xa lạ, kệch cỡm. Là
người thực sự đổi đổi mới thơ, nhưng là đổi mới nội dung, tư tưởng thơ, để cái tôi trữ
tình của mình thật sâu và mạnh mẽ, nên thơ Bằng Việt luôn có sự liên hệ giữa quá
khứ và hiện tại, giữa trong nước và quốc tế, giữa hòa bình và chiến tranh. Khi thiên
hạ xao xác về sự đổ vỡ và thay đổi bởi sự kiện tan rã ở Liên Xô, cái tôi trữ tình trong
thơ Bằng Việt thật sâu xa, bình tĩnh và độ lượng: Thôi, hãy khoan ngậm ngùi/ những
gì chưa dễ có! Thôi, hãy khoan ruồng bỏ/ Những gì chưa dễ qua! (bài Thôi hãy
khoan). Có đận nhân loại suy đoán, lo nghĩ viễn vông về sự tồn tại cá thể trước ngày
tận thế, cái tôi trữ tình của Bằng Việt điềm đạm và tự tin đến quyết đoán: Tận thế - là
khi nhân tính không còn…/ Là sự băng hoại chính mình khi thui chột lương tâm! (bài
Biến tấu ngày tận thế). Và nữa, cái tôi trữ tình trong thơ Bằng Việt vừa lịch duyệt
vừa thấm đượm phong vị Việt truyền thống (bài Bánh chưng, bánh dày):

Thế giới không theo ý nghĩ của bà,
Trời đất vuông tròn chỉ có trong cổ tích

5

Thế giới đầy đối nghịch
Trái đất đầy đạn bom…
Tôi vẫn yêu bánh dày, bánh chưng
Nhưng để lại sau lưng lòng tin nguyên thủy!

***

Cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, Bằng Việt đi trên đường đời, đường thơ đã
nhìn thế giới con người từ nhiều chiều kích, nhiều bình diện mà xưa trước anh chưa
thể nhìn nhận. Vậy nên thơ Bằng Việt giờ đây còn có thêm một chút Thiền, như
trong bài Vườn Nhật Bản; lại có thêm giọng trào lộng bản thân, như những câu thơ
trong các bài Ném câu thơ vào gió, Thương lại một đời, và cả bài thơ tình Lục bát
cầu may. Bài Vườn Nhật Bản, những câu thơ tinh tế, mô tả một khu vườn đá ở Kyoto
- cố đô Nhật. Anh bày tỏ nỗi lòng mình khi đi vào ma trận của đá. Đá thì ngồi thiền,
rêu lặng lẽ nhập thế và xuất thế, cuội như sóng vô cùng vô tận. Còn lòng người, đã
bỏ được hết tham, sân, si ở ngoài cổng vườn rồi... Ý thơ siêu thoát, hơi thơ trong
trẻo, không gian thơ mênh mang: Cỏ hữu hạn xanh veo cùng bất tử/ Lòng hoàn
nguyên rửa sạch với thinh không! Trường hợp bài thơ Ngày đã đứng trưa, lòng tự tin
trước cuộc đời của nhà thơ thể hiện bằng sự tự diễu mình qua những câu chữ tưng
tửng, mà day dứt, sơ kết một chặng đời:
Đã đứng rồi ư? Sao ngày ngắn vậy
Nghĩ chưa xong, thời khắc điểm xong rồi!
Đã chín rồi ư? Sao đời ngắn vậy
Quay lại nhìn, bao việc vẫn buông xuôi...
Giữa những khe chữ ấy vẫn là canh cánh nỗi đời, và cũng thăm thẳm lòng yêu
thương cuộc đời: Trưa đang đứng, còn đời mình đang chín/ Giọt nắng vàng như mật
sáng rưng rưng... Bút lực của thi sĩ mạnh hay yếu chính là khả năng truyền cho
người đọc nhiều hay ít những tri thức về cuộc sống cùng tình thương yêu con người
sâu hay nông. Bút lực của Bằng Việt đang dồi dào lắm. Qua bài Ném câu thơ vào
gió, thấy rõ điều đó. Anh mở đầu bài thơ như sự vung bút nhanh và khoáng đạt lạ
thường:

Ném một câu thơ vào gió thổi
Lời bay đi, tôi nhớ lại đời mình
Cuộc đời riêng của nhà thơ, nhưng mang cái chung của nhiều người cùng thế
hệ, có chút nực cười thời trẻ chưa hết tung tăng đã muốn bạc đầu; lại có cả nỗi đam
mê một thời trang trọng/ lo nỗi lo khuôn thước của muôn nhà. Bằng Việt nói về cuộc
sống của cả một thời bằng ngôn ngữ thơ nhẹ nhõm, phóng túng. Qua sự đánh giá
cuộc đời riêng mình, anh thấy nó chứa cái chung của bao cuộc đời cùng trang lứa với
những giá trị tự nhiên, đẹp đẽ, những câu thơ thổn thức và trang trọng:

Nay lại ném câu thơ vào gió thổi
Tin, không tin... vẫn còn lại riêng mình,
Còn lại tấm lòng mong manh dễ vỡ
Cát đã ra lò, nay hóa thủy tinh.
Lối vung bút khoáng đạt, xuất thần ấy không chỉ có trong bài Ném câu thơ vào
gió, có thể thấy nhiều câu thơ như thế ở các bài Em và tôi, Rồi sẽ tới, Lục bát cầu
may... Đọc Lục bát cầu may, ta thấy một hồn thơ phập phồng trong tình ái, có ái ngại
và cũng bồn chồn hy vọng của thi sĩ đã tới tuổi lục tuần: Biết đâu say đắm vẫn còn/
Thoảng cơn gió lạ nắng dồn sang mưa.../ Biết đâu sau lớp tro vùi/ Ngón tay em có

6
phép cời lửa lên. Đằng sau những biết đâu ấy là nỗi lòng yêu đương đến phấp phỏng,
lo âu. Đích thực đó là thơ có nhựa sống, có hồn yêu, máu yêu. Nhiều thập kỷ qua,
thơ tình của ta ít đi sâu vào nỗi lo sợ thành, bại của người đem lòng yêu khi bước vào
cuộc yêu. Bài thơ này của Bằng Việt, âu lo đến mức muốn toại nguyện thì phải cầu
may, phải nhờ trời, thậm chí phải phiêu lưu bất chấp mọi rủi ro số phận:

Nếu làm mây, cứ như mây
Một mai tan xuống đất này, được không?
Nếu em là kiếp bềnh bồng
Thì tôi vĩnh viễn phải lòng phù du...
Là một nhà thơ sớm có thành tựu trong thơ tình hơn ba mươi năm trước, thời
viết Bếp lửa với những bài như Tình yêu và báo động, Nghĩ lại về Pauxtopxky,
Những đoạn thơ tình giữa hai cuộc chiến tranh... Nhưng chúng tôi nghĩ, đến chặng
đường thơ này Bằng Việt mới có thơ tình ái đích thực. Mỗi bài thơ tình của anh đều
có xúc cảm mạnh và ý tứ thật đằm thắm. Chẳng hạn bài Em và tôi, là thơ tình của
người từng trải lắm rồi, nhưng may sao, sự từng trải vẫn nhường bước cho niềm say
đắm, nồng nàn:

Em có nét buồn sâu như ngọn gió
Thổi lang thang qua năm tháng hao gầy,
Tôi có chút buồn xa như vạt cỏ
Khuất chìm trong cát bỏng đến chân mây
Trong xúc cảm đắm say, thơ Bằng Việt tỏ rõ cái mạnh riêng là sức liên tưởng
lớn, khiến không gian tình yêu mở ra thật xa rộng mà đầy mỹ cảm. Lúc sáng tác bài
thơ này, tài thơ cộng thêm sự thăng hoa vụt đến, nhà thơ đã cảm nhận ái tình dài lâu
từ cõi sống thường tình sang cả cõi khác thường, to lớn và biến ảo như thiên nhiên:

Khi quay lại nhìn nhau trong khoảnh khắc
Gió qua truông thương cỏ cháy ven trời
Chỉ em biết, cỏ rồi xanh mút mắt
Chỉ một mình em biết - cỏ là tôi!
Trên đường thơ cuối thế kỷ XX và bước sang thế kỷ XXI của Bằng Việt, ta
thấy những quan tâm thật sâu của nhà thơ tới cuộc sống với thật nhiều suy ngẫm, lo
âu, và anh cũng yêu cuộc sống không mấy dễ dàng này thật chân thành, da diết. Anh
vẫn đang đi trên con đường của số phận mình. Trên con đường ấy, có lúc thảng thốt:
Đời đột biến mà thơ đi quá chậm. Có khi trước dòng đời chảy xiết, thốt lên một lời
than và hạ giọng xuống, những câu chữ như một tiếng thở dài: Nhanh quá thế, mà
cũng buồn quá thế/ Chớp mắt xong, là đã một đời người. Và nhiều khi, một mình về
giữa khu rừng sim mua rộng lớn anh từng gắn bó thời niên thiếu, Bằng Việt lại thấy
tự tin, nên nhận biết được cái đẹp vừa nhẹ nhõm vừa sâu xa về lẽ mất và được, không
và có trong cuộc đời này:

Có gì run rẩy tinh sương
Ru ta tới lẽ vô thường nhẹ không...
Tất cả những sắc thái, những cung bậc cuộc sống, những buồn vui, sướng khổ
trong đời, lọc qua tâm hồn Bằng Việt, thành thơ. Có thể nói, ngay khi bước vào làng
thơ Việt Nam hiện đại, nhà thơ này đã thể hiện một bản lĩnh thơ đằm sâu, một chủ
nghĩa trữ tình xao động, bồi hồi, khi đậm đà duyên dáng, khi âm vang sâu thẳm -
như cách nói của giáo sư Lê Đình Kỵ. Rồi con đường thơ cuốn hút anh. Bằng Việt
dấn thân, và anh đã tạo cho mình một tư thế thơ thật đẹp trong đời sống thơ ca Việt

7
Nam đương đại. Có điều rất lạ, dường như sang thế kỷ XXI Bằng Việt viết khỏe hơn
trước, liên tiếp cho xuất bản các tập thơ: Ném câu thơ vào gió (2001), Thơ trữ tình
(2002), Nheo mắt nhìn thế giới (2008), Oẳn tù tì (2016), Hoa tường vi (thơ chọn,
2018), Tuyển thơ 1986 – 2016 (2020). Sau tập tuyển thơ 30 năm thời kỳ Đổi mới như
để nhìn lại đường đời đường thơ của mình, Bằng Việt lại làm tiếp bổn phận của một
nhà thơ đối với đời sống thơ ca Việt Nam, là đưa thơ mình viết về đất nước, dân tộc
mình hội nhập với đời sống thơ ca thế giới. Chúng tôi viết là “ Bằng Việt lại làm tiếp
bổn phận…” bởi anh đã có cuộc hội nhập thơ ca với quốc tế lần đầu khi tuyển tập
Thơ trẻ Việt Nam (1964 – 1975) do NXB Thanh niên cận vệ ấn hành tại Liên Xô (cũ)
in tới 34 bài thơ của anh, và tập thơ Những bài ca về rừng cọ do NXB Nakaduly của
nước Cộng hòa Gruzia xuất bản năm 1983 mà chúng tôi đã nói ở phần trên. Hiện
tượng thơ Bằng Việt hội nhập với thơ ca thế giới lần này, đã khiến chúng tôi nghĩ
đến một trường hợp hi hữu trong lịch sử văn chương nước Việt ta, hồi đầu thế kỷ
XVIII: Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ mà Vũ Khâm Lân ca ngợi là
“thiên cổ kỳ bút” không phải do người ngoại quốc chuyển ngữ, mà học giả Nguyễn
Thế Nghi dịch sang chữ Nôm (nhan đề Tân biên Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm
tạp chú). Tác phẩm này được lưu truyền khá sâu rộng ra quốc tế, bản khắc in những
năm 1714, 1737, 1763, 1775 hiện còn được lưu giữ tại thư viện một số nước như
Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc. Còn Bằng Việt hôm nay thì tự dịch tuyển tập thơ Cầu
ngói của mình ra Pháp ngữ (Le pont au toit de tuiles), gồm 72 bài thơ, đã được
Joseph Ouaknine xuất bản tại Pháp tháng 2/2023. Buổi họp báo giới thiệu ra sách tại
Paris hôm 2/4/2023 của nhà xuất bản do họa sĩ nổi tiếng Dominique de Miscault chủ
trì khá thành công, và ngay sau đó tập thơ được phát hành trên mạng Amazon quốc
tế là mạng bán sách có uy tín lớn ở các nước phương Tây…
Để khép lại bài tiểu luận về thơ Bằng Việt, chúng tôi chỉ muốn viết thêm một
câu thôi: Qua mạng Amazon quốc tế, tập thơ Le pont au toit de tuiles đang tỏa đi
rộng khắp để hội nhập với thơ ca nhân loại; còn Bằng Việt, anh lại tiếp tục dấn bước
trên đường đời, đường thơ của mình!

Thanh Am, tháng 12/2023.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét