Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

NGƯỢC MIỀN GÁI ĐẸP!

 


Kỳ 1: Ngược miền gái đẹp

Cả 3 con sông ấy đều nằm ở “khúc ruột miền Trung”, có thời gian còn thuộc một tỉnh là Bình Trị Thiên sau ngày thống nhất đất nước...

Bài viết 3 kỳ lần lượt kể về 3 dòng sông này của tác giả Mai Nam Thắng.

Bài 1: Ngược miền gái đẹp

Mối tình đầu của Trần Đăng Khoa là một cô văn công người sông Gianh, yêu say đắm nhưng tại vì nàng đẹp quá nên nhà thơ thần đồng lượng sức mình mà... rút lui.

songgianh1 1.jpg
Miền hạ bạn sông Gianh. (Ảnh Phạm Văn Thức)

Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng dòng sông Gianh, con sông lớn nhất trong 5 con sông chính ở tỉnh Quảng Bình, dài hơn 160 km. Bắt nguồn từ chân đỉnh Giăng Màn trên hai ngàn mét thuộc dãy Trường Sơn hùng vĩ, sông Gianh chảy dọc theo chân dãy Hoành Sơn ở mạn sườn phía Nam, qua địa phận các huyện Minh Hóa, Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch và thị xã Ba Đồn... rồi đổ ra biển Đông ở Cửa Gianh. Vượt qua những ghềnh thác ầm ào hiểm trở phía thượng nguồn như Thác Nậy, Đò Vàng, Kim Lũ,... sông Gianh từ giữa huyện Tuyên Hóa quê tôi đổ về xuôi lững lờ trôi giữa đôi bờ phù sa trù mật, những bãi biền dâu ngô xanh mướt, những làng xóm yên bình cây trái xum xuê...

songgianh3 1.jpg
Bến đò rào Trổ ở xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa

Có nhà văn từng ví Hoành Sơn như một “nét nghịch” của dãy Trường Sơn sừng sững uy nghiêm chạy dọc đất nước, làm phên dậu cương vực ở phía Tây của Tổ quốc, khi về đến đoạn tiếp giáp giữa hai huyện Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh và Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình thì chẳng rõ vì “chồn chân” hay tò mò “hiếu động” mà trổ ngang một nhánh chạy ra ngắm biển. Hoành Sơn vì thế trở thành ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, mà đoạn cuối là những địa danh nức tiếng ở cả 2 phía: Đèo Ngang, Vũng Áng, Kỳ Anh, Vũng Chùa, Đảo Yến... Vì sông Gianh chảy dọc theo chân dãy Hoành Sơn ở mạn sườn phía Nam, nên trong lịch sử cận đại, sông Gianh từng là giới tuyến phân chia đất nước thời Trịnh - Nguyễn hơn 200 năm (1570-1786), trong đó có gần nửa thế kỷ là chiến tuyến khốc liệt (1627-1672). Nghe nói, sở dĩ sông Gianh phải gánh chịu sứ mệnh đau thương ấy là bởi chúa Nguyễn Hoàng nghe theo lời dạy của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585): “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (?) 

Thời ấy, phía Nam Đèo Ngang là địa bàn phòng thủ hiểm yếu, nên Chúa Trịnh cho xây dựng 3 đồn lính án ngự là Trung Thuần, Phan Long và Xuân Kiều. Vùng đất nằm giữa 3 đồn này được gọi là Ba Đồn, thời ấy đã là thị tứ sầm uất, nay là thị xã mới được thành lập hơn chục năm nay. Đối diện với Ba Đồn ở bờ Bắc sông Gianh, phía bờ Nam Chúa Nguyễn cũng cho xây dựng 3 đồn lũy ở Ba Đề, Cao Lao Thượng và Cao Lao Hạ. Vùng đất bao gồm 3 đồn lũy ấy được gọi là Ba Trại, nay thuộc huyện Bố Trạch. Trong đó, Cao Lao Hạ là làng của nhà thơ Lưu Trọng Lư, một tên tuổi lớn của phong trào Thơ Mới đầu thế kỷ XX. Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt 2, năm 2000.

Ngày 26/3/2024 vừa qua, thị xã Ba Đồn tổ chức lễ gắn tên đường Lưu Trọng Lư tại phường Quảng Thuận. Tối hôm ấy, trong cuộc giao lưu giữa anh em văn nghệ địa phương với các nhà văn từ Hà Nội vào và từ Huế ra, nhà thơ Mai Văn Hoan nói rằng, giá ông đánh đổi được toàn bộ sự nghiệp văn thơ của mình để viết được 2 câu thơ như của Lưu Trọng Lư: 

Mắt em là một dòng sông

Thuyền anh bơi lặn trong dòng mắt em... 

Nhiều cử tọa nói rằng đó chính là dòng sông Gianh, con sông tuổi thơ và tuổi trẻ của Lưu thi sĩ. Nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa từ Hà Nội vào, hưởng ứng bằng một câu hỏi ngơ ngác: Này các ông, tại sao Quảng Bình “chang chang cồn cát” như thế mà con gái, nhất là vùng sông Gianh, lại trắng trẻo và xinh đẹp đến thế? 

Hỏi thế là bởi như chính anh thừa nhận: Mối tình đầu của anh là một cô văn công người sông Gianh. Yêu say đắm nhưng tại vì nàng đẹp quá nên nhà thơ lượng sức mình mà... rút lui. Rồi anh đọc thuộc lòng một mạch bài thơ rất khó thuộc “Người con gái sông Gianh” của Lưu Trọng Lư. Bài thơ không phải chỉ ca ngợi vẻ đẹp mà còn tôn vinh phẩm chất gan dạ kiên cường của “người con gái sông Gianh”: 

Thổ Ngọa hay Thuận Bài?

Minh Cầm hay Cảnh Hoá?

Trên giường bệnh xá

Máu vẫn đầm đìa

Giữa hai cơn mê

Mắt mở to chợt thấy

Bóng ai người con gái

Ngồi cạnh giường tôi

Tay quạt liền tay

Súng kề bên gối

Tuổi mười lăm mười bảy

Tóc tết ngang vai... 

Bài thơ mượn lời của một chiến sĩ Hải quân đóng ở Cửa Gianh, bị thương trong trận chiến đấu ngày 5/8/1964, ngày đầu tiên đế quốc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc nước ta... Hồi đó, Cảng Gianh trở thành một trong những mục tiêu bị đánh phá đầu tiên, bởi tại đây có một đơn vị quân đội mang mật danh là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”, chuyên bí mật đóng những chiếc thuyền gỗ trọng tải vài chục tấn để chở vũ khí và hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam; đồng thời dò tuyến cho con đường vận tải chiến lược trên biển với những đội tàu sắt trọng tải lớn. Sau một vài chuyến vận tải “thăm dò” bị địch phát hiện và khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” giải tán, chuyển sang hình thức tổ chức mới và phương thức hoạt động mới. Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam ghi nhận đây là đơn vị tiền thân của Đoàn tàu không số huyền thoại. 

Cùng thời gian này, sông Gianh trở thành một tuyến vận tải độc đáo của bộ đội Trường Sơn: Hàng hóa chở từ miền Bắc vào bằng xe goòng, tàu hỏa hoặc ô tô, đến vùng Tân Ấp, Kim Lũ là thượng nguồn sông Gianh thì thả xuống sông cho trôi tự nhiên về vùng hạ bạn. Tại đấy sẽ có lực lượng vớt lên ô tô hoặc tàu thủy để chạy tiếp vô chiến trường. Hồi đó tôi đã đến tuổi đội mũ rơm đi học dưới lòng hào giao thông, nhiều lần tận mắt chứng kiến người lớn “đẩy hàng” ở ngoài sông. Tất cả dân làng hai bên bờ sông, hễ gặp hàng của bộ đội mắc phải những mô đá, bụi cây ven bờ, đều tự giác “đẩy hàng” ra giữa dòng cho trôi tiếp...

Trở lại câu hỏi của nhà thơ thần đồng: Vì sao con gái sông Gianh đẹp nức tiếng? Có rất nhiều cách giải thích về nguồn nước chảy qua những dãy lèn đá trùng điệp từ thượng nguồn về hạ bạn; về những dòng họ danh gia vọng tộc có nguồn gốc từ vùng châu thổ sông Hồng… Lại có truyền thuyết rằng, khi ngược sông Gianh để lên thượng nguồn lập căn cứ Sơn Phòng chống Pháp, vua quan nhà Nguyễn đã gửi lại ven bờ hàng ngàn cung tần mỹ nữ vì không thể mang theo cả bầu đoàn thể tử trong tình thế khẩn cấp. Thậm chí cả một chiếc thuyền chở châu báu cũng phải đánh đắm để cất giấu dưới lòng sông. Khúc sông ấy nay vẫn mang tên là Đò Vàng thuộc xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa... 

Câu chuyện khiến nhà thơ Trần Đăng Khoa mê tít. Anh hào hứng hứa hẹn nhất định sẽ trở lại Quảng Bình, ít nhất là một lần nữa, để thực hiện một chuyến du khảo sông Gianh, bắt đầu từ nơi ra đời “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”, ngược lên Chiến khu Tuyên Hóa thời kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi ra đời Trung đoàn 18 anh hùng của đại đoàn Bình Trị Thiên mà thời tại ngũ anh có rất nhiều kỷ niệm...

Vâng, ngược dòng sông Gianh là ngược dòng sông lịch sử và văn hóa, địa linh nhân kiệt và danh lam thắng cảnh. Tỉnh Quảng Bình có “Bát danh hương” nức tiếng (Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim) thì đã có 3 làng nằm bên bờ sông Gianh. Đó là các làng La Hà, Thổ Ngọa nay thuộc thị xã Ba Đồn và làng Lệ Sơn thuộc huyện Tuyên Hóa. Cùng với truyền thống hiếu học và khoa bảng, làng Lệ Sơn còn đẹp nổi tiếng với 99 ngọn núi đá hùng vĩ soi bóng xuống dòng sông lung linh. 

songgianh2.jpg
Làng Lệ Sơn nhìn từ bờ Bắc. (Ảnh Phạm Văn Thức)

Từ làng Lệ Sơn ngược miền sơn cước ngót dăm chục cây số là đi qua rất nhiều địa danh nổi tiếng, nhiều di tích lịch sử và văn hóa, như: Phần mộ Đề đốc Lê Trực ở xã Tiến Hóa. Chiến khu Bu Lu Kịn ở thượng nguồn phụ lưu Rào Trổ, chiến khu Tuyên Hóa ở thượng nguồn phụ lưu Rào Nậy trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại xã Thạch Hóa có hang Hung Bù là nơi thành lập Trường trung học kháng chiến Phan Bội Châu của tỉnh Quảng Bình và hang xóm Niệt là nơi đặt xưởng quân giới Trần Táo của Liên Khu 4. Đặc biệt, lèn Tiên Giới và bến đò Chợ Gát là bối cảnh tiểu thuyết Mùa hoa dẻ của Văn Linh, tác phẩm một thời bị “cấm đoán” bởi những quan niệm cực đoan về tình yêu nam nữ trong chiến tranh. Làng Đồng Lào, nơi có hòn Lèn Ong vươn ra giữa dòng sông như một tuyệt tác vòm mái khổng lồ của tạo hóa, là nơi nhạc sĩ Trần Hoàn viết nhạc phẩm Sơn nữ ca gần tám chục năm trước. Sinh thời, nhạc sĩ Trần Hoàn và nhà văn Văn Linh đã vài lần xác định điều đó với anh em văn nghệ Quảng Bình...

songgianh4.jpg
Bến đò Chợ Gát, bối cảnh của tiểu thuyết “Mùa hoa dẻ”. (Ảnh Phạm Văn Thức)
songgianh5 2.jpg
Cầu phao sang Đồng Lào, nơi ra đời “Sơn nữ ca”. (Ảnh Phạm Văn Thức)

“Ở nhỉ, tại sao đến nay vẫn chưa có tuyến du lịch ngược dòng sông Gianh để chiêm ngưỡng những di tích lịch sử, văn hóa và những danh lam, thắng cảnh trên đây?”. Lại vẫn là nhà thơ thần đồng thốt lên câu hỏi hồn nhiên ngơ ngác. Thưa anh, điều này cả huyện, cả tỉnh đều biết, cơ mà miền đất chiến khu xưa vẫn còn nhiều ngổn ngang bất cập, cái khó nó bó cái khôn. Tuy nhiên, đề án phát triển du lịch Quảng Bình đến năm 2030 đã đề cập điều này, kèm theo là những giải pháp đồng bộ khả thi. Tất nhiên, từ đề án đến hiện thực đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành, các cấp, của tất cả chúng ta. Biết đâu, chuyến du khảo sắp tới của nhà thơ cũng sẽ là một dịp để quảng bá, góp phần đánh thức tiềm năng du lịch của Miền gái đẹp?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét