NHÀ VĂN HỒ BÁ THƯỢC VÀ TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN ĐẶC SẮC
BÙI VIỆT MỸ
Phó Chủ
tịch Hội Nhà văn Hà Nội
Có thể xếp Trung
tá, Nhà văn Hồ Bá Thược vào hàng những nhà văn Quân đội, bởi sự nghiệp sáng tác
văn chương của ông, chỉ đau đáu viết về người lính. Ông ở trong quân ngũ 28
năm, nhưng vì tham gia chiến đấu trên các chiến trường B, C, K, được qui đổi
tương đương 38 năm.
Năm 1992, về
nghỉ hưu lúc mới 48 tuổi, ông tích cực tham gia các dự án của Bộ giao thông Vận
tải, Bộ Kế hoạch Đầu tư, rồi về làm Giám đốc nhà máy Gỗ Việt 17 năm, cho một
Công ty nội thất nổi tiếng. Tròn 80 tuổi, ông được về “hưu non” lần thứ hai.
Một con người rất lạ, không ngơi nghỉ, ưa dịch chuyển, làm đủ nghề kiếm sống.
Hiện tại, ông vẫn mải mê “cày ải” từng con chữ trên bàn phím.
Thời gian sáu mươi năm làm việc là quá dài, nhưng mối tình văn chương của ông đến rất muộn. Năm 2016, ông mới cho ra đời tác phẩm đầu tiên Tìm lại chính mình dày 500 trang, và tập thơ Một nửa miền Tây dày 135 trang. Sau đó, cứ mỗi năm ông lại ra thêm một tác phẩm. Sau 7 năm viết lách, ông đã có 8 tác phẩm, mà tác phẩm nào cũng có độ dày rất đáng nể. Các tác phẩm của ông gồm: Một tập thơ, một truyện ký, ba tập truyện ngắn, hai tiểu thuyết và có thêm bản thảo cuốn tiểu thuyết thứ ba dày hơn 400 trang (Gia tộc họ Sùng và họ Lục), cùng một số tác phẩm in chung với nhiều tác giả.
Nhà văn Hồ Bá Thược không được đào tạo
nghề viết chính qui, thậm chí không qua một trại viết văn nào, nhưng ông có 60
năm bươn trải, 60 năm đọc sách, nên cuộc đời đã dạy ông, cho ông rất nhiều thứ.
Dù mối tình văn chương thai nghén muộn màng, nhưng những đứa con tinh thần lại
khoẻ mạnh, xinh xẻo, cống hiến và làm đẹp cho cuộc sống, cho quê hương xứ Nghệ
của ông.
Trên tay bạn đang cầm tuyển tập truyện ngắn “Người đàn bà đi dưới nắng” gồm 21 truyện
ngắn, 5 bút ký, dày hơn 400 trang, ông
dành riêng một truyện ngắn viết về quê hương, nơi đã sinh ra người vợ của ông -
Khoái Châu (Xứng đôi?), và một truyện
ngắn ngay chính trên quê hương ông - Quỳnh Lưu (Người thổ mộ). Còn lại ông viết về người lính.
Có một điều hơi lạ, các truyện của ông, không viết về
người lính chiến đấu nơi sa trường, không bom rền, đạn xéo… Còn ông, đi nhiều
mặt trận, chưa cầm súng trực tiếp chiến đấu, nhưng tấm thân đâu được lành lặn.
Câu thơ ông viết rất thật lòng “Đi đánh
trận, chưa hề bắn súng/ Mà tấm thân bầm dập chiến trường”, và ông viết phía
sau người lính, lặng lẽ giàu cảm xúc, để tri ân đồng đội của mình.
Ông nói với tôi, dù viết phía sau người lính, nhưng
nhiều lần ông rơi nước mắt, khi gõ từng con chữ trên bàn phím. Đó là trường hợp
một cựu chiến binh không khai báo thương tật, sau khi tham gia chiến dịch MB84,
mặt trận Vị Xuyên (Cục U), một câu
chuyện vừa nhân văn, vừa rất lạ. Không đi tìm mộ liệt sĩ, mà đi tìm người yêu
của liệt sĩ, kết cục, hai người đàn bà gặp nhau, hứa hẹn cưới chồng liệt sĩ (Người đàn bà đi dưới nắng). Sự đau
thương mất mát của các cô gái TNXP trên Đường 20 (Tình Ét tơ ri, Trộm tình…); Cưu mang đồng đội lúc ốm đau, bệnh tật
(Hoa Xuyến chi)…
Văn phong của nhà văn, không cầu kỳ bóng bẩy. Chữ
nghĩa, ngôn từ không ồn ào, dữ dội. Câu chữ tưng tửng, dí dủm, vừa mộc mạc, vừa
chất phát, đã tạo sức hút. Nhiều bạn đọc thích đọc truyện của ông, cũng như
giành cho ông những lời khen qua báo chí, qua mạng xã hội. Đặc biệt, các truyện
của Hồ Bá Thược, là hoàn toàn có thật. Từ đó, mà cấu trúc, liên kết tình tiết.
Ông viết về đồng đội, về bạn bè, vừa là tác giả, vừa là nhân vật, vừa là người
đọc, khiến tác phẩm dễ đi vào lòng người.
Trân trọng giới thiệu với bạn đọc,
tuyển tập truyện ngắn và ký của Nhà văn Hồ Bá Thược. Tin rằng tập truyện sẽ làm
bạn đọc vừa hứng thú, hài lòng với năng
lượng đời sống đặc sắc của nó.
BÙI VIỆT MỸ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét