Tản văn của một cây bút chuyên thể kí
Vũ Nho
Đức Dũng
là nhà báo, hoạt động văn chương chủ yếu với thể loại bút kí. Anh đã in
hai tập kí và nhận ba giải thưởng về thể
loại này. Bây giờ anh trình làng tập tản văn “Ngọn khói quê nghèo”.
Hai mươi mốt bài viết tập hợp trong sách đã được tác giả công bố trên
báo. Có thể thấy ba mảng lớn mà người viết quan tâm đó là quê, tết, thiên nhiên. Về thiên nhiên ví như
các bài Tiếng chim tu hú, Đom đóm và hoa
gạo, Mùa phượng cháy,- mùa thi, Mùa lá rụng,… là thiên nhiên nhưng cũng gắn
với quê hương, với những kỉ niệm ấu thơ của tác giả về một vùng đất trung du.
Như tác giả bộc bạch : “Tuổi thơ tôi gắn
với làng quê trung du với những rừng cọ, đồi chè lúp xúp, những nương ngô, bãi
sắn,với cả những “sóng lúa mênh mộng cuộn đổ về”. Suốt quãng đời đi học phổ
thông, ánh sáng bên trang sách học trò là ánh đèn dầu leo lét. Còn nhớ cứ hết
mùa xuân sang đầu mùa hạ, đom đóm từ đâu
bay ra như muôn vàn ngôi sao nhấp nháy khắp sân vườn, đồi nương; như những “hạt
ngọc” lấp lánh trên những ngọn lúa chiêm đang ngái ngủ thì con gái”. Bởi vậy
mà bao trùm trong tập tản văn này là tình cảm, suy nghĩ, hồi ức về làng quê, về quê hương. Tác giả còn dành hẳn
những bài chuyên về quê như Đèn quê, Đường quê, Mảnh sân quê, Ngọn khói
quê nghèo…
Về chủ đề Tết, tuy chỉ có bốn bài, nhưng
tác giả cũng khá dụng công. Anh viết về
“Thương nhớ hoa đào”. Từ những
câu thơ của thi sĩ Phạm Tiến Duật tác giả dẫn ta đến chợ hoa Hàng Lược, đến cách
chơi hoa của kẻ đại gia và người lao động, rồi liên tưởng đến nạn nhân của vỡ nợ
tín dụng đen, dự án ma; hàng ngàn doanh nghiệp phá sản vì bão giá. Tết trong quan niệm của mỗi người có thể khác nhau. Tết có
nghĩa là hi vọng. Bởi ai cũng mong năm mới tốt đẹp hơn năm cũ. Tết có nghĩa là
khoan dung. Bởi người ta cởi bỏ hiềm khích,
chỉ làm điều thiện, mong muốn thanh thản. Với tác giả, Tết là sự trở về,
là sum họp, đoàn tụ ( Tết là ngày trở về). Tến đến với bao náo nức, nôn nao, đón
đợi thì Tết đi ( hết Tết) lại là sự bâng khuâng ( Bâng khuâng …Tết). Giây phút
thiêng liêng nhất trong ba ngày Tết là giây phút giao thừa. Hãy xem giây phút ấy trong “Đón giao thừa”: “Mọi nhà trang trí, sắp đặt tất cả đã xong
xuôi. Những ngọn nến lung linh , la liệt khắp trên ban thờ. Các loại nhang
thơm, nhang trầm, nhang vòng nghi ngút khói, tỏa mùi quyến rũ, trầm mặc, linh
thiêng, quấn quýt mâm ngũ quả và cành đào rực rỡ. Và phút giây mong chờ đã đến.
Ngoài kia, bỗng bầu trời sáng rực, xé tàn đông đen sẫm. Tiếng chuông các nhà thờ
đồng loạt rung ngân; tiếng trống, chiêng ở các đình, đền, chùa, lăng miếu ,,,dồn
dập, rinh ran, tạo nên một bản đại hợp âm cho một ngày mới của năm mới bắt đầu.
Ta nghe rõ tiếng chuyển mình của núi non, đồng ruộng; tiếng vặn mình của cây cối,
tiếng ào ạt của sông suối, hồ ao và kênh rạch: Đó là tiếng của mùa Xuân” (
trang 61).
Đức Dũng đi nhiều, đọc nhiều, nhớ nhiều.
Những điều đó cộng với sự suy ngẫm, chiêm nghiệm và một ý thức “làm văn” cho thể
loại đã làm cho một số bài viết của Đức Dũng thành công, có thể neo đậu trong
trái tim bạn đọc khó tính thời @ và tạo ra hiệu ứng xã hội nhất định. Tôi cho rằng
đọc tản văn nói chung và tản văn của Đức Dũng nói riêng cần có một tâm thế khác
với đọc các thể loại khác. Giống như thưởng thức món cốm mà nhà văn Thạch Lam đã
viết “ Cốm không phải thức quà của người
vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ”. Đọc tản văn cũng
vậy. Cũng phải thong thả, vừa đọc nhẩn nha, vừa thưởng thức món quà văn chương
tác giả tặng cho người đọc. Hãy cùng tác giả đến bên cánh võng để nhớ lại những
trong trẻo, êm ả lời ru “…bên chiếc nôi
đung đưa, trong cánh võng kẽo cà kẽo kẹt. Những cánh võng đay, võng gai, võng
dù, võng bạt, nứa tre đã đưa bao tuổi thơ vào cái ngủ đằm sâu, yên bình bên tiếng
à ơi của bao thế hệ: mẹ ru con, chị ru em, bà ru cháu – như cội nguồn của tình
yêu thương, mạch nguồn của tâm hồn Việt. Theo lời ru, cái cò cái vạc, cái bống
cái bang, cái tôm cái tép…cùng bao con vật gần gũi với nhà nông và làng quê Việt
cứ lần lượt hiện về”. (Cánh võng - lời
ru). Có thể ghé lại ở mảnh sân quê để chiêm ngưỡng những hình ảnh vừa quen
vừa lạ: “Trên mảnh sân quê này, những sóng lúa nối tiếp nhau như những “biển vàng” giống khi còn ngoài đồng vậy.
Giữa trưa hè nắng chói chang, bàn chân thô ráp của người nông dân luồn sâu vào
từng lớp lúa hột, từ ấm nóng đến bỏng rát để đảo cho lúa mau khô mà niềm vui no
ấm dâng trào(…) Sân quê vì thế còn phơi cả nỗi nhọc nhằn, thấm đẫm những giọt mồ
hôi mặn chát của mẹ cha ta, anh chị ta, của cả chính ta thời ấu thơ, đèn sách
và bao bóng hình thế hệ sau nối tiếp” (Mảnh sân quê). Hoặc suy ngẫm vì
sao hoa phượng không chỉ cháy trong mùa
thi, mà cháy mãi trong ta một đời dài dặc:
“Một loài hoa như biểu tượng cho một thời
không thể nào quên trong mỗi người; một loài hoa mang theo hành trang là học thức
và nhân cách để “cất cánh”, hỏi sao không “cháy” mãi trong ta suốt cuộc đời dài
dặc, đâu chỉ mùa thi?” ( Mùa phượng cháy- mùa thi). Mà cũng có thể khám phá về cách báo hiếu riêng độc đáo với bậc
sinh thành tùy theo hoàn cảnh kinh tế: “Thì
ra, con người ta báo hiếu cho cha mẹ cứ đâu phải bằng của ngon, vật lạ, bằng
sâm, nhung, thuốc bổ tỳ bổ vị; khao thọ linh đình hoặc tổ chức ma chay phải thật
rùm beng mà - chỉ một cây gậy nhỏ gọn, chắc chắn làm điểm tựa… lúc sức tàn lực
kiệt, chẳng là hiếu, nghĩa đó sao?” (Chiếc gậy của người con).
Tản văn cho phép người viết “lan man” liên
tưởng. Cốt là sự liên tưởng đó bất ngờ nhưng lại hợp lí, hợp tình, hợp cảnh. Từ
chuyện hoa gạo, đom đóm tác giả nghĩ về những bị cáo. Từ chuyện vắng tiếng chim
tu hú đến chuyện “diệt chủng” các loài chim bằng súng săn. Từ chuyện cánh võng lời ru đến chuyện người mẹ trẻ không biết ru, các đồ chơi phản
giáo dục trên nôi tới chuyện bạo lực học đường. Từ chuyện ngọn khói đốt đất hun
làm phân bón ruộng đến khói đốt đồng, đến khói lam trên mái rạ, đến những cột
khói bom thời chống Mĩ, rồi đến các cột khói do bất cẩn gây cháy nổ ở các thành
phố, khu công nghiệp mà đài, báo đưa tin. Sự liên tưởng đó làm cho tản văn của
Đức Dũng gắn liền với những vấn đề nổi cộm của cuộc sống hiện đại, bên cạnh những
hồi ức đẹp đẽ, mơ mộng, trong trẻo của quá khứ.
Hiện nay, ranh giới giữa tản văn, tạp văn,
tạp bút, tùy bút không thật rõ ràng và càng ngày chúng càng có xu hướng hòa trộn.
Có khác chăng giữa tùy bút và tản văn chỉ là dung lượng mà thôi. Tản văn thường
ngắn gọn. Trong khi đó tùy bút cho phép viết dài. Bài cuối cùng của tập sách được ghi là tùy bút.
Tùy bút viết về những dòng sông là một cách
lựa chọn khôn khéo để không trùng lặp, mà lại cho phép ngòi bút tung hoành. Tác
giả viết về những con sông trong nhạc, sông trong thơ, sông trong điện ảnh của
thế giới và của Việt Nam. Điều khác biệt nữa là Đức Dũng muốn đặt vấn đề về sự ô
nhiễm môi trường, sự “bức tử” những dòng sông trên khắp ba miền đất nước, cho nên
nhan đề bài tùy bút là “Những dòng sông … khóc”. Sông khóc bởi vì sự thay đổi bờ
bãi do nạn cát tặc, sự ô nhiễm do con người gây ra:
Sông
xưa thiếu nước – rác thừa
Bờ
xưa đã lở bến xưa đã bồi […]
Người
xưa nay đã khác rồi
Hồn
sông cũng chết từ hồi phụ nhau
Sông
buồn chở nặng thương đau
Chở
dòng lệ vắt đỏ mầu máu tim.
Không
hài hước đến tinh quái, không quá thông minh, nhưng đôn hậu, ấm áp, khiêm
nhường, thủ thỉ và cũng nhiều lúc thăng hoa. Đó là phong cách, là tạng Đức Dũng. Bởi vậy, tùy bút “Những
dòng sông… khóc” và hai mươi bài tản
văn trong tập Ngọn khói quê nghèo để
lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng tốt đẹp về ngòi bút chuyên viết kí với tản
văn.
Hà Nội, tháng 3 năm 2018
in trên Văn Nghệ Công an số 386 ngày 22,29 thang Ba năm 2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét