HIỂU THÊM TRUYỀN THỐNG
ĐỂ VỮNG BƯỚC TỚI TƯƠNG LAI
(Đọc ”Lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội” -
Trần Văn Mỹ (chủ biên), NXB Hà Nội, 2023)
NGUYỄN THỊ THIỆN
NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ THIỆN
Nhà văn Trần Văn Mỹ (sinh 1948 - Hà Nội) có ý tưởng và mơ ước viết cuốn sách “Lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội” - từ rất lâu. Điều ấp ủ ấy nhà văn đã tâm sự với các hội viên và được mọi người khích lệ, hưởng ứng. Nhân chuyến đi thực tế điền dã của Hội VNDG Hà Nội vào Tây Nguyên vào tháng 5/2023 vừa qua, các anh chị em mới có điều kiện tập trung đông nhất để trao đổi, bàn bạc kỹ về chủ đề, đề cương và mục đích mà cuốn sách hướng tới. Và thế là sách ”Lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội” của nhiều tác giả do nhà văn Trần Văn Mỹ chủ biên gồm 332 trang khổ 16 x 24 cm được NXB Hà Nội ấn hành tháng8 năm 2023. Tác phẩm là công trình nghiên cứu rất đáng trân trọng của tập thể hội viên Hội Văn nghệ Dân gian (VNDG) Hà Nội.
Sách được ra đời đến với bạn đọc là sự hội tụ sức mạnh tập thể; là kết quả công sức, trí tuệ và tình cảm của những con người thiết tha yêu Hà Nội, hiểu sâu sắc và trân trọng văn hóa, phong tục, tập quán cổ truyền của ông cha suốt bao đời nay.
Với mỗi hội viên VNDG, những nguồn thông tin, tư liệu đã được tích lũy, nạp sẵn trong nhận thức từ trước, giờ đây có người khởi xướng, như nước nguồn được khơi trúng mạch, ngay lập tức biến thành dòng chảy cảm hứng mạnh mẽ. Suốt nửa năm vừa qua, nhất là từ sau hôm đi Tây Nguyên trở về, các hội viên bắt tay vào việc sưu tầm thêm tư liệu và viết ngay. Cùng viết về một đề tài chung nhưng ai cũng hào hứng. Mỗi khi viết xong một bài, anh chị em lại chia sẻ niềm vui sáng tạo với nhau rồi gửi ngay tới tác giả chủ biên. Cứ như vậy, những cuộc điện thoại và email trao đi đổi lại rộn ràng, náo nức. Chưa bao giờ tôi thấy trong Hội VNDG Hà Nội, mọi người lại có sự trao đổi, chia sẻ thông tin về chuyên môn nghiệp vụ sôi nổi, vui vẻ, hứng khởi như thế. Các hội viên có bài đăng trong ấn phẩm này có người tuổi đã cao như cụ Lê Trung Vũ (93 tuổi), Cụ Kiều Thu Hoạch (90 tuổi); có hội viên còn rất trẻ tuổi đời và tuổi hội viên như Lê Việt Liên, Lê Thị Phượng… Rất khâm phục cựu nhà giáo Giang Văn Hồi góp mặt tới 13 bài viết. Nhà văn Trần Văn Mỹ đóng góp 12 bài. Đáng trân quý là nhà giáo Đặng Thiêm, tuổi chạm cửu thập vẫn đóng góp tới 8 bài. Tuy bận rất nhiều công việc nhưng cả Chủ tịch Hội Trần Thị An và Phó chủ tịch Hội Nguyễn Thị Kim Oanh đều góp sức với những bài viết chất lượng. Thật hiếm khi anh em trong Hội lại được sống vui vẻ trong bầu không khí làm việc tập thể, coi trọng văn hóa truyền thống, tràn đầy tinh thần sáng tạo, lan tỏa năng lượng tích cực cho nhau như thế. Việc viết bài để cuốn sách được ra đời quả là nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Các bài trong “Lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội” giúp người đọc hiểu rõ hơn về vùng đất Kinh thành Thăng Long xưa - Hà Nội ngày nay “được hình thành bởi bao lớp trầm tích văn hóa và lịch sử. Muốn hiểu rõ, cần phải bóc tách các lớp lịch sử văn hóa qua phù sa thời gian nghìn năm tích tụ và phải có cách nhìn đa chiều” (Lời bạt, Trần Thị An, trang 320). Đọc bài viết của 45 tác giả, chúng ta hiểu được rất nhiều thông tin, tư liệu thú vị. Chẳng hạn: Tháng Giêng có nhiều lễ hội nhất trong năm và cũng có nhiều tác giả viết bài nhất (tới 42 bài), kế đó là tháng Hai (21 bài), tháng Ba (11 bài)… Không có lễ hội làng ở thời điểm năm cùng tháng tận là tháng Chạp, tất nhiên không có bài viết.
Qua 111 bài viết của 45 tác giả, bạn đọc hiểu thêm những phong tục cổ xưa, có những phong tục đã mất và sắp mất nếu như chúng ta ngay từ bây giờ không có biện pháp bảo tồn và lưu giữ. Nhờ các tác giả mà bạn đọc được biết đến: Phong tục rước ngựa Gióng thôn Phù Mã, xã Phù Linh; Tục dâng hoa tre trong lễ hội đền Sóc, tục rước voi nan thôn Dược Tượng, xã Tiến Dược (Giang văn Hồi), biết được lễ dâng Xôi cây làng Tây Mỗ (Văn Hậu); tục chém lợn ở làng La Phù - dư âm lễ hiến tế của người Việt cổ (Trịnh Sinh); Hội đánh cá thờ ở Đền Và (Nguyễn Hữu Thức); lễ “Quả sơn, ngà vạch cắt may/ Thước, kim, vải, kéo, lụa khay lễ Bà” ở đình làng lụa Vạn Phúc (Nguyễn Thị Kim Oanh); Lễ chay dâng Thái Sư Trịnh Kiểm tại Lễ hội đền Lê (Nguyễn Thị Thiện)… Thú vị nhất là lịch sử và nghi thức Tiệc bánh trôi ở Đền Hát Môn: Mồng 8 tháng Ba là ngày Hai Bà Trưng mất, khi mở hội, ngoài việc cúng tế và diễn các trò vui dân giã còn có lễ tục đặc biệt dâng cúng bánh trôi, gợi nhớ về một thuở Lạc Hùng, Lạc Việt xưa. Theo lệ phải đủ 100 viên. Tế lễ xong, 49 viên đặt trong bông hoa sen, đem thả trôi ra sông Hát, cho xuôi về biển Đông (nên gọi là bánh trôi). Trước ngày dâng bánh vào Đền, dân làng không được phép ăn bánh (ở vùng đây dân gọi bánh tù tì). Sở dĩ có bánh trôi bởi tích xưa: “Tục truyền rằng đúng ngày này năm xưa, khi Hai Bà thua trận ở Cẩm Khê về, có một bà lão trong làng làm bánh tù tì dâng tiến”. Tại ngôi đền hiện nay vẫn có ban thờ bà bán bánh… Tiệc bánh trôi còn gắn với huyền tích bà Âu Cơ sinh 100 trứng. Sở dĩ thả 49 viên bánh trôi là có ý nói trong số 50 người con theo Lạc Long Quân xuống biển, có một người ở lại đất Phong Châu làm vua, chính là Vua Hùng vương thứ nhất (Theo Kiều Thu Hoạch).
Không chỉ phong phú về nội dung, sách còn đẹp về hình thức. Bìa sách do họa sĩ Trọng Kiên, con một hội viên làm giúp. Một số hình ảnh minh họa được các tác giả lựa chọn phù hợp, màu sắc hấp dẫn. Quan trọng hơn, trong sách còn có bao nhiêu câu chuyện, sự tích thú vị khác của các tác giả. Đúng như trong Lời mở đầu, nhà văn Trần Văn Mỹ viết: Trong sách có nhiều bài đi sâu sưu tầm những Lễ vật đã mất hoặc sắp mất. Cụ Đặng Thiêm nói về tế thần bằng gà chọi ở làng Vân Đình, đã mất từ đầu triều Nguyễn, cách nay hơn 200 năm. Theo lời kể của cụ Hữu Hoa (1883 - 1961), cụ đã ghi lại được một lễ vật mang tính triết lý Phương Đông rất độc đáo. Hoặc như ở làng Bẽ, Đông Anh, có tục trồng cà bát dâng Thánh Gióng vào đầu tháng Tư là nhớ tích xưa khi cậu bé làng Gióng, huyện Gia Lâm ăn hết “Bảy nong cơm ba nong cà/ Uống một ngụm nước cạn và khúc sông”, người làng Bẽ đã đem cơm cà để cậu ăn. Nhớ người đã giúp đỡ thuở còn hàn vi, từ xưa và đến tận bây giờ mỗi khi giáng trần vào đầu tháng Tư âm lịch, ngài đều bay qua làng Bẽ để trả ơn dân làng. Khi đó trời đều nổi sấm sét và có mưa giông tưới tắm cho cây cối xanh tốt, người - vật được ấm no. Người dân làng Bẽ gọi đấy là “Bão Thánh Gióng hái cà”. Việc sưu tầm rất công phu của nhà giáo Giang Văn Hồi, đã làm sống lại một tục đẹp đậm tính nhân văn mà giờ đây đã không còn nữa...
Một điều rất trân trọng ở ấn phẩm này là: tuy tác giả viết sách nhiều người là Giáo sư, Phó giáo sư - Tiến sỹ, kiến thức uyên bác nhưng tất cả các bài viết không ai có ý định khoe vốn kiến thức của mình, tất cả các bài được trình bày dung dị, dễ hiểu, mang đậm sắc thái dân gian, đều hướng tới giúp bạn đọc dễ tiếp nhận bản sắc văn hóa, mỹ tục truyền thống ở nhiều làng xã, nhiều vùng miền của đất Thăng Long - Hà Nội.
Hiểu thêm về lễ vật dâng thánh trong các lễ hội xưa và những trầm tích lịch sử của Thăng Long, chúng ta càng có ý thức giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống để vững tin bước đi tới tương lai trong công cuộc hội nhập quốc tế, giữ gìn bản sắc dân tộc nhằm xây dựng Hà Nội văn minh, xây dựng đất nước Việt Nam phát triển hùng cường.
Hà Nội - Mùa Thu 2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét