PHẠM TIẾN DUẬT LÀ NHƯ THẾ ĐÓ!
LÊ SƠN
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Phạm Tiến Duật sau năm 1975,
khi anh xuất ngũ về công tác tại báo Văn Nghệ do nhà văn Đào Vũ làm Tổng Biên
tập. Nhưng tôi thực sự gần anh khi anh về làm Tổng Biên tập Tạp chí “Diễn đàn
Văn nghệ” của Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật. Tạp chí
“Diễn đàn Văn nghệ” chiếm trọn tầng 7 trong khu biệt thự 51 Trần Hưng Đạo, nơi
vua Bảo Đại đã từng được bố trí ở tạm tại Hà Nội sau khi thoái vị năm 1945.
Phòng Tổng Biên tập nằm ở đầu hồi, nơi Duật thường tiếp khách quý và bạn thân
bằng “nước lọc” Làng Vân (tức rượu “cuốc lủi”) thay nước trà vì theo anh, “tửu
có nhập thì ngôn mới xuất”.
Không khí làm việc tại Tòa soạn mang đậm tính chất gia đình
thân mật nhưng không kém phần nghiêm túc. Vào những ngày cuối tuần, các nữ
phóng viên xinh đẹp như Thu Hồng, Bích Hường, Thu Hương… thường tổ chức bữa cơm
thân mật ngay tại Tòa soạn; và Tổng Biên tập Phạm Tiến Duật trong bộ đồ lớn kẻ
sọc màu xanh xám, cổ thắt cravat đỏ, thường có mặt với dáng dấp điệu đàng của
một vị chủ hôn. Duật giao du rất rộng, bạn bè của anh thuộc đủ các giới, đủ mọi
lứa tuổi nam phụ lão ấu, nhưng gần gũi nhất với anh là một nhóm bạn từ thuở hàn
vi như Đỗ Chu, Lưu Quang Vũ, Hoàng Trần Cương, Nguyễn Lâm (tức Lâm “Râu”),
Nguyễn Khắc Phục… Có lẽ Đỗ Chu là người hay la cà ở Tòa soạn hơn cả và hai ông
bạn nối khố này hiểu nhau đến tận chân tơ kẽ tóc.
PGS, dịch giả Lê Sơn
Một chiều, sau chuyến công du nước ngoài về, Duật hý hửng
khoe chiếc máy quay phim mới được một chiến hữu tặng ở Ba Lan, rồi cao hứng rủ
Đỗ Chu, Lê Sơn cùng mấy người bạn nữa đang có mặt tại Tòa soạn đi ăn lẩu gà ở
một nhà hàng gần khu Triển lãm Vân Hồ. Đang trong tâm trạng lâng lâng phấn khởi
và sau khi làm mấy hớp rượu “cuốc lủi”, Duật cao giọng thông báo: Sáng nay mình
vừa đi giao ban ở Ban Tư tưởng – Văn hóa về, và Tạp chí “Diễn đàn Văn nghệ”
được biểu dương đấy. Vốn là một tay “ác khẩu”, Đỗ Chu liền đá xoáy Duật một cú:
“Tạp chí của anh thì ra cái quái gì mà khoe! Chỉ có những thằng ấm đầu mới đọc
mà thôi”. Bị cụt hứng, Duật mặt đỏ tía tai, quắc mắt chỉ tay thẳng vào Đỗ Chu
đang tủm tỉm cười: “Anh, anh… là một thằng xuống cấp về đạo đức!”. Biết bạn nổi
khùng vì tự ái, Đỗ Chu bèn đánh trống lảng sang chuyện khác. Người ngoài chứng
kiến cuộc đấu khẩu ấy có lẽ nghĩ rằng hai gã này sẽ tuyệt giao và không bao giờ
thèm nhìn mặt nhau nữa. Nhưng lạ thay, ngay sáng hôm sau, khi đến Tòa soạn
“Diễn đàn Văn nghệ” để nộp bài, tôi đã thấy Đỗ Chu đang ngồi rít thuốc lào sòng
sọc ở đó, và hai người lại vui vẻ hàn huyên như chẳng có chuyện gì xảy ra. Họ
đã hiểu nhau quá mà. Chẳng qua chỉ là một chút đùa vui tếu táo mà thôi.
Có những buổi trưa, hễ không thấy Duật ở Tòa soạn, thì y như
rằng anh đã ngồi bên chén rượu trong quán cô Dung, ở ngay đầu ngõ 3 phố Lê Văn
Hưu. Và tụ tập chung quanh anh là cả một bầy đệ tử coi anh như thần tượng của
mình. Tại đây, câu chuyện về thơ ca, về thời sự lại nở như ngô rang. Cao hứng,
anh lấy giọng đọc một bài thơ vừa sáng tác trước con mắt thán phục của những
người hâm mộ. Sau đó, anh kéo cả đám gần chục người đi ăn cháo lòng ở gần đấy
do anh chiêu đãi. Anh hý hửng khoe: “Mình mới được Hữu Ước chi một chai (một
triệu đồng) ở “An ninh Thế giới”. Nay sẽ khao các bạn. Lộc bất tận hưởng mà!”.
Khi được tin một người bạn thân là Lâm Râu mất tại Sài Gòn
trong cảnh cô đơn, anh buồn lắm. Vào đúng hôm 49 ngày của Lâm, anh cùng một số
bạn bè chí cốt đến thắp hương tại ngôi nhà cũ của Lâm trên phố Triệu Việt Vương
và hóa tập thơ “Kịch đời” của Lâm do Nguyễn Khắc Phục tổ chức bản thảo và xuất
bản sau khi Lâm qua đời, để thi phẩm độc đáo này đến tay Lâm ở nơi chín suối.
Và một cuộc rượu “Nhớ bạn” cũng được dọn ra ngay tại đó.
Đối với bạn bè có chút năng khiếu văn chương, anh sẵn sàng
bồi dưỡng và giúp đỡ đến nơi đến chốn, mặc dầu biết rằng có những đối tượng
không mấy ưa mình. Đó là trường hợp nhà thơ Đ.H., người dám cả gan dịch lại
“Truyện Kiều” của Thanh Tâm Tài Nhân và thậm chí xuất bản cả một cuốn “Kiều
Thơ” dày mấy trăm trang. Chính Duật đã giơ tay đón Đ.H. đang bị thất thế về Tạp
chí “Diễn đàn Văn nghệ”, rồi lại giới thiệu anh này vào Hội Nhà văn, bởi ý kiến
của Duật có sức nặng đáng kể đối với Ban Chấp hành. Ấy thế mà lúc đã quá chén,
Đ.H. lại lè nhè chê bai Duật và các bậc đàn anh khác trên thi đàn và hay vỗ
ngực đề cao mình như một thiên tài (!?).
Sống và hành động như một thi sĩ lãng tử, Duật đôi khi cũng
không làm chủ được bản thân mình trước rượu ngon và sắc đẹp. Tôi nhớ có lần ông
Đại sứ Israel đã tổ chức một tối giao lưu với một số nhà văn Việt Nam tại tư
dinh trên phố Bà Triệu. Duật đảm nhận vai MC từ phía Việt Nam, anh cũng trổ tài
nói được dăm câu tiếng Anh ba rọi. Nhưng vì quá say sưa với rượu ngon và nhan
sắc lộng lẫy của cô trợ lý cho ông Đại sứ, nên Duật ta nhầm lẫn lung tung khi
giới thiệu danh tính mấy nhà thơ nữ Việt Nam khiến các nàng này đâm lúng túng;
và suốt buổi giao lưu, chàng thi sĩ họ Phạm cứ bám riết lấy bóng hồng Tây
phương để tâm sự qua bút đàm mà quên béng mất vai trò dẫn dắt của mình.
Duật là như thế đó. Một nhà thơ tài danh rất chịu chơi, một
tấm lòng hào hiệp vị tha, một tính cách hồn nhiên trong sáng, một tâm hồn đa
cảm đượm vẻ cô đơn của thi nhân sẽ còn lưu lại mãi trong ký ức của bạn bè và
những người đương thời với anh.
Chép từ Blog của Lê Thiếu Nhơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét