Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

HÌNH DUNG NGUYỄN ĐÌNH ẢNH...



         

HÌNH DUNG NGUYỄN ĐÌNH ẢNH
QUA  THƠ  DANH NHÂN VÀ NGƯỜI CÙNG THỜI
                                      Vũ Nho

Trong tuyển  tập thơ Nguyễn Đình Ảnh, 2007, nhà xuất bản Hội nhà văn
phần thơ Danh nhân và người cùng thời chiếm một  vị trí quan trọng. Chúng tôi muốn qua phần thơ này để hình dung nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh. Bởi vì, trong khi làm thơ về danh nhân và những người cùng thời, Nguyễn Đình Ảnh đã bộc lộ chẳng những sức đọc, sức viết, xu hướng cảm xúc,  mà còn thể hiện quan niệm về nghệ thuật, về sức mạnh thi ca, và bộc lộ chính mình.
Phần thơ này gồm có100 bài, trong đó có 77  bài nói về các danh nhân và nhà thơ trong nước, còn lại là 23 nói về người nước ngoài. Tuy nhiên, khi xem xét phần thơ Chào đất nước, còn thấy thêm 9 bài nữa viết về Vương Hy Chi, Lưu Quang Vũ, Lê vi tan, Hàn Mặc tử,... Con số lớn đó cho thấy một Nguyễn Đình Ảnh ham học, ham đọc. Nhà thơ đã có một vốn tư liệu rất lớn và đó cũng chính là vốn sống gián tiếp.  Như anh tự bạch:
Gia tài nào có chi đâu
Năm bảy chồng sách ngợp đầu lút chân
                       Mấy dòng tự bạch
Gia tài ấy là sách vở. Sách vở là kiến thức, là một nguồn vô tận những chiêm nghiệm, những thành đạt và cả những thất bại của  những  danh nhân, những bè bạn là các nhà văn nhà thơ, những người hết lòng vì nghệ thuật. Có tư liệu rồi, nhưng nếu không có tấm lòng rộng mở, không có khối óc trăn trở, trái tim khao khát khám phá, kiếm tìm thì tư liệu cũng chỉ là tư liệu trên giấy sách mà thôi.

 Đặc biệt là phải say mê, nghiền ngẫm và xúc động thì mới có thể thành thơ. Nó chứng tỏ sức  cảm và  sức viết của anh.  Nhiều bài thơ cho thấy tác giả Nguyễn Đình Ảnh đã “thuộc”, đã “ngấm” khá kĩ cuộc đời, quan niệm sáng tác và đặc biệt là thành tựu, đóng góp của nhân vật mà anh động bút.   Về vị vua anh minh Trần Nhân Tông, nhiều người đã viết, đặc biệt là khi các thi nhân về Yên Tử. Nhưng chúng tôi cho rằng Nguyễn Đình Ảnh có một góc nhìn khác về nhà vua.
Trên thì trời
dưới thì nước
quanh mình là mây
Vua đứng như ngọn núi!
              Ngọn núi
Thăm thành nhà Hồ, người ta có thể chiêm ngưỡng sự hoành tráng, sự lộng lẫy của thành đá, về kiến trúc nguy nga, về sự hoang phế. Nhà thơ lại chú ý đến viên đá, đến số phận của người vợ kêu oan cho chồng:
Qua bao nhiêu gió bão và mưa nắng
tảng đá sát chân tường thành kia
nơi nàng đập đầu…giờ còn vết lõm
và dấu tích hai bàn tay
bấu chặt vào hõm đá…
Hõm đá…ướt thế kia
hay nước mắt nàng Bình Khương đó?
          Thăm thành nhà Hồ nhớ nàng Bình Khương
Nguyễn Đình Ảnh khi viết về người anh hùng Lam Sơn, nhà thơ không chú trọng vào việc ca ngợi sự gian khổ nằm gai nếm mật, cũng không quan tâm đến những chiến thắng quân sự mà chú ý khai tác yếu tố văn hóa, phong tục, thể hiện lòng dân:
          Từ đấy có tục đáng yêu
          Cả vùng kiêng giết chim cuốc
          […]
          Từ đấy tiệc cúng có tục
          Cơm lam kèm với gà thui
                   Tráng khúc Linh Sơn
Suy ngẫm về bài thơ của vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Đình Ảnh chú ý đến cả chi tiết thời gian : “ bài thơ được khắc ngày 29 tháng 3 năm 1468”. Ngọn núi Truyền Đăng đó, sau dân gian gọi là núi “ Bài Thơ”, và thi sĩ của thế kỉ hai mươi thấy trái núi mang hồn thi sĩ:
          Có một bài thơ Hoàng đế
          khắc trên vách núi Truyền Đăng
          núi bỗng mang hồn thi sĩ
          đứng bên bờ biển…tắm trăng
                              Bài thơ trên vách núi
Với các vị tiền bối đạo cao đức trọng, tính nết khảng khái, cương trực, nêu gương sáng trong sử sách, nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh ngợi ca : “ Sống “Hào quang đồng trần”/ chết – hòa thành bất tử!” ( Viếng Thi sĩ Hoàng đế Lê Thánh Tông) và “ Người đã khuất từ lâu/ tên còn trong sử sách ( Trước đền thờ Trần Nguyên Hãn) hay “ thân đã vùi sâu dưới đất/ Tuổi tên còn mãi đến giờ” ( Cao Bá Quát). Các vị đã thành bất tử trong lịch sử, trong lòng dân. Thơ Nguyễn Đình Ảnh một lần nữa tôn cao tượng đài những bậc danh nhân đất nước.
Đối với các văn nghệ sĩ lớp cha anh, Nguyễn Đình Ảnh luôn tìm thấy những nét riêng của họ. Bởi thế trong nhiều bài thơ tặng, có thể thấy điều không lẫn của người được nói đến trong thơ. Ví dụ với Huy Cận:
Thơ thì đẹp, tao nhã và tinh tế
mà người bỗ bã, bình dân […]
Vốn là một quan chức – nhà thơ
mà thơ…chẳng bao giờ…quan chức!
                   Kính tặng bác Huy Cận nhà thơ lão thành
Về sự say sưa của Xuân Diệu và lòng mến mộ của công chúng:
          Người bình thơ không muốn dứt
kẻ nghe cũng chẳng muốn rời
gần nửa đêm vẫn chưa thôi
quanh thi sĩ : người vây kin
          Đêm bình thơ giữa chợ
Nỗi niềm của Tế Hanh:
                   “ Nhớ con sông quê hương” tha thiết
đến bây giờ chưa nguôi
“Tiếng sóng” còn da diết
đến bây giờ chưa thôi…
             Nhà thơ Tế Hanh
Còn Nguyễn Tuân qua con mắt và tấm lòng Nguyễn Đình Ảnh:
                   Vóc dáng giống như ai – đâu khác
mà ăn sang, uống sang, viết cũng sang
người đã về dưới suối vàng
văn chương mãi còn “Vang bóng”
              Nhà văn Nguyễn Tuân
Những ví dụ đó cho thấy sự quan sát, chiêm nghiệm và trân trọng của tác giả đối với mỗi người trong các bậc cha anh.
Hơn hai chục bài thơ viết về các danh nhân văn hóa nước ngoài cho thấy tầm đọc rộng của Nguyễn Đình Ảnh. Không chỉ đọc - biết, mà còn đọc -cảm xúc và chiêm nghiệm. Với họa sĩ nổi tiếng Tề Bạch Thạch, nhà thơ không chỉ quan tâm đến tài vẽ, mà còn quan tâm đến  quan niệm nghệ thuật của họa sĩ. Anh cắt nghĩa tranh cụ Tề bằng quan niệm nghệ thuật độc đáo đó:
          Quá giống thì mị tục
          Không giống thì dối đời
          phải vừa giống vừa khác
          hình thần…mới sóng đôi”
          Xem tranh thấy mọi vật
          Như toát ra hồn người
                             Xem tranh của cụ Tề
Với các nhà thơ nổi tiếng đời Đường, Nguyễn Đình Ảnh có so sánh thú vị giữa ngẫu hứng và chủ tâm làm “kiệt tác”. Đó chính là khi thăm lầu Hoàng Hạc ở  Bắc  Kinh.Yếu tố ngẫu hứng theo nhà thơ rất quan trọng, nhiều khi làm nên thành bại của tác phẩm. Chúng tôi nghĩ rằng đây không chỉ là chiêm nghiệm thơ của người xưa, mà còn là bài học suy ngẫm rút ra từ chính quá trình sáng tác của nhà thơ cùng bè bạn:
          Thơ là thế - đôi khi trong khoảnh khắc
          mà tạc được những điều…
          muôn thuở chẳng hề phai!
                   Thăm lầu Hoàng Hạc
Những hiểu biết sách vở phong phú về các danh nhân trong ngoài nước đã làm nền tảng gợi cảm xúc cho Nguyễn Đình Ảnh. Với người cùng thời, đặc biệt là với các bạn văn chương, Nguyễn Đình Ảnh ngoài tiếp xúc bằng tác phẩm, còn trực tiếp gặp gỡ, có khi lại cùng là bạn học, bạn đồng ngũ, bạn cùng cơ quan. Bởi thế mảng thơ này cũng rất thú vị. Nó cho thấy tấm lòng đôn hậu, tình cảm sâu đằm và cái chính là sự “liên tài” với những bạn viết. Những tên tuổi Lưu Quang Vũ,  Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Đỗ Chu, Bùi Nguyên Khiết, Bùi Minh Quốc,... hiện lên trong những bài thơ với bao niềm trân trọng, yêu mến, tự hào.
Với Đỗ Chu, người làm văn xuôi :
Văn mà cứ ngỡ là thơ
thấm vào hồn người thế đấy
tinh tế phóng túng tài hoa
đọc một lần là nhớ mãi
          Đọc văn Đỗ Chu
Với Hữu Thỉnh, bạn đồng hương Vĩnh Phú:
 Là tác giả của nhiều câu thơ đầy ma lực
nó cứ nhập vào người ta như thể nhập đồng
 như  những vòng sóng xao lên trên mặt nước
dẫu viên sỏi đã chìm mất hút dưới lòng sông…
Những câu thơ cứ thế tôn anh lên
              Qua Duy Phiên, nhớ Hữu Thỉnh
Khi Nguyễn Đình Ảnh viết về danh nhân và người cùng thời, chính là khi anh thể hiện mình. Một nhà thơ ham đọc, ham suy tư, ngẫm nghĩ. Một tấm lòng luôn rộng mở. Một trái tim luôn hướng tới những điều thiện, những tâm hồn trong sáng, thanh cao. Một nhà thơ như thế xứng đáng được chúng ta tự hào, tôn trọng.
                                   Hà Nội, tháng 6 năm 2016

In trong tập "Trên đôi cánh thi ca" nxb Hội Nhà văn, 2017



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét