Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2024

NGƯỜI “DIỄN LẠI CẢ MỘT THỜI QUÁ KHỨ”

 


NGƯỜI “DIỄN LẠI CẢ MỘT THỜI QUÁ KHỨ”

PHẠM CÔNG TRỨ

            Thời quá khứ nói đến ở đây không hẳn là cái “Thời ấy làm sao thật thái bình/ Trai hiền bạn với gái đồng trinh” của Nguyễn Bính -  “thi sĩ của hồn quê”. Nó có bà con gần với thời Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác/ Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay” của Anh Thơ - “thi sĩ của “cảnh quê”. Nó có họ hàng xa với thời “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” của Bàng Bá Lân - “thi sĩ của đời quê”. Nó chính là thời “Mà đất nước non sông cùng cây cỏ/ Còn thuộc quyền sở hữu của linh thiêng” của Đoàn Văn Cừ - “thi sĩ của tục quê”.

 Nói “thi sĩ của…”, ấy cũng chỉ là cách gọi tương đối, chứ thực ra trong thơ của mỗi người trong “tứ trụ” của “trường thơ Quê”, thì cảnh quê, tục quê, đời quê và hồn quê đều ít nhiều góp mặt. Trình làng “Thôn ca” (1944), Đoàn Văn Cừ đã góp một giọng thơ riêng vào làng Thơ Mới đông đảo các giọng điệu ở vào thời vãn trào của nó, dù ông đã có thơ đăng báo ngay từ những năm 1939. Đặt tên cho “đứa con thơ đầu lòng của mình như vậy, thì Thôn ca ca cái gì? Thôn ca của họ Đoàn có “dây mơ rễ má” gì với “Thôn ca sơ học tang ma ngữ” của thi hào Nguyễn Du xưa không? Cái “thời quá khứ” mà ông diễn lại ấy có ích gì cho ngày hôm nay?

Cảnh dân dã quê mình như thế đó

Trong bài “Lá thắm” với lời đề từ “Gửi Nh… mời về chơi quê tác giả”, ông đã khoe với khách “Em cứ lại, bao giờ tôi cũng có/ Thảm cỏ nhung êm ái để em ngồi/ Mặt gương hồ trong biếc để em soi…” . Bài thơ khép lại bằng hai câu “Cảnh dân dã quê mình như thế đó/ Khi yêu rồi đâu cũng đẹp như thơ”. “Quê mình”, cũng có nghĩa là “quê chúng ta”, tác giả bài thơ đã khéo “vơ vào” để hòng thổ lộ với em tình cảm riêng tư của mình, chắc là tình yêu. Tuy nhiên, thơ tình, với cái nghĩa tình trai gái, không là thế mạnh của tác giả Thôn ca. Đoàn Văn Cừ đắm say với chữ “tình” theo nghĩa rộng của từ này, là tình quê, tình đời, tình người. Thôn ca, không nghi ngờ gì nữa, là lời “tỏ tình” của anh trai quê họ Đoàn với quê hương, trong đó bao gồm những khúc tụng ca vẻ đẹp của cảnh quê, tình quê, tục quê, tuy đơn sơ, dân dã nhưng cũng rất quyến rũ, nên thơ.

Như vậy, thiển nghĩ, thôn ca ít nhiều có họ hàng với “thôn ca sơ học tang ma ngữ” (học được tiếng nói của người trồng dâu trồng gai), mà trên thực tế thì chính tác giả đã là người trồng lúa, trồng dâu. Do vậy, ngôn ngữ trong Thôn ca cũng tự nhiên như lời ru tiếng hát trên những cánh đồng nơi quê nhà ông. Song, Thôn ca lại nằm ngoài cái bối cảnh của “Dã khốc thời văn kiến phạt thanh” (Thoảng nghe tiếng người khóc như buổi chiến tranh ngoài đồng nội), dù có vang vọng ít nhiều tiếng hờn oán của của người quê sau lũy tre làng. Thôn ca, sản phẩm của một “ẩn sĩ” thời nay, càng không có cái tâm trạng day dứt của “Thập tải phong trần khứ quốc xa” (Bỏ quê hương đi suốt mười năm trong gió bụi) của Nguyễn Du.

Mở ra bằng bài thơ “Làng”, cùng một se-ri những bài “ăn theo làng” như Người làng, Đồng làng, Tục làng đến phiên Chợ làng vào xuân, nông thôn thời trước dần hiện lên trước mắt ta với những rặng tre, nóc nhà, ngọn chùa, mái đình… Đó đích thực là những nét đặc trưng của làng quê truyền thống vùng đồng bằng xứ Bắc mà “Dừng chân người khách đường xa ngỡ/ Hòn đảo con nào giữa biển xanh”. Đóng vai “người kể chuyện làng”, cứ nhẩn nha vừa đi vừa kể vừa tả bằng thơ, Đoàn Văn Cừ đã đưa ta vào một thế giới, ở đó có sự hòa hợp giữ thiên nhiên và con người, cảnh với tình, đa sắc màu và rộn âm thanh. Từ cái nhìn thấy cụ thể, như rặng tre, cổng làng, cánh đồng, người xếp ải, người gánh lúa, gánh nước đến những cái mơ hồ huyền ảo, như “Sao trời từng chiếc rơi thành lệ/ Sương khói bên đồng ủ bóng mơ”; “Những cánh tay áo thụng vái mơ huyền/ Đang diễn lại cả một thời quá khứ” . Từ những cái nghe thấy cụ thể như tiếng chim, tiếng chó, tiếng gà, tiếng võng, tiếng cối xay lúa, tiếng chày giã gạo, tiếng gầu tát nước, tiếng sáo diều… cho đến cả những thanh âm thấy bằng mắt “Tiếng gầu tát nước bên đường cái/ Lẫn tiếng ai cười nhí nhảnh đi” hay “Tiếng ốc trên chòi rúc thiết tha/ Gió lay cót két rặng tre già”.

Từ không gian “làng” rộng mở, Đoàn Văn Cừ thu cái nhìn chăm chú của mình vào một “xóm nhỏ”, thm chí một mái “nhà tranh” cổ truyền, ở đó có chum nước mưa, dàn thiên lý, ao rau muống, cây rơm rạ, con gà nhảy ổ, con chó vào ra... Là người ưa tỉ mỉ, thích chi tiết, để khảo sát kỹ cảnh làng quê, tập tục sinh hoạt, lao động của người quê, ông cho “làng” biến đổi theo thời khắc của một ngày, sáng, trưa, chiều, tối, hoặc để chúng vận hành theo các mùa xuân, hạ, thu, đông. Chưa thỏa, ông đặc tả làng qua cảnh “xuân tết”, “cánh đồng”, ngày mùa, “bữa cơm quê”, “đêm trăng xanh”, “đàn trâu”, “đàn gà vịt”...

Những bức tranh quê trong Thôn ca, rất gần với “mục ca”, nhìn chung chúng không đẹp lung linh, huyền ảo, mà đẹp dân dã, thô mộc như cảnh đàn trâu về làng khi chiều tà “Trong ánh sáng hoàng hôn màu úa đỏ/ Đàn trâu về thủng thỉnh bước trên đê/ Những cặp sừng cúi thấp nặng nề lê/ Những chân bước lừ đừ như quá mỏi/ Những chiếc đuôi hiền lành se sẽ đuổi/ Những con ruồi mê ngủ bám bên hông”. Như con người, chúng cũng biết mộng mơ “Đàn trâu nằm mơ mộng mắt xanh veo/ Nghe gió chảy rì rào trên biển lúa”. Không nghi ngờ gì nữa, trong số các nhà thơ làng quê, Đoàn Văn Cừ là người có nhiều thơ nhất viết về trâu, bò - vật nuôi thân thiết, có ích nhất của nhà nông, trong đó ông đã “bất tử” chúng bằng “Con trâu đen chúi mũi đứng bên đường/ Cứ liếm mãi nắng vàng trên cỏ biếc”, hay “Một đàn bò thấp thoáng bước trong sương/ Ngày tắt dần trong nhịp tiếng chuông vang”.

Bút pháp tả và gợi này cũng được ông sử dụng trong khi tả đàn gà vịt “Con gà trống mào hồng về vội vã/ Bên đôi gà lông trắng mượt như tơ/ Đôi ngỗng tròn vươn cổ đứng trông ngơ/ Như muốn với khoảng trời lam biếc rộng/ Đàn bồ câu từ trên cao hạ xuống/ Như những hình bóng mộng vụt bay tan/ Đàn ngan chờ sốt ruột đứng kêu ran/ Hai cánh rỡn như mái chèo khuấy nước… Bên dòng sông nước bạc chảy mơn man/ Đàn gà vịt đứng giăng hàng rỉa cánh”. Đọc câu ghi chú ở cuối bài thơ Trong sân nhà mẹ Tám - một sáng xuân” khiến ta cứ ngỡ tác giả là một ký giả kỳ cựu, chuyên về ảnh “phóng sự” cảnh làng quê.

Đoàn Văn Cừ như có duyên với chữ “đàn”, bởi chỉ bầy đàn mới nói hết được sức sống, cùng cái phồn sinh của làng quê. Bảo ông yêu đàn chim, đàn trâu, đàn gà, những “con”, những “vật” sinh động thì đã hẳn, đến những “chiếc”, “cái” vô tri vô giác là vật dụng đời thường, thậm chí tầm thường của nhà nông cũng được ông “sắp đặt” rồi thổi hồn vào khiến chúng trở nên tươi mới, sống động “Mấy chiếc cuốc treo cằm trên gác bếp/ Vài chiếc xẻng dựa mình bên cửa liếp/ Cối gạo nằm cắm mỏ dưới nhà ngang/ Thang gác chân trên ngọn đống rơm vàng/  Bức tường đất sau nhà nghiêng sắp đổ”. Ngộ nghĩnh mà sống động và nên thơ làm sao cái cảnh “Đàn chim sẻ cãi nhau quanh cửa tổ/ Gà trên sân mất trứng rủa lao xao/ Vài chú bò nghĩ ngợi cạnh bờ ao”. Chỉ người có đôi mắt ngây thơ như con trẻ của ông, luôn ngạc nhiên nhìn cuộc đời mới có thể khiến đàn chim sẻ biết “cãi nhau”, thím gà mái biết “rủa lao xao” và chú bê con biết “nghĩ ngợi” như vậy.

Thiết tưởng, nếu biết nói, thì những cái, những con này sẽ cất lời “cảm ơn thi sĩ, nhờ thi sĩ mà những vật tầm thường, cũ kỹ, nhếch nhác như lũ chúng tôi mới có chỗ đứng trong thôn ca dân dã mà thơ mộng của ông”. Chỉ đơn giản kể và tả, nhưng do sử dụng tài tình “nghệ thuật sắp đặt” và “trình diễn” kết hợp với phép “nhân hóa”, và thuật “lạ hóa”, “thi vị hóa”, mà những vật nuôi và vật dùng của nhà nông như cựa quậy trên trang giấy, muốn thoát ra khỏi nghĩa tiêu dùng nguyên thủy, vốn có của chúng. Với cảm quan, cùng cái tạng tâm hồn của mình, Đoàn Văn Cừ không hướng đến cao siêu, đối thoại với trăng sao, Thượng đế, mà đi tìm cái đẹp của đời thường, nói đúng hơn là tìm cái khác thường trong cái bình thường. Ấy cũng là “thi pháp đời thường” của thơ Đoàn Văn Cừ.

“Thôn ca” không hẳn chỉ có thuần tụng ca cái đẹp. Tương phản với những “ngày mùa”, “đám cưới”, “đám hội’, “tết”, còn  những nỗi lo sợ phấp phỏng” của “cháy nhà”,cướp đêm”, hay cái thê lương của “đám chết nghèo”, đám “đưa ma”. Nó như là phía âm bản, bổ sung vào mặt trái của bức tranh quê xưa. Trong các nhà thơ lãng mạn thời Thơ Mới, có lẽ Đoàn Văn Cừ là người duy nhất có những câu thơ “hiện thực phê phán”, ấy là khi ông ghi lại cảnh một đêm sưu thuế:“Đêm thuế đèn dây thắp sáng choang/ Đình ran tiếng vọt, tiếng kêu oan/ Trát về truyền hạn hai ngày nữa/ Trống mõ canh khuya rợn xóm làng”. Đoạn thơ này như có họ hàng với văn “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố ngày nào. Còn cảnh chạy lũ của người dân quê khiến ta không khỏi liên tưởng đến “Vịnh nước lụt”, hay “Nước lụt Hà Nam” của Nguyễn Khuyến năm xưa “Tháng bảy vang lừng trống hộ đê/ Trời mưa nước lũ cứ trôi về/ Người làng nháo nhác lo kè vỡ/ Đến tối còn đi nhặt gốc tre”.

Những câu thơ mạch hiện thực này nói lên lòng trắc ẩn, cùng sự đồng cảm của tác giả với nỗi buồn khổ, lam lũ của người dân quê “tay bùn, chân lấm”, không bưng tai bịt mắt trước những vấn nạn của xã hội đương thời. Nói Thôn ca nằm ngoài cái bối cảnh của “Dã khốc thời văn kiến phạt thanh” trong thơ Nguyễn Du, song có vang vọng ít nhiều tiếng hờn oán của của người quê sau lũy tre làng, là với cái ý này.

Tuy nhiên, là người hồn hậu, lạc quan, Đoàn Văn Cừ không đi sâu khai thác mảng “hiện thực” có gam màu xám, nhuốm chất phê phán này. Tươi tắn, ấm áp, sống động, lãng mạn, vẫn là gam màu chủ đạo của cảnh quê trong thôn ca, dù chúng có hơi xưa cũ và có phần trì đọng. Tâm thế cùng “cái nhìn nghệ thuật” của tác giả thôn ca được khắc họa khá rõ ở bốn câu thơ dưới đây:

Cứ thế, làng tôi tháng lại năm

Sống bên ruộng lúa, cạnh ao đầm

Đời như mặt nước ao tù lắng

Gió lạ không hề thổi gợn tăm

Là thi sĩ thuộc dòng “tả chân”, thi liệu là chính cuộc sống quanh mình lại ham chi tiết nên bức tranh quê của ông không khỏi có chỗ rậm lời, trùng lặp, hoặc có phần đơn giản. Song, khi tác giả kết hợp nhuần nhuyễn giữa tả và gợi, giữa nhìn và nghe, giữa cảm thấy tưởng thấy thì lúc ấy ông có những câu thơ tuyệt vời, có thể xếp vào hàng đại bút. Chẳng hạn như “Tiếng gầu tát nước bên đường cái/ Lẫn tiếng ai cười nhí nhảnh đi. Hỏi “nhí nhảnh đi” là gì, cũng như tiếng chó “sủa luồn qua dậu trúc”, “một ít bà” (Ngày hội đầu xuân một ít bà) là gì thì chắc tác giả cũng chịu, nhưng nó hay, nó rất sáng tạo. Con trâu đen trên cảnh đồng chiều là thực, song cứ liếm mãi nắng vàng trên cỏ biếc” thì thành lung linh, ảo diệu. Những câu thơ gợi hình, gợi bóng, gọi hồn như vậy trong thôn ca không là quá hiếm.

Người trong xóm hiền lành và chất phác

…Họ không biết lọc lừa và đơn bạc” là hai câu trong bài “Xóm nhỏ”. Dưới ngòi bút của tác giả, cảnh thôn quê êm đềm, tĩnh lặng có phần trì đọng, còn người quê thì lành hiền, chân chất, có phần hồn nhiên, ngây thơ. “Đàn ông đầu đội nón nồi rang/ Đứng đón bừa thuê ở cổng làng”,“Đàn bà dệt vải ánh trăng hè/ Tiếng kẽo kẹt đưa mãi tới khuya”;Con trẻ chân trâu khắp cánh đồng/ Chiều về gánh cỏ hát vang sông”. Tuy có khó nhọc, vất vả về thể xác, chật vật về sinh kế, song như bù lại, người quê lại thanh thản cái tâm “Cảnh nhà dẫu túng vẫn êm đềm/ Ngày khó nhọc nhưng tối ngủ yên”. Điều này cũng phản ánh tâm lý của người nông dân truyền thống, lấy chữ “hòa”, chữ “đồng”, chữ “an” chữ “ổn” làm phương châm sống của mình. Họ mơ ước một xã hội thuần phác, yên vui, làng trên xóm dưới ai nấy đều được lao động và được hưởng thành quả của mình. Nó xa lạ với triết lý “một mái nhà tranh hai trái tim vàng” của những “chàng” và “nàng” cứ toan đi tìm một thứ ốc đảo hạnh phúc vị kỷ đâu đó giữa đời thường.

Những ngày xuân tết, cảnh quê khởi sắc, người quê rộn ràng, song từ họ vẫn tỏa ra cái dung dị, nền nã, mực thước truyền thống: “Ngày xuân trẻ bức tranh gà/ Cụ già quần nhiễu đỏ lòa sang nhau/ Đàn ông khăn nhiễu đội đầu/ Đôi giày da láng, khăn trầu đỏ loe/ Đàn bà yếm đậu vàng hoe/ Hàm răng đen nhức, váy lê thẹn thùng” (Chơi xuân). Những “đỏ lòa sang nhau”, “váy lê thẹn thùng” có lẽ chính là cái sự chưng diện mà Đoàn Văn Cừ hóm hỉnh gọi “thanh lịch kiểu nhà quê” (Một vài bà thanh lịch kiểu nhà quê). “Kiểu nhà quê” đối trọng với “kiểu thành phố”, mà như ai đó trong câu ca dao chẳng biết tự bao giờ đã khéo vơ vào "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".

Trong thôn ca người quê tuy vất vả, lam lũ nhưng không nhếch nhác hay nhuốm màu khổ hạnh. Không quen ngồi than thở, chửi đời oán trời, họ biết tìm niềm vui, biết thưởng thức cái đẹp trong cái thanh bình êm đềm nơi thôn dã, mà “trăng hè” bài thơ điển hình cho cái thú “điền viên”. Con chó ngủ lơ mơ nơi đầu thềm, bên hàng dậu bóng cây lơi lả, vọng ra từ trong nhà tiếng võng kẽo kẹt đưa (chắc là của bà lão). Ông lão, nhân vật trung tâm của đêm trăng thì đang …nằm chơi ở giữa sân/ Tàu cau lấp loáng ánh trăng ngân/ Thằng cu đứng vịn bên thành chõng/ Ngắm bóng con mèo quyện dưới chân. Trong khi già làng hưởng cái thú ngắm ánh trăng đang dát vàng trên cây lá giữa đám con cháu, cùng các con vật nuôi nơi giữa sân, thì xa xa gái làng rộn ràng, thanh thoát gánh nước dưới trăng Bên giếng, dăm cô gái xứ quê/ Từng đàn vui vẻ rủ nhau về/ Trên vai nặng trĩu đôi thùng nước/ Kĩu kịt đi vào lối cổng tre”.

 Đêm lắng sâu, tiếng chày giã gạo đâu đó đã ngừng im, trăng đã tà, đom đóm rước đèn, làng xóm chìm vào giấc ngủ, ấy là khi hồn làng ngập ngừng lên tiếng “Tiếng ốc trên chòi rúc thiết tha/ Gió lay cót két rặng tre già/ Sao trời từng chiếc rơi thành lệ/ Sương khói bên đồng ủ bóng mơ”. Bằng ba thứ âm thanh đặc tả là kẽo kẹt của võng đưa, kĩu kịt của đòn gánh, kót két của rặng tre trở mình, tác giả trăng hè đã gợi lên trong ta cái nhịp điệu thanh bình của đêm quê, vừa thân quen, sâu lắng vừa ảo diệu, thoáng chút liêu trai, ma mị.

Vẻ đẹp của người quê, nhất là người phụ nữ, còn được tác giả khắc họa tuyệt vời trong bài “Đường về quê mẹ”. “U tôi” ở đây có dáng vẻ của người đàn bà mang đậm chất truyền thống Đông phương “Thúng cắp bên hông, nón đội đầu/ Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu”. Hình ảnh của u tôi với tà áo nâu non bình dị càng nổi bật trên cánh đồng làng cùng đám bụi trần cuốn sau lưng, làm thành một tượng đài thi ca có thể đặt một cái tên khái quát là “người mẹ Việt”: “Tà áo nâu in giữa cánh đồng/ Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng”. Đặc biệt, từ u tôi toát ra vẻ đẹp nội tâm, ấy là cái nết na, đức hạnh của người phụ nữ Việt truyền thống “Tới đường làng gặp những người quen/ Ai cũng khen u nết thảo hiền/ Dẫu phải theo chồng thân phận gái/ Đường về quê mẹ vẫn không quên”. Những câu thơ giản dị nhưng đã chạm đến chỗ sâu kín nhất trong trái tim của mỗi chúng ta, bởi ai cũng có một “quê mẹ” của mình và “đường về quê mẹ” cũng là đường về thương nhớ, đường về nguồn cội.

Điều này cắt nghĩa vì sao những cô dệt cửi, cô lái đò, cô đi chợ, cô gánh nước trong thơ Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ như còn sống mãi, trong khi các “nàng” đài các, tân thời thơm phưng phức trong văn thơ Tự lực văn đoàn thì từ lâu đã bị ngươi đời xem như lãng quên. Sự nền nã, cái duyên thầm bẩm sinh, chân truyền của các thôn nữ chính là cái “nữ tính vĩnh cửu dẫn dắt chúng ta đi” (J.W.Goethe). Nó có vai trò như là một “hằng số” tinh thần góp phần neo giữ cho cuộc đời này khỏi sự tha hóa về tình cảm, sự suy đồi về đạo đức, dù biết rằng sớm muộn cái vẻ đẹp chân quê, chân truyền ấy cũng phôi pha giữa dòng đời phồn tạp.

Nhân đây, cũng xin được “mở đóng ngoặc” rằng: Khi đọc đến hai câu “Trông u chẳng khác thời con gái/ Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au” có nhà phê bình tên tuổi thời nay đã nhận xét khá tinh rằng:Chỉ hai câu trên là tả bà mẹ cụ thể của tác giả, hai câu dưới đã chuyển sang tả bà mẹ khái quát. Chứ con tả mẹ, ai lại mang giọng khen bằng vai phải lứa thế”. Song, ông sẽ nhẹ lời hơn, nếu biết rằng Đoàn Văn Cừ mất mẹ khi ông mới lên 5 tuổi nên khi hồi tưởng lại “U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân”, hẳn trong hình dung mờ tỏ, đứt nối ở tuổi lên 5 thì bà mẹ ông mang những nét đẹp của những cô gái quê cộng lại. Hình ảnh người mẹ mãi những năm sau này còn được tác giả tái hiện ở bài “Nhớ tuổi hoa niên”, trong hình dung của đứa bé thì “mẹ ta” vẫn nguyên vẹn vẻ trẻ đẹp với “Mắt vẫn còn trong môi vẫn đỏ/ Thời gian chưa xóa vẻ thanh tân”. Tương tự như trường hợp Nguyễn Bính, mẹ chết khi mới 3 tháng tuổi, nên trong bài thơ cái tết của mẹ tôi, ông hình dung mẹ mình như một người phụ nữ hoàn hảo, đã đẹp nết, đẹp người, lại còn giỏi giang, đảm đang nhất mực nữa.

Bên cạnh những người quê cơ chỉ truyền thống thì trong Thôn ca còn xuất hiện một số những “chân dung lạ”,  được phác họa khá chân thực và sinh động. Đó là cái cười sảng khoái của Bác lái trâu trúng quả đậm sau một phiên chợ:“Chiều sẵn tiền trâu bán được rồi/ Bác ngồi nhắm rượu thịt bò thui/ Mồm khoe bán được trâu cao giá/ Tay vén đùi lên vỗ mạnh cười”. Đó là cái hồn nhiên của một Ông đội đã về hưu: “Những buổi chiều xanh nắng tắt rồi/ Bên đồng bát ngát lúa vàng tươi/ Ông cùng con trẻ dăng hàng đứng/ Bắt cởi trần ra tập võ chơi” . Đó còn là cái lơ láo của một Chú khách bán thuốc ê qua làng:“Người ấy đi quanh các ngõ làng/ Giọng rồ vang dưới nắng chang chang/ Mắt nhìn lơ láo qua bờ lũy/ Đôi dép bâng khuâng đứng cạnh đường”. Họ tuy không điển hình cho người quê truyền thống, và chỉ xuất hiện thoáng qua, song nếu thiếu họ thì những gương mặt người trong bức tranh làng, thiết nghĩ, cũng bớt đi phần phong phú, sống động vốn có.

Nhìn chung, người quê trong thôn ca  mang những khuôn “mặt mộc”, chân chất, dung dị bẩm sinh của mình, Đoàn Văn Cừ có thi vị hóa nhưng không lý tưởng hóa, hay bần cùng hóa họ. Họ sống hòa đồng với nhau, buồn vui những cái buồn vui của đời thường, mà tác giả thôn ca cũng là một thành viên trong cái cộng đồng ấy. Khác chăng là ông quan sát họ và đưa họ vào thơ, nhờ đó mà họ có cơ may trở thành… bất tử.

Cái độc đáo của “một phiên, hai đám”

Như đã nói, cảnh quê, tình quê thì Đoàn Văn Cừ, ở chỗ này chỗ kia, còn giao thoa, nhòe lẫn với các nhà thơ thiên quê khác, chứ “tục quê” thì đích thực mang đậm dấu ấn của Đoàn Văn Cừ. Những tục quê này chúng ta đã đọc được trong Việc làng của Ngô Tất Tố, hay Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, nhưng đó chỉ đơn thuần là những thiên phóng sự báo chí hoặc sách khảo cứu về phong tục. Chỉ đến Đoàn Văn Cừ thì các thuần phong mỹ tục ấy mới thăng hoa thành nghệ thuật - nghệ thuật của “thi trung hữu họa”.

Trong thôn ca, các sinh hoạt, phong tục nơi làng quê nằm trong từ trường tâm linh nói chung, đã được thể hiện đậm nhạt khác nhau trong các bài tục làng, điềm ứng: lành dữ, thời tiết, tế thánh, ngôi đình, đưa ma, năm mới, tết... Anh Thơ trong “bức tranh quê” của mình cũng có những đề tài na ná như thế. Tuy nhiên, với bộ ba “Chợ tết” và “Đám hội”, “Đám cưới mùa xuân”, mà người ta gọi vui là “một phiên, hai đám”, thì những thuần phong mỹ tục ấy mới thực sự thăng hoa, còn tác giả của nó mới xứng với nghệ danh “thi sĩ của tục quê”. Theo Hoài Thanh “Đoàn Văn Cừ trước sau đăng báo chỉ có sáu, bảy bài thơ, bài nào cũng hay”, thì trong đó đã góp mặt cả ba bài thơ này.

Nếu để ý một chút, ngoài chữ “đàn”, như đã nói trên, ta thấy Đoàn Văn Cừ như có duyên với chữ “đám”. Ông say mê đám, kiểu như người quê cứ nghe đâu có “đám” là lần tìm đến để góp vui hoặc chia buồn. Vậy nên, trong thôn ca đám mới phong phú đến thế, từ đám hội, đám cưới, đám rước đến đám ma, đám chết… Đã là “đám” thì bao giờ cũng đông, ấy là tụ, là hợp. Mà có tụ, có hợp thì có tán, có tan. Bộ ba “một phiên hai đám” của ông cũng không ra ngoài quy luật tụ-tan đó. Thậm chí, tụ-tan, tưng bừng-xao xác, đã thành một motif như được cài đặt sẵn, thể hiện ở cấu tứ, cũng như cấu trúc mỗi bài thơ.

Theo đó, bài nào cũng gồm những câu thơ tám chữ và thường mở đầu bằng cảnh sắc thiên nhiên để tạo không khí, làm phông nền cho cái tưng bừng đông vui, náo nức sắp diễn ra. Khi cái tưng bừng, náo nức đã đến đỉnh điểm thì các phiên, đám ấy cứ thưa vãn, xao xác dần, rồi lịm đi ở đoạn cuối bài thơ với một một ít sương khói diễm ảo, đầy khêu gợi. Nói như Hoài Thanh, thì Những câu ấy đều khép lại một thế giới và mở ra một thế giới: khép một thế giới thực, mở một thế giới mộng. Cảnh trước mắt vừa tan thì tình trong lòng cũng vừa nhóm. Mắt ta không thấy gì nữa nhưng lòng ta bâng khuâng”. Những câu thơ đậm chất mĩ cảm này là một đặc sản tâm hồn mang dấu ấn riêng, khó lẫn của Đoàn Văn Cừ. Gấp sách lại rồi, trong tâm trí người đọc còn lưu luyến mãi cái dư vị man mác buồn, pha chút buồn thương nuối tiếc.

Để ý nữa, ta còn thấy ở đoạn kết bài thơ nào cũng có hai từ “văng vẳng”. Ấy là cái văng vẳng của tiếng chuông thu không làng bên ở chợ tết, văng vẳng của tiếng trống chèo phía làng xa trong đám hội, và văng vẳng của tiếng chim xuân trong đám cưới. Tác giả bí từ hay là một sự lặp lại cố ý để nhấn nhá thêm cái dư âm của một phiên chợ, đám hội, đám cưới? Không rõ! Chỉ biết rằng sau lứa thi sĩ như Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính, Anh Thơ, Bàng Bá Lân thì tiếng chuông, tiếng trống, tiêu biểu cho thế giới tâm linh của người Việt, hầu như không còn thấy văng vẳng trong thơ nữa. Có đấy, không chỉ tiếng trống mà còn cả “màu cờ sắc áo” nữa. Đó là “Chiêm mùa cờ đỏ ven đê/ Sớm khuya tiếng trống đi về trong thôn” trong thơ Tố Hữu. Song, tiếng trống cùng màu cờ ấy có cái rộn ràng, om xòm, bột phát của thời vụ bề nổi, mà như thiếu vắng cái dư âm, dư vị, lắng đọng dài lâu tận chỗ sâu thẳm lòng người.

Ta hãy thử khảo sát cụ thể hơn cái gọi là “một phiên hai đám”.

            Ở bài “Chợ tết”, sau khi mở ra bằng“Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp mái nhà tranh”, cái tưng bừng của “đoàn người kéo nhau trên cỏ biếc”, gồm đủ cả nam-phụ-lão-ấu từ khắp nơi đang nô nức đến chợ, đổ vào chợ. Thiên nhiên, cảnh sắc, từ ngọn cỏ, hạt sương, tia nắng đến ngọn đồi xanh như cũng bừng thức phụ họa với đoàn người. Ngay cạnh cổng chợ là hình ảnh của “Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ/ Để lắng nghe người khách nói bô bô”. Phải chăng tác giả có dụng ý để “con trâu đứng đầu phiên chợ” như thay cho câu tục ngữ “con trâu là đầu cơ nghiệp”, mà người nông dân tự bao đời đã vinh danh cho nó? Với những cống hiến hết mình cho nhà nông sau một năm kéo cày, kéo bừa, nó có đủ tư cách đứng ngay lối vào chợ để quan sát và để ngẫm nghĩ chuyện đời chuyện người, chứ đâu có ngây thơ, hồn nhiên như “Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi phía sau”.

            Đúng là đông vui như chợ, xô bồ như chợ, mà lại là phiên chợ tết. Ở đây góp mặt đủ mọi hạng người, kiểu người, bán và mua, vào và ra. Có người đi sắm tết, cũng có người, như chính tác giả, đến chợ chỉ là để ngắm chợ, và nhất là được đắm mình trong cái không khí đặc biệt của cái phiên chợ “mỗi năm chỉ có một ngày” này. Chỉ bằng vài nét chấm phá mà các “chân dung” được tác giả ký họa trong bức tranh chợ tết hiện lên rõ mồn một, người nào ra người ấy, chỗ nào vào chỗ ấy. Đó là anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ đang tìm chỗ bày bán, một thầy khóa gò lưng hí hoáy cho chữ trên cánh phản, một cụ đồ nho vừa vuốt râu cằm vừa nhẩm đọc hàng câu đối đỏ. Họ như đại diện cho giới “tinh hoa làng xã” một thời chưa xa. Sự có mặt của họ làm “sang” cho chợ. Bởi chợ, chẳng biết tự bao giờ đã được dân gian mặc định là nơi không mấy tốt đẹp như cái câu “đầu đường xó chợ”, hoặc “ồn ào như chợ vỡ”.

            Cụ lý, người đại diện cho giới chức sắc trong làng, ngày thường đạo mạo thế mà nay áo cũng bị “người chen sấn kéo/ Khăn trên đầu đang chít cũng tung ra”. Thì ra, chợ, trong cái xô bồ vốn có của nó, cũng thể hiện ít nhiều không khí dân chủ nơi làng xã ngày trước, chứ không phải cái à uôm của “tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh” của tiểu thuyết gia Ngô Tất Tố. Đông hơn cả là lớp người bình dân: chú hoa man, anh chàng bán pháo, lũ trẻ con xum xít quanh bức trang gà, cùng mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi. Nổi bật nhất, cũng ấn tượng nhất là mái đầu của “bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/ Nước thời gian gội tóc trắng phau phau”. Chỉ với ba hình dung từ “nước thời gian” cùng với một động từ “gội”, tác giả đã cho ta cái cảm giác “vô thường” của đời người: Ngôi miếu cổ có thể còn dài lâu với chợ, chứ người bên miếu cổ thì chả mấy chốc mà sẽ biến mất cùng với “nước thời gian” vô thủy, vô chung.

Đã là chợ, lại là chợ tết, thì ngoài các mặt hàng “nghe nhìn” thỏa mãn cho cái sự “chơi tết” như tranh, chữ, pháo, thì không thể thiếu các mặt hàng “ăn tết” thỏa mãn cho cái “khẩu vị”, những nông sản, đặc sản của địa phương. Những sản vật này không chỉ được bày la liệt trên những “mẹt”, “thúng” để còn đong, đếm như gạo nếp và trái cây, mà còn “được” người mua “cầm cẳng dốc lên xem như con gà trống thiến mào thâm. Xôi, hoa quả, con gà trống ngậm bông hoa, là ba thứ “gia bảo” không thể thiếu cho một mâm cúng tết, được trang trọng đặt nơi bàn thờ gia tiên. Bằng thủ pháp so sánh, ví von có hơi cường điệu, tác giả cho ta có cái cảm giác chợ đang đua nhau trưng ra cái sung túc, phong nhiêu của một vùng quê ngồn ngộn sản vật, tưng bừng sắc màu với tâm thế dâng hiến cho cái tết đang hiện hữu, dù vẫn biết rằng “ba mươi chưa phải là tết”:

Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha.
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết,
Con gà trống mào thâm như cục tiết,
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem

Sử dụng đắc địa màu sắc, hay “chơi màu”, mà thường là gam màu ấm, là thế mạnh của cây bút Đoàn Văn Cừ, được thể hiện sinh động hơn cả là ở chợ tết. Đó là một thế giới của sắc màu được “phối” bằng một nghệ sĩ bậc thầy, mà như có người tỉ mẩn đã đếm được tới hai mươi ba màu cả thảy. Chả thế mà Hoài Thanh đã biểu dương rằng Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào và rực rỡ như Ðoàn Văn Cừ”.

Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn. Cảnh sắc tưng bừng đông vui của phiên chợ diễn ra cho đến khi “tiếng chuông tối bên chùa văng vẳng đánh/ Những người quê lũ lượt kéo ra về”. Bài thơ khép lại bằng hai câu “Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê/ Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”. Bằng hai từ “lê thê” của ánh hoàng hôn trên đường về và cái “tơi bời” của đám lá đa nằm chơ vơ bên quán chợ, tác giả đã khiến lòng ta như chùng lại với thoáng chút bâng khuâng, cùng một nỗi buồn xa vắng.

Tương tự như chợ tết, bài đám hội cũng mở ra bằng “Mùa xuân ấy ông tôi lên tận tỉnh/ Đón tôi về xem hội ở làng bên”. Trên cái nền “chiêng trống đánh vang rền” “người lớn bé mê man về hát bội”. Thật đúng là đông như hội, vui như hội, mà là hội xuân. Dưới mắt một đứa trẻ từ “tỉnh” về, quang cảnh đám hội diễn ra mới tưng bừng sống động, quyến rũ làm sao! Đây là dịp để các cụ già uống rượu, chơi tổ tôm, các bà đồng “khăn đỏ chạy loăng quăng” đón khách thập phương. Trên bãi cỏ dưới trời xuân bát ngát diễn ra những trò chơi, trò diễn xướng dân gian đang đến hồi cao trào “Tiếng reo hò khuyến khích dậy từng cơn/ Lẫn tiếng trống bên đường khua rộn rã”.

Bức tranh hội xuân tưng bừng đông vui không kém bức tranh chợ tết, với trên bờ vút lên những dây đu, dưới sông vun vút đoàn bơi chải, bọn đô vật gân cốt nổi như lươn…Thay cho bà lão già bán hàng bên miếu cổ”Một bà già kính cẩn chắp hai tay/ Đứng vái mãi theo đám người bí mật”. Bên cái trịnh trọng, kính cẩn của người già, là cái xô bồ, xuồng sã của cánh trẻ “Bọn trai quê bá cổ cạnh cô hàng/ Vờ mua bán để tìm câu chuyện gẫu”. Là người giầu chất nhân văn, tác giả không quên hình ảnh “Một chú sẩm dạo đàn bên chiếc chậu/ Mắt lơ mơ nghe ngóng tiếng gieo tiền”.

Cụ lý, chẳng biết vô tình hay hữu ý, lại xuất hiện. Nếu ở phiên chợ tết cụ dở khóc dở cười vì bị người ta chen sấn kéo áo, thì ở đám hội này cụ “đứng lại ngửng đầu trông/ Mắt hấp háy nhìn qua đôi mục kỉnh”. Cụ nhìn gì? Thì ra cụ nhìn “một chị đang đu ngửa tít trên không”. Qua cái “hấp háy” của cụ lý già nơi cây đu, cùng cái “ngấp ngó” của bác nhà quê nơi hội bơi chải, ta như thoàng thấy đâu đây cái mỉm cười cùng cái nheo mắt vừa hóm hỉnh vừa ý nhị của thi nhân họ Đoàn ẩn sau mỗi câu chữ.

Lễ hội, bao gồm cả “hội” và “lễ”. Từ cảnh vật ngoại vi làm nên hội - thế giới của cái thực, cái trần tục, tác giả bài thơ dẫn ta dần nhập vào thế giới của cái ảo, cái linh thiêng, sâu lắng của lễ. Trung tâm của lễ đang diễn ra ở trong đền, nơi “các cụ trong làng ra cử tế”. Bỏ quên cái nhìn “tả chân” ngoài cửa đền, ngòi bút tác giả đắm chìm vào chốn tâm linh huyền bí với những lễ nghi diễn ra cùng sự lui tiến của những bóng người huyền hoặc đang giao hòa với thần thánh trên cái nền nghi ngút khói hương, nhặt khoan chiêng trống:

Tiếng chiêng trống chen từng hồi lặng lẽ,
Những bóng người trịnh trọng khẽ đi lên;
Những cánh tay áo thụng vái mơ huyền,
Đang diễn lại cả một thời quá khứ
Mà đất nước non sông cùng cây cỏ
Còn thuộc quyền sở hữu của Linh thiêng

Không nghi ngờ gì nữa, đây là những câu “linh thi” hay nhất, khái quát nhất viết về tâm linh thời Thơ Mới. Mà chỉ có những người yêu cái cổ kính, sùng bái cái linh thiêng, thương nhớ cái dĩ vãng ngày xưa, như nhà thơ họ Đoàn mới nhập thần để rồi rút ruột viết ra, như để tạ ơn với quê hương, dâng lên trời đất. Bức tranh hội thì cổ kính, được viền khung, song cảnh vật, sắc màu trong tranh lại rất trẻ trung, đôi chỗ còn hóm hỉnh, tinh nghịch nữa. Nói như ngôn ngữ bây giờ thì là nghệ thuật của những khúc “tân cổ giao duyên”, chứ không thuộc loại “cổ trang”, hay “giả cổ”. Được như thế, cừ khôi như thế, mới là Đoàn Văn Cừ!

 Quang cảnh đám hội lên đỉnh điểm ở thời khắc tan xác pháo “Khi tế xong một cụ đứng trên thềm/ Giơ bánh pháo cho người kia lại đốt/ Bọn trai gái đứng xem đều chạy rạt/ Một thằng cu sợ hãi khóc bí be”. Khi “Người đi xem nhiều bọn đã ra về” cũng là lúc lễ tan, ngày tàn, hội vãn. Thay cho “tiếng chuông văng vẳng đánh” nơi chợ tết, là “tiếng chuông tối nhặt khoan trong yên lặng”, “lá đề rơi lác đác” trên đường vắng đã thế cho “Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”. Bài thơ khép lại một thế giới và mở ra một thế giới trong mơ hồ của tiếng “trống chèo văng vẳng phía làng xa”. Nếu như chợ tết là thế giới của màu sắc, của những hình dung từ, thì đám hội là thế giới của âm thanh, của những động từ. Hội tan, song tiếng chiêng trống lẫn tiếng hò reo “Của đám dân nô nức dưới trăng tà” vẫn còn như vang vọng đâu đây.

Bài “Đám cưới mùa xuân” cũng được tác giả mở ra trong khung cảnh “Ngày ửng hồng sau màn sương gấm mỏng/ Nắng dát vàng trên bài cỏ non xanh”, rồi diễn ra giữa sự giao hòa giữa lòng người và cảnh vật thiên nhiên “Nhịp cầu xa lồng bóng nước long lanh/ Đàn cò trắng dăng hàng bay phấp phới”.

Nếu như ở chợ tết, đám hội, tác giả mô tả cả một cuộc vui kéo dài từ sáng đến tối, thì ở đám cưới được diễn tả qua một đám dẫn dâu, hay còn gọi là đám rước dâu. Đây là cái phần diễu hành thường không thể thiếu của một đám cưới, từ nhà gái sang nhà trai trên một khúc đường quê thường chạy qua một cánh đồng làng. Không tham dự vào cuộc vui, với tư cách của “người trong cuộc” như ở chợ tết hay đám hội, ở bài thơ này tác giả giữ vai người chăm chú quan sát cái đám người đang “thong thả tiến theo chiều gió thổi/ Dưới bầu trời trong veo không mảy bụi/ Giữa cánh đồng phơn phớt tựa màu nhung”. Đám rước dâu này xem ra không có cái tưng bừng của “Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc”, hay cái náo nức của “Người lớn bé mê man về hát bội”, mà là cái trật tự có phần lặng lẽ của “lũ người đi lí nhí một hàng đen”. Tuy nhiên, nhìn kỹ đoàn người vẫn có đầy đủ lệ bộ cũng như không khí của một đám cưới truyền thống.

Dẫn đầu đoàn là một cụ “mặc áo đỏ cầm hương đi trước” và dăm cụ mặc mền bông đỏ sẫm, quần nâu hồng “chống gậy bước theo sau”. Họ trịnh trọng và đạo mạo vì là những người đảm nhận trọng trách đại diện cho “hai họ” để thực hiện lễ nghi của một cuộc hôn nhân đăng đối và chuẩn mực. Lướt qua“bọn trai tơ mặt mày coi hớn hở”, cùng với thằng bé “má hây hây, đầu cạo nhẵn”, hay cô bé “để cút chè người xẫm nẫm” tác giả chú ý đến thế giới của đám đàn bà, con gái cả về dáng hình và phục trang. Đó là “một vài bà thanh lịch kiểu nhà quê” với “đầu nón nghệ tay cầm khăn mặt đỏ”, một cụ bà lom khom bên cháu nhỏ với “túi đựng trầu chăm chẵm giữ trong tay”, rồi một “váy lĩnh dép quai cong” cùng “một chị sen đầu đội chiếc khăn hồng/ Đặt trên chiếc hòm da đen bóng lộn”. Có thể đoán được vật đựng trong cái hòm da đen bóng ấy là gì rồi, ấy là cái “của hồi môn” quý giá của cô dâu mà cha mẹ sắm cho trước khi về nhà chồng.

Ống kính của tác giả dừng lâu hơn ở cô dâu và đám “phù dâu” - những nhân vật trung tâm của đám rước. Dung nhan và trang phục của cô dâu và các cô đi cùng cho thấy họ trạc tuổi nhau đều trẻ trung xinh đẹp, con nhà khá giả, gia đình gia giáo:

Người cô dâu hôm nay coi choáng lộn.
Vành khuyên vàng, áo mớ, nón quai thao.
Các cô bạn bằng tuổi cũng xinh sao,
Hai má thắm, ngây thơ nhìn trời biếc.
Dăm bảy cô phủ mình trong những chiếc
Áo đồng lầm, yếm đỏ, thắt lưng xanh

Như đã nói, tác giả không dụng công mô tả cả một đám cưới mà chỉ làm “trích ngang” một đám rước dâu nên ấn tượng để lại của đám cưới mùa xuân, dù sao, cũng không ấn tượng bằng chợ tết hay đám hội. Cái đặc sắc riêng có của Đoàn Văn Cừ ở bài thơ này thể hiện qua những cụm từ “chăm chắm giữ”, “người sẫm nẫm”, cùng với vô số kiểu trang phục mà ông ghi nhận được tại một đám cưới chuẩn, kiểu nhà quê “Quần lụa chùng, nón dứa, áo sa huê”; “Đầu nón nghệ, tây cầm khăn mặt đỏ”; “Vành khuyên vàng, áo mớ, nón quai thao”; “Áo đồng lầm, yếm đỏ, thắt lưng xanh”.

Thiết tưởng, những “thi ảnh” này có thể là tư liệu tham khảo tốt cho nhà đạo diễn thời nay trong khâu chọn lựa, phục chế trang phục cho diễn viên thủ vai, khi thực hiện những bộ phim “cổ trang”, có chủ đề dính dáng đến việc “hôn hỷ” thuở trước. Đám dẫn dâu này diễn ra chỉ một lần trong thơ Đoàn Văn Cừ, song một khi đã được tác giả cho hiện hình trên “giấy trắng mực đen” thì sẽ còn được lưu giữ mãi trong ký ức làng quê cùng với phiên chợ tết hay đám hội, nói ở trên.

Những cảnh sắc, trò rước, trò diễn trong “một phiên hai đám” ở đâu cũng thấy, thậm chí đã thành “chuyện thường ngày” ở nông thôn xứ ta thuở trước. Ấy vậy mà dưới bàn tay sắp đặt của một đạo diễn có nghề, cùng lối phối màu của một họa sĩ bậc thầy là Đoàn Văn Cừ thì chúng vẫn có sức quyến rũ, truyền cảm, không gây cảm giác nhàm chán ở người xem, người đọc, cho dù được dàn dựng theo cùng một mo-tip nghệ thuật. Ấn tượng này chẳng khác mấy với cảm xúc của người xem “rối nước”. Vẫn con rối ấy, cũng trò ấy, hoặc na ná trò diễn, tích diễn ấy, vậy mà chẳng hiểu sao “đến hẹn lại lên”, cứ mỗi mùa xuân sang, khi tiếng trống chèo giáo đầu nổi lên thì quanh bờ ao làng, dưới lay phay mưa bụi, lại chen kín người xem, cùng tiếng reo hò cổ vũ không ngớt. Ấy chính là cái tài của họ Đoàn - một thi sĩ đích thực của làng quê Việt, cũng như cái bí quyết riêng của của nghệ thuật rối nước - một đặc sản văn hóa tinh thần đích thực của nông thôn Việt.

Mà đâu chỉ ở ao làng, rối nước mỗi khi có dịp bồng bế nhau “đi Tây” lưu diễn, đến đâu cũng được chào đón nồng nhiệt. Có lẽ vì nó lạ, nó độc đáo, và hơn thế nó rất Việt Nam - Một Việt Nam trồng lúa nước, ăn cơm bằng đũa, đang từng bước hội nhập với xã hội văn minh mà không để đánh mất văn hóa, văn hiến mình.

Đôi nét chân dung của “ẩn sĩ thảo lư sông Ngọc”

Đoàn Văn Cừ là tác giả của Thôn caThôn ca II (1960), cùng một số các bài thơ khác, thì ai cũng biết. Đoàn Văn Cừ là “ẩn sĩ của thảo lư sông Ngọc”, như ông tự nhận, thì từ lâu cũng không còn là ẩn số nữa. Vấn đề là điều gì đã làm nên một Đoàn Văn Cừ của thôn ca, tục ca, chứ không phải của tình ca, tâm ca, hay vũ trụ ca chẳng hạn, cũng như cái quá khứ mà ông lưu giữ có ích gì cho hôm nay không?

Hãy trở lại với những năm 1930-1940, khi Hoài Thanh - Hoài Chân đang thai nghén để cho ra đời Thi nhân Việt Nam, có tính chất tổng kết và khép lại một thời đại thi ca. Trong số các thi nhân mà các ông chọn thơ để giới thiệu, thì Đoàn Văn Cừ là trường hợp hy hữu. Ngoài mấy bài thơ đăng báo Ngày nay của Tự lực văn đoàn, thì tiểu sử Đoàn Văn Cừ vẫn là một điều bí ẩn, đến nỗi các tác giả của Thi nhân Việt Nam phải đăng báo mẩu tin Ông ở đâu làm ơn cho chúng tôi biết”, và đến lần thứ ba, khi quyển sách tái bản: “Vẫn chưa biết ông Đoàn Văn Cừ ở đâu!”.

“Vậy lúc ấy bác ở đâu?”, người viết bài này đã hỏi ông như vậy, khi cùng với vài bạn ở Hội văn nghệ Hà-Nam-Ninh tìm về tận “thảo lư” thăm ông vào đầu những năm chín mươi thế kỷ trước. “Hử?”…(Tai ông lúc ấy đã nặng lên phải nói to ông mới nghe thấy). “… À, thì mình vẫn làm “hương sư” ở ngay nơi quê này chứ ở đâu”. Quê ông là làng Đô Quan, có “sông Ngọc - đường Vàng”, nằm kề ngay cạnh cây tháp chùa Cổ-Lễ khá nổi tiếng. Ông tự nhận mình là cư sĩ “áo nâu, chân đất”, hay ẩn sĩ của “thảo lư sông Ngọc” là như vậy.

Thực ra, thì ở tuổi lên 6 ông đã theo bố ra Hà Nội và có rong ruổi đây đó một thời gian. Sau đó, ông về quê làm hương sư, một thứ “ông đồ” thời Tây. Nghề “hương sư” của ông còn gồm cả dậy tiếng Pháp nữa, thứ tiếng mà ông học được từ bố (bố ông giỏi tiếng Pháp đã từng có thời làm thông ngôn cho người Pháp ở khách sạn Sofitel Hà Nội). Tiếc rằng, tôi đã không hỏi xem ông có cảm tình gì với danh họa người Pháp Claude Monet (1840 - 1926) - chủ soái của trường phái hội họa ấn tượng (Impression) không. Mà những cảnh quê trong thôn ca của ông phảng phất cái khoảng khắc bị chững lại trong tranh của Monet. Ở đó nông thôn nước Pháp hiện ra sống động, tinh tế cùng sự biến đổi ánh sáng trong ngày và diễn biến của thời tiết các mùa trong năm.

“Thảo lư” (nhà cỏ) cũng là ông bắt chước các hàn sĩ thuở xưa mà tự nhận thế, cho nó thêm phần thi vị và “xưa vắng”. Chẳng biết trước đây thế nào, chứ ngôi nhà ông ở khi tôi đến tuy chỉ cấp bốn nhưng cũng tường xây, mái ngói nhuốm màu xưa cũ. “Ẩn sĩ” (kẻ sĩ ở ấn) cũng là một cách nói, và nó cũng chỉ ứng với giai đoạn đầu và cuối của cuộc đời ông.

Là “ẩn sĩ” nhưng ông sống gần gũi, chan hòa với xóm làng, rất quý bạn bầu, nhất là bạn văn nghệ, mà ông gọi là các “thi hữu”. “Quý hóa quá các thi hữu đồng hương chẳng mấy khi có dịp đến nhà, mà Cừ này lại không chu đáo được” - Ấy là câu xuýt xoa cùng cái cuống quít của ông khi có khách bất ngờ đến thăm. “Cừ này” hai tiếng ấy nó mới bình dân và ấm áp làm sao. Trong đầu tôi lúc ấy thoáng hiện lên hai câu thơ trong bài Thu của ông:

                        Cụ già lọm khọm trên đồng vắng

                        Gió thổi bơ phờ mái tóc bông

Lọm khọm là cái hình dáng thực của ông - một lão nông ở tuổi 80, bờ phờ mái tóc bông là cái hồn vía của ông - một thi sĩ lãng mạn thời “tiền chiến”, còn đồng vắng là phông nền cho những bức tranh quê của ông - tĩnh tại và nhuốm màu xưa cũ. Đã đọc thôn ca, nay trực tiếp ngắm nhìn tác giả của nó, trong tôi sống lại cái không khí của làng quê, thấy lòng mình như trong sáng ra, tâm hồn mình như được thanh tẩy, an lạc hơn.

 Bài viết “Đoàn Văn Cừ - ẩn sĩ của thảo lư sông Ngọc”, kết quả của chuyến đi này, cùng ảnh chụp chân dung ông, đăng ở Tạp chí Văn hóa, một ấn phẩm sang trọng của tp. Hồ Chí Minh thời ấy, đã gây nên ít nhiều xôn xao. Vì theo lời một cán bộ biên của tờ Tạp chí nhắn ra, thì người ta, nhất là dân Sài Gòn, hơi bất ngờ “vì không nghĩ tác giả của chợ tết, đám hội, đường về quê mẹ mà họ  được học, được đọc từ thuở nào, hiện vẫn còn đang sống”. Điều thú vị là, sau này có vài bài viết nữa về ông cũng có cái tên na ná như vậy. Thì ra “Ẩn sĩ thảo lư sông Ngọc” chẳng biết tự bao giờ đã là một “thương hiệu” gắn liền với thi sĩ họ Đoàn. Sau khi có tờ tạp chí từ Sài Gòn gửi ra, tôi có đến nhà riêng họa sĩ Đoàn Văn Nguyên, nhờ chuyển về quê cho ông. Vậy mà, thật bất ngờ, một thời gian sau tôi nhận được một tấm thiếp với dòng chữ cảm ơn viết nắn nót cùng lời chúc và chữ ký của ông. Thật cảm động trước tấm lòng chân thành và chu đáo của một thi sĩ vang bóng từ “thời tiền chiến”, Hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam.

Cuộc đời của tác giả thôn ca, nửa về trước, xét ra cũng chẳng khác mấy với câu thơ “Đời như mặt nước ao tù lắng/ Gió lạ không hề thổi gợn tăm”. “Gió lạ” ở đây chính là cái “gió Tây” mà Hoài Thanh đã đề cập đến trong  “Thi nhân Việt Nam”: “…nhất đán, một cơn gió mạnh bỗng từ xa thổi đến. Cả nền tảng xưa bị một phen điên đảo, lung lay. Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt nam từ mấy mươi thế kỷ”. Bao nhiêu thi sĩ đã mở lòng đón cơn gió lạ “nhất đán” thổi đến đang làm xáo động cái ao tù văn chương thời ấy. Trong sự cọ xát Đông-Tây, thi đàn Việt Nam đã xuất hiện một loạt các thi sĩ với rất nhiều giọng điệu tân kỳ. Văn học Pháp ảnh hưởng mạnh đến nỗi Hoài Thanh cảm “thấy khó chịu”, bởi Mỗi nhà thơ Việt hình như mang nặng trên đầu năm bảy nhà thơ Pháp”. Tác giả thôn ca cũng không ra ngoài quỹ đạo ấy, bởi vẫn theo Hoài Thanh“Đoàn văn Cừ chịu ảnh hưởng Albert Samain (Samain Hy Lạp không phải Samain tượng trưng)”.

Song, là một người như có tố chất miễn nhiễm bẩm sinh, Đoàn Văn Cừ không hoảng hốt trước “cơn gió lạ”, càng không trốn chạy “ao làng”. Ông đủ bản lĩnh tắm trong cái “ao ta” dù trong dù đục ấy, với tâm thế của kẻ “gạn đục khơi trong”. Ông có ít nhiều ảnh hưởng ngoại song không vị ngoại, vọng ngoại, mà quay về với dân tộc, “tình tự cùng dân tộc”, đứng vững trên cái nền quê kiểng, dân dã mà “lập ngôn”, mà tự tay gieo trồng và gặt hái. Nhờ vậy, giữa bao nhiêu giọng điệu mới lạ, hoặc pha giọng lơ lớ, ta mới có một thôn ca, thuần giọng Việt. Mà đến một mức và trên một ý nghĩa nào đó, có thể xem thôn ca như là một nhà bảo tàng, hay là cuốn thi sử, của nông thôn Việt một thời chưa xa. Mà nông thôn Việt lại là nơi nương náu, chốn trú ẩn cuối cùng của tâm hồn Việt, nếu thực sự có cái gọi là “Tâm hồn Việt”.

Ở nửa phần đời sau, Đoàn Văn Cừ có nhập thế. Sau khi tham gia Việt Minh, làm công tác văn nghệ, phiên dịch, tuyên huấn Liên khu III thời k.c chống Pháp, rồi làm cán bộ biên tập Nxb Phổ thông, cũng như tham gia một số hoạt động xã hội, ông lại về “thảo lư” nơi sông Ngọc - đường Vàng. Ở Thôn ca II và những bài thơ khác, không gian thơ ông có rộng mở biên độ hơn, song “thi pháp”, bút pháp vẫn đơn thanh như xưa, nghĩa là nặng về kể và tả, mà là “tả chân”. Nhìn chung, cảm hứng chủ đạo của thơ Đoàn Văn Cừ sau Cách mạng tháng Tám là ngợi ca cuộc sống mới, chế độ mới, con người mới, kể cả những đề tài “vĩ mô” như tổ quốc, nhân dân, lãnh tụ. Trong đó, có một số bài, số câu thơ hay, song nhìn chung, hồn cốt xem ra không còn gây được ấn tượng mạnh như xưa.

            Trong Thôn ca, hai từ “đất nước” chỉ một lần xuất hiện “Mà đất nước non sông cùng cây cỏ/ Còn thuộc quyền sở hữu của linh thiêng”. Vậy mà, cái đất nước khá mơ hồ và trừu tượng nhưng có sức dung chứa lớn ấy lại như “đóng đinh” vào lòng bạn đọc. Nay ông lên giọng gọi “hồn dân tộc”, tự hào thốt lên “ôi diệu kỳ tổ quốc chúng ta”, song dù vậy cũng chỉ có thể biểu dương những câu thơ, bài thơ ấy về phẩm chất nghệ sĩ-công dân.

            Lý giải sao đây, cái đọng lại lâu dài trong lòng người đọc thơ Đoàn Văn Cừ ở giai đoạn sau thôn ca không phải là những câu thơ ngợi ca quê hương đổi mới, đất nước anh hùng, nhân dân dũng cảm, lãnh tụ anh minh, ví như “Ta chắc rằng sau một cuộc xoay vần/ Dân tộc Việt sẽ là dân hùng liệt” mà lại là những câu thuộc loại ỡm ờ, không đâu vào đâu “Lòng ơi sao lạ thế lòng/ Bỗng nhiên đi nhớ người không nhớ mình” (Tiếng vọng). Hay những câu mang tâm trạng hoài nhớ của người thi sĩ già đầu bạc khi ngoái nhìn lại thời hoa niên nhiều sương khói, thấp thoáng bóng người xưa “Đâu biết ngày nay mẹ đã già/ Em giờ hương sắc cũng phôi pha/ Còn ta xuôi ngược không dừng bước/ Tổ cũ đàn chim chẳng lại qua”; “Những làn cỏ biếc mịn như nhung/ Những cánh hoa tươi nở giữa đồng/ Hỡi cảnh năm xưa còn có nhớ/ Những người thân mến của ta không?” (Nhớ tuổi hoa niên). Tâm thế ông không bắt kịp nhịp thời đại, hay gu người thưởng thức thời nay đã khác? Hay bởi tại tâm lý thường tình của con người ta xưa nay là hay “hậu cổ mà bạc kim”?

Sống mãi với nét cũ, hồn xưa

Trong đời thực, Đoàn Văn Cừ là người khiêm cung (khiêm tốn với đời và cung kính với người) thích cái sự bình yên, tĩnh lặng, ngại bon chen. Tuy cùng một trường thơ, song Đoàn Văn Cừ như một đối cực của Nguyễn Bính, người đồng hương tài hoa, cũng là người đồng thời. Nếu như Đoàn Văn Cừ “tĩnh” thì Nguyễn Bính “động”. Đã đa tình, lại có máu giang hồ với triết lý “Sống là sống để mà đi/ Con tàu bạn hữu chuyến xe nhân tình”, Nguyễn Bính sớm dan díu với kinh thành để rồi “đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe”. Thi sĩ họ Đoàn không quá đa tình, đa đoan, nên cũng không mấy thất tình hay bị phụ tình để phải “van”, “khóc” như thi nhân họ Nguyễn. Thơ ông cũng không có sự giằng xé giữa “quê” và “tỉnh”. Ông như bằng lòng, ổn thỏa với quê và chí thú săn tìm nét đẹp, cái tinh túy, ý vị nơi đường thôn, ao làng, hoa đồng, cỏ nội. Hòa đồng với đám cư dân nô nức dưới trăng tà nên ông không cô đơn, dù đây đó thơ ông vẫn man mác, bàng bạc một nỗi buồn xa vắng muôn thuở của đồng quê Việt.

 “Hậu vận” của tác giả thôn ca cũng rất khác với tác giả lỡ bước sang ngang. Nguyễn Bính, người lĩnh xướng trường thơ Quê, từ giã cõi người năm 49 tuổi trong cảnh cô đơn, nghèo khổ giữa những năm tháng sơ tán, khét lẹt khói bom, chờn vờn cái chết, dù ông yêu nhiều và không chỉ một lần kết hôn. Đoàn Văn Cừ sống chết với “cô gái xứ quê/ Ngày ngày đội chiếc nón mê ra đồng”. Trời đã cho ông tuổi thọ (ông sinh sinh năm 1913, mất năm 2004, thọ 91 tuổi) cùng với một gia đình yên ấm, con cái thành đạt. Con trai ông, họa sĩ Đoàn Xuân Nguyên, là nhà giáo ưu tú, cũng nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, như bố.

 Điều thú vị là, nếu như những phiên chợ tết, đám hội, đám cưới trong thơ Đoàn Văn Cừ đẹp như những bức tranh cổ, thì tranh của Đoàn Văn Nguyên lại phảng phất chất thơ dân dã mà lãng mạn trong thôn ca. Nói như người xưa thì, thơ của bố đã là “thi trung hữu họa” thì tranh của con tất sẽ là “họa trung hữu thi”. Hoặc nói văn vẻ như nhà thơ Hi Lạp Simonides: “Thơ là họa cảm thấy, họa là thơ trông thấy”.

Được biết, nhiều bức sơn mài “để đời” của họa sĩ Đoàn Xuân Nguyên đã lấy cảm hứng từ thơ bố mình, như những bài chợ tết, đám hội, đàn trâu bòBởi theo họa sĩ “Chỉ có những bức tranh sơn mài mới tồn tại vĩnh viễn, thách thức thời gian, tranh càng xưa càng nên “nước thời gian” thì lại càng lóng lánh”. Tương tự, những bức tranh thơ của Đoàn Văn Cừ cũng vậy. Càng tắm gội “nước thời gian” thì lại càng sáng giá, cho dù người thi sĩ bơ phờ mái tóc bông từ lâu đã nhập hồn vào đất nước, non sông cùng cây cỏ cùng bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ.

Dù biết là khập khiễng và có phần suồng sã, vẫn có thể xem Thôn ca là một món đặc sản gia truyền, thuần Việt, như món phở, món chả, mà chỉ một đầu bếp sành chữ nghĩa, tinh sắc màu, và nhất là có một tấm lòng đắm đuối với làng, sống chết với quê như Đoàn Văn Cừ mới dụng công làm ra được. Nhờ món đặc sản thôn ca ấy mà thi sĩ họ Đoàn có chỗ đứng vững chắc trong trào lưu Thơ mới, cũng như trong dòng chảy của thơ ca Việt hiện đại, nói chung. Thiết nghĩ, nếu thiếu vắng một Đoàn Văn Cừ, thiếu vắng một thôn ca sẽ là một  thiệt thòi đáng kể cho nền thơ Việt hiện đại.

Nhìn chung, cảnh và người trong thơ Đoàn Văn Cừ mạnh về ngoại hình mà ít bộc lộ về nội tâm, cũng không có cái mặc cảm về thân phận, bất an về thời thế, là những cái mà Nguyễn Bính lại có thế mạnh. Thơ ông tuy nhiều cảnh, lắm người, đa màu sắc, song vẫn là tĩnh. Nó thiên về dãi bày, níu giữ, ổn thỏa, mà thiếu cái xôn xao rạo rực, hay cái băn khoăn dò tìm, cùng sự va đập, tra vấn cần thiết. Cái “tạng” của ông thế. Thơ ông mang vẻ đẹp của những bức tranh cổ thực thụ, chứ không phải loại đồ “giả cổ”, song lại không có vẻ gì của tranh Đường-Tống, mà rất Việt Nam - một Việt Nam ở cái thời còn phác thực, nguyên sơ, nguyên bản, với ít nhiều sự huyền bí, linh thiêng.

Trong thời đại biến đổi nhanh và khó lường này, thơ ông như một chiếc phao tinh thần giúp ta neo giữ niềm tin vào con người và cuộc đời dù còn nhiều khốn khó, bất trắc này. Có người tiếc cho ông, nên giá ông thế này, giá ông thế kia. Tỷ như, nếu ông in Thôn ca sớm, thì biết đâu ông đã được Tự lực văn đoàn trao giải khuyến khích, như Nguyễn Bính, Anh Thơ, Tế Hanh. Giá ông mở rộng biên độ thơ, đa dạng bút pháp thì sự nghiệp thi ca ông còn “lớn” hơn. Giá ông giao du nhiều hơn, biết cơi nới mình, thì biết đâu ông cũng có vai vế, địa vị này khác trong làng văn nghệ xứ ta.

Ông lành quá, ngây thơ quá, bằng lòng quá!

Song, nếu thế thì còn đâu là một Đoàn Văn Cừ “ẩn sĩ của thảo lư sông Ngọc” - Người mà ba lần Hoài Thanh (và Hoài Chân) phải dò tìm, réo gọi - một “giai thoại đẹp có thật” trên thi đàn đương thời. Cái hay của ông là vừa xuất hiện thì phong cách thơ riêng đã định hình, mà cái khó cũng là ở đấy. Ông sinh ra để làm người níu giữ “cả một thời quá khứ”, cái quá khứ vàng son một đi không trở lại, nhuốm màu thần thoại, cổ tích đã làm nên ký ức văn hóa của dân tộc, mà nếu mất nó, nói dại, thì phải xem như... mất tất cả.

Cái hồn xưa, hồn dân tộc này chỉ chọn một số người để kết tinh, ký gửi, ẩn náu, trong số đó Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ là xuất sắc hơn cả. Giữ gìn cái nét xưa, hồn xưa, cũng là cái điều mà hơn nửa thế kỷ trước các tác giả của Thi nhân Việt Nam với cảm quan bén nhạy của mình, đã sớm băn khoăn, lo lắng “Những hình ảnh cuộc đời Việt Nam xưa còn lưu lại trong thời nay chẳng bao lâu sẽ mất hết. Nếu ta không gấp gáp ghi chép lấy thì rồi chẳng biết tìm kiếm vào đâu!”. Còn như cái việc lớn lao, hệ trọng, mà thời đại đòi hỏi, dân tộc giao phó, tỷ dụ như đập vỡ các khuôn mẫu, tái tạo lại càn khôn, làm mới lại lịch sử, hiện đại hóa tầm nhìn, nếp nghĩ, nếp cảm, thiết tưởng là sứ mệnh của cái người được Thượng đế bí mật rỉ tai, không thuộc việc của tác giả thôn ca. Nói về mình, có lần Đoàn Văn Cừ bộc bạch: “Ngót 60 năm cầm bút tôi chỉ có một ước mơ khiêm tốn: “Trong thơ góp một đường cày - Nước non gieo hạt mong ngày nở hoa”.

            Thi nghiệp của Đoàn Văn Cừ không đồ sộ, mà độc đáo, không chỉ có giá trị hôm nay mà còn cho mai hậu. Thời nay, bói đâu ra một thi sĩ kiểu như ông, cả về nhân cách và văn cách. Ông đã cách xa chúng ta một thế giới. Dù từ lâu ông không gửi “nụ cười ngũ sắc” mỗi khi tết đến xuân về, nhưng ông vẫn đồng hành cùng chúng ta, vẫy chào chúng ta với một nụ cười vừa chân thành, hồn nhiên, vừa sâu sắc, hóm hỉnh. Ông vẫn sống, chừng nào con dân Việt trên mảnh đất chữ S này còn ăn tết, mở hội, cưới xin, đình đám, vì đơn giản một điều như Hoài Thanh (và Hoài Chân) đã viết Cái tên Đoàn Văn Cừ… đã lẫn với màu bánh chưng, mùi thuốc pháo, vị mứt gừng.

                                    Cố viên, Hải Thanh, Hải Hậu, đầu Hạ, 2022

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét