ĐẠI TƯỚNG QUÂN VÀ VIÊN HẠ SĨ
Bút ký BÙI QUANG THANH
NHÀ THƠ BÙI QUANG THANH
Năm năm trong quân ngũ, có ba năm ở chiến
trường Tây Nguyên ác liệt và gian khổ, ra khỏi
lính tôi được đồng đội gọi là Hạ sĩ “lưu niên”. Thông
thường, mỗi quân nhân trong lực lượng quân chính quy
“Bắc Việt”, chỉ 6 tháng sau khi nhập ngũ (là tân binh -
Binh nhì) thì được phong quân hàm từ Binh nhì lên Binh
nhất, sau 12 tháng (hoặc chậm nhất là 18 tháng) sẽ từ Binh
nhất lên Hạ sĩ - ngạch đầu tiên của Hạ sĩ quan. Rồi sau
đó là Trung sĩ, Thượng sĩ… lên đến cấp Đại tướng phải
qua… 17 lần phong quân hàm như thế. Đương nhiên, mỗi
cấp hàm sẽ gắn với chức vụ được giao; và đương nhiên
phải phù hợp năng lực, học vấn, trí tuệ, tư chất, tác phong,
sự cống hiến… và cả may mắn nữa.
Tôi vào lính từ một mái trường Trung học chuyên
nghiệp ở Hà Nội - Trường Trung cấp Giao thông thủy
- bộ. Bác Hồ mất, chúng tôi khóc đầm nước mắt. Tang
lễ Người xong, tôi và nhiều đoàn viên, thanh niên nữa
của trường viết đơn bằng máu ra chiến trường. Để đủ
cân, đủ lạng vào lính, tôi bỏ thêm một cục gạch vào chiếc
quần âu rộng thùng rộng thình mà ông chú ruột, sau này
là Nhà văn Bùi Cẩm Kỳ - một kỹ sư bưu điện - tặng cho.
Bà Vân y tá của trường mắng tôi: “Bố mày! Nhóc con thế
làm sao đeo nổi ba lô con cóc mà vô lính, hả?”. Tôi phải
khẩn khoản với bà, rằng tôi chỉ thiếu mấy lạng thôi, các
tiêu chuẩn khác đủ cả.
Với trọng lượng (cả gạch, cả quần áo) 42,5 kg, tôi
được kết luận sức khỏe B1, đủ điều kiện nhập ngũ và
tháng 12.1969, tôi có mặt trong đội hình Tiểu đoàn
2B, một đơn vị độc lập trực thuộc Sư đoàn 304B. Tiểu
đoàn tân binh gồm 642 sinh viên các trường đại học,
trung học chuyên nghiệp thuộc khu vực Hà Nội và
Vĩnh Phú lên tàu từ Vĩnh Yên, sang ga Phổ Yên rồi về
Cầu K ở đất Phú Bình thuộc tỉnh Bắc Thái huấn luyện.
Một chiều đầu xuân 1970, Trung đội 50 người trong đó
có tôi về Sơn Tây để đặt những nhát cuốc đầu tiên khởi
công xây dựng Nhà máy Q151 - nay là Z151 thuộc Cục
Quản lý xe, Tổng cục Hậu cần. Rồi tôi được điều sang
Trường Trung cấp Kỹ thuật xe - nay là Trường Sĩ quan chỉ
huy kỹ thuật ô tô học. Tháng 12.1971, một tiểu đoàn xe cơ
giới được thành lập bổ sung cho mặt trận Tây Nguyên, tôi
có mặt trong đội hình tiểu đoàn vận tải ấy và xuyên dọc
Trường Sơn vào B3 tham gia chiến đấu.
Đơn vị xe chúng tôi hành quân 2 tháng ròng rã trên
đường Tây Trường Sơn, dưới sự phong tỏa của không lực
Mỹ với những loại máy bay trinh sát OV10, L19B và “Bà
già” C130 được trang bị các loại kính hồng ngoại, súng
cối, pháo liên thanh 20 ly rình rập, quần thảo ngày đêm.
Đó là chưa kể, chỉ một nghi ngờ nhỏ, một viên đạn chỉ
điểm bằng khói tím hoặc trắng bung lên là hàng đàn phản
lực, B57, B52… sẽ bu đến rỉa mồi. Có xe đã cháy, có người
đã hy sinh nhưng rồi đơn vị vẫn kịp vào nơi tập kết, chấn
chỉnh đội hình, lao vào tham gia các chiến dịch giải phóng
Tây Nguyên mùa xuân 1972. Đó là trận chiến thắng ở
Đăk Tô - Tân Cảnh, những trận huyết chiến ở Kon Tum,
Bến Héc… tạo đà giải phóng phần lớn Tây Nguyên.
Trước thời điểm ta hoàn toàn làm chủ Bắc Kon Tum,
hầu hết các quốc lộ, tỉnh lộ do địch kiểm soát. Các đơn
vị chủ lực của Quân Giải phóng chỉ ở sâu trong rừng, lấy
đêm làm ngày, lấy rừng lá lớp lớp ken dày làm nơi che
chở. Từ đó hành quân ra bao vây, tập kích địch trong đồn
hay địch di chuyển trên quốc lộ. Với đơn vị cơ giới chúng
tôi, vào đến nơi tập kết là phải đào hầm ếch đẩy xe vào
cất giấu rồi đi gùi, đi thồ, đi sửa chữa xe đạp cho các Tiểu
đoàn vận tải bằng… xe đạp thồ. Chỉ sau trận Đăk Tô mới
được tiếp cận, thu hồi xe quân dụng của địch phục vụ cho
vận tải.
Tôi loay hoay phân trần cái chức Hạ sĩ “quèn” của
mình không phải để hơn thua chuyện công lao, hưởng
thụ, mà là vì một kỷ niệm không thể nào quên với vị Đại
tướng kính yêu của toàn quân, toàn dân ta vừa cất cánh về
cõi vĩnh hằng. Chỉ những ngày này, trong nỗi đau thương,
tiếc nhớ của cả dân tộc và rất nhiều người trên thế giới về
sự ra đi của vị Đại tướng Tổng Tư lệnh - nhân vật kiệt xuất
về quân sự, sách lược; tấm gương bình dị, nhân ái, gần gũi
với đồng chí, đồng đội, đồng bào; về những kỷ niệm riêng
của mình (tôi) - một người lính “trơn” trong đội ngũ triệu
người của Ông mà lòng nghẹn ngào không thể không
ghi lại cái rất riêng của mình những lần gặp Đại tướng
kính yêu.
Vào Tây Nguyên trước chúng tôi có cả một xưởng sửa
chữa ô tô nhưng các anh ấy chưa bao giờ được thấy cái xe
nhà mình nổ máy trên đường, vì vậy họ cũng được điều
động gùi, thồ, làm rẫy, đốt than, săn bắt cá và thú rừng
làm lương thực cho mặt trận và làm tất tật những gì cách
mạng yêu cầu. Khác với lính chiến, hy sinh, thương tật
liên tục, quân số bổ sung hằng ngày, thậm chí hằng giờ,
“lính buổi mai cai lính buổi chiều” là dĩ nhiên. Vì vậy hầu
hết chức vụ nhanh hơn cấp bậc. Riêng lính hậu cần thì…
còn lâu. Không có chức vụ thì không có cấp bậc, thì cứ
việc ai nấy làm. Có người vô Nam từ năm 1960 mà đến
ngày giải phóng, ngót 15 năm không một lần phong quân
hàm. Áo quần, nhu yếu phẩm chẳng có chu cấp nói chi
đến cấp chức nọ kia. Vì vậy chỉ lực lượng hậu cần mới
biết, mới thông cảm cho nhau cái sự “chậm tiến” ấy. Và
các bạn, cũng hiểu vì sao tôi, suốt 5 năm lính vẫn chỉ là
Hạ sĩ “quèn”.
Cho đến trước những ngày tháng 7 năm 2001, mỗi lần
đi qua số nhà 30 Hoàng Diệu, tôi vẫn được nghe bạn bè
thì thầm: Đại tướng ở nơi đây. Chỉ vậy thôi mà đã tim đập
bồi hồi. Nhiều khi dừng chân nán lại, ngó vào chốn cây
xanh che rợp phảng phất của nơi tu tịch, nhìn những quân
nhân chỉnh tề trang nghiêm túc trực trước cổng khu nhà
mà lòng tôi chỉ thầm mong thấp thoáng bóng dáng Người
dạo trong khuôn viên cây lá đó. Rồi một lần, Đại tá - Nghệ
sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng cho tôi xem những bức ảnh chụp
về Đại tướng, rất nhiều, rất đẹp và rất sinh động. Qua
ảnh, tôi biết Trần Hồng đang rất gần gũi với Đại tướng
và cuộc sống thường ngày của Ông. Trần Hồng khoe với
tôi là anh đang được báo Quân đội nhân dân đặc cách
vào ra Phủ Đại tướng để ghi lại cuộc sống, lao động, giao
tế… của Đại tướng; vừa chuẩn bị cho những ngày sắp tới
mừng sinh nhật lần thứ 90 của Ông và làm tư liệu lưu lại
cho mai sau. Tôi hỏi Trần Hồng: tôi có thể “quá giang” vô
dinh Cụ được không? Trần Hồng rụt rè trả lời: cũng có thể.
Trần Hồng gọi điện xin ý kiến của Đại tá Huyên, thư ký
của Đại tướng. Để thuyết phục vị đại tá thư ký, Trần Hồng
giới thiệu tôi là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, là cựu binh cũ
từng chiến đấu ở Tây Nguyên, cũng là… nhà nhiếp ảnh
của một tờ báo văn nghệ ở miền Trung muốn tiếp cận Đại
tướng để có tác phẩm nhân ngày sinh nhật Cụ (hồi đó
tôi đang là phóng viên, biên tập viên Tạp chí Hồng Lĩnh
thuộc Hội Văn nghệ Hà Tĩnh). Đại tá Huyên đồng ý và
hẹn buổi chiều hôm ấy, đúng 3 giờ.
Cuộc yết kiến ấy, ngoài Trần Hồng và tôi còn có Nghệ
sĩ nhiếp ảnh, Nhà báo Trần Định ở Việt Nam Thông tấn
xã và bạn tôi, Tiến sĩ Dương Thanh Biểu vừa giữ chức Phó
Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao. Anh Biểu nguyên là
Đại đội trưởng một đại đội chủ công của Trung đoàn 28,
Sư đoàn 10, Quân đoàn 3; đã từng là Dũng sĩ diệt Mỹ ở
mặt trận Tây Nguyên những năm 70. Cả Trần Hồng và
Trần Định đã thu xếp để anh Biểu cùng được vào thăm
Đại tướng. Đại tá Huyên tiếp chúng tôi ở phòng trưng
bày kỷ vật của Phủ Đại tướng. Ông bảo Đại tướng đang có
khách nước ngoài, đề nghị mọi người đợi ở đây và tranh
thủ xem các phòng lưu niệm. Ấn tượng của hiện vật trưng
bày là những hình ảnh về Bác Hồ, là những lá cờ thắm đỏ
chiến công, những lá thư, cuốn thư chúc phúc Tổng Tư
lệnh của các đơn vị quân, dân, chính, đảng trong nước và
cả bạn bè năm châu. Hầu hết thư, thơ, đối, vịnh… của các
đơn vị quân đội đều một “Anh Văn”, hai “Anh Văn”…
Tôi chợt nhận ra một điều kỳ diệu đến lý thú, về hai
con người Việt Nam xuất chúng ở thời đại chúng ta: Bác
Hồ và Tướng Giáp. Một người vĩ đại đến mức chỉ mới 55 tuổi
mà cả nước đã coi là Cha Già Dân tộc, là Bác, là Cụ, là Người.
Dù Bác đã về cõi tiên ngót nửa thế kỷ, những từ nhân xưng đó
vẫn không hề thay đổi. Còn một người, dù đã ngót trăm tuổi,
đã đeo hàm Đại tướng tổng Tư lệnh trên nửa thế kỷ thì cán bộ,
chiến sĩ, đồng đội, nhân dân vẫn yêu quý, thân tình gọi bằng
Anh. Đó cũng là một sự vĩ đại. Không chỉ hôm nay và chắc
chắn sẽ mãi về sau, con cháu chút chít của Người vẫn yêu
mến gọi bằng “Anh”: Anh Văn của chúng ta.
Mấy chục phút ấy, tôi biết mình không thể xem hết,
đọc hết cả một “kho” tư liệu quý giá và nghĩ chẳng bao
giờ mình còn có dịp vinh hạnh được trở lại đây, tôi chụp
lấy chụp để những kỷ vật, mở máy ghi âm đọc và ghi
những lời thơ, lời chúc, lời đối… mong lưu lại cho mình.
Rồi Đại tướng xuất hiện ở bậc cửa phòng khách, thong thả
bước xuống sân, đi sang nhà trưng bày kỷ vật, nơi mấy
anh em chúng tôi thấp thỏm trông chờ. Bên Đại tướng là
Hà phu nhân, phía sau có mấy người nam và nữ cùng đi
xuống nữa.
Tôi lặng người ngắm Ông. Mái tóc bạc trắng, da mặt
hồng hào, bộ áo quần bằng lụa màu trắng ngà mềm mại,
tư thế ung dung, nét mặt tươi vui và ánh mắt nhân từ,
phúc hậu. Tôi liên tưởng đến một ông tiên trong cổ tích;
tôi nghĩ đến hình dáng ông nội tôi ngày xưa và chợt thấy
vững tin, mọi ngại ngần e dè, xa lạ biến mất và chúng tôi
mạnh bạo đi về phía Ông. Đại tướng bắt tay mọi người,
nghe giới thiệu từng vị khách không mời mà đến rồi vui
vẻ nói với Đại tá Huyên, cũng là nói với chúng tôi: “Chiều
đẹp thế này, chúng ta ra vườn ngồi cho thoáng”. Rồi Đại
tướng đi về phía vườn sau, nơi có một bộ bàn ghế đặt
ngoài trời. Ông ngồi xuống, Hà phu nhân ngồi bên trái
Ông, chị Võ Hồng Anh (Con gái của Đại tướng và Liệt sĩ
Nguyễn Thị Quang Thái) ngồi cạnh Hà phu nhân. Anh
Võ Điện Biên và mấy cô con gái của Đại tướng cùng đứng
sau lưng bố mẹ. Đại tướng chỉ hai chiếc ghế rời đối diện
bảo anh Dương Thanh Biểu và tôi ngồi xuống. Lúc này
Đại tá Huyên đã xin phép đi về phòng, các anh Trần Định,
Trần Hồng đang tác nghiệp với máy ảnh trên tay. Tôi được
ngồi với Đại tướng vừa sung sướng, vừa bối rối cảm động.
Anh Biểu cũng chưa biết phải nói gì thì Đại tướng hỏi:
“Cán bộ nhân viên Viện Kiểm sát của chú đời sống có
đỡ không?” Được gợi ý, Dương Thanh Biểu mạnh dạn
báo cáo sơ bộ tình hình đời sống, công việc của ngành
Kiểm sát với Ông. Đại tướng chăm chú nghe, đôi mắt nhìn
thẳng vào người nói chuyện, đầu gật nhẹ, khuyến khích.
Ông hỏi anh Biểu về thông tin một số quan chức, cán bộ
ngành công an, báo chí, kiểm sát dính vào tiêu cực trong
các vụ án Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh, Ông tỏ ý buồn khi
nghe những thông tin đó.
Đại tướng hỏi chúng tôi mà như trò chuyện thân tình
giữa ông cháu, về nghề nghiệp làm báo, viết văn, hỏi về
những tháng ngày tham gia quân đội. Dương Thanh Biểu
say sưa kể cho Ông và Hà phu nhân nghe những ngày
ở Tây Nguyên đánh giặc, mắt ông sáng lên, trẻ trung và
đồng cảm. Tôi không dám nói gì vì ngại kể về mình, một
chàng lính “trơn” từ chiến trường ra và cũng chỉ được làm
Lính Cụ Hồ có 5 năm, so với bao người khác mình đâu
dám múa rìu qua mắt thợ. Nhất là ngồi trước vị Đại tướng
lừng danh.
Nghệ sĩ Trần Định rất biết mong muốn của chúng tôi
là được chụp ảnh với Đại tướng. Anh đi ra phía sau lưng
Ông, lễ phép: “Thưa Đại tướng và phu nhân, cháu xin
phép được chụp ảnh gia đình Đại tướng với hai cựu chiến
binh từng chiến đấu ở chiến trường B3 để làm lưu niệm
ạ!” Cả Đại tướng và Hà phu nhân đều vui vẻ gật đầu. Ông
bảo anh Biểu, tôi, cùng các cô con gái đứng phía sau ông
bà, anh Võ Điện Biên ngồi bên phải Ông để Trần Định
bấm máy. Bức ảnh đầu tiên chúng tôi được chụp với Đại
tướng và gia đình của ông, sau này nhiều tờ báo in rất
trang trọng với chú thích: Đại tướng trong khuôn viên
gia đình.
Trời ngả về chiều, nắng chếch vàng óng xuyên qua các
tán cây xanh. Đại tướng đề nghị mọi người bách bộ trong
vườn, vừa đi vừa trò chuyện. Hà phu nhân đang muốn
tìm hiểu về những vụ án lớn mà các cơ quan pháp luật
đang thụ lý nên bảo anh Biểu đi cùng để nói chuyện. Tôi
được đi bên Đại tướng, phía kia là anh Võ Điện Biên. Cả
tôi và Võ Điện Biên mỗi người đều vai đeo máy ảnh. Đại
tướng hỏi tôi: “Thế cậu nhà văn có đi bộ đội không nhỉ?”.
“Thưa bác, cháu có năm năm trong quân đội ạ. Cháu cũng
vào chiến trường Tây Nguyên ạ”. Đại tướng gật đầu: “Tây
Nguyên gian khổ lắm, thiếu đói lắm. Cậu ở chiến trường
từ năm nào?”. “Dạ, cháu ở từ năm bảy mốt đến năm bảy
tư ạ”. Ông nhìn tôi, cười rồi hỏi tiếp: “Thế ra quân, cậu
cấp bậc gì? Chức vụ gì?”. Bị chạm vào chỗ yếu của mình,
tôi đỏ mặt và lí nhí: “Dạ thưa, cháu là… hạ sĩ ạ”. Ông bật
cười: “Hạ sĩ? Sao chậm thế?” Bị bật vào đúng nỗi niềm, tôi
vừa muốn thanh minh, vừa muốn thay mặt những người
lính hậu cần Tây Nguyên hồi ấy bày tỏ với vị Tư lệnh
tối cao của mình về những bất cập thời chiến ấy, nhưng
nhìn mắt Ông rất vui, có vẻ thú vị, như có vẻ chế diễu
anh chàng văn thơ mà chậm tiến trong quân ngũ, tôi buột
miệng trả lời Ông: “Báo cáo Đại tướng, như vậy là cháu
được phong quân hàm hai lần đấy ạ. Một lần từ Binh nhì
lên Binh nhất và một lần từ Binh nhất lên Hạ sĩ. Còn…
Đại tướng… gần sáu chục năm chỉ được phong… một lần
thôi ạ.” Buông xong câu trả lời ấy, tôi cứng giọng, kinh
hãi vì mình… hỏng mất rồi. Định lấy cái thấp tẹt của tôi
để ngưỡng mộ cái cao vời vợi của Ông, một nhát lên ngay
Đại tướng, không qua bất cứ cấp hàm nào và mãi mãi là vị
Đại tướng của toàn quân. Nhưng có vẻ không ổn? Có vẻ
tôi đã chạm vào cái gì đó trắc ẩn của Ông…
Tôi thảng thốt chờ một sự biểu hiện trên nét mặt của
Ông, rồi vội vàng quay mặt sang phía Võ Điện Biên.
Cũng may, anh Võ không để ý câu chuyện giữa tôi và
Đại tướng, anh đang nhìn về phía đoàn của Hà phu nhân.
Đại tướng cầm tay tôi: “Cậu láu lắm!”. Tôi nắm chặt bàn
tay ấy, ấm áp, mềm mại và vị tha. Chợt Đại tướng nói
nhanh: “Cậu đưa máy ảnh đây, đẹp quá”. Ông cầm lấy
chiếc máy Nikon của tôi. Tôi gỡ vội dây đeo đang quàng
trên vai trao cho Ông và nhìn về phía Ông đang dõi theo:
Hà phu nhân, anh Biểu, chị Võ Hồng Anh và hai con gái
của Đại tướng đang đi vào một vùng nắng vàng óng, sóng
sánh sắc thu. Giữa vườn xanh, những sợi nắng chếch buổi
hoàng hôn đẹp quá. Ông gọi Hà phu nhân đứng lại trong
vùng nắng, nâng máy và quỳ xuống ngắm. Nhìn ông
nâng chiếc máy ảnh và chăm chú lấy nét, tôi cảm giác đó
là một nghệ sĩ thực thụ đang tác nghiệp, đó là một người
lính đang nâng súng, thành thục đến lão luyện; đó là một
tiên ông… Chợt Đại tướng vẫy tôi: “Cậu, chuyển sang lấy
nét tự động cho chính xác”. Tôi bước nhanh đến, lẩy từ
nấc M sang chế độ chụp tự động cho ông rồi bước lùi lại
mấy bước, ngắm Ông tác nghiệp.
Phút hạnh phúc hiếm hoi đó đã được Nghệ sĩ nhiếp ảnh
Trần Định ghi lại từ một góc không thể đẹp hơn khi Đại
tướng đang quỳ, nâng máy ngắm vào mục tiêu, còn tôi và
Võ Điện Biên thành kính đứng bên Người, ngưỡng mộ!.
Đêm 07.10.2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét