ĐỒNG LỘC: KÝ ỨC VÀ HIỆN TẠI
Ký sự
BÙI QUANG THANH
NHÀ THƠ BÙI QUANG THANH
40 năm trước, vào những ngày tháng này, “toạ độ lửa”
Đồng Lộc rền vang bom đạn, mịt mù khói lửa, máu và nước
mắt chan chứa mảnh đất Trọ Voi. Cũng những tháng ngày
này, bao người con ưu tú của đất nước hội tụ về đây chiến
đấu và lao động, quyết tử để bảo vệ con đuờng huyết mạch ra
tiền tuyến. Trong ngàn vạn người con ưu tú đó có một người
tiêu biểu nhất cho lòng dũng cảm, đức hy sinh, trí thông
minh sáng tạo, đã tự mình khoá mõm gần 500 quả bom và
huấn luyện, hướng dẫn đồng đội rà phá ngót ngàn quả bom
nổ chậm, bom từ trường của giặc Mỹ, góp phần giảm thiểu
mồ hôi và máu cho đồng đội, mở đường thông tuyến tiếp sức
tiền phương. Đó là Dũng sĩ phá bom - Anh hùng Lực lượng
vũ trang Vương Đình Nhỏ!
Anh hùng Vương Đình Nhỏ đã vĩnh biệt chúng ta 18
năm rồi mà chiến công hiển hách của anh vẫn trường tồn mãi
mãi với sự tích Ngã ba Đồng Lộc. Nhưng, mấy ai biết gánh
nặng cuộc đời gia đình người Anh hùng ấy lại đè nặng lên
vai người bạn đường chung thuỷ và những đứa con.
Phần một
HUYỀN THOẠI “VUA PHÁ BOM”
Người tung hứng thần chết
Trên bước đường công tác của mình, tôi đã có 15 năm
làm việc ở Công ty xây dựng đường 4 của Hà Tĩnh. Công
ty này vốn là tập hợp những đơn vị đã từng chốt giữ ngã
ba Đồng Lộc, ngã ba Linh Cảm, bến Tam Soa và các trọng
điểm trên đường quốc lộ 1A, tỉnh lộ 15, quốc lộ 21, quốc lộ
8A... trong thời đánh Mỹ nên có rất nhiều người nổi tiếng
như La Thị Tám - cặp mắt thần đếm bom, Uông Xuân Lý
- Dũng sĩ lái máy ủi gạt bom nổ chậm, Vương Đình Nhỏ
với biệt danh “Vua phá bom”... và rất nhiều đồng đội của
họ, của 10 cô gái thanh niên xung phong trong Tiểu đội
Võ Thị Tần... Về Hà Tĩnh hồi đó, đi đâu cũng gặp anh
hùng thật sự, tôi tự hào khi được sống giữa những con
người chân thành, tình cảm, giàu cống hiến hy sinh ấy.
Những chiến công của họ cứ như huyền thoại xửa xưa. Họ
hồn nhiên kể lại cho nhau những kỷ niệm “chết người”
mà cười tràn “như nghé”. Tôi nghe kể nhiều về Vương
Đình Nhỏ - một dũng sĩ nổi tiếng bởi chiến công, cũng nổi
tiếng vì bình dị và khiêm nhường. Sau này tôi vỡ nhẽ ra,
sự nổi tiếng ấy “nhờ” cả việc anh không được phong Anh
hùng mặc dầu anh là người xứng đáng nhất được nhận
danh hiệu ấy ở chiến trường Đồng Lộc và cả trên toàn
tuyến giao thông Hà Tĩnh thời đánh Mỹ.
Khác với các Anh hùng ở Đồng Lộc như La Thị Tám,
Nguyễn Tri Ân và Nguyễn Tiến Tuẫn, mọi việc đến với
họ khá suôn sẻ; cả anh Vương Đình Nhỏ và anh Uông
Xuân Lý đều bị những định kiến hoặc mặc cảm thời đó
ngăn cản. Anh Lý, sau 3 lần thắt khăn quàng đỏ, làm lễ
truy điệu sống để trèo lên buồng lái đưa chiếc máy ủi
ĐT54 ra ủi gạt những quả bom nổ chậm khỏi tim đường,
một cô gái thầm yêu trộm nhớ anh đã không nén được
sung sướng khi thấy anh sống trở về và họ ngồi bên nhau
trong một chiều hoàng hôn vừa đổ bóng. Đáp lại câu hỏi:
răng anh gan rứa của cô, Uông Xuân Lý cười: vì anh yêu
em. Vậy mà một cán bộ phụ trách bằng cách nào đó lọt
được vào tai câu “nịnh gái” rất nhân văn ấy đã cho rằng
hành động dũng cảm của anh là vì... gái, nhất quyết cản
trở việc anh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực
lượng vũ trang. Trong một lần tôi và anh được đơn vị cử
đi công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi xin đi
nhờ một chiếc xe tải chở xi măng vô Nha Trang và hai anh
em trải chiếu nằm trên 8 tấn xi măng Bỉm Sơn nóng rực,
tôi hỏi anh: “Lúc lưỡi máy ủi sờ đúng trái bom, anh có sợ
không?”, anh thật thà: “Sợ chứ! Tóc mình như dựng lên
sau gáy”. Từ câu chuyện đó tôi đã làm bài thơ “Đối mặt
với tử thần” tặng anh:
Khi chiếc lưỡi máy ủi cà vào vỏ quả bom nổ chậm
Tiếng rít rên như cánh cửa tử thần
Những lọn tóc sau gáy anh đội mồ hôi đứng dậy
Chân ga chùng, tay số bỗng phân vân
Nắng Đồng Lộc đỏ
Trời Đồng Lộc trong
Nước mắt mặn trên môi đồng đội
Có trái tim người con gái
Thắt nghẽn phía sau anh
Đồng Lộc
Nghìn tấn bom dội trên lưng
Nghìn tấm lưng thịt xương giữ con đường huyết mạch
Trời có thể nghiêng trong tiếng bom
Xe không thể một giờ ùn tắc!
Mặc nỗi sợ dựng lên từng lọn tóc
“Nó” đây rồi! Bánh xích cứ trườn lên
…
Vậy đó, là con người ai chẳng sợ chết. Anh Uông Xuân
Lý có 5 lần đeo khăn đỏ “Quyết tử” và làm lễ truy điệu
sống để leo lên chiếc máy ủi đi gạt bom nổ chậm. Còn anh
Vương Đình Nhỏ đã có cả ngàn lần đối mặt với đủ loại
bom giặc Mỹ để vô hiệu chúng.
Chuyện riêng của Vương Đình Nhỏ cũng có nhiều
trắc trở: vốn đã có vợ và 2 con tại quê Kỳ Thịnh, Kỳ Anh.
Trong lúc Vương đi bộ đội, lăn lộn từ thời đánh Pháp tới
thời đánh Mỹ, chị vợ ở nhà đã tụt tạt với người đàn ông
khác. Vương Đình Nhỏ đau đớn và ê chề, quyết định ly
dị vợ và họ chia tay nhau. Với thành tích cống hiến ở mặt
trận đảm bảo giao thông trên Ngã ba Đồng Lộc, Ngã ba
Linh Cảm trong thời gian chống chiến tranh phá hoại của
giặc Mỹ, Vương Đình Nhỏ được đơn vị suy tôn lên cấp
trên để khen thưởng. Tuy nhiên khi anh đã làm xong các
thủ tục để đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực
lượng vũ trang thì cấp trên ra điều kiện anh phải tái hợp
với người vợ cũ. Nhất quyết không quay về với người đàn
bà bạc tình ấy, Vương Đình Nhỏ phải chấp nhận gác lại
vinh quang đó suốt... 38 năm trời, khi anh đã trở thành
người thiên cổ từ 18 năm trước, danh hiệu đó mới được
truy phong.
Trở lại với thời kỳ oanh liệt trên mặt trận đảm bảo
giao thông của Dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ, khi
giặc Mỹ dùng thủ đoạn “ném bom hạn chế” trên miền
Bắc, chúng dừng oanh tạc từ vĩ tuyến 20 trở ra nhưng tập
trung toàn lực vào việc hủy diệt khúc eo thắt miền Trung,
từ cầu Bùng - Nghệ An trở vào. Rêu rao “hạn chế” là để
đánh lừa dư luận quốc tế và nhân dân Mỹ đang quyết liệt
phản chiến. Thực chất ở đây là hạn chế bề rộng của mặt
bằng oanh tạc để tập trung vào yết hầu của đối phương -
vừa hiệu quả về ngăn chặn vừa dễ dàng tiêu diệt mục tiêu
trong tọa độ hẹp. Ngã ba Đồng Lộc, với nhiều yếu tố về
địa hình, địa lý, thời tiết... trở thành quyết chiến điểm của
cả ta và địch. Trong vòng 7 tháng, từ tháng 4 đến tháng
10 năm 1968, giặc Mỹ đã ném xuống Đồng Lộc 43.000 quả
bom các loại, chưa kể rốc két và đạn 20 ly. Bình quân mỗi
tháng chúng đánh 28 ngày đêm với hàng trăm lần và trên
800 quả bom các loại, trong đó có nhiều bom nổ chậm,
bom từ trường rình rập từng bánh xe lăn. Lực lượng đảm
bảo giao thông Hà Tĩnh đã huy động toàn lực cùng bộ đội
cao xạ, công binh, thanh niên xung phong lên Đồng Lộc
sống mái với quân thù, giữ con đường huyết mạch. Có lúc
16.000 người được điều động lên đây để rà phá bom nổ
chậm, san lấp hố bom. Vương Đình Nhỏ được giao nhiệm
vụ Đội trưởng Đội phá bom “cảm tử”.
Vốn là một quân nhân đã chiến đấu và phục vụ trong
quân đội từ thời đánh Pháp và được đào tạo chuyên ngành
công binh trong những năm hòa bình, khi được điều về
trực tiếp làm nhiệm vụ rà phá bom mìn ở Tổng đội vượt
sông 57, Vương Đình Nhỏ là một kho kinh nghiệm quý
báu của mặt trận. Nhiệm vụ của “Đội cảm tử” là phải loại
bỏ bằng được những quả bom Mỹ trên toàn tuyến Đồng
Lộc và vùng phụ cận cho các đơn vị khác thông đường.
Dù ngày hay đêm, mưa hay nắng, hễ còn một quả bom sót
lại thì anh và đồng đội chưa trở về. Lăn lộn cùng anh em
để đào và gỡ hoặc rà phá từng quả bom bí hiểm, anh Nhỏ
vừa làm vừa nghiên cứu rất kỹ cấu tạo, tính năng từng loại
bom để tìm phương án rà, phá an toàn nhất. Việc rà cho
bom nổ không khó, cái quan trọng là khi nổ phải tránh
tổn thất cho người và phương tiện, tránh thiệt hại cho
đường sá, giảm thiểu công sức hàn gắn và thời gian thông
xe. Một phương án phá bom độc đáo “rất Việt Nam” được
Vương Đình Nhỏ đưa ra thực hiện: dùng bộc phá tự chế
(từ thuốc bom Mỹ) đánh tách đầu nổ ra khỏi thân bom,
đồng thời sức nổ của bộc phá cũng hất thân bom văng
lên trời hoặc bay ra khỏi mặt đường và phát nổ. Như vậy
bom sẽ không làm hư hỏng đường nhiều, đỡ công sức tu
sửa. Ngày 18.5.1968, máy bay Mỹ ném một khối lượng
lớn bom từ trường, bom nổ chậm xuống ngã ba Đồng Lộc,
trong số đó có loại bom NT các anh chưa từng gặp. “Vua
phá bom” Vương Đình Nhỏ đã nghiên cứu và đưa ra cách
đánh “kích nổ dây chuyền”. Bằng chính bộc phá từ thuốc
bom lấy trong ruột những quả bom Mỹ, anh đã cài thế
“bật gòn” và chỉ cần 150 gam thuốc nổ đã bắt 5 - 6 ông
“kễnh” Mỹ bay ra cách xa tim đường mà nổ. Với sáng
kiến “tung hứng” này, anh Nhỏ và đồng đội đã phá thành
công nhiều bom Mỹ và đặc biệt đã kích nổ 19 quả bom rải
trên trục đường 15 ở ngã ba Khiêm Ích mà vẫn đảm bảo
an toàn cho con đường. Theo ước tính, với sức công phá
của ngần ấy quả bom, chúng ta phải san ủi 1.700 m3
đất
đá mới thông được đường... Chỉ tính thời gian địch ném
bom hạn chế, Đội cảm tử đã rà phá gần 1.000 quả bom loại
mới NT và 500 quả bom các loại. Riêng đội trưởng - “Vua
phá bom” đã tự tay “xử” gần 500 quả, trong đó có 198 quả
NT; lấy được 620 kg thuốc bom làm bộc phá trị bom Mỹ.
Anh cũng không dưới 30 lần bị bom Mỹ vùi lấp, nhiều lần
bị sức ép bom nổ gần làm hủy hoại sức khoẻ và thân thể.
Tinh thần cảm tử Đồng Lộc 1968 còn được “Vua phá
bom” thể hiện trong cuộc chiến tranh phá hoại 1972 của
Mỹ ra miền Bắc. Trên mặt trận mới ở phà Linh Cảm, trên
dọc dòng La Giang, những người cảm tử phá bom với bữa
ăn đạm bạc đơn sơ và lễ truy điệu sống nghẹn ngào xúc
động rồi ra đi trong nước mắt và nỗi lo lắng của đồng đội,
nhân dân để vật lộn với “thần chết” Mỹ dưới dòng nước
xiết hoặc xoáy sâu. Cách phá ngư lôi bằng nam châm được
áp dụng bằng cách kéo dây dăng ngang sông; bằng ca nô
cảm tử chạy lướt để nhử mồi; bằng cả cách liều mạng:
buộc dây vào thân bom rồi dùng ca nô kéo quả bom ra xa
mục tiêu bảo vệ... Tất cả tâm trí, mồ hôi và máu của các
anh dành cho dòng sông, con phà, tàu thuyền và những
chuyến xe ra trận.
Có thể nói, trong chiến công chung thắng Mỹ ở ngã ba
Đồng Lộc nói riêng và trên mặt trận đảm bảo giao thông
ở Hà Tĩnh nói chung, Đội cảm tử phá bom Vương Đình
Nhỏ là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả nhất,
là tấm gương dũng cảm vô song động viên khích lệ mọi
người xả thân cho cách mạng, cho sự nghiệp chống Mỹ
cứu nước. Vương Đình Nhỏ được đồng đội và nhân dân
phong tặng “Dũng sĩ phá bom”, “Vua phá bom”, “Thủ
trưởng Nhỏ”. Tên tuổi anh gắn liền với sự tích Ngã ba
Đồng Lộc một thời và mãi mãi. Với những chiến công đặc
biệt xuất sắc, anh Nhỏ đã được Đảng, Nhà nước và các tổ
chức tặng Huy hiệu Bác Hồ, 6 Huân chương các loại trong
đó có 3 Huân chương Chiến công, 20 Bằng khen các cấp.
Chết vì dân giữa thời bình
Do sức khoẻ và thương tật của chiến tranh, năm 1977
Vương Đình Nhỏ nghỉ hưu và sinh sống tại ngay ngã ba
Đồng Lộc, mảnh đất mà anh đã chiến đấu một thời. Trong
mái tranh nghèo đơn sơ ngay sát ngã ba, anh cùng vợ
là chị Nguyễn Thị Luận - một thôn nữ quê Đồng Lộc đã
từng quý mến thương yêu anh từ những ngày anh đối
mặt với bom đạn Mỹ và họ lấy nhau từ năm 1969 - vật
lộn với cuộc sống vất vả để nuôi bầy con còn nhỏ dại. Với
đồng lương hưu ít ỏi của một cán bộ ngành giao thông, vợ
chồng anh cùng các con phải quần quật lao động trên hai
sào ruộng để trồng trỉa nuôi nhau. Mặc dù vậy, “máu công
binh” trong anh và ý thức trách nhiệm công dân trước
hiểm họa bom đạn chưa nổ của giặc Mỹ rải đầy trên đồng
ruộng xóm làng vẫn giục anh lao vào công việc không
lương bổng mà vô cùng nguy hiểm ấy. Ở đâu phát hiện
ra bom Mỹ chưa nổ là người ta lại “mời” anh Nhỏ đến
xử lý. Chẳng ai tính được Vương Đình Nhỏ đã làm bao
cuộc “giỡn đùa với thần chết” để giúp nhân dân giành
lại ruộng vườn nhà cửa và cuộc sống bình yên nhưng ai
cũng biết anh đang càng ngày càng đuối sức bởi thương
tật và căn bệnh sỏi thận. Năm 1987, căn bệnh này đã quật
anh ngã xuống không thể làm được gì. Bác sĩ bảo phải mổ
mà anh chẳng có tiền, anh Nhỏ lần mò ra Bệnh viện Quân
khu Bốn với mong mỏi là sau hơn 20 năm trong quân ngũ
ngày trước, may ra được chiếu cố. Khốn một nỗi, trước khi
về hưu anh đã chuyển sang dân sự, vì vậy dù bệnh viện
quân đội rất thông cảm hoàn cảnh của “Vua phá bom”,
anh vẫn phải tha cục sỏi thận tai quái ấy trở về Đồng Lộc.
Trong một cơn đau dữ dội, Vương Đình Nhỏ được Bệnh
viện Can Lộc mổ cấp cứu, rồi lại một lần mổ cấp cứu nữa
nhưng vẫn không dứt được bệnh sỏi, anh quay sang uống
thuốc nam cầm chừng để sống chung với bệnh tật.
Cái Tết năm 1990 đã cận kề. Tiền không, gạo hết, đàn
con nhỏ 6 đứa và người vợ héo hon vì sinh đẻ, vì thiếu
thốn làm Vương Đình Nhỏ ray rứt không yên. Một hôm
có người bạn cũ tìm đến anh bảo rằng ở Lao Bảo nhân dân
đang gặp rất nhiều khó khăn khi giải phóng mặt bằng để
sản xuất vì bom chưa nổ của Mỹ. Ông ngỏ ý mời anh vào
giúp. Vương Đình Nhỏ tạm biệt vợ con cùng người em vợ
đi ngay vào Hướng Hóa (Quảng Trị). Thật đau đớn cho
anh và gia đình, ngày 26.01.1990 khi anh cùng các cộng
sự đang gỡ những hạt nổ ra khỏi một trái bom thì ba quả
bom Mỹ đã cùng phát nổ, đưa người Dũng sĩ phá bom ở
Đồng Lộc cùng người em vợ và hai cán bộ địa phương về
cõi vĩnh hằng. Chẳng ai trong họ còn nguyên vẹn, một
phần lớn thi thể họ đã tan vào đất đồi Khe Sanh.
15 năm sau ngày Vương Đình Nhỏ hy sinh, ngày
23.5.2005 Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ra quyết định
phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân
dân cho anh, một quyết định dù quá muộn màng nhưng
chắc rằng cũng an ủi phần nào linh hồn anh dưới suối
vàng. Ngày 17.01.2006, tỉnh Hà Tĩnh làm lễ truy phong
Anh hùng cho anh trong sự nhớ thương và mãn nguyện
của đồng đội và nhân dân, bởi không chỉ riêng Vương
Đình Nhỏ mà cả ngành giao thông vận tải Hà Tĩnh - đơn
vị chủ lực đảm bảo giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc trên
tuyến đường chiến lược huyết mạch vào Nam, sang Lào
thời chống Mỹ cũng mới được nhận danh hiệu này sau...
38 năm “cân nhắc”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét