Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2024

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn – “của để dành” cho thế hệ đi sau

 Nhà văn Đoàn Minh Tuấn – “của để dành” cho thế hệ đi sau

Nguyễn Thị Mai

nh_n.t.mai_1

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai
Trong Hội Nhà văn Việt Nam, những người tay cầm bút, tay cầm súng đi qua hai cuộc kháng chiến trường ký gian khổ của đất nước, giờ không còn mấy ai.
Trong số còn mấy ai, những nhà văn trên 90 tuổi đời, gần 8 chục tuổi Đảng quả là hiếm hoi ít ỏi, quá ít ỏi. Họ như thể “của để dành” cho thế hệ đi sau, bởi họ không chỉ góp phần công sức làm nên lịch sử mà còn viết lại lịch sử của thời đại họ sống và chiến đấu với tinh thần yêu nước thiết tha, đồng hành cùng dân tộc cho đến hết cuộc đời.

Một trong những người quý hiếm còn lại đó là nhà văn Đoàn Minh Tuấn.
Tên ông, ở “làng văn học nghệ thuật Việt Nam” hiện trùng với 2 người. Một Đoàn Minh Tuấn sinh 1969 – nhiếp ảnh gia có tiếng. Một Đoàn Minh Tuấn sinh 1959 – nhà biên kịch điện ảnh tài ba. Còn ông: Đoàn Minh Tuấn sinh 1932 - Nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch phim tài liệu nghệ thuật tài năng với bề dày hơn 70 năm cầm bút.
Và bài viết này xin được viết về ông – Một lão thành Cách mạng – suốt cuộc đời
sáng tạo không mệt mỏi với nhiều tác phẩm gây ấn tượng trong lòng bạn đọc bao thế hệ
như: “Thầy giáo vùng cao”, “Em đội viên mắt sáng”, “Núi sông hùng vĩ”, “Trăm năm
một thuở”, “Bác Hồ cây đại thọ”...

Một thời trai trẻ khát khao
Băng sông vượt núi đã bao dặm đường
Khu năm dằng dặc chiến trường
Chí trai quả cảm phi thường xông pha
Làm nên ngọn bút tài hoa
Bảy mươi năm viết thiết tha với đời

Ấy là những câu thơ tôi viết gửi tặng ông vào ngày sinh nhật lần thứ 90. Ông cảm
động lắm. Từ trong Nam nhắn ra: “Cảm ơn! Em vô đây một chuyến chơi. Ta giờ một
chân đã đứng trong nghĩa trang. Em vào muộn thì ta đã nằm trong nghĩa trang rồi”. Lời
ông nửa đùa nửa thật. Phần “nửa thật” nghe rờn rợn mà thương xót. Bởi mấy năm nay
ông hay “nói chơi” về cái chết. Chẳng hạn ông hay trêu bạn bè “Tạm ứng cho ta tiền
vòng hoa viếng”. Hoặc có lần, tôi đưa mấy nhà văn nữ vào Nam đi thực tế, Đoàn Minh
Tuấn biết tin liền xin được chiêu đãi bữa sáng cà phê. Bữa ấy ông chọc đùa mấy chị em:
“Hôm nay ta vui lắm vì được “trần trụi giữa bầy sói”. Rồi ông phát vào tay mỗi người
một tờ 2 Đô la để lên đường cho may mắn.
Đoàn Minh Tuấn là người trầm lắng, không ồn ào. Nhưng đã giao tiếp với bạn bè
ông luôn hài hước, dí dỏm, tính lạc quan, nên không mấy ai biết từ trong sâu thẳm cõi
lòng ông có nhiều nỗi niềm “dấu nhẹm”.
Ông sinh ra tại làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi – nơi đã có 504
người dân vô tội bị giặc thảm sát. Gia đình ông từng phải rời nhà 7 lần vì bị khủng bố.

2
Năm 1945, mới 13 tuổi ông đã xa nhà làm trinh sát tại chiến trường Liên khu V. Từ đó,
suốt 10 năm người lính Đoàn Minh Tuấn đã rong ruổi gian nan chiến đấu hàng chục
trận trên chiến trường Tây Nguyên và được kết nạp Đảng từ năm 17 tuổi. Năm 1954
ông tập kết ra Bắc học đại học, làm biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi vượt Trường
Sơn lần thứ hai về lại Tây Nguyên làm công tác tuyên truyền võ trang cho đến ngày giải
phóng Miền Nam.
Trong chuyến đi B vượt Trường Sơn lần thứ hai ấy có một chuyện vô cùng cảm
động. Ấy là chuyện ông về thăm làng cũ tìm mẹ. Nhưng mẹ ông đã đưa gia đình chạy
giặc vào Sài Gòn. Nhờ tổ chức liên lạc, mẹ ông đã phải đóng giả làm người ăn xin mang
nón mê bị gậy để vượt qua bao đồn bốt giặc trở ra gặp con. Còn ông phải vượt qua
đường số 1 “cửa tử” để chờ đón mẹ. Lúc gặp nhau, hai mẹ con ôm nhau khóc nghẹn
không nói nên lời vì 20 năm xa cách, mẹ bây giờ đã bạc trắng tóc. Rồi ông đưa mẹ về
làng. Nhưng đến nơi, nhà cửa đã tan nát hết trong bom đạn. Đoàn Minh Tuấn phải cõng
mẹ lần mò trong đêm sang làng khác nghỉ nhờ.
Sau ngày Giải phóng Miền Nam, nhà văn Đoàn Minh Tuấn ở lại Thành phố Hồ
Chí Minh làm Truyền hình, Xuất bản, Báo và Tạp chí với cương vị cao và chủ chốt.
Cuộc đời công tác của ông gắn liền với sự nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật, phát
triển và song hành với từng bước đi của cách mạng. Tuy gian nan cơ cực nhưng khá vẻ
vang thành đạt. Còn cuộc sống gia đình, đời tư của ông lại rất “hoàn cảnh”. Những năm
tập kết ra Bắc sống tại Hà Nội thì thật nghèo khổ. Nhà chỉ 12 mét vuông, tất tật đồ đạc
nhét gầm giường, không có nổi chiếc bàn viết, phải dùng giường làm bàn và ngồi xuống
đất viết lên mặt giường.
Núi sông hùng vĩ ta ơi
Mai sau còn có ai người biết chăng?
Bàn viết là chiếc giường nằm
Văn nhân ngồi đất làm tằm nhả tơ…
Khi có gia đình và nhà cửa thì vợ mất. Mà hai lần lấy vợ, họ đều mất sớm cả hai.
Mỗi bà chỉ sống với ông đúng 15 năm rồi xa khuất. Ông chật vật nhiều năm trong cảnh
gà trống nuôi con thiếu thốn trăm bề. May nhờ đức tính cần cù chịu thương chịu khó
cóp nhặt từng đồng viết báo viết văn, lại được bạn bè yêu thương giúp đỡ nên mọi cơ
khổ rồi cũng qua. Vật chất ngày càng tốt lên nhưng nỗi buồn ngày càng sâu đậm. Buồn
vì tuổi già sức yếu. Buồn vì bạn bè cùng trang lứa mất mát gần hết, không còn người trò
chuyện. Buồn hơn cả là thương nhớ hai người vợ nhân hậu tử tế đã về nơi chín suối.
Nhớ lại hơn hai mươi năm trước, sau khi người vợ thứ hai của ông mất, nhà văn
Nguyễn Khải từng thủ thỉ tâm tình vơí ông: “Thôi, ông đừng có đi thêm bước nữa. Vì
không có ai tốt bằng hai người đàn bà vừa rồi của ông đâu…”. Đúng thế. Người vợ thứ
nhất là bà Nguyễn Thị Minh Tâm, cưới năm 1965, ông phải vượt qua 300 cây số đèo xe
đạp từ Vinh ra Hà Nội để làm đám cưới. Bà đã gánh vác, lo toan cho gia đình suốt thời
khó khăn bao cấp để ông yên tâm công tác và viết báo viết văn kể cả những năm tháng
ông đi B biền biệt. Thế rồi, vào một đêm hè năm 1981, khi ông đang công tác ngoài Hà
Nội ở nhà Hoàng Trung Thông bỗng tin báo dữ: Vợ và con bị tai nạn giao thông. Ông
bay vội về Sài Gòn. Nào đâu phải chỉ con bị thương mà vợ ông cũng vĩnh biệt sau bao

3
phút hấp hối có ý chờ mong chồng về. Bà thứ hai là Dương Thị Hoàng Anh, ông cưới
năm 1987. Khi biết mình bị bệnh hiểm nghèo không thể qua khỏi, bà đã giấu chồng,
trong cơn đau đớn tuyệt vọng, bà giả cười vui nghiến răng tập hợp hơn 20 tác phẩm và
hàng ngàn bài báo của ông viết trong hàng chục năm để in thành Tuyển tập gần một
ngàn trang làm quà kỷ niệm cho ông với lời nhắn gửi rơi nước mắt: “Mình ơi, em để lại
trăm ngàn yêu thương cho anh, cho con chúng mình và may ra đến tay bạn đọc”. Đó là
hai người vợ tuyệt vời, hai “hậu phương” vững chãi, nghĩa tình sâu nặng nhất của cuộc
đời mà ông không bao giờ còn có được.
Mấy năm trước, cứ mỗi sáng thứ tư hàng tuần, nếu gọi điện thoại thì thể nào cũng
nghe ông bảo đang ngồi ở 81 Trần Quốc Thảo – khu vườn của Hội Nhà văn Thành phố
Hồ Chí Minh. Tôi hình dung ông đến đây uống cà phê cùng bạn bè để lặng lẽ nghe và
thủng thẳng “chêm” vài câu hài hước về sự đời. Nhưng giờ thì hiếm đến nơi ấy rồi. Ông
bảo chỉ “cà phê” với mấy ông bạn già ngoại đạo văn chương ở gần nhà. Vì thứ nhất các
con không muốn bố đi chơi xa. Thứ hai ra đó, đã vắng các bạn văn cùng trang lứa,
không còn người tâm đầu ý hợp. Càng ngày ông càng thấy trống vắng, hoang hoải cõi
lòng giữa căn nhà đầy sách và giữa phố phường người xe đông đúc náo nhiệt. Thương
ông, bạn bè văn chương đàn em thường đến với ông những lần sinh nhật để ông vui.
Nhưng năm ngoái ông gọi điện tâm sự: “Hôm nay sinh nhật ta vắng lắm. T.N.H cũng
không đến”. Thế mới biết ông nhớ và thèm có bạn bè biết chừng nào.
Lần Đại hội Nhà văn Việt Nam cuối năm 2020, Đoàn Minh Tuấn ra dự Đại hội
với tư cách Đại biểu được mời đặc cách. Tuy tác phong “lính trinh sát” còn khá nhanh
nhẹn nhưng đôi vai đã trĩu niềm khắc khổ và trò chuyện thấy ít lời: “Ta ra Đại hội lần
này là cuối thôi. Lần sau chắc không còn thấy mặt”. Động viên ông: “Chưa cuối. Còn ra
vài Đại hội nữa”. Ông cười rầu rầu: “Bạn bè viết văn làm báo cùng thời gian khổ có
nhau nay mất hết cả rồi. Ra Bắc nhớ họ, buồn lắm”. Ở ông có nỗi cô đơn chung của
người già, có tình cảm sâu nặng của người cầm bút sống ân tình nhân nghĩa nên mỗi khi
chạm vào ký ức là không khỏi động lòng trắc ẩn.
Nhớ cách đây mấy năm, ông tặng tủ sách gần 10 ngàn cuốn cho một trường học ở
Quảng Ngãi quê ông. Xe chở sách đi rồi, ông thẫn thờ cả ngày và suốt mấy đêm không
ngủ được. Bởi đó là những đam mê khát vọng một thời, là những đồng tiền chắt bóp
những ngày khó khăn dụm dành mua sách, là kỷ niệm của bạn bè, là trí tuệ của nhân
loại cả đời ông gìn giữ nâng niu:

Một đời tích cóp văn chương
Vin vào chữ nghĩa mà nương lấy mình
Tuy rằng sách chỉ lặng thinh
Mà sao chung thuỷ, chung tình sắt son
Đêm xa sách, ngủ chẳng ngon
Phòng như trống rỗng không còn tri âm…
Người sống sâu sắc thì thế. Lại nhớ năm 2008, tôi có chuyến công tác vào Thành
phố Hồ Chí Minh. Hôm ấy nhà thơ Lê Thị Mây mời uống cà phê với nhiều bạn bè thơ
phú. Tôi vì kẹt xe nên đến muộn. Bước vào đã thấy rất đông các anh chị đang ngồi chờ

4
mình. Đang ngượng ngùng quá thì một ông trông rất đáng kính khủng khỉnh oánh một
câu: “Người quan trọng bao giờ cũng đến muộn, ta thông cảm”. Mọi người oà lên cười
vui trong khi tôi hơi ưng ức trong lòng. Ngay sau đó được biết “ông đáng kính” kia là
nhà văn Đoàn Minh Tuấn – người đã từng viết tác phẩm “Núi sông hùng vĩ” khiến thế
hệ chúng tôi ngưỡng mộ từ thời đi học thì tôi “choáng”. Từ đó, tôi trân trọng và quý
mến ông vô cùng. Sau này càng tiếp xúc với ông, càng thấy ông hay hài hước, hóm hỉnh
không chỉ trong viết lách mà trong cả cuộc đời.
Năm ngoái có chuyến công việc vào Nam, tôi ghé thăm ông, lúc chia tay ông lại
đùa: “Em tạm ứng cho ta tiền vòng hoa trước để khỏi phải gửi vào”. Biết sẽ có một ngày
buồn đau là thật nhưng vẫn phải cười cho át nỗi niềm thương ông.
Không thương, không trân trọng sao được một nhà văn vừa có tài vừa có nhân
cách là ông.
Tài ở sự nghiệp sáng tác để lại cho đời trong đó có rất nhiều Giải thưởng Văn
học. Những năm tháng đất nước còn nghèo khổ và chiến tranh, việc tham quan du lịch
là hiếm hoi, xa xỉ. Bộ ký “Núi sông hùng vĩ” 3 tập ra đời dẫn dắt bao lớp người như
được chu du và hiểu biết nhiều miền quê văn hoá đẹp giàu, nhiều di tích lịch sử vẻ vang
của đất nước như Phong Châu, Cổ Loa thành, Mê Linh, Hoa Lư, Bạch Đằng, Vân Đồn,
Chi Lăng…Từ miền Bắc đến miền Nam Tổ Quốc. Với lời văn nhẹ nhàng, giàu hình ảnh
và khúc triết, với vốn hiểu biết khá nhiều, ông đã khơi dậy trong lòng thế hệ trẻ tình yêu
quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc. Từ đó họ sẵn sàng cống hiến sức mình bảo
vệ, dựng xây Tổ Quốc.
Với tác phẩm truyện ký “Bác Hồ cây đại thọ”, nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã kể
cho ta bao câu chuyện về Bác thật cảm động, chí lý chí tình. Ông làm cho các thế hệ
hiểu đúng và kính trọng những điều giản dị mà vĩ đại trong con người Hồ Chủ tịch
khiến họ tin yêu, làm theo tư tưởng của Người.
Về chân dung các văn nghệ sĩ nổi tiếng trong làng văn học nghệ thuật, nhà văn
Đoàn Minh Tuấn lại có tài thuật chuyện hấp dẫn. Lời văn ông trung thực, giản dị, hóm
hỉnh. Chi tiết sinh động, độc đáo. Cái nhìn trân trọng và ngưỡng mộ. Chân dung nhân
vật trong lời kể của ông hiện lên sáng ngời tài năng đức độ khiến bạn đọc trân trọng và
cảm phục nhân cách họ. Đặc biệt ông có tới hai chục bài viết, kể cả kịch bản phim về
Nhà văn Nguyễn Tuân – người thày, người bạn vong niên suốt thời sống ở Hà Nội bên
nhau, ai đọc cũng thấy thú vị, còn gọi đùa ông là “Nhà Nguyễn Tuân học”. Nên khi
nghe tin Nguyễn Tuân mất, ông sửng sốt và hẫng hụt vô cùng. Vì đau mắt nặng không
ra Hà Nội viếng được, Đoàn Minh Tuấn gửi điện chia buồn tới Hội Nhà văn và gia đình
Nguyễn Tuân, trong đó có 2 cầu thơ đưa tiễn: “Anh đã đi vào cõi bất tử/ Nào phải đâu
chỉ VANG BÓNG MỘT THỜI”.
Cuốn Tạp chí “Nhà văn và Cuộc sống” số 14 năm 2013 vừa ra có bài ông viết về
nhà văn Đoàn Giỏi in 20 trang. Sau khi đọc và biên tập để in bài này, nhà thơ Trần
Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn
&Cuộc sống đánh giá: Nhà văn Đoàn Minh Tuấn thật đúng là người có nhân cách tử tế
và trung thực với bạn văn. Nếu không, ông có thể lấy toàn bộ đề cương cuốn tiểu thuyết

5
định viết cho thiếu nhi của Đoàn Giỏi gửi ông, mà biến tấu thành cuốn truyện của mình
một cách dễ dàng mà không một ai biết.
Ngoài ký và truyện ký, Đoàn Minh Tuấn còn viết nhiều thể loại khác như truyện
ngắn, du ký, tuỳ bút, chân dung, tiểu luận, phê bình, kịch bản phim, kịch rối thiều nhi,
chuyện xưa tích cũ…và có tới hàng ngàn bài báo đã đăng, bài thuyết minh cho phim
phóng sự truyền hình và điện ảnh. Không chỉ trong nước, bước chân ông còn đi và làm
việc tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. Nơi nào ông cũng viết bài và nhiều nơi đã làm
phim phóng sự đặc sắc.
Không tài giỏi và dồi dào bút lực sao ông viết được nhiều như vậy? Nếu không
hay, không hấp dẫn sao nhiều tác phẩm của ông cứ luôn luôn tái bản? riêng cuốn “Bác
Hồ cây đại thọ” tái bản tới 19 lần. Văn không chân thiện mỹ sao nhiều tác phẩm của
ông được đưa vào sách giáo khoa dùng trong nhà trường liên tục?
Quen nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã nhiều năm, được trò chuyện với ông nhiều lần,
chưa bao giờ tôi nghe ông nói năng hùng hồn, to tát, hoặc khoe mình giữa đông người.
Chỉ thấy ông lặng lẽ với những niềm tự hào đáng trân trọng. Hồi cuối năm ngoái ông
được trao huy hiệu 75 tuổi Đảng. Tờ Quyết định ông phô tô gửi riêng cho tôi xem. Thấy
ghi dòng tiền thưởng kèm theo là 15 triệu đồng, tôi xuýt xoa “nhiều thế”. Ông thủng
thẳng: “Đời người là cái chi chi/ Chặng qua còn lại những gì nữa không”. Tôi hiểu, với
ông, tiền bạc dù khi khó khăn đói nghèo ông cũng không coi trọng hơn tình người. Ông
vẫn luôn hàng tháng để ra 2 triệu làm từ thiện. Năm 2017, ông đã gửi tiền ra Bắc góp
mua 2 chục chiếc chăn bông tặng các cháu học sinh trường nội trú ở Tả Sìn Thàng,
huyện Tủa Chùa (Điện Biên). Hồi Sài Gòn sau giải phóng, bạn tôi – một cô giáo rất
nghèo phải bỏ nghề dạy học vì không đủ sống. Khi đó bạn tôi nhờ ông xin cho cái giấy
phép để kinh doanh băng đĩa nhạc. Ông xin được. Lúc đưa cho cô ấy, ông dặn: “Cái
giấy phép này là 2 cây vàng đó. Nhưng đừng bán. Để mà làm ăn”. Sau mấy chục năm
tình cờ gặp ông, vợ chồng cô bạn tôi kể lại. Ông cười: “Có chuyện đó thật à?”.
Đoàn Minh Tuấn là vậy. Nhân hậu, nhân văn, sâu sắc và tử tế. Dù giờ có lương
hưu cao, trợ cấp và chế độ khác nhưng ông vẫn giản dị, khiêm nhường. Điện thoại vẫn
Nokia cục gạch, không biết nhắn tin chỉ nghe và gọi. Vì thế Tết vừa rồi, ông gọi ra cho
tôi: “Ta có đôi câu đối tặng Hữu Thỉnh nhưng không biết nhắn tin, em nghe ta đọc rồi
viết ra mang đến tặng Hữu Thỉnh giúp ta”. Tôi nhận lời ngay và cầm bút viết: “Tiết tháo
cội tùng trơ một gốc/ Tinh anh sao Vĩ chói ngàn thu”.Viết xong tôi ngẫm nghĩ. Quả là
rất đúng với phẩm chất của nhà thơ Hữu Thỉnh. Chỉ có người từng trải, sâu sắc, cảm
thông như Đoàn Minh Tuấn mới viết ra được điều ấy.
Và bây giờ, tiền ông để “thương người”. Ông bảo: “Có tiền dư giả lại thương nhớ
ngày xưa. Ngày xưa ngồi nhậu với Nguyễn Tuân chỉ có nửa lạng giò mà nhậu từ sáng
đến 3 giờ chiều. Có hôm mua nửa lạng giò chỉ đủ tiền trả một nửa, còn nợ một nửa”. Kể
rồi, mắt ông thăm thẳm sau cặp kính nhìn về xa hút ngày xưa. Ở đó Nguyễn Tuân vẫn
như đang giang hồ trên sóng nước cùng ông về chót biển Cà Mau, có một Đoàn Giỏi
phóng khoáng hào hiệp, đắm đuối với thiên nhiên của đất rừng phương Nam, có một
Hoàng Trung Thông tài hoa danh tiếng mà nghèo khó trong căn gác hẹp, có một
Nguyễn Văn Bổng sức dài vai rộng 5 lần vượt Trường Sơn vào Nam ra Bắc, có một

6
Phan Tứ - Lê Khâm ý chí và nghị lực, nhân hậu với bạn bè… và còn nhiều nữa, nào
Nguyên Hồng, Tô Hoài, Tế Hanh, Phạm Tường Hạnh, Nguyễn Quang Sáng, Trịnh
Công Sơn… Tất cả đã vào chữ nghĩa của ông và đã bỏ ông đi về nơi xa lắm.
Còn ông – nhà văn Đoàn Minh Tuấn tài hoa nhân hậu – người vẫn nhiều vương
nợ cuộc đời và còn phải sống thêm tuổi để bù cho hai bà vợ yêu thương đã đi trước ông.
Ông chính là “của để dành” cho thế hệ đi sau, là người bắc nhịp cầu văn chương từ quá
khứ đến hiện tại hôm nay cho chúng tôi kính trọng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét